Dẫn Nhập Triết Học

Chương
Triết học
Chương
Triết học

Chương 3. Các nhà ngụy biện và Socrates

1. Giới thiệu

Nỗ lực dài hơi của những người tiên phong trong lĩnh vực suy đoán mà chúng ta vừa tóm lược trên đây đã trang bị cho tư tưởng nhân loại một số chân lý nền tảng. Khi nhìn vào khối tri thức tổng hợp đồ sộ được dựng nên bao hàm những chân lý ấy, trong đó, chúng đã trở nên hài hòa và cân bằng sau khi được nhận thức một phần bởi các triết gia, chúng ta có thể chiêm ngắm sự hình thành chậm rãi của các trung tâm sống và huyết mạch của triết học với sự thán phục. Tuy nhiên, vào thời điểm thế kỷ V TCN ở Hy-lạp, những thành quả tốt đẹp này đã bị che khuất không chỉ bởi một mớ hỗn độn các lý thuyết mâu thuẫn nhau, nhưng còn bởi tần suất và mức độ trầm trọng của các sai lầm thường thấy, và có vẻ toàn bộ phong trào đã không đạt được bất cứ kết quả nào ngoại trừ tình trạng rối ren và vô cùng hỗn loạn.

Ngay từ đầu, các nhà tư tưởng của Hy-lạp đã khởi đi với hy vọng rằng mình sẽ biết hết mọi sự và có thể leo lên bầu trời của khôn ngoan chỉ bằng một bước chân. Chính tham vọng quá đáng này, cộng với thái độ thiếu kỷ luật và dè dặt trong khi xử lý các ý tưởng, đã khiến cho những khái niệm họ đưa ra bị cuốn vào một cuộc giao tranh loạn xạ, một trận chiến không ngừng nghỉ của các xác suất đối lập nhau. Kết quả trực tiếp và hiển nhiên của những nỗ lực nghiên cứu như vậy dường như là sự phá sản của tư tưởng suy đoán. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi giai đoạn kiến tạo này đã làm nảy sinh một cuộc khủng hoảng trong lịch sử tư tưởng, tại đó, một chứng bệnh trí tuệ đã thúc đẩy chính sự tồn tại của suy đoán triết học. Chứng bệnh ấy có tên là ngụy biện, hay rõ hơn, là sự băng hoại của triết học.

2. Các nhà ngụy biện

Ngụy biện không phải là một hệ thống các ý tưởng, nhưng là một thái độ xấu của trí óc. Xét về bề ngoài, các nhà ngụy biện là những người kế vị và môn đệ của các tư tưởng gia tiền bối—thậm chí, từ sophist [ngụy biện] ban đầu cũng không mang hàm nghĩa tiêu cực,—nhưng trên thực tế, họ hoàn toàn khác xa. Thay vì lấy cái hiện hữu, tức đối tượng của tri thức, họ đã chọn lợi nhuận cho chủ thể hiểu biết làm mục tiêu và nguyên tắc cho tri thức của mình.

Trên con đường thu tích của cải và tìm kiếm sự tung hô của người đời, các nhà ngụy biện có thể sắm vai những giáo sư, diễn giả, giáo viên, nhà báo, siêu nhân, tài tử, hay nói chung là bất cứ hạng người nào trên đời ngoại trừ những nhà khôn ngoan. Hippias, một bậc thầy xuất sắc trong cả thiên văn học, hình học, số học, ngữ âm, thi ca, âm nhạc, hội họa, dân tộc học, kỹ thuật ghi nhớ, sử thi, bi kịch, thơ trào phúng, thơ tán tụng, khuyến dụ đạo đức, đồng thời, làm đại sứ của thành phố Elis và buôn bán đa ngành (ông đã tham dự Thế vận hội Olympic trong trang phục do chính mình làm ra), có thể gợi cho chúng ta nhớ đến một số anh hùng của thời kỳ Phục hưng ở Ý. Trong khi đó, các nhà ngụy biện khác lại mang dáng dấp của những triết gia thế kỷ XVIII hay “các nhà khoa học” của thế kỷ XIX. Tuy nhiên, đặc điểm chung nổi bật nhất nơi tất cả các nhân vật này là họ đều chỉ tìm kiếm những lợi lộc mà tri thức mang lại thay vì sự thật.

Trong chừng mực mà tri thức đem đến cho người sở hữu nó quyền lực, sự nổi trội hay thú vui trí tuệ; họ tự cho mình là những bậc thầy lý luận và những cuốn bách khoa toàn thư di động; đối với mọi câu hỏi, họ đều có sẵn câu trả lời mang tính thuyết phục đầy giả dối;1 và họ tuyên bố sẽ cải cách mọi thứ, ngay cả quy tắc ngữ pháp và giống của danh từ.2 Tuy nhiên, lĩnh vực nghiên cứu yêu thích của các nhà ngụy biện là con người, trong tất cả những gì phức tạp và không chắc chắn nhất, là lĩnh vực mà trong đó, tri thức được đúc kết cách không gì dễ dàng hơn để trở thành quyền lực và danh vọng; do đó, họ ưu tiên dành nhiều thời gian để trau dồi vốn hiểu biết về luật khoa, lịch sử, thuật giải nghi,3 chính trị và hùng biện. Họ tự xưng mình là những thầy dạy về nhân đức cho mọi người.

Họ không tìm kiếm sự thật. Vì mục đích duy nhất của hoạt động trí tuệ trong mắt các nhà ngụy biện là việc thuyết phục người khác về sự trổi vượt của mình, nên chắc hẳn, đối với họ, dạng tri thức đáng được ao ước hơn cả phải là nghệ thuật phi bác và phản chứng bằng những lập luận khéo léo; đồng thời, kỹ năng tranh luận với xác suất đúng như nhau được chia đều cho cả hai phe trong tất cả mọi vấn đề phải được xem như một bằng chứng khác cho thấy sự nhạy bén và điêu luyện. Điều này có nghĩa là, trong tay họ, tri ​​thức đã hoàn toàn mất đi mục đích thực sự của nó, và những gì vốn chỉ được các nhà tư tưởng trước đây xem như sự thiếu rèn luyện về mặt trí tuệ, lại trở thành mục tiêu thấu đáo giúp các nhà ngụy biện thúc đẩy việc sử dụng các khái niệm mà không cần quan tâm đến độ chính xác tỉ mỉ mà chúng yêu cầu, thay vào đó, hướng tới thú vui thuần túy khi kích động chúng chống lại nhau—một trò chơi trí tuệ với những quân cờ khái niệm không có ý nghĩa vững chắc nào. Do đó, họ đã sa vào chủ trương ngụy biện và có cùng một quan điểm đạo đức học như nhau. Mọi luật lệ áp đặt lên con người đều bị họ tuyên bố là quy ước độc đoán, và nhân đức tối hậu mà họ dạy hóa ra lại hoặc là nghệ thuật thành công, hoặc là cái mà những người theo Nietzsche ngày nay gọi là ý chí quyền lực.

Vì thế, khi nhận lấy tinh thần đã khơi dậy những khát vọng trí tuệ cao cả của thời đại trước, các nhà ngụy biện chỉ giữ lại cho mình niềm tự hào về tri thức trong khi đánh mất tình yêu dành cho sự thật. Thay vì khám phá thực tại, họ chỉ mong muốn đạt tới sự vĩ đại thông qua hiểu biết của mình. Và nếu chúng ta có thể diễn đạt rằng, họ chỉ tin tri thức chứ không tin sự thật, thì một hiện tượng tương tự như vậy cũng đã tái diễn trong lịch sử tư tưởng về sau trên một quy mô thực sự lớn hơn nhiều.

Sau cùng, trong những điều kiện kể trên, kết luận duy nhất mà phái ngụy biện có thể đạt được chỉ là cái mà người ta gọi là thuyết tương đối hay chủ nghĩa hoài nghi. Chẳng hạn, Protagoras thành Abdera (480-410 TCN) cho rằng “con người là thước đo của vạn vật—của những điều (họ) bảo có thì là có, và của những điều (họ) bảo không thì là không,” qua đó, ông muốn nói rằng mọi sự vật đều tùy thuộc vào sự sắp đặt của chủ thể và sự thật chỉ là những gì có vẻ đúng với các cá thể. Và một người cùng thời với ông, Gorgias thành Leontini (mất năm 375 TCN), một nhà hùng biện nổi tiếng, trong cuốn sách mang tựa đề Về Tự Nhiên hay về Phi-Hữu (Of Nature or the Non-Existent), đã dạy rằng (1) hữu thể không hiện hữu, nói cách khác, không có gì hiện hữu: phi-hiện hữu [non-existence] là phi hiện hữu [nonexistence], vì thế, nó hiện hữu—một kiểu chơi chữ đối với từ hiện hữu mà Hegel sẽ sử dụng sau này,—và như vậy, hữu thể, cái đối lập với nó, không hiện hữu; (2) nếu có bất cứ thứ gì hiện hữu, thì chúng ta cũng không thể nhận biết; (3) nếu ai đó có thể biết thứ gì đó, thì anh ta cũng không thể thông truyền tri thức của mình cho người khác được.

3. Socrates

Socrates (469-399 TCN) là người đã cứu tư tưởng Hy-lạp thoát khỏi vòng nguy hiểm do các nhà ngụy biện tạo ra. Ngoại trừ việc không thu phí người nghe giảng, lối sống của ông cũng mang một vẻ ngoài tương tự như họ. Ông dành thời gian để thảo luận với những thanh niên trẻ tuổi, và không có gì ngạc nhiên khi những người có cái nhìn hời hợt, chẳng hạn như Aristophanes, đã nhầm lẫn ông với các nhà ngụy biện. Trên thực tế, chính ông đã khởi động một cuộc chiến không ngừng nghỉ nhằm chống lại họ trên mọi phương diện. Trong khi các nhà ngụy biện tuyên bố rằng mình đã biết hết mọi sự và không tin vào sự thật; thì Socrates lại thừa nhận sự thiếu hiểu biết của ông và dạy người nghe không nên tìm kiếm bất cứ điều gì khác ngoài sự thật. Vì vậy, toàn bộ cố gắng của ông là một công việc mang tính hoán cải. Ông cũng là người đã cải cách lý luận triết học và hướng nó đến mục tiêu đúng đắn là sự thật.

Công việc này có tầm quan trọng đặc biệt đối với tương lai của trí năng nhân loại đến nỗi không có gì lạ khi Socrates đã hoàn thành nó như thể một sứ vụ thiêng liêng mà ông được trao phó. Không chỉ sở hữu một năng lực đặc biệt trong nghiền ngẫm triết học (thậm chí, Aulus Gellius và Plato kể lại rằng đôi khi ông đã dành cả ngày và đêm để chìm vào suy tư trong sự tĩnh lặng), Socrates còn được thôi thúc bởi những điều mà ông coi là sự truyền cảm hứng, với một lòng nhiệt thành được chắp cánh, một năng lực tự do có chừng mực, và đôi khi có lẽ là bản năng nội tại thuộc về một trật tự cao hơn, hay có thể nói, là những ân huệ gợi cho chúng ta về một sự trợ giúp phi thường có liên hệ đến điều mà Aristotle đề cập đến khi ông nói rằng những người được thúc đẩy bởi một động lực thần linh thì không cần đến sự chỉ dẫn nơi lý trí của người phàm, bởi lẽ điều mà họ sở hữu ở nơi mình là một nguyên lý còn cao trọng hơn.4 Về phần mình, ông đã tự ví bản thân với một con ruồi trâu được gửi đến để châm trích những người Athens, giúp họ thức tỉnh và không ngừng tự vấn lương tâm bằng lý trí. Và cũng chính vì sự phục vụ này, về sau, khi đã ở độ tuổi gần đất xa trời, ông đã được họ trả công bằng một liều thuốc độc.

3.1. Đạo đức và tri thức

Socrates không phải là một nhà siêu hình, nhưng là một người hành nghề y, một thầy thuốc chữa trị tâm hồn cho người khác. Công việc của ông không nhằm xây dựng một hệ thống nào, nhưng là để khiến cho người ta phải suy nghĩ. Đây là phương pháp giúp ông có thể chinh phục hiệu quả nhất đối với các nhà ngụy biện, những người mà gốc rễ thói xấu của họ vốn không phải là một sai lầm nghiêm trọng về mặt học thuyết đến mức giống như dị tật của tâm hồn.

Trong các cuộc thảo luận của mình, chủ đề chính được ông đưa ra là vấn đề về ứng xử trong đời sống con người, vấn đề luân lý. Đạo đức học của ông, trong chừng mực mà chúng ta có thể suy xét dựa theo những chứng từ của Plato và Xenophon, thoạt nhìn qua có vẻ đã bị điều khiển bởi những động cơ duy lợi hẹp hòi. Những gì tôi phải làm là những gì tốt cho tôi, và những gì tốt cho tôi là những gì thực sự hữu ích cho tôi. Nhưng ngay lập tức, người ta sẽ phải tự hỏi: những điều thực sự hữu ích cho con người là gì; và chính ở điểm này, Socrates sẽ buộc thính giả của mình thừa nhận rằng điều hữu ích thực sự cho con người chỉ có thể được xác định bằng cách tham chiếu nó đến một cái gì đó tốt (thiện), tuyệt đối và vững bền. Do đó, bằng cách liên tục đặt ra những câu hỏi về cùng đích của con người,5 cũng như định hướng mọi người về phía điều thiện cao nhất nơi chính họ, Socrates đã vượt ra khỏi chủ nghĩa duy lợi dưới mọi ngữ nghĩa, và với năng lực tràn đầy của một lẽ thường lành mạnh, ông đã làm sáng tỏ vị trí chóp đỉnh của điều thiện luân lý và những lợi ích lớn lao vĩnh cửu cho chúng ta; kể từ đây, đạo đức học của ông đã chuyển sang thế giới của siêu hình học. Ngoài ra, có một chủ đề nữa đóng vai trò thứ yếu trong các cuộc thảo luận của Socrates, đó là ông đã vận dụng mọi phương pháp lập luận nhằm chứng minh rằng, để cư xử đúng mực, điều kiện tiên quyết số một đối với con người là tri ​​thức; ông thậm chí còn đi xa đến mức giữ nguyên lập trường cho rằng nhân đức và tri thức là đồng nhất với nhau, do đó, tội nhân chỉ đơn giản là một người khờ dại. Dù chúng ta có nghĩ về sai lầm này thế nào, thì thực tế vẫn là, đối với Socrates, đạo đức học sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không phải là tập hợp của các chân lý do phép chứng minh, một khoa học thiết thực và chân chính, thiết lập. Trong hai đặc điểm song song nơi giáo huấn luân lý của Socrates, tính siêu hình và tính khoa học, ông đã chống lại các nhà ngụy biện tới tận căn, đồng thời, có thể được coi là người đầu tiên lập ra đạo đức học.

3.2. Châm trích, gợi hứng và biện chứng

Nhưng đạo đức học mang tính khoa học sẽ không thể được tìm ra nếu chúng ta không đồng thời định ra các quy luật chi phối lên tri thức khoa học đủ loại. Ở điểm này, chúng ta sẽ đi tới bản chất của cuộc cải cách Socrates. Bằng cách trở lại với lý trí tự nó để nghiên cứu các điều kiện và giá trị trong sự tiến bộ của nó hướng về sự thật, nghĩa là, bằng cách sử dụng suy tư lôgic và phê bình, ông đã tôi luyện trí tuệ triết học và cho nó thấy được thái độ đúng đắn và phương pháp sử dụng [cần phải có] để đạt tới chân lý.

Điều kiện tiên quyết số một là phải thanh tẩy trí óc khỏi những tri ​​thức giả hiệu vốn làm người ta lầm tưởng sẽ đi đến hiểu biết tận cùng về sự vật chỉ bằng vài ba ý niệm một chiều. Đó là lý do tại sao ông luôn bắt đầu bằng cách đưa những người đã sa vào lưới các câu hỏi của mình đi tới chỗ thú nhận về sự mù tịt của họ đối với những điều mà chính họ lầm tưởng mình đã biết rõ (thuật châm trích của Socrates). Nhưng đây chỉ là giai đoạn đầu tiên trong phương pháp của ông. Ngay sau bước này, ông sẽ đưa ra câu hỏi lại một lần nữa, nhưng mục tiêu của nó bây giờ là dẫn dắt người đối thoại, với tư tưởng đã quy theo hướng mà ông mong muốn, tự mình khám phá ra sự thật mà chính ông cũng thừa nhận rằng bản thân không có tri thức đầy đủ về nó. Đây là bản chất của phương pháp Socrates, là thuật gợi hứng, hay còn gọi là phương pháp đỡ đẻ trí tuệ. Hơn nữa, Socrates đã hiểu một cách thấu đáo rằng việc đạt tới chân lý là quá trình sinh động và mang tính cá vị, trong đó, người giáo viên chỉ có thể làm công việc trợ giúp cho trí thông minh của học trò mình, tựa như khi bác sĩ hỗ trợ sức khỏe của người bệnh, thì sức khỏe đó mới là tác nhân quyết định;6 ngoài ra, Scocrates cũng đã so sánh việc thủ đắc tri ​​thức với việc làm thức dậy một ký ức ngủ quên trong tâm hồn, một so sánh mà từ đó, Plato đã rút ra lý thuyết nổi tiếng của ông về sự hồi tưởng (άνάμνησις [ánámnisis]).

Tiếp theo, thuật gợi hứng của Socrates sẽ định hình nên trí tuệ triết học bằng cách xác định đối tượng chính xác của nó, giúp nó khám phá ra bản chất và định nghĩa của các sự vật.7 Socrates không bao giờ mệt mỏi khi nhắc lại lý lẽ về cùng một đối tượng: cái mà mọi người xác định là chủ đề của cuộc thảo luận, cái gì mới đúng là dũng cảm, đạo đức, nhân đức, và thậm chí là cả việc đóng tàu biển hay kỹ thuật lát đường bằng đá,… Tất cả những thứ này đều có một hiện hữu đặc thù, một bản chất hay bản tính mà sự hiểu biết của con người có thể khám phá và diễn tả bằng một định nghĩa giúp phân biệt nó với mọi sự vật khác. Vì Socrates đã yêu cầu rằng, trong mọi trường hợp, điều căn bản là chúng ta phải phân biệt ra cái gì là chính yếu, cái gì là tùy phụ, và bởi vì ông kiên trì sử dụng trí năng trong việc khám phá các bản chất, nên triết học của ông có thể được gọi là triết học về bản chất. Và như vậy, việc giản lược mọi sự xuống thành nước, lửa, những con số, hay thậm chí là hữu thể tuyệt đối, cũng như việc tìm ra một khái niệm vô định nào đó đủ co giãn để có thể bao bọc mọi sự như một lớp áo vô hình, đã không còn được đem ra bàn luận. Trái lại, mục đích của Socrates là đạt tới sự diễn đạt trí tuệ chính xác về mọi sự—nghĩa là, để định nghĩa và xác định bản chất của mỗi sự vật trong số chúng bằng một khái niệm chỉ có thể áp dụng cho riêng nó.

Đồng thời, Socrates cũng đã giảng dạy về một lôgic của tam đoạn luận và phép chứng minh (ít nhất về mặt thực tiễn và có mục đích, dù không phải bằng một lý thuyết hoàn chỉnh về suy luận, hay bằng cách xây dựng như Aristotle sẽ thực hiện sau này) nhằm sử dụng các khái niệm sao cho chúng phù hợp chính xác với đường nét và cấu trúc của thực tại (chứ không phải theo lối chơi chữ của các nhà ngụy biện). Do đó, ông đã tạo ra phép biện chứng, một khí cụ của tri thức, mặc dù vẫn còn thiếu sót, nhưng đã mở đường cho khái niệm đúng đắn về tri thức khoa học, và được Plato ví như tài nghệ của một đầu bếp cao tay, người cắt một con gà bằng cách phân định và theo sát tỉ mỉ mọi khớp nối dù là nhỏ nhất trong giải phẫu cơ thể của nó.

3.3. Thuyết duy trí chiết trung (hay ôn hòa)

Vì thế, kẻ tranh cãi không biết mỏi mệt này, với tất cả dáng vẻ bề ngoài của một nhà ngụy biện, đã sở hữu niềm tin không suy chuyển vào trí năng và khoa học—nhưng là một trí năng đã được rèn giũa và khiêm nhường trước thực tại, một khoa học đã nhận thức được những giới hạn của riêng mình và tiến lên cách an toàn, hiệu quả trên con đường tiếp thu sự thật, trong chừng mực nó tôn trọng thẩm quyền của sự thật và có ý thức về sự thiếu hiểu biết của mình theo mọi chiều hướng. Về điểm này, chúng ta phải nhìn nhận rằng Socrates quả thực là một bậc thầy về tinh thần khoa học, cũng như về loại triết học mà chúng ta sẽ học biết sau này: thuyết duy trí chiết trung. Bằng công việc mang tính lôgic và phê bình của mình, ông đã rèn ra khí cụ không thể thiếu cho sự tiến bộ của trí óc và biến cuộc khủng hoảng mà các nhà ngụy biện gây ra thành lợi ích và sự cứu độ cho lý trí. Đồng thời, qua những gì làm được dưới tư cách một giáo viên đạo đức, ông không chỉ là người sáng lập ra ngành khoa học về đạo đức, mà còn giải phóng tư tưởng khỏi sự mê hoặc của thế giới khả giác, và có lẽ vô tình, đã mở ra cánh cửa để suy đoán triết học đến với siêu hình học, với khôn ngoan theo nghĩa chặt chẽ nhất. Ông đã làm điều này đơn giản bằng cách kéo triết học ra khỏi cái khung chật hẹp của vũ trụ vật lý8 (ý nghĩa thực sự trong đòi hỏi mà ông đưa ra nhằm đạt tới tri thức tự tri) để bước vào những nghiên cứu về bản tính và các hoạt động của con người, một lĩnh vực vốn chứa đựng yếu tố tâm linh của một trật tự hoàn toàn cao hơn hẳn so với các ngôi sao trên bầu trời vật chất.

Tuy nhiên, ngay cả khi có những đóng góp đáng kể như vậy, Socrates cũng chỉ dừng lại ở vai trò của một thiên tài có nhiệm vụ tiên phong. Ông đã tạo ra động lực, nhưng chưa bao giờ đạt tới mục tiêu. Khi ông qua đời, mọi thứ vẫn còn ở tận đâu đâu. Vì rõ ràng, chỉ có phương pháp thôi thì không đủ, mà hơn thế, chúng ta còn phải dựng lên một hệ thống về học thuyết nữa. Ngoài ra, mặc dù cung cấp cho người nghe những giáo huấn rất hữu ích trong việc gợi ý, nhưng ngoài các yếu tố của đạo đức học, Socrates cũng không cho chúng ta thấy bất cứ một học thuyết theo nghĩa chặt chẽ nào. Chính vì vậy, nhiệm vụ hoàn thiện học thuyết từ những nỗ lực của Socrates và sứ mệnh xây dựng một nền triết học chân chính đã được trao cho hai hậu bối của ông là Plato và Aristotle.


Chú thích

1 Chẳng hạn, Critias coi niềm tin vào các vị thần như phát minh của một chính khách ranh mãnh, kẻ đã tìm cách giữ cho người dân biết nghe lời bằng cách phủ lên sự thật lớp vỏ bọc hư cấu.

2 Chính Protagoras đã cố gắng hợp lý hóa giống của danh từ: chẳng hạn, ông mong muốn rằng μῆνις (mínis, tức giận), cũng như πήληξ (pílix, mũ chiến), v.v. được phân vào giống đực.

3 Chẳng hạn, hãy nhớ lại cuộc thảo luận nổi tiếng giữa Protagoras và Pericles sau một vụ giết người vô tình trong một cuộc thi điền kinh, về câu hỏi ai phải bị trừng phạt: người tổ chức cuộc thi, người chơi vụng về, hay là ngọn lao tự nó.

4 Magna Moralia, vii, 8. X. Ethics, vii, 1.

5 Một câu hỏi mà chính ông dường như đã trả lời cách hơi mơ hồ.

6 X. Thánh Tôma, Summa Theologiae, i, q. 117, a. 1.

7 X. Aristotle, Metaphysics, xi, 4, 1078 b 17-32.

8 Chính Parmenides đã đi đến quan niệm siêu hình về hữu thể bằng cách nghiên cứu vũ trụ hữu hình.

Scroll to Top