Dẫn Nhập Triết Học

Chương
Triết học
Chương
Triết học

Chương 2. Các triết gia Tiền Socrates

1. Các nhà hiền triết

Những nhà tư tưởng sớm nhất của Hy-lạp là những nhà thơ và những nhà chú giải cho tôn giáo truyền thống. Những nhà văn viết thần thoại, như Hesiod hay Homer, và đôi khi, những nhà tiên tri, như Epimenides thành Cnossos, không có bất cứ chỗ đứng nào trong lịch sử triết học theo nghĩa chặt. Dựa trên quan điểm của Aristotle, triết học Hy-lạp chỉ thực sự bắt đầu từ Thales thành Miletus, một trong những nhà hiền triết hay hiền nhân sống ở thế kỷ VII hoặc VI TCN.1

Mục đích chủ yếu mà các nhà hiền triết này hướng tới là sự cải thiện đối với hành vi của đồng bào mình. Những châm ngôn của họ, bao gồm một số câu mà Plato đã trích dẫn trong Protagoras, không gì khác hơn chính là hiện thân của những bài học thực tiễn được rút ra từ kinh nghiệm sống. Họ là những nhà hoạt động, nhà lập pháp, nhà luân lý, nhà khôn ngoan, nhưng chưa bao giờ là những triết gia, ngoại trừ Thales, người đầu tiên bước chân vào suy đoán khoa học.

Phần lớn các triết gia kế vị ông vẫn là những người đóng vai trò tích cực trong các vấn đề cộng đồng, bao gồm các chính trị gia năng nổ của thành bang; nhưng bất chấp những hoạt động mang tính thực tiễn ấy, họ đã ít nhiều có ý thức rõ ràng ngay từ đầu về bản tính thực sự của khôn ngoan nơi mình. Hơn nữa, nếu bỏ qua một vài trường hợp cá biệt như Empedocles, một người hành nghề pháp sư, và Pythagoras, người lập ra một giáo phái tôn giáo, thì triết học Hy-lạp đã sớm có sự phân biệt với tôn giáo—nó thực sự nổi lên như một nhà phê bình và đối thủ đáng gờm của những thần thoại, đồng thời, cách hiển nhiên, là một sản phẩm của lý luận thuần túy.

Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến tiến trình phát triển của triết học Hy-lạp từ thời Thales đến Aristotle, bởi lẽ chính trong thời kỳ này, triết học, cùng với giá trị tuyệt đối của nó đối với toàn thể nhân loại, đã có được hình hài rõ ràng. Quá trình này kéo dài khoảng ba thế kỷ và có thể chia thành ba giai đoạn, bao gồm: thời kỳ hình thành (với các triết gia Tiền Socrates), thời kỳ khủng hoảng (với các nhà ngụy biện và Socrates) và thời kỳ trưởng thành thực sự (với Plato và Aristotle).

2. Các triết gia Ionia

Khi con người, với lý trí không được trợ giúp, bắt đầu tìm kiếm các nguyên lý và nguyên nhân của sự vật, thì điều đầu tiên được đưa vào trí anh ta chính là những gì anh ta thấy và chạm, những gì anh ta nhận biết bằng các giác quan; và khi cố gắng hiểu bất cứ thứ gì, anh ta sẽ bắt đầu bằng cách hỏi: nó được làm ra từ cái gì? Vì vậy, ở nơi sự vật, các nhà tư tưởng tiên khởi của Hy-lạp chỉ xét đến yếu tố vật chất đã cấu thành nên chúng, hay chất thể, cái mà họ ngây thơ coi là lời giải thích hoàn chỉnh cho sự vật. Hơn nữa, vì hiện tượng phổ quát và quan trọng nhất của tự nhiên là biến đổi, đặc biệt là biến đổi từ vật thể này sang vật thể khác (chẳng hạn, gỗ biến đổi thành lửa), nên họ kết luận rằng chất thể nguyên thủy mà nhờ đó, tất cả mọi sự vật được tạo thành, phải đồng nhất trong mọi sự và là chủ thể chung của tất cả những biến đổi hữu hình. Nhưng vì không thể quan niệm bất cứ nguyên lý vô hình hay không thể sờ chạm nào, nên họ nghĩ rằng mình đã khám phá xong vấn đề này trong một số những yếu tố được nhận thức bởi giác quan.

2.1. Thales và những người kế vị

Thales (624-546 TCN), bị ảnh hưởng bởi những thần thoại trong truyền thống cho rằng vạn vật đều phát xuất từ nước, và lập luận dựa trên sự kiện rằng thực vật và động vật “được nuôi dưỡng bằng hơi ẩm”, rằng sự ẩm ướt là mầm mống của sự sống động vật, đã đi đến kết luận: nước là bản thể duy nhất và bảo tồn tính đồng nhất của nó xuyên qua mọi sự biến đổi của các vật thể. Đối với Anaximenes (588-524 TCN), bản thể này là khí, đối với Heraclitus (540-475 TCN?) là lửa, và đối với Anaximander (610-547 TCN) là vô cực – một hỗn hợp của tất cả các yếu tố đối lập giúp ông hiểu được cái vô định, ἂπειρον [ápeiron]. Hơn nữa, nước, khí, lửa và vô cực ở đây được các triết gia này coi như thứ gì đó năng động, sống động, cử động và được phú bẩm bởi một nội lực có khả năng sản sinh dồi dào và vô hạn. Đây là ý nghĩa của câu châm ngôn mà Thales từng tuyên bố: “mọi sự đều đầy ắp thánh thần”, πάντα πλήρη θεῶν [pánta plíri theón].2 Từ lịch sử của trường phái Ionia hết sức cổ xưa này, triết học đã được gọi là thuyết vật hoạt (hylozoism), vì nó đã gán sự sống (ζωή [zoí]) cho chất thể (ὕλη [ýli]). Chúng ta có thể xem thuyết nhất nguyên duy vật này, thứ đã dạy về sự hiện hữu của một bản thể duy nhất của thế giới vật chất, cùng với thuyết tiến hóa, thứ đã cố gắng giải thích mọi sự bằng một tiến trình lịch sử của sự mở ra, phát triển, hay tiến hóa của một cái gì đó tiền hiện hữu; là những dạng thức sơ đẳng và thô sơ nhất của các học thuyết triết học.

Thuyết tiến hóa, một mặt khởi từ siêu hình học Đức, mặt khác, nhờ vào Darwin và Spencer, đã trở nên rất phổ biến vào thế kỷ XIX này, nhưng thực ra đã được các nhà vật lý của thế kỷ thứ VI và thứ V TCN giảng dạy ở Hy-lạp.3 Đặc biệt, Anaximander đã phát biểu về sự tiến hóa vĩnh cửu của các giới “xuất hiện và biến mất trong những khoảng thời gian dài”, đồng thời, nắm giữ quan điểm cho rằng các loài động vật đã trỗi dậy từ lớp bùn dưới đáy biển, ban đầu được bao quanh bởi một lớp vỏ gai, thứ sẽ rụng xuống khi chúng lên sống trên mặt đất;4 và rằng con người, sau khi sinh ra từ một loài động vật5 có tổ tiên là loài cá, sẽ dần phát triển hoàn thiện và bị đẩy ra khỏi bầy đàn ngay khi vừa đủ lớn để tự nuôi sống bản thân.6

Empedocles thành Agrigentum (493-433 TCN?) là người sẽ có những suy đoán bổ sung tiếp theo nhằm đẩy thuyết tiến hóa của người Ionia đi xa thêm một bước,7 ông đã giải thích nguồn gốc của các hữu thể sống bằng cách tách riêng sự hình thành của các cơ quan và chi thể; như đầu, mắt, tay,…; những thứ mà ông cho là đã tham gia một cách tình cờ vào mọi sự kết hợp khả dĩ, trong đó, chỉ những cá thể nào sống sót được sau những kết hợp như vậy mới phù hợp để sống (x. Nguyên lý của Darwin về sự sống sót của các cá thể thích nghi trong chọn lọc tự nhiên).

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, trước Democritus, cả Anaximander và Empedocles, đều giống như thuyết tiến hóa mạo danh khoa học của thời hiện đại, đã cố gắng giải thích mọi sự vật theo kiểu cơ học, có nghĩa là, như một tập hợp đơn thuần của các yếu tố vật chất dưới tác động của chuyển động bên trong.

2.2. Những nhà vật lý vĩ đại

Trong số các nhà vật lý, theo cách gọi của Aristotle, hay các triết gia của thế giới khả giác, phải kể đến ba nhà tư tưởng vĩ đại là Heraclitus, Democritus và Anaxagoras.

2.2.1. Heraclitus

Heraclitus thành Ephesus,8 một thiên tài cô độc và kiêu ngạo, người coi thường tôn giáo truyền thống được yêu thích bởi số đông, đã rút ra từ tư tưởng của các triết gia Ionia những giả thiết siêu hình tối hậu, từ đó, để lại cho hậu thế một trong những thái cực của suy đoán và sai lầm. Một thực tại cá biệt mà ông nhận thức được nơi các sự vật đã thống trị trí năng của ông đến nỗi biến ông trở thành nô lệ tuyệt vọng của nó. Thực tại đó là biến đổi hay biến hóa, thứ đã chiếm trọn hướng nhìn của Heraclitus tới mức khiến ông tuyên bố rằng chỉ có biến đổi mới là thật. Πάντα ῥεῖ [pánta reí], mọi sự đều trôi chảy; và con người là những kẻ khờ dại vì tin tưởng vào sự vững bền nơi hạnh phúc giả tạo của mình, “khi sinh ra, họ ước mong được sống và đón nhận sự diệt vong—hay đúng hơn phải là được an nghỉ—và họ bỏ con cái mình lại phía sau để tới lượt mình, chúng lại đón nhận sự diệt vong của chúng.” Chúng ta không chạm hai lần vào cùng một thứ và cũng không tắm hai lần trong cùng một dòng sông. Ngay khoảnh khắc chúng ta chạm vào một vật thể, nó đã không còn là nó nữa rồi. Bất cứ thứ gì hiện hữu đều biến đổi từ trong chính sự hiện hữu của nó vậy.

Điều này có nghĩa là sự biến đổi không có chủ thể nào thường hằng và thường tồn đồng nhất với chính nó, tựa như một quả bóng bi-a không còn là nó khi tham gia chuyển động. Vậy nên, khi nói về sự vật, chúng ta buộc phải tuyên bố một cách rõ ràng rằng cái hiện hữu (sự vật biến đổi) và đồng thời, cái không hiện hữu (bởi không có thứ gì cố định xuyên suốt sự biến đổi). “Chúng ta bước và không bước xuống cùng một dòng sông; chúng ta hiện hữu và không hiện hữu.” Hơn nữa, những điều đối lập phải được phát ngôn một cách đồng nhất. Biển là vùng nước tinh khiết nhất và không tinh khiết nhất. Khỏe mạnh và ốm yếu là một. Hay như Aristotle viết trong một trích đoạn nổi tiếng:

“Không ai có thể quan niệm về cùng một thứ rằng nó hiện hữu và không hiện hữu. Theo một số người, Heraclitus thực ra không có ý như vậy, nhưng chúng ta không có nghĩa vụ phải tin rằng một người thực sự đã nghĩ gì về bất cứ điều gì anh ta nói. Lập luận trong quan điểm mà các triết gia này nắm giữ là chỉ những đối tượng khả giác mới được chấp nhận là thực tại, và vì họ nhận thức rằng thế giới khả giác nằm trong chuyển động vĩnh hằng, nên một số người đã đồng tình với Cratylus91 rằng chúng ta không thể đưa ra bất cứ tuyên bố nào về nó; và ông hài lòng khi xua ngón tay của mình.”10

Chủ nghĩa hoài nghi này là hệ quả tất yếu của triết học Heraclitus về dòng chảy thuần túy, bất chấp xác tín của cá nhân ông về thực tại và giá trị của chân lý. “Nếu bạn không chờ đợi điều bất ngờ (không được chờ đợi), bạn sẽ không tìm thấy sự thật, vì nó khó tìm và khó với.”

Do đó, Heraclitus là triết gia về tiến hóa và biến hóa. Theo quan điểm của ông, mọi sự vật đều là những sự phân hóa được tạo ra bởi xung đột hay bất hòa (πόλεμος πατὴρ πάντων [pólemos patír pánton]) phát xuất từ một nguyên lý chuyển động duy nhất mà ông quan niệm dưới dạng lửa, một ngọn lửa phiêu bồng, sống động và thần thánh. Vì thế, điều có thể dễ dàng nhận thấy rõ ngay từ đầu ở đây là quan điểm này đã xâu chuỗi mọi triết lý về biến hóa thuần túy với thuyết nhất nguyên11 hay thuyết phiếm thần.12 Theo Aristotle,13 “nếu bạn chủ trương rằng tất cả mọi hữu thể là một với nhau, bạn chỉ đơn giản là trở lại quan điểm của Heraclitus. Tất cả các sự vật sau đó sẽ bị lẫn lộn, thiện và ác trở nên đồng nhất, người và ngựa cũng chỉ là một. Nhưng quan điểm này không thực sự chủ trương rằng các hữu thể là một với nhau, mà cho rằng chúng không là gì cả.”

2.2.2. Democritus

Sinh ra vài năm sau khi Heraclitus qua đời, Democritus thành Abdera (470-361 TCN?), một người có trí tuệ khiêm tốn hơn và có thiên hướng tìm kiếm những ý niệm dễ hiểu, đã cố gắng khám phá trong dòng chảy của các hiện tượng khả giác một yếu tố thường hằng và bất biến; nhưng trong việc tìm kiếm yếu tố bất biến này, ông đã sử dụng trí tưởng tượng hơn là hiểu biết. Do đó, thực tại duy nhất mà ông có thể nhận ra là một cái gì đó mà mặc dù các giác quan không thể tiếp cận được, nhưng vẫn có thể được tiếp thu bằng trí tưởng tượng—cụ thể là một lượng hình học thuần túy đã tước bỏ mọi phẩm tính (không màu, không mùi, không vị, v.v.) và chỉ sở hữu duy nhất trương độ [hay phần mở rộng] trong không gian ba chiều. Democritus đã tìm ra lời giải thích cho mọi sự bằng khái niệm khoảng lấp đầy, mà ông đồng nhất với hữu thể, và khoảng không, được đồng nhất với cái phi thực thể. Khoảng lấp đầy sau đó lại được chia thành các phần nhỏ hơn và không thể phân chia được nữa (hay “nguyên tử”) của trương độ. Các “nguyên tử” được ngăn cách với nhau bởi các khoảng không và nằm trong trạng thái chuyển động vô hạn; chúng chỉ khác nhau về hình dạng,14 trật tự,15 và vị trí.16 Trật tự của vũ trụ và cấu trúc của các hữu thể cá thể được ông gán cho tính tất yếu không thấy được của may rủi. Do đó, trong suốt thời đại của Socrates, Democritus17 đã đưa vào triết học Hy-lạp học thuyết của thuyết nguyên tử, hay tổng quát hơn, là loại triết học được định danh cơ học, thứ đã nâng hình học lên vị trí của siêu hình học và giản lược mọi sự về những trương độ và chuyển động. Nó tuyên bố giải thích sự tổ chức của vũ trụ bằng một loạt những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Theo cách này, ngôi đền Parthenon có thể được “giải thích” như là kết quả của việc tung những hòn đá chồng lên nhau trong một thời hạn không xác định kéo dài nhiều năm, và những vở bi kịch của Jean Racine chỉ đơn giản là sự xáo trộn bừa bãi những con chữ trong một quá trình đủ dài.

2.2.3. Anaxagoras

Sau cùng, Anaxagoras thành Clazomenae (500-428 TCN), bạn hữu của chính trị gia Pericles, đã chuyển hướng triết học Hy-lạp sang một nguồn khai sáng trí tuệ ở mức độ cao hơn. Thay vì tiếp đà các triết gia Ionia, ông đã sửa chữa những suy đoán của họ với sự trợ giúp của những ý tưởng mà phải thú thực là vẫn còn không đạt hoặc không thể đem ra sử dụng.

Một mặt, ông nhận thức rằng nguyên lý chất thể hình thành nên mọi vật thể, thứ mà các triết gia Ionia đồng nhất với một yếu tố cá biệt, bằng cách nào đó, phải chứa đựng sẵn trong nó toàn bộ tính đa dạng mà nó sẽ sinh ra: trừ khi mọi sự đã nằm trong mọi sự, cái không mới có thể đến từ cái không.18 Do đó, ông kết luận rằng nguyên lý đang được đề cập sẽ bao gồm một hỗn hợp vô tận của tất cả các bản tính và phẩm tính theo kiểu mà mỗi hạt hữu hình đều hàm chứa bên trong nó các yếu tố (đồng phân) của tất cả các phần còn lại. Đây là một quan niệm kỳ lạ, và như Anaxagoras đã dạy, là không đáng để đưa ra thảo luận nghiêm túc, nhưng tuy nhiên, lại là sự phủ nhận thô thiển với quan niệm của Aristotle về chất thể đệ nhất (materia prima), thứ không là gì trong hiện thể, nhưng lại là tất cả các vật thể trong tiềm thể.

Mặt khác, trong tuyên bố chính của Anaxagoras, ông đã nhận ra rằng nguyên lý chất thể, cái mà nhờ đó vạn vật được tạo thành, là không đủ để giải thích về chúng. Chúng ta còn phải tìm ra tác nhân tạo ra chúng (nguyên nhân hữu hiệu hay nguyên nhân chuyển động) và mục đích mà vì đó, tác nhân này hành động (nguyên nhân mục đích). Liệu có phải, như Plato đã hỏi sau này, một lời giải thích đầy đủ về việc Socrates đang ngồi tù sẽ trình bày rằng đó là do ông có xương, khớp và cơ đang được sắp xếp theo một kiểu cá biệt? Và hơn nữa, chúng ta cũng phải tìm hiểu xem ai đã tạo ra sự xếp đặt của những phần xương và cơ này—cách cụ thể, là chính Socrates với ý chí của ông—và tại sao người ấy lại muốn như vậy.

Vì Anaxagoras đã đi đến nhận thức rằng bên cạnh các yếu tố chất thể của vạn vật, còn nhất thiết phải tồn tại một Trí Tuệ tách biệt (νοῦς [noús]), và chỉ mình nó, là đạo diễn của trật tự vũ trụ, nên Aristotle nhận xét rằng ông đã “giữ tỉnh táo” trong khi tất cả các triết gia cùng thời khác, vì say sưa với thứ rượu của vẻ ngoài khả giác, “đã nói năng những điều bậy bạ.”19

3. Các triết gia Italia: Pythagoras

Bên cạnh trường phái triết học Ionia, trong thế giới Hy-lạp thế kỷ VI và V TCN, còn có hai trường phái nổi tiếng khác là phái Pythagoras và phái Elea.

Pythagoras thành Samos (572-500 hoặc 582-497 TCN) là người sáng lập ra một hội nhóm triết học có tính cách tôn giáo và chính trị đã nắm giữ quyền kiểm soát một số thành phố thuộc vùng Magna Graecia (miền nam nước Ý) và đã bị giải tán bằng bạo lực.20 Pythagoras hiểu rằng ngoài các thực tại khả giác, còn có những thực tại khác thuộc về một trật tự cao hơn. Nhưng vì nhờ vào việc nghiên cứu các con số để đạt tới tri ​​thức về những thực tại vô hình này, những thực tại mà trật tự bất biến của chúng đã chi phối và xác định quá trình biến hóa; nên ông chỉ hiểu về riêng những con số mà thôi. Không bằng lòng với lời dạy về sự hiện diện của một nguyên lý ẩn tàng giúp đo lường và tạo ra sự hài hòa nơi mọi vật thể cũng như toàn vũ trụ, ông dạy rằng những con số—thứ mà nhờ đó, sự hài hòa được bày ra trước các giác quan của chúng ta—là thực tại chân chính duy nhất, đồng thời, coi chúng là bản chất của các sự vật. Không chỉ là người thông thạo các quan sát của khoa chiêm tinh Đông phương, Pythagoras còn là chủ nhân của những khám phá nền tảng về mối quan hệ giữa cao độ của âm thanh và độ dài của dây dao động. Hãy tưởng tượng sự kinh ngạc tột độ mà ông hẳn đã trải qua khi khám phá ra, đằng sau dòng chảy của các hiện tượng khả giác, là những tỷ lệ không đổi và phi vật chất hoàn toàn khả niệm, nhờ đó, nhà toán học có được lời giải thích về các quy luật mà con người đã quan sát. Ngoài ra, cũng hãy xem xét giá trị mang tính biểu tượng và bí ẩn của các con số được chứng thực giống nhau bởi cả truyền thống thiêng liêng và các triết gia (từ Aristotle, người bày tỏ lòng kính trọng đối với sự linh thiêng của con số 3, đến Auguste Comte, người sẽ xây dựng toàn bộ thần thoại về các số nguyên tố). Bằng cách đó, chúng ta hoàn toàn hiểu được rằng tại sao tư tưởng của Pythagoras và các môn đệ của ông lại chuyển hướng một cách tự nhiên từ ký hiệu sang nguyên nhân và biến biểu tượng thành một nguyên lý của thực tại.

Do đó, từ sự đối lập giữa cái xác định và cái không xác định (hay vô hạn) phát xuất từ tất cả các cặp đối lập cơ bản—lẻ và chẵn, đơn và đa, phải và trái, nam và nữ, tĩnh và động, thẳng và cong, sáng và tối, thiện và ác,…—vốn xác định bản tính và hoạt động của các sự vật, Pythagoras đã coi các nguyên lý số học là nguyên lý chung cho mọi sự vật hiện hữu. Đối với ông, mọi bản chất đều có số của nó và mọi bản chất đều là một con số. Chẳng hạn, số 4 không chỉ đơn giản là một minh họa cho công lý, nó cấu thành nên bản chất của công lý; tương tự như vậy, số 3 cấu thành nên thánh thiện, số 7 nên thời gian, số 8 nên hài hòa, số 5 nên sự hiệp nhất của các giới tính, số 10 nên sự hoàn hảo. Và khi các con số, thứ mà tự chúng không được định vị, nhận lấy một vị trí trong không gian, khi ấy, các vật thể sẽ đi vào hiện hữu. Do đó, mọi suy đoán về nguồn gốc hay bản tính của các sự vật đã tự phân tích thành suy đoán về khởi nguyên và các tính chất của những con số.

Chính vì vậy, Pythagoras và những người theo trường phái của ông, những người mà ngành toán học, âm nhạc và thiên văn mắc nợ rất nhiều, đã chưa một lần chạm tới quan niệm đúng đắn về triết học đệ nhất hay siêu hình học. Và mặc dù đạt tới một tư duy trừu tượng ở cấp độ trổi vượt hơn so với những người Ionia, và giống như họ, không bị lẫn lộn siêu hình học với vật lý học; tuy nhiên, họ đã nhầm lẫn nó với khoa học về các con số, và hơn thế, đã thu nhận vào tư tưởng những cách giải thích ngả theo phẩm tính. Vì vậy, bất chấp những nỗ lực nhằm tiếp cận đối tượng của trí tuệ thuần túy, họ đã bị giữ chặt bởi những sợi dây của trí tưởng tượng. Và mặt khác, nếu họ nhận thức rằng bản tính của các sự vật được xác định cách nội tại bởi các nguyên lý phi chất thể, đúng đắn và chân thực hơn những gì có thể thấy hoặc chạm, thì họ vẫn chưa thể đạt tới khái niệm về nguyên nhân mô thức, thứ mà sự trình bày sáng tỏ và đầy đủ về nó chỉ được đưa ra bởi Aristotle mà thôi.

Với Pythagoras, như đã lưu ý, chúng ta mắc nợ ông thuật ngữ triết học. Một trích đoạn của Diogenes Laertius (VIII, 8) cho thấy rằng đối với ông, phẩm giá của khoa học cốt ở đặc điểm suy đoán thuần túy và vô vị lợi của nó, một điểm mà Aristotle, trong phần đầu cuốn Siêu hình học, đã đặc biệt nhấn mạnh. “Đời sống con người có thể ví như những trò chơi nơi công cộng, những trò chơi thu hút nhiều hạng người khác nhau. Một số đến để tranh giành danh hiệu và vương miện chiến thắng, một số khác đến để buôn bán, và một số khác, cao quý hơn, chỉ đơn giản là đến để thưởng thức những màn biểu diễn. Tương tự như vậy, trong đời sống con người, một số làm việc vì danh dự, một số làm vì lợi nhuận, và một số khác chỉ làm vì sự thật; và họ là những triết gia…” Pythagoras dường như cũng đã dạy về tính đơn nhất của Thiên Chúa, Đấng mà ông coi là một Linh Hồn hiện diện khắp mọi nơi và phát sinh ra các linh hồn của chúng ta. Ông cũng là người đầu tiên đặt cho vũ trụ tên gọi κόσμος [kósmos], giống như mundus trong tiếng La-tinh, để truyền đạt ý niệm về cái đẹpsự hài hòa.

Giáo lý nổi tiếng nhất và bị chế giễu nhiều nhất của ông là học thuyết về sự luân hồi của các linh hồn, hay đầu thai, mà có lẽ ông đã nhận được không phải từ người Ai-cập, như Herodotus đề xuất, nhưng từ đạo Hin-đu (qua ngả đường Ba Tư).21 Đây là một học thuyết rất sớm nhận được sự tán đồng ở Hy-lạp bởi những người theo Orpheus và Pythagoras. Triết gia Xenophanes từng châm chọc ông như sau: “Một ngày nọ, khi một chú chó nhỏ bị người ta đánh đập tàn nhẫn, ông đã xót xa cho số phận của nó và kêu lên một cách đầy tội nghiệp: ‘Đừng đánh nó nữa. Nó là linh hồn của một trong số những người bạn của tôi; tôi đã nhận ra anh ấy khi lắng nghe giọng nói của anh.’”

Ngoài ra, những người theo trường phái Pythagoras còn tin rằng chu kỳ xoay vòng của vũ trụ, thứ sẽ lặp lại đến vô tận, sẽ phải làm cho mọi sự được tái diễn sau những khoảng thời gian rất dài, và như thế, chúng sẽ được tái tạo lại giống hệt ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất ở mỗi chu kỳ. Triết gia Eudemus, khi giảng dạy cho các môn đệ của mình, đã từng nói: “Theo Pythagoras, sẽ đến một ngày nào đó, tất cả anh em sẽ lại tập trung ở chính nơi mình từng ngồi để nghe giảng, và tôi sẽ lại kể cho anh em câu chuyện y như vậy thêm một lần nữa.”22

Sau cùng, thiên văn học là một trong những ngành khoa học mà trường phái Pythagoras đã phát triển thành công nhất. Philolaus, người đã dạy rằng trái đất, mặt trời và tất cả các vì sao đều xoay quanh một trung tâm bí ẩn của vũ trụ chứa đầy lửa, có thể được coi là tiền bối xa xôi của Copernicus. Tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực này, những người theo Pythagoras cũng rơi vào sai lầm bởi những nết xấu điển hình của đầu óc duy toán học. Aristotle viết:23 “Những người theo Pythagoras đã sinh trưởng trong môi trường của nghiên cứu toán học… họ tin rằng toàn bộ tầng trời là một thang âm và một con số. Tất cả tính chất của các con số và thang âm có thể đưa ra nhằm thống nhất với các thuộc tính, thành phần và toàn bộ sự xếp đặt trên trời, đều đã được họ thu thập và ghép vào phác đồ; và nếu có lỗ hổng ở bất cứ đâu, họ sẵn sàng bổ sung thêm để làm cho toàn bộ lý thuyết của mình trở nên mạch lạc. Chẳng hạn, vì số 10 được cho là sự hoàn hảo và bao gồm toàn bộ bản tính của các con số, nên họ nói rằng số vật thể di chuyển qua các tầng trời là mười; nhưng vì chỉ có chín vật thể xem thấy được, nên để đáp ứng điều này, họ liền phát minh ra cái thứ mười—phản trái đất—như vậy, họ không nghiên cứu các hiện tượng để khám phá nguyên nhân của chúng và kiểm chứng các giả thuyết, nhưng lại áp đặt lên các hiện tượng những giả thuyết và tin tưởng tiên kiến ​​của bản thân, để từ đó, đòi được hỗ trợ Chúa trong việc dựng nên vũ trụ.”

4. Phái Elea: Parmenides

Dù khó lòng tuyên bố cách chặt chẽ rằng các triết gia thuộc phái Elea là những người lập ra siêu hình học, vì họ đã không thể nắm bắt sự thật một cách chắc chắn, nhưng chúng ta phải ghi nhận công lao của họ trong việc nâng tư tưởng Hy-lạp lên tầm vóc siêu hình và đạt tới một mức độ trừu tượng cần thiết. Nhân vật gạo cội nhất trong trường phái này là Xenophanes, một người hát rong lang thang sinh ra vào khoảng năm 570 TCN tại Colophon, và sau đó, đã di cư đến thành Elea ở miền nam nước Ý do các cuộc chiến tranh xâm lược của người Ba Tư. Xenophanes đã dành cho thần thoại của các nhà thơ và quan điểm của số đông quần chúng một cái nhìn khinh miệt. Khi đề cập đến những tấm huy chương và sự tung hô mà người ta dành cho các vận động viên thể thao, ông nói: “Nghệ thuật của chúng ta cao trọng hơn rất nhiều so với sức lực của người và ngựa.” Ông đã dạy về tính đơn nhất tuyệt đối của Thiên Chúa, nhưng lại nhầm lẫn Người với vũ trụ vạn vật và tuyên bố theo nghĩa phiếm thần rằng: Thiên Chúa là một và tất cả, ἓν καὶ πᾶν [én kaí pán].

Tuy nhiên, Xenophanes không phải nhà tư tưởng sâu sắc nhất và cũng không phải là người đã thực sự lập ra phái Elea, thay vào đó, là một môn đệ của ông, Parmenides thành Elea (sinh năm 540 TCN), hay theo cách gọi của Plato, Parmenides vĩ đại. Vượt lên trên thế giới của các hiện tượng khả giác, và thậm chí, thế giới của các mô thức toán học hay bản chất và những con số, nơi các sự vật, ông đã đạt tới một thế giới cách thuần túy và chặt chẽ là đối tượng của trí năng. Vì không thể phủ nhận rằng chân lý đầu tiên về những thứ mà trí năng nhận thức được là việc chúng hiện hữu, hay hiện hữu của chúng; nên khái niệm hữu thể mà Parmenides rút ra đã gây ấn tượng mạnh cho ông đến mức biến ông thành nô lệ của nó. Nếu Heraclitus, người cùng thời với ông, được gọi là nô lệ của biến đổi, thì Parmenides chính là nô lệ của hữu thể. Ông chỉ đăm đăm nhìn vào đúng một điều: cái gì hiện hữu, và không thể không hiện hữu; hữu thể hiện hữu, và phi hữu thể không hiện hữu. Do đó, Parmenides là triết gia đầu tiên đã rút ra và phát biểu nguyên lý đồng nhất tính hay nguyên lý bất mâu thuẫn, vốn được xác định là nguyên lý đệ nhất của toàn bộ tư tưởng.

Và khi suy tính về hữu thể thuần túy, ông đã nhận ra rằng hữu thể này hoàn toàn là một, tuyệt đối, bất biến, vĩnh cửu, không biến hóa, không thể hư hoại, không thể phân chia, đầy đủ và trọn vẹn trong tính đơn nhất của mình, trổi vượt trên mọi hữu thể, vô hạn24 và chứa đựng nơi chính mình mọi sự hoàn hảo.25 Tuy nhiên, trong khi khám phá ra các thuộc tính của hữu thể này, ông đã phủ nhận khả năng hiện hữu của bất cứ hữu thể nào khác, đồng thời, không chấp nhận hữu thể được pha trộn với cái phi thực thể, do nó được tạo thành từ hư vô, của mọi loài thụ tạo.

Chính vì vậy, Parmenides đã lạc xa đến mức ông gán cho hữu thể thế gian những gì vốn chỉ thuộc về hữu thể không là thụ tạo. Và thay vì mắc sai lầm trong những gì mà mình tin là tri thức trọng yếu về hữu thể và lý trí, ông thích từ chối một cách liều lĩnh đối với chứng từ của các giác quan và phủ nhận sự hiện hữu trong một vũ trụ của những biến đổi hay của tính đa phức. Biến đổi, chuyển động, biến hóa, cũng như tính đa dạng của mọi sự, chỉ là vẻ ngoài huyễn hoặc. Chỉ có hữu thể duy nhất tồn tại, nhất thể.

Vậy phải chăng sự biến đổi ngụ ý rằng một đối tượng nào đó vừa đã hiện hữu, vừa đã không hiện hữu (thứ mà nó biến hóa thành); và đồng thời vừa tiếp tục, vừa không tiếp tục hiện hữu (thứ là nó trước đây)? Phải chăng tính đa phức ngụ ý rằng cái hiện hữu (cái này) không hiện hữu (cái kia)? Và từ đó, phải chăng tính đa phức và sự biến đổi mâu thuẫn với nguyên lý nền tảng rằng cái hiện hữu sở hữu trong chính mình sự hiện hữu và không phải phi hiện hữu?

Để bảo vệ học thuyết của Parmenides về tính bất khả dĩ này của biến đổi, Zeno thành Elea26 (sinh năm 487 TCN), một môn đệ của ông, đã đưa ra những lập luận nổi tiếng mà qua đó, ông tuyên bố chứng minh rằng chính khái niệm về chuyển động đã là một khái niệm tự mâu thuẫn. Những lập luận ấy của Zeno hiển nhiên là ngụy biện, nhưng quả thực, đã có sức thuyết phục và chỉ có thể bị bác bỏ bởi học thuyết của Aristotle sau này.

Như vậy, trong khi tiến tới thái cực đối lập với Heraclitus, Parmenides cũng đã ấn định một lần dứt khoát cho một trong những thái cực của suy đoán và sai lầm, và đã chứng minh rằng mọi triết học về hữu thể thuần túy, vì chúng phủ nhận loại phi hữu thể mà Aristotle gọi là tiềm thể, là cái tất yếu thuộc về mọi sự vật thụ tạo, có nghĩa vụ hấp thụ toàn bộ hữu thể vào trong hữu thể tuyệt đối, và do đó, chắc chắn dẫn đến thuyết nhất nguyên hoặc thuyết phiếm thần chẳng kém gì triết học về biến hóa thuần túy.


Chú thích

1 Tôi sử dụng bản dịch của Giáo sư Burnet (Triết học Hy-lạp sơ khai) đối với những trích đoạn của các triết gia thời sơ khai; còn đối với cuốn Siêu hình học của Aristotle, là bản dịch của Giáo sư W. D. Ross.

2 Aristotle, De Anima, i, 5, 411 a 7.

3 Ở Ấn Độ, vào thời kỳ này, cũng xuất hiện tôn giáo của thuyết tiến hóa.

4 Pseudo-Plutarchus, Placita Philosophorum, v, 19, 1. Dox. 430, 15.

5 Pseudo-Plutarchus, Stromata, frag. 2, Dox. 579, 17.

6 Plutarchus, Symposium, q. viii. 579, 17.

7 Empedocles đã thay thế một bản thể hữu hình duy nhất bằng bốn nguyên tố đặc biệt khác nhau, bốn nguyên tố này về sau đã trở thành bốn nguyên tố cổ điển của hóa học cổ đại—đất, nước, lửa, khí. Mối quan tâm chính của ông là khám phá nguyên nhân hữu hiệu của sự tiến hóa nơi các sự vật mà ông tin là cốt ở hai động lực chính: yêu và ghét. Empedocles không chỉ là một triết gia: ông còn là một pháp sư, bác sĩ, nhà thơ, nhà hùng biện và chính khách. Aristotle cho rằng ông là người đã phát minh ra thuật hùng biện.

8 Ngày sinh và ngày mất của Heraclitus là không chắc chắn. Ông ở độ tuổi đỉnh cao (άκμή, ákmí) khoảng năm 500 TCN.

9 Một trong những môn đệ nổi tiếng nhất của Heraclitus. Ông là thầy dạy đầu tiên của Plato. (Aristotle, Metaphysics, i, 6.)

10 Metaphysics, iv, 5, 1010 a 13.

11 Học thuyết cho rằng tất cả các sự vật là một hữu thể duy nhất.

12 Học thuyết đồng nhất vạn vật với Thiên Chúa.

13 Physics, i, 2, 185 b 19.

14 Chẳng hạn, như A khác với N.

15 Như AN khác với NA.

16 Như N khác với ký tự giống nó nhưng được sắp đặt cách khác: Z.

17 Cũng như thầy của ông, Leucippus. Nhưng liệu có phải Leucippus và Democritus đã đi theo con đường nào đó chịu ảnh hưởng của triết gia Ấn Độ, Kanada? Giả thuyết có khả năng đúng hơn là đã có một sự trùng hợp do tương đồng về quan điểm trí tuệ, nhất là nếu như Kanada, người sống ở niên đại rất không chắc chắn, sinh cùng thời hoặc thậm chí sau Democritus. Nói tóm lại, dường như không có lý do gì để tin rằng những suy đoán của người Đông phương đã ảnh hưởng lên tư tưởng Hy-lạp đến mức giống như thầy dạy theo nghĩa chặt, hay đã truyền cho nó bất cứ hệ thống cụ thể nào. Mặt khác, việc cho rằng nó ảnh hưởng lên người Hy-lạp bằng cách khơi dậy tinh thần tìm tòi theo hướng suy đoán và cung cấp chất liệu trí tuệ (thứ mà đúng ra chỉ riêng họ mới có thể xử lý cách khoa học) rõ ràng chỉ là kết luận đơn thuần phỏng theo thực tế rằng triết học Hy-lạp đã khởi đi từ những tỉnh có tiếp giáp với thế giới Đông phương.

18 X. Aristotle, Physics, i, 4, 187 a 26. Simplicius, Physics, 155, 23.

19 Metaphysics, i, 3, 984 b 18.

20 Trong xã hội này, sự phục tùng tuyệt đối chiếm ưu thế ngay cả trong lĩnh vực suy đoán. Chính trong tình huynh đệ của những người theo Pythagoras, không phải trong các trường học của Ki-tô Giáo thời Trung cổ, mà mọi thứ đều được quy về công thức: “Như Tôn sư đã nói”, Magister dixit, αὐτὸς ἔфα [aftós éfa].

21 Như Gomperz đã lưu ý, “người Hy-lạp gốc Á và một phần dân số của Ấn Độ đã là thần dân, khi Pythagoras rời Ionia quê hương của mình, của cùng một người cai trị, Cyrus, người lập nên Đế chế Ba Tư” (Thinkers of Greece, i, 3).

Nói tóm lại, qua trường phái Pythagoras, có vẻ như một số quan niệm và phương thức tư tưởng nhất định của người Đông phương đã du nhập vào Hy-lạp, rồi di chuyển từ triết thuyết Pythagoras sang triết thuyết Plato và Tân Plato, được mở rộng bởi những điều bổ sung, rồi pha trộn vào thuyết Ngộ đạo và ít nhiều dòng suy đoán không chính thống khác.

22 Simplicius, Physics, 732, 30 D. Nietzsche là người bị ám ảnh và đi đến tuyệt vọng bởi suy nghĩ “về sự tái diễn đến vô cùng của mọi sự” vốn phát xuất từ quan niệm kỳ dị này trong triết học Hy-lạp.

23 Metaphysics, i, 5, 986 a. De Caelo, ii, 13, 293 a.

24 Simplicius, Physics, 144, 25-145, 23. (Diels, frag. 8, 22.)

25 Aristotle, Physics, i, 3.

26 Không nên nhầm lẫn với Zeno phái khắc kỷ, người sống ở giai đoạn muộn hơn nhiều (350-264 TCN) và sinh ra tại Cittium, Síp.

Scroll to Top