Dẫn Nhập Triết Học

Chương
Triết học
Chương
Triết học

Chương 4. Plato và Aristotle

1. Các triết gia tiểu Socrates

Vì những lời dạy của Socrates không phải là học thuyết rõ ràng, nên các môn đệ của ông đã phát triển chúng theo những hướng vô cùng khác nhau. Các triết gia có danh hiệu tiểu Socrates là những người đã nắm giữ một số khía cạnh nhất định trong tư tưởng của thầy mình với ít nhiều biến dạng. Trong số họ, có những người là nhà luân lý học thuần túy (chẳng hạn như phái khoái lạc Cyrenaic,1 với chủ trương đặt cùng đích đời người vào những thú vui chốc lát; hay phái Cynic [khuyển nho, yếm thế]2 quy tụ những triết gia xuôi theo thái cực đối nghịch để thần thánh hóa sức mạnh của tính cách hay nhân đức nơi con người). Ngoài ra, họ cũng có thể là các nhà lôgic luôn say sưa trong thú vui tranh biện, như trường hợp của các nhà tân ngụy biện thành Elis, hay đặc biệt là phái Megara,3 một hệ phái có xu hướng phủ nhận khả năng của tri thức và gián tiếp góp phần vào sự tiến bộ của lôgic bằng cách cưỡng bách các triết gia tìm câu trả lời cho lập luận đó của mình. Họ phủ nhận rằng trong bất cứ phán đoán nào, một điều nào đó được đưa ra có khả năng xác nhận cho một điều gì khác. Theo họ, lập trường này là đủ để có thể khẳng định rằng thuộc từ là chủ từ, và như thế, mỗi sự vật sẽ trở nên đồng nhất với mọi thứ còn lại. Do đó, mệnh đề hợp thức duy nhất đối với những người thuộc phái Megara là hữu thể hiện hữu, đồng thời, chỉ siêu hình học của phái Elea mới là triết học chân chính.

2. Plato

Danh hiệu đại Socrates chỉ xứng hợp với Plato (427-347 TCN),4 người kế thừa trí tuệ từ Socrates và các môn đệ của ông. Với tham vọng lên ngôi trị vì như một ông vua trong vương quốc trí tuệ, ông đã cố gắng thu thập tất cả những suy đoán được tìm thấy cách rời rạc và rải rác trong hệ thống tư tưởng của các triết gia tiền bối nhằm kết hợp chúng lại với nhau thành một tổng thể vững chắc. Mặc dù với ông, triết học đã đạt đến sự trưởng thành, nhưng công việc mà Plato đã cố gắng thực hiện vẫn còn dở dang và mang nhiều thiếu sót. Thôi thúc bởi thiên tài có phần ngượng ngạo và liều lĩnh, trí tuệ nơi ông đã bay lên quá nhanh, quá cao, và đã không thể đi tới thắng lợi sau cùng là chinh phục thực tại.

2.1. Học thuyết về ý niệm của Plato

Giống như Parmenides, Plato hiểu rằng đề tài của siêu hình học là hữu thể tự nó, tuy nhiên, ông đã từ chối hấp thu mọi sự vật hiện hữu vào trong tính đơn nhất của hữu thể bất biến và tuyệt đối, nhờ đó, khám phá ra những chân lý siêu hình quan trọng. Ông nhận thức rằng, vì các sự vật đều ít nhiều hoàn hảo, tốt, đẹp, đáng yêu, và vì có những thứ mà cái tốt của nó được trộn lẫn với cái xấu—mà trong thuật ngữ triết học được gọi là tham dự vào cái thiện,—nên tất yếu phải tồn tại một hữu thể mà trong đó, sự thiện, cái đẹp và sự hoàn hảo đều ở mức tràn đầy và trọn vẹn, đồng thời, không bị hòa lẫn với những điều trái ngược với chúng; hữu thể ấy phải là nền móng của cái đẹp và sự thiện nơi mọi hữu thể. Do đó, tư tưởng của Plato đã hướng lên Thiên Chúa đích thực, Đấng siêu vượt và được phân biệt hoàn toàn với thế gian tạo vật, Đấng mà chính ông đã coi là thiện tự thân, là sự thiện tuyệt đối, là sự thiện nằm trong một ngôi vị. Nhưng sự thiện vẫn chưa phải là khía cạnh nổi bật nhất trong triết thuyết của Plato. Như chúng ta đã chỉ ra ở trên, nếu triết học của Socrates—một triết học được đề xuất từ thực hành của ông hơn là được phát biểu thành học thuyết—là triết học về bản chất; thì triết học của Plato là triết học về ý niệm.

Trong các cuộc thảo luận của mình, Socrates đã chỉ ra rằng những gì mà con người phải tìm kiếm và cố gắng đạt được bằng mọi giá là bản chất của những sự vật do tâm trí tiếp thu và diễn đạt bằng một định nghĩa. Và như vậy, liệu trí năng nhận thức ra điều gì khi nó tiếp thu bản chất của một con người, một hình tam giác, màu trắng, hay nhân đức? Rõ ràng con người đã được rút ra [hay trừu tượng] từ Peter, Paul, John, v.v., tam giác được rút ra từ bất cứ tam giác cụ thể nào, dù cân, hay đều, hay méo mó, và điều tương tự như vậy cũng xảy ra cho màu trắngnhân đức. Hơn nữa, khái niệm hay ý niệm về con người, về hình tam giác vẫn tiếp tục giống nhau khi chúng ta áp dụng chúng cho một số người hay nhiều hình tam giác. Nói cách khác, những ý niệm này là những thứ phổ quát. Chúng là bất biến và vĩnh cửu theo nghĩa rằng, ngay cả khi, chẳng hạn, không có tam giác nào hiện hữu trong thực tế, thì ý niệm về hình tam giác, với tất cả các chân lý hình học mà nó liên quan, sẽ vẫn mãi mãi y như vậy. Và hơn thế, những ý niệm này cho phép chúng ta chiêm ngắm nhân tính, tam giác tính, v.v. trong tình trạng thuần túy và không pha tạp mà trong đó, các hữu thể khác nhau mà chúng ta nhận biết là những con người, các tam giác, v.v. tham dự vào. Do thất bại trong việc phân tích đầy đủ bản tính của các ý niệm và quá trình trừu tượng, đồng thời, vội vàng áp dụng nguyên lý dẫn đường cho rằng bất cứ thứ gì hiện hữu trong các sự vật bằng cách tham dự đều phải hiện hữu trong trạng thái thuần túy ở một nơi nào đó, Plato đã đi đến kết luận về sự hiện hữu của hàng loạt các hình mẫu hay nguyên mẫu trong một thế giới siêu tri giác của những thứ phi vật chất, bất biến, vĩnh cửu, của con người nói chung, của tam giác tự thân, của nhân đức tự thân, v.v. Những thứ này được ông gọi là ý niệm, là đối tượng được tiếp thu bởi trí năng—tức khả năng đạt tới sự thật, có nghĩa rằng chúng chính là thực tại.

Nhưng còn trạng thái của thế giới khả giác thì sao? Chúng ta nghĩ gì về những biến đổi cá thể và những sự vật có thể hư nát mà chúng ta thấy và chạm? Plato trả lời: Vì chúng không phải là ý niệm, nên cũng không là thực tại. Như Heraclitus đã dạy, chúng chỉ là biến hóa đơn thuần. Plato không phủ nhận sự hiện hữu của chúng, nhưng coi chúng như những hình ảnh mờ nhạt và dối trá của thực tại, là đối tượng của quan điểm (δόξα [dóxa]), chứ không phải của tri thức chắc chắn hay chân chính, chúng thoáng qua như những cái bóng xuất hiện trên tường. Do đó, con người, kẻ bị giam cầm bởi thể xác và các giác quan, giống như một tù nhân bị xiềng xích trong một hang động và chỉ nhìn thấy trên vách hang trước mặt mình những hình bóng lấp loáng của các hữu thể đang di chuyển sau lưng anh ta dưới ánh mặt trời. Những cái bóng này, với tính chất nhất thời và lẩn tránh khỏi sự nắm bắt, của các bản thể ý niệm được thắp sáng bởi Mặt trời của thế giới khả niệm, tức là Thiên Chúa hay ý niệm về sự thiện.

Nhưng suy cho cùng, một phép ẩn dụ như thế liệu có phải là một lời giải thích hay không? Những ý niệm của Plato là những thứ mà nhờ chúng, sự vật sở hữu những bản tính cụ thể, chẳng hạn, con người tự thân hay nhân tính là điều khiến Socrates là một con người, cái đẹp tự thân hay vẻ đẹp là thứ khiến Alcibiades hay Callias là những chàng trai đẹp. Nói cách khác, những ý niệm của Plato là bản chất và sự hoàn hảo của sự vật. Nhưng mặt khác, chúng lại được phân biệt với mọi sự, nghĩa là thực sự thuộc về một thế giới khác. Và nếu như thế, chúng ta sẽ giải thích ra sao về mối quan hệ giữa sự vật và ý niệm của chúng? Plato trả lời: bằng cách gọi chúng là những biểu diện hay những sự tham dự vào ý niệm. Tuy nhiên, phải hiểu rằng trong hệ thống triết học của ông, những thuật ngữ này, những thuật ngữ mà về sau sẽ nhận được ý nghĩa sâu sắc từ triết học kinh viện, lại không phải thứ gì khác hơn là những phép ẩn dụ không có nội dung khả niệm chặt chẽ. Và câu hỏi sâu hơn sẽ ngay lập tức nảy sinh, rằng tại sao và làm thế nào mà bất cứ thứ gì, ngoại trừ những ý niệm, nghĩa là những thứ không phải là thực tại thuần túy, lại hiện hữu? Nói cách khác, Plato sẽ phải giải thích xem cái gì đã tham dự vào các ý niệm và nhận được biểu diện hay sự phản chiếu của chúng. Ông trả lời: nó là chất thể (hay vô cực, ἄπειρον [ápeiron]). Và vì các ý niệm là cái hiện hữu, Plato đã buộc phải coi chất thể là cái không hiện hữu, một loại hữu thể phi hữu: một quan niệm thai nghén mà Aristotle cho là đã được dùng để xóa bỏ mọi mâu thuẫn nội tại, nhưng dường như có vẻ tự mâu thuẫn trong cách trình bày của Plato, và hơn thế nữa, đã bị nhầm lẫn với những thứ nằm đâu đó trong không gian thuần túy của các nhà toán học.

2.2. Hệ thống triết học của Plato

Không bị phá rối bởi những khó khăn siêu hình vừa nêu, Plato đã tiếp tục xây dựng nên dinh thự cho hệ thống của mình trong sự hài hòa với lôgic nội tại của nó. Vì học thuyết về ý niệm có liên quan đến toàn bộ hệ thống triết học, nên nó bao hàm bản tính của tri thức, con người và vũ trụ vật lý.

Tri thức của con người được ông chia ra làm hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, bao gồm: (1) tưởng tượng (εἰκασία [eikasía]) và quan điểm (δόξα [dóxa]), đều có liên quan đến thứ mà tự bản tính, không thể là đối tượng của tri thức: thế giới hữu hình và có thể hư nát, cùng với những hình bóng lừa dối của nó; và (2) tri thức trí tuệ (νοήσις [noísis]), có liên quan đến những sự vật khả niệm và tự nó được chia thành: lý trí (διάνοια [diánoia]) với đối tượng là những con số toán học, và trí năng (νοῦς [noús]), thứ nhờ vào phương thế biện chứng để trở thành sự chiêm niệm trực giác về các bản chất ý niệm và trên hết là về Thiên Chúa, hay sự thiện siêu cấp [super-essential].

Công việc tiếp theo của Plato là phải giải thích về tri thức trí tuệ này, thứ là nguồn gốc của các ý niệm trong tâm trí chúng ta, hay hình ảnh của các ý niệm vĩnh cửu. Vì những ý niệm này không thể phát xuất từ các giác quan vốn bị trói buộc vào ảo ảnh, nên chúng phải được con người tiếp nhận trực tiếp từ cõi trên và hiện hữu tiên thiên trong linh hồn. Đối với Plato, trước khi hiệp nhất với thể xác, linh hồn đã lưu giữ những ý niệm và sở hữu tri thức trực giác trong một sự hiện hữu có từ quá khứ. Sau khi linh hồn nhập thể, tri thức này vẫn ở lại với con người, nhưng đã bị che khuất và phủ bóng bởi sự sống của thể xác, nó ở lại trong linh hồn như một ký ức ngủ quên, và bằng cách tham gia vào việc tìm kiếm sự khôn ngoan, chúng ta được kích hoạt để tái chinh phục trực giác ban đầu về sự thật và dần làm hồi sinh ký ức vốn bị đóng băng của chính mình. Vì thế, con người là một linh hồn thuần túy bị ép buộc hiệp nhất với một thể xác, hay có thể nói, giống như một thiên thần bị giam cầm trong xác thịt (thuyết nhị nguyên tâm lý học). Vậy tại sao linh hồn đã sống trước thể xác này lại bị trói buộc vào đó? Plato giải thích rằng nó giống như hình phạt cho một số tội lỗi của linh hồn trước khi được sinh ra, và sau khi chết, nó lại đi vào một cơ thể khác; như vậy, trong khi tin vào sự bất tử của linh hồn, Plato cũng đồng thời nắm giữ giáo lý của Pythagoras về sự luân hồi, hay đầu thai.

Vì thế giới vật lý không phải là một đối tượng của tri thức, nên Plato chỉ có thể nói về nó trong các ngụ ngôn hay thần thoại, những tác phẩm đóng vai trò ngụy trang cho sự bất lực của ông trước thực tại vật chất.

Chính trong các thần thoại của mình, ông đã gán sự tạo dựng, hay đúng hơn là sự tổ chức, của thế giới cho một hóa công—nhân vật mà nhiều nhà chú giải coi là khác biệt với Thiên Chúa và thấp kém hơn Ngài—đồng thời, trình bày quan điểm kỳ quặc cho rằng con người là nguồn gốc của tất cả các sinh vật sống: những người đầu tiên do các vị thần tạo ra đều là nam giới; sau đó, những kẻ dữ bị biến đổi sau khi chết và hóa thành phụ nữ, đến lượt phụ nữ, nếu tiếp tục phạm tội, sẽ hóa thành những thú vật không có lý trí, hay thậm chí là thực vật.

Về lĩnh vực đạo đức học, Plato có nhiều nét giống với Socrates, nhưng trong quan điểm đã có sự rõ ràng hơn. Ông đã thiết lập nên chân lý nền tảng của triết học luân lý, rằng: không phải khoái lạc, hay nhân đức, hay bất cứ sự thiện cục bộ nào, mà chính Chúa và chỉ mình Người, mới đúng là sự thiện của con người. Nhưng làm thế nào để con người đạt tới cái thiện nơi mình? Plato trả lời: bằng cách tự làm cho mình trở nên giống Chúa nhiều nhất có thể qua phương thế nhân đức và chiêm niệm. Ngoài ra, ông cũng đã xem xét, mặc dù chưa đầy đủ, khái niệm về nhân đức và vạch ra lý thuyết về bốn nhân đức trụ, bao gồm: khôn ngoan, công bình, dũng cảm và tiết độ. Ông dạy rằng thà phải chịu đựng còn hơn là làm điều bất công, và trong cuốn Republic (Cộng hòa),5 ông đã vẽ nên bức chân dung của người công chính đau khổ, một phác họa tuyệt vời và hoàn mỹ đến mức tựa như ông đã thoáng thấy khuôn mặt của Đức Ki-tô. Tuy nhiên, như một hệ quả của việc sa đà vào thuyết duy trí, Plato đã không phân biệt được hành vi thực tiễn với hành vi của trí năng thuần lý, đồng thời, đồng nhất nhân đức, thứ đòi hỏi sự kiên định của ý chí, với tri ​​thức, thứ chỉ là sự hoàn hảo của riêng lý trí. Chính vì vậy, ông đã áp dụng sai nguyên lý, mà tự nó là đúng, rằng ý chí luôn tuân theo sự dẫn dắt của hiểu biết và khẳng định rằng tội lỗi chỉ đơn giản là hậu quả của việc không có đủ tri thức, và như thế, không ai là người cố tình làm điều dữ cả: “tội nhân chỉ đơn thuần là một người thiếu hiểu biết.” Hệ quả của lý thuyết này, mà Plato không chủ định, là sự phủ nhận đối với ý chí tự do.

Trong lĩnh vực xã hội học, tư tưởng của Plato đã dẫn vào đồng thời hai khuynh hướng là duy tâm và duy lý khiến ông áp dụng sai lầm một nguyên lý đúng đắn khác, đó là cái thành phần hiện hữu cho cái toàn thể; vì thế, trong nền cộng hòa mẫu mực của ông, với quyền điều hành thuộc về các triết gia, các cá nhân phải lệ thuộc hoàn toàn vào lợi ích của nhà nước, và chỉ có nhà nước mới có quyền và định đoạt một cách chuyên quyền trên mọi loại tài sản có thể của công dân, không chỉ của cải vật chất, mà ngay cả phụ nữ, trẻ em, sự sống và quyền tự do của họ (chủ nghĩa cộng sản tuyệt đối).

2.3. Những hạn chế của hệ thống triết học Plato

Nguồn gốc sâu xa của những sai sót nơi Plato dường như là sự sùng bái quá mức của ông đối với toán học khiến ông coi thường thực tại kinh nghiệm; đồng thời, do cái nhìn quá ư tham vọng về phạm vi của triết học, trong đó, mặc dù có sự tiết chế và thận trọng hơn các nhà hiền triết Đông phương, nhưng ông cũng đã lầm tưởng rằng nó có thể bao trọn cả sự thanh tẩy, ơn cứu độ và sự sống của con người toàn diện.

Hơn nữa, chính vì những nguyên lý sai lầm tiềm ẩn trong hệ thống của ông, mà tất cả những giấc mơ triết học sau này, nếu có xu hướng coi con người như một linh hồn thuần túy theo cách này hay cách khác, đều có thể bắt nguồn trực tiếp hoặc gián tiếp từ Plato.

Về phần bản thân Plato, chúng ta có thể nói rằng những nguyên lý sai lầm của ông đã phát triển trong một bầu khí quá đỗi trong lành khiến chúng không thể sinh sôi nảy nở và đầu độc bản chất tư tưởng của ông được. Do đó, Thánh Augustinô đã có thể khai thác từ mỏ vàng của Plato, những khối quặng để chiết ra sự thật.

Và mặc dù hướng tư tưởng đến nhiều vấn đề dàn trải với tham vọng nắm bắt hết mọi sự, nhưng óc khôn ngoan và khả năng trực giác tuyệt vời đã ngăn cản Plato khỏi việc gắn chặt nhiều suy đoán mơ hồ trong tâm trí ông vào một tuyên bố chung kết và dứt khoát mang tính học thuyết. Những yếu điểm mà các triết gia khác có thể mắc phải và giữ lấy khư khư, thì ông chỉ chạm vào một cách nhẹ nhàng có chừng mực. Do đó, những gì tự nó là một dấu hiệu của sự bất toàn—như mơ hồ, không rõ ràng, bóng gió, không đi tới đâu,… mà ông thường cảm thấy hài lòng; một phương pháp trình bày hướng đến mỹ học hơn là khoa học, qua việc sử dụng các phép ẩn dụ và lối nói hình tượng, một phương pháp mà Thánh Tôma có lý do chính đáng để phê bình gay gắt6—lại thực sự là thứ đã che chở Plato và giữ cho ông khỏi sự bóp méo tai hại về những sự thật mà ông khám phá được. Từ điểm này, có thể nói rằng triết thuyết Plato là sai lầm nếu coi nó, theo nghĩa hiện hữu (esse), là một hệ thống đã được phát triển đầy đủ; nhưng nếu coi nó, theo nghĩa hình thành (fieri), là một tiến trình hướng tới một mục tiêu vượt xa chính nó, thì triết thuyết này lại có giá trị hơn cả dưới tư cách một giai đoạn trong quá trình phát triển của triết học chân chính.

3. Aristotle

Để rút ra sự thật nằm tiềm ẩn trong triết thuyết của Plato, chúng ta phải nhờ đến cuộc cải cách vĩ đại do Aristotle thực hiện. Tuy là một môn đệ của Plato, nhưng ông đã thành công trong việc phá vỡ hệ thống của thầy mình, điều chỉnh các nguyên lý—mà Plato đã khám phá và áp dụng sai—cho phù hợp với các đòi hỏi khắt khe của thực tại, đồng thời, giảm bớt những quan điểm chung chung của thầy trong giới hạn được quy định bởi một lẽ thường cao cả. Nhờ đó, ông là người đã lưu giữ mọi điểm trọng yếu trong tư tưởng của Plato. Hơn thế nữa, đã sáng lập ra triết học chân chính cho mọi thời đại. Và nếu có lưu giữ bất cứ điều gì là đúng và có giá trị, không chỉ ở nơi Plato, mà còn ở tất cả các nhà tư tưởng cổ đại của Hy-lạp, và đưa công trình tổng hợp của thầy mình đi đến thắng lợi sau cùng, thì đó là vì Aristotle đã bảo đảm chắc chắn cho việc nắm được thực tại bằng cách sử dụng trí năng nhân loại. Công trình của ông không chỉ là thành quả tự nhiên của trí khôn ngoan Hy-lạp được thanh lọc khỏi những sai lầm của Plato và các yếu tố ngoại lai hàm chứa trong triết thuyết của ông; mà nó còn mang ở nơi mình hình hài đầy đủ của một triết học nhân loại phổ quát.

Trước Aristotle, triết học có thể được coi là đang ở giai đoạn phôi thai trong quá trình chuẩn bị ra đời. Nhưng tới ông, sự hình thành của nó đã đạt đến mức hoàn thiện với khả năng phát triển vô biên.

Sau thời của ông, suy đoán của người Hy-lạp cũng dần đánh mất sức ảnh hưởng và tỏ ra bất lực trong việc cầm giữ sự thật. Mặc dù nhận được sự phong phú đáng kể về mặt chất liệu, nhưng trong những điều căn bản, nó lại làm biến dạng thay vì hoàn thiện triết học.7

3.1. Những sửa chữa đối với triết học của Plato

Theo học Plato trong hai mươi năm, nhưng Aristotle là một môn đệ mang đầy đủ hành trang của một nhà phê bình gay gắt. Không có bất cứ ai từng bác bỏ thuyết duy tâm của Plato mạnh mẽ hơn, hay phá đổ một hệ thống đặt bản chất của các sự vật bên ngoài chúng hiệu quả hơn Aristotle.

Việc cho rằng đối tượng chủ yếu của trí năng là bản chất của các sự vật, như Socrates đã dạy, quả là đúng đắn; và cũng hoàn toàn đúng, như Plato nhận thức, rằng bản chất của Peter, Paul hay John là nhân tính hay bản tính nhân loại vốn được rút ra từ những đặc tính cá thể độc hữu của Peter, Paul hay John. Nhưng bản chất này, một mặt, xét như một thứ phổ quát, chỉ hiện hữu trong trí năng—trong tâm trí chúng ta,8 thứ đã trích xuất hay rút ra nó từ những sự vật mà trong đó, nó hiện hữu theo cách đã được cá thể hóa;9 và mặt khác, chỉ là một đối tượng của trí tuệ (vì nó không thể được quan niệm tách rời khỏi các thuộc tính nhất định), và không nằm trong hiện hữu có thực của nó, rằng nó vĩnh cửu và tất yếu. Do đó, bản chất của những sự vật có thể hư nát không có sự hiện hữu độc lập trong trạng thái tuần túy, và toàn bộ thế giới của những ý niệm nguyên mẫu trong triết thuyết Plato chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Sự thật của vấn đề, như chúng ta sẽ chứng minh chi tiết về sau, là trong mọi sự vật, có sự hiện hữu của một yếu tố khả niệm và phi chất thể nào đó mà Aristotle gọi là mô thức, nhờ đó, sự vật sở hữu một bản tính hay bản chất cụ thể. Nhưng nguyên lý này không tách rời khỏi sự vật; nó gắn liền trong sự vật như một trong những nhân tố cấu thành nên bản thể của chúng. Vì vậy, các đối tượng cá thể, mặc dù không vững bền và tất phải chết, nhưng không còn là cái bóng lừa dối nữa, mà chính là thực tại.

Nếu các đối tượng có thực của một trật tự cao hơn tồn tại, thì tri thức của chúng ta có thể tiếp cận chúng theo cách không gì trực tiếp hơn. Nếu thế giới khả giác, như nó vốn có, là một biểu diện bất toàn cho sự sống thần linh của linh hồn thuần túy, thì nó phải là một hữu thể giống với các hữu thể khác chứ không phải là một hình ảnh đơn thuần không có hiện hữu tự nó. Nếu thế gian tạo vật là đối tượng của biến hóa, thì nó không phải là biến hóa thuần túy, nhưng chứa đựng nơi mình những thực tại đáng kể và lâu bền. Nếu không có khoa học về đối tượng cá thể của giác quan như vậy, thì vẫn có thể có một khoa học về thực tại khả giác, bởi lẽ có thể nói, trong thực tại đó, có sự hiện hữu, nhập thể của một cái gì đó khả niệm và phi vật chất.

Vì vậy, vũ trụ hữu hình không phải là đối tượng của quan điểm đơn thuần, thứ vốn chỉ có thể được diễn đạt bằng thần thoại và ngụ ngôn, nhưng là đối tượng của tri thức khoa học, của khoa học vật lý. Ở điểm này, Aristotle thực sự là nhà sáng lập của vật lý học.10 Dưới sự soi sáng của trí năng, ông đã nhận thấy rằng mọi sự biến đổi đều tuân theo những quy luật bất biến của quá trình sản sinh và suy tàn, giúp phơi bày bản tính của chuyển động tự nó; đồng thời, phân biệt ra bốn loại quan hệ nhân quả vận hành trong thế giới khả giác.

Bằng ngôn ngữ đanh thép và nghiêm khắc lạ thường, ông đã tổng kết bài luận chiến dài của mình nhằm chống lại học thuyết về ý niệm của Plato. Ông lập luận rằng thầy mình đã quan niệm hoàn toàn sai lầm về bản tính của nguyên nhân mô thức khi tách nó ra khỏi sự vật. “Nói chung, mặc dù triết học tìm kiếm nguyên nhân của các sự vật khả giác, nhưng chúng ta đã đầu hàng (vì đã chẳng thể nói được chút gì về nguyên nhân đóng vai trò làm khởi đầu cho sự biến đổi), tuy nhiên, trong khi tưởng rằng mình đang phát biểu về bản thể của các sự vật ấy, chúng ta đã xác nhận sự tồn tại của một loại bản thế thứ hai, cho dù lời giải thích về cách thức khiến chúng là bản thể của các sự vật là hoàn toàn sáo rỗng; bởi lẽ ‘sự tham dự’, như chúng ta đã nói trước đây, chẳng có bất cứ ý nghĩa nào” (Metaphysics I,9). Do đó, Plato đã khiến loại bản thể này không thể cung cấp một lời giải thích thỏa đáng về tự nhiên, đồng thời, bằng cách quy tất cả các mối quan hệ nhân quả và toàn bộ thực tại đích thực về các ý niệm, ông cũng không thể phân biệt được, trong hoạt động của các sự vật, đâu là thành phần tương ứng do nguyên nhân hữu hiệu (hay tác thành) và nguyên nhân mục đích gây ra. Vì vậy, ông đã bỏ qua nguyên nhân hữu hiệu, thứ vốn là “nguồn chính [hay nguyên lý] của sự biến đổi” (Physics II,3). Hơn nữa, “giữa mô thức [hay ý niệm], thứ mà chúng ta khẳng định là một trong những nguyên lý đệ nhất của sự vật, cùng với điều được coi là nguyên nhân trong trường hợp của các môn nghệ thuật, tức cái mà vì nó, cả sức lực và trí óc đã tham gia hoạt động, cũng không có bất cứ mối liên hệ nào… Và liên quan đến chuyển động, nếu hai thực thể [cái lớn và cái nhỏ] là chuyển động, thì rõ ràng, các mô thức [hay ý niệm] đã dịch chuyển; vậy nếu chúng ta cho rằng chúng không chuyển động [Plato coi ý niệm là bất động], thì chuyển động đã đến từ đâu? [Và như thế,] toàn bộ nghiên cứu về tự nhiên [tức là thế giới của chuyển động] đã bị phá sản.”11

Ngoài ra, việc bác bỏ học thuyết về ý niệm còn có liên quan theo lôgic đến việc phê bình và sửa chữa tất cả các phần khác trong hệ thống của Plato. Về tri thức luận, Aristotle đã chỉ ra rằng vật lý học, toán học và siêu hình học, hay triết học đệ nhất, thực sự là ba ngành khoa học riêng biệt, nhưng chúng được phân biệt với nhau bởi đề tài, chứ không phải bởi khả năng cần được sử dụng khi nghiên cứu, vốn là những thứ mà phân khoa nào cũng cần giống như nhau. Nhưng thành tựu quan trọng nhất của ông trong lĩnh vực này là đã chứng minh, qua phân tích tuyệt vời về sự trừu tượng—thứ chi phối toàn bộ triết học của ông, rằng những ý niệm của chúng ta không phải là những hồi ức tiên thiên đến từ trải nghiệm “trong tiền kiếp”, mà phát xuất từ các giác quan do một hoạt động của trí óc.

Về lĩnh vực tâm lý học, nếu như trong phản ứng chống lại quan niệm của Plato về đầu thai, và trong lời quở trách quá đáng dành cho thầy, Aristotle đã cố gắng không hỏi về tình trạng của linh hồn sau khi chết, thì ít nhất, ông đã đặt nền móng vững chắc cho học thuyết duy linh bằng cách, một mặt, trong tư thế bác bỏ thuyết nhị nguyên của Plato, chứng minh về sự hiệp nhất bản thể của hữu thể người, với hai phần bản thể không hoàn chỉnh và bù đắp cho nhau; và mặt khác, ở vị trí đối lập với các nhà duy vật, đã chứng minh bản tính thuần linh nơi các hoạt động của hiểu biết và ý chí. Do đó, ông đã tạo ra loại tâm lý học duy nhất có khả năng hấp thụ và giải thích lượng tài liệu khổng lồ được tích lũy bởi các thí nghiệm hiện đại.

Sau cùng, trong lĩnh vực đạo đức học, bằng cách phân biệt phán đoán thuần lý (thứ bắt nguồn từ riêng hiểu biết) với phán đoán thực tiễn (thứ bắt nguồn song song từ ý chí), ông đã cho thấy ý chí tự do là khả hữu như thế nào, và việc tội nhân làm điều mà anh ta biết là dữ đã được thực hiện ra sao; đồng thời, đã vẽ ra, đặc biệt là trong chuyên luận về các nhân đức trụ và trong phân tích về các hành vi nhân loại, những phác họa, trong chừng mực liên quan đến trật tự tự nhiên, cho những gì sẽ được gọi là đạo đức học của Ki-tô Giáo.

3.2. Hệ thống triết học của Aristotle

Nhưng Aristotle phải được nghiên cứu không chỉ ở thái độ của ông đối với Plato, mà còn ở thái độ của ông với cái hiện hữu. Mặc dù Plato đã không làm gì hơn ngoài việc cung cấp cho ông một cơ hội để vật lộn với vấn đề hữu thể. Nhưng nhờ đó, Aristotle đã giành phần thắng trong trận đấu này và để lại cho chúng ta những khái niệm tuyệt vời về hiện thểtiềm thể, về chất thểmô thức, về các phạm trù, các thuộc tính siêu nghiệm (hay tiên nghiệm)các nguyên nhân, giúp chúng ta có được vũ khí phòng thân trong những cuộc đấu trí tương tự; đồng thời, ông cũng dạy cho chúng ta, dưới tư cách là bậc thầy thực sự về khôn ngoan, biết cách vượt lên trên những nghiên cứu về các sự vật hữu hình và có thể hư nát để chiêm ngắm một thực tại sống động, bất diệt và bất biến. “Cố định trong hoạt động thuần túy của nó, không cách nào có thể khiến hữu thể này biến đổi… Đó là một nguyên lý mà các tầng trời và thế giới tự nhiên phải phụ thuộc. Sự sống của nó giống như thứ tốt nhất mà chúng ta được tận hưởng trong thoáng chốc. Vì nó luôn ở trong trạng thái này, bởi lẽ hiện thể của nó cũng là niềm hoan lạc—hiện thể của trí tuệ tối cao, tư tưởng thuần túy tự suy nghĩ… Nếu Thiên Chúa luôn ở trong trạng thái tốt đẹp mà đôi khi chúng ta có được đó, điều này buộc chúng ta phải ngạc nhiên; và nếu trong trạng thái tốt đẹp hơn, thì sự ngạc nhiên còn hơn thế nữa. Sự sống cũng thuộc về Chúa: vì hiện thể của tư tưởng là sự sống, và Chúa là hiện thể đó; và hiện thể cốt yếu của Chúa là sự sống vĩnh cửu và tốt đẹp nhất. Do đó, chúng ta nói rằng Chúa là một hữu thể sống động, vĩnh cửu và hoàn hảo, để từ đó, sự sống kéo dài vô tận thuộc về Chúa, vì Chúa là sự sống này.”12 Hơn nữa, vị Thiên Chúa này hoàn toàn là một và tuyệt đối duy nhất. “Những người nói rằng các con số toán học là đệ nhất, rồi tiếp tục tạo ra bản thể hết loại này đến loại kia cùng với các nguyên lý khác nhau cho mỗi loại, sẽ làm cho bản thể của vũ trụ chỉ là một chuỗi đơn thuần của các chương hồi và cung cấp cho chúng ta nhiều nguyên lý chi phối; nhưng thế giới không phải được quản trị một cách tồi tệ [như thế]. Như Homer đã quan sát, nhiều người thống trị thì không tốt, chỉ nên có một mà thôi.”13

Do đó, Alexander thành Aphrodisias đã nhận xét về Aristotle trong cuốn Commentary on the Metaphysics (Chú giải Siêu hình học)14 rằng: ông là người “đã dẫn chúng ta đi từ những sự vật mà tự chúng, thuộc bình diện thấp nhất, nhưng quen thuộc nhất đối với chúng ta, tới Cha, là Đấng đã dựng nên mọi sự, là vị Thiên Chúa uy linh cao cả nhất, là Đấng giống như nhà sáng lập có vai trò làm nguyên nhân cho sự hiệp nhất của cả địa cầu, cũng như của [đồng và kẽm trong] đồng thau, vì thế, Quyền Năng Thần Linh, tác giả của sự hiệp nhất và người thợ làm ra vạn vật, đối với tất cả hữu thể, chính là nguyên nhân cho hiện hữu của chúng.”

Là một nhà lôgic chặt chẽ và một nhà duy thực có tầm nhìn, Aristotle có tư duy vừa vô cùng thực tiễn, vừa vô cùng siêu hình. Ông vui vẻ chú tâm đến những đòi hỏi của hiện thực và mở suy đoán của mình ra trước mọi hữu thể mà không xâm phạm hay bóp méo sự thật ở bất cứ điểm nào, đồng thời, cho thấy—một năng lực và sự tự do—trí tuệ đáng kinh ngạc mà chỉ sự sáng suốt tinh tường và năng lực thiên thần nơi Thánh Tôma mới có thể vượt qua.

Tuy nhiên, Aristotle là một nhà tư tưởng có cái nhìn sâu sắc hơn là bao quát. Ông đã không mấy để tâm đến việc thể hiện sự cân xứng và góc nhìn mở rộng trong triết học của mình; thay vào đó, đối tượng chủ yếu được ông quan tâm là việc cố gắng tiếp thu, bằng một phương pháp tuyệt đối đáng tin cậy cùng sự chính xác hoàn hảo, thứ đặc trưng nhất, thâm sâu nhất trong mọi bản tính mà con người có thể tiếp cận—hay nói ngắn gọn, là thứ đích thực là tự nó. Do đó, ông không chỉ là người đã tổ chức tri thức nhân loại và đặt ra nền tảng vững chắc cho lôgic, sinh học, tâm lý học, lịch sử tự nhiên, siêu hình học, đạo đức học và chính trị; nhưng còn cắt gọt và làm cho một loạt các định nghĩa và kết luận quý giá trở nên sáng bóng dưới ngọn lửa thực tại.

Do đó, có thể khẳng định không chút do dự rằng, trong số các triết gia, Aristotle có một vị trí hoàn toàn tách biệt, với tài năng, ân huệ được ban và thành tựu—tất cả đều là độc nhất. Và nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy một quy luật tự nhiên thế này, rằng cái cao siêu thì khó lòng đạt được, và cái khó lòng đạt được thì hiếm có. Nhưng khi một nhiệm vụ có độ khó phi thường cả trong chính nó lẫn điều kiện mà nó đòi hỏi, chúng ta có thể mong đợi sự xuất hiện của chỉ một người thợ có khả năng hoàn thành. Hơn nữa, một dinh cơ đồ sộ được xây dựng tốt thường không được tạo nên từ bản vẽ của một số kiến trúc sư, nhưng theo thiết kế của một người duy nhất. Do đó, nếu dinh thự của triết học, của khôn ngoan nhân loại, được xây dựng một cách tương xứng với giá trị của nó, thì những nền tảng của nó phải được đặt ra, một lần cho mãi mãi, bởi một nhà tư tưởng mà thôi. Và trên những nền tảng này, hàng ngàn thợ xây khác sẽ lần lượt thi thố tài năng, vì sự phát triển của tri thức là hiện thân cho cố gắng của nhiều thế hệ và sẽ không bao giờ hoàn thiện; tuy nhiên, tay thợ cả thì chỉ có một người.15

Vì lý do này, bất chấp những sai lầm, khiếm khuyết và lỗ hổng làm lộ ra những hạn chế của lý trí nhân loại trong các tác phẩm của mình,16 Aristotle vẫn thực sự là một triết gia xuất sắc sánh ngang với vị trí của Thánh Tôma trong thần học.17

3.3. Các tác phẩm của Aristotle

Aristotle sinh năm 384 TCN tại thành phố Stagira,18 trong vùng Thrace. Người ta nói rằng ông là con trai của một thầy thuốc tên là Nicomachus, thuộc dòng họ Asclepiadae, xuất thân từ Aesculapius. Ở tuổi mười tám, ông trở thành học trò của Plato cho đến khi thầy qua đời (347 TCN). Sau cái chết của Plato, ông đến sống tại Atarneus ở Mysia, rồi chuyển đến Mytilene. Sau đó, ông đã trải qua tám năm làm việc tại triều đình của Vua Philip đất Macedon, nơi ông trở thành gia sư của Alexander. Sau khi học trò của mình lên ngôi, ông định cư ở Athens và thành lập trường học tại Lyceum (một phòng tập thể dục được dâng cho Apollo Lycaeus), nơi ông vừa giảng dạy vừa đi lại cùng với các học trò dưới những tán cây, từ đó, các môn đệ của ông đã được gọi bằng cái tên Peripatetics (kẻ tiêu dao, người tản bộ). Ông đã dành ra mười hai năm dạy học ở Athens. Khi phe đối lập với người Macedon đưa ra cáo buộc chống lại ông vì đã biên soạn một bài thánh ca có nội dung phạm thượng, ông lui về Chalcis và qua đời sau đó ở tuổi 63 (322 TCN).

Là một người dành tình yêu tha thiết cho việc học, người ta kể lại rằng ông đã nghĩ ra cách cầm trên tay một quả cầu bằng đồng khi làm việc, để nếu có ngủ quên, nó sẽ đánh thức ông bằng cách rơi vào một cái chậu kim loại được đặt ở bên dưới. Nhờ vào sự hỗ trợ từ Philip và Alexander, ông đã viết ra những cuốn sách dành cho đối tượng người đọc là công chúng (những cuộc đối thoại) mà về sau đều đã thất truyền, cùng với đó là các sách thuộc thể loại chỉ để nghe, nơi ông tóm tắt các bài giảng mà mình đã truyền đạt cho các học trò, phần lớn trong số chúng hiện nay vẫn còn sót lại.19

Lịch sử của những cuốn sách ấy, như Strabo đã thuật lại, là rất ly kỳ. Khi Aristotle qua đời, tất cả chúng cùng với thư viện của ông đã được kế thừa bởi một người môn đệ có tên là Theophratus. Đến lượt mình, Theophratus lại truyền chúng cho một môn đệ của ông là Neleus, rồi Neleus lại truyền cho những người kế vị mình. Sau này, vì lo sợ chúng có thể bị thu giữ để nộp vào thư viện hoàng gia ở Pergamum, những người kế vị ông đã giấu chúng trong một căn phòng nằm dưới lòng đất, và vì thế, đã làm thất lạc sau khi họ qua đời. Mãi sau một thế kỷ rưỡi kể từ khi biến mất, khoảng năm 100 TCN, hậu duệ của những người kế vị Neleus mới phát hiện ra các tác phẩm này, trong tình trạng bị hư hỏng nặng nề, và đã bán lại cho một nhà sưu tầm sách giàu có thành Teos có tên là Apellicon. Chính nhân vật Apellicon này sau đó đã cho xuất bản những cuốn sách của Aristotle lần đầu tiên với nội dung có rất nhiều sai sót. Khi người Rô-ma chinh phục Athens năm 86 TCN, chúng lại một lần nữa đổi chủ và trở thành tài sản thuộc quyền sở hữu của viên tướng Sulla, người đã cho phép nhà ngữ pháp Tyrannio có quyền tiếp cận và sử dụng. Sau cùng, Andronicus đảo Rhodes là người đã có công sắp xếp các cuốn sách này thành mục lục và cho tái xuất bản.20 Về sau, những cuốn chú giải cho các tác phẩm của Aristotle dần dần được biên soạn bởi Alexander thành Aphrodisias (thế kỷ II SCN) và một số triết gia thuộc phái Tân Plato là Porphyry (thế kỷ III), Themisitius (thế kỷ IV), Simplicius và Philo (thế kỷ VI).

Truyền thống Kinh viện, vốn phát triển từ thế kỷ VIII trở đi ở thế giới Ki-tô Giáo Tây phương, đã không biết gì về các tác phẩm gốc của Aristotle trong một thời gian dài, ngoại trừ cuốn Organon (Luận thuyết về lôgic), đã được dịch sang tiếng La-tinh21 bởi Chân phước Boethius (480-526). Tuy nhiên, nó đã làm quen với tư tưởng của ông ngang qua việc truyền bá và phổ biến từ những người khác và đã tạo thành một phần không thể thiếu trong sự tổng hợp triết học hậu kỳ cổ đại, mặc dù trong đó, tư tưởng Plato, thứ đã được các Giáo phụ, đặc biệt là Thánh Augustinô, rút ra phần lớn nội dung để đưa vào các lĩnh vực của đức tin, mới là phần chủ đạo. Trong các trường học Ki-tô Giáo, lôgic của Aristotle đã được giảng dạy dựa vào bản dịch của Boethius. Nhưng phải đến nửa sau thế kỷ XII, các tác phẩm khác của Triết gia (bao gồm Vật lý học, Siêu hình họcĐạo đức học) mới bắt đầu tới tay các nhà kinh viện, mà sự quan tâm dành cho chúng ban đầu chủ yếu phát xuất từ cuộc luận chiến sôi nổi được tiến hành bởi các nhà lãnh đạo tư tưởng Ki-tô Giáo thời bấy giờ nhằm chống lại triết học của người Ả Rập, những người sở hữu các cuốn sách này cùng với các sách chú giải của phái Tân Plato (mà họ đã dịch từ tiếng Syria sang tiếng Ả Rập) và sử dụng chúng nhằm mục đích ngụy biện theo lối lợi dụng thanh danh. Đối tượng đầu tiên của mối nghi ngờ22 dành cho các tác phẩm này là vấn đề nguồn gốc mà chúng đã được tiếp nhận, cũng như những sai lầm mà các nhà chú giải Ả Rập có thể đã lồng ghép vào, do đó, tất cả các tác phẩm của Aristotle đã sớm được dịch sang tiếng La-tinh, lúc đầu từ bản văn Ả Rập và sau đó,23 từ bản văn Hy-lạp nguyên gốc.24

4. Aristotle và Thánh Tôma

Như vậy, cuộc gặp gỡ giữa khôn ngoan nhân loại và chân lý thiêng liêng, giữa Aristotle và Đức tin đã chính thức bắt đầu. Tất cả sự thật giờ đây đã quy về dưới quyền của tư tưởng Ki-tô Giáo, giống như chiến lợi phẩm mà người Ai-cập đã thu được từ dân Ít-ra-en. Quaecunque igitur apud omnes praeclara dicta sunt, nostra Christianorum sunt [Tạm dịch: Bất cứ điều gì thuận theo lẽ phải được nói giữa mọi người, đều là tài sản của các Ki-tô hữu chúng tôi],25 bởi theo câu nói của Thánh Ambrôsiô mà Thánh Tôma rất thích khi trích dẫn, mọi sự thật, dù do ai nói đi chăng nữa, cũng đều đến từ Chúa Thánh Thần.26 Nhưng nhất định phải có ai đó là người thực sự nắm giữ và đưa trí năng tài tình của Aristotle đi vào phục vụ cho Vương quyền Chúa Ki-tô. Công việc này đã được bắt đầu bởi Thánh Albertô Cả (1193-1280) rồi sau đó, được tiếp nối và đưa đến kết thúc viên mãn bởi Thánh Tôma Aquinô (1225-1274). Thành tựu của nó đòi hỏi sự kết hợp hiếm có giữa những điều kiện thuận lợi, bao gồm một nền văn hóa chín muồi trong thời đại Thánh Louis, sự tổ chức tuyệt vời của dòng Đa-minh và thiên tài của Thánh Tôma.27 Thánh Tôma, người được Giáo Hội tuyên phong là Tiến sĩ tuyệt hảo, Tiến sĩ Hội Thánh, và được phong làm tôn sư cho các trường Công Giáo, đã không bằng lòng với việc di chuyển toàn bộ triết học của Aristotle vào lĩnh vực tư tưởng Ki-tô Giáo, và đã biến nó trở thành khí cụ cho một sự tổng hợp độc đáo về thần học; trong quá trình này, ngài đã nâng nó lên một trật tự cao hơn nhiều, và có thể nói, đã thần hóa nó.

Ngài đã tẩy sạch nó khỏi mọi tỳ vết của sai lầm trong trật tự triết học, vì trong chừng mực liên quan đến khoa học của những quan sát hay hiện tượng, Thánh Tôma cũng không có khả năng cao hơn Aristotle trong việc tránh khỏi những sai lầm phổ biến vào thời của ngài, cho dù những sai lầm đó không ảnh hưởng đến bản thân triết học mà ngài phát triển. Ngài đã hàn gắn triết học Aristotle cách khéo léo và tỉ mỉ để biến nó trở nên một hệ thống mạnh mẽ và hài hòa; ngài khám phá các nguyên lý của nó, làm sáng tỏ các kết luận của nó và mở rộng thêm chân trời của nó; ngài chẳng những không bác bỏ điều gì, mà còn bổ sung và làm phong phú nó bằng sự dồi dào của truyền thống Ki-tô Giáo La-tinh, đồng thời, khôi phục lại ở những vị trí thích hợp trong truyền thống ấy nhiều học thuyết của Plato về một số điểm cơ bản (chẳng hạn, vấn đề bản chất và hiện hữu), cũng như đưa ra những quan điểm mới mẻ hoàn toàn, để từ đó, làm lộ ra khuôn mặt của một thiên tài về triết học không hề thua kém Aristotle. Sau cùng, thành tựu cao nhất của ngài là đã sử dụng triết học của ông, dưới tư cách là một nhà thần học, làm khí cụ cho khoa học thiêng liêng, một phân khoa mà ngài coi là “sự ghi khắc tri ​​thức của Thiên Chúa vào tâm trí chúng ta,”28 ngài đã nâng tầm triết học của ông bằng cách đưa nó vào sự chiếu rọi của một ánh sáng cao hơn, thứ ánh sáng khiến cho những sự thật của triết học ấy được khoác lên một ánh hào quang thần thánh hơn khi nó được chiếu rọi bởi ánh sáng của con người. Giữa Aristotle được tìm thấy nơi chính ông và Aristotle xuất hiện trong các tác phẩm của ngài là sự khác biệt giữa một thành phố được nhìn thấy qua ánh sáng của một đám rước bằng đèn, đuốc và chính thành phố ấy khi được đắm chìm trong ánh sáng mặt trời lúc ban mai. Vì lý do này, mặc dù Thánh Tôma, trước hết, là một nhà thần học, nhưng chúng ta có thể gọi triết học của ngài, một cách thích hợp, nếu không muốn nói là đúng đắn hơn, là triết thuyết Tôma (Thomist) thay vì triết thuyết Aristotle (Aristotelian).

5. Triết học vĩnh cửu

Triết học của Aristotle và Thánh Tôma trên thực tế là thứ mà triết học hiện đại gọi là triết học tự nhiên về tâm trí con người, vì nó phát triển và đưa tới sự hoàn thiện cho những gì tự nhiên cách sâu sắc và chân thực nhất trong trí năng của chúng ta, giống như trong những tiếp thu sơ bộ và trong thiên hướng bẩm sinh của của trí năng hướng về sự thật.

Bên cạnh đó, nó cũng là triết học bằng chứng vì dựa trên bằng chứng kép về dữ liệu được nhận thức bởi các giác quan và bởi sự tiếp thu trí tuệ của chúng ta đối với các nguyên lý đệ nhất—triết học về hữu thể, hoàn toàn được hỗ trợ bởi và được nhào nặn trên những gì hiện hữu, và việc lưu tâm cách kỹ lưỡng đến mọi yêu cầu của thực tại—triết học về trí năng, thứ mà nó tin tưởng như là khả năng đạt tới sự thật, và được định hình bởi một bộ môn độc nhất vô nhị về thanh lọc tinh thần. Chính vì lẽ đó, nó đã tự chứng tỏ mình là một triết học phổ quát theo nghĩa rằng nó không suy tư về vấn đề quốc gia, dân tộc, giai cấp, phe nhóm, hay chủng tộc, tham vọng hay nỗi ưu phiền của một nhu cầu mang tính cá thể hay thực tiễn, nhưng là sự diễn đạt và sản phẩm của lý trí, thứ giống nhau ở bất cứ nơi nào; đồng thời, cũng theo nghĩa rằng nó có khả năng dẫn dắt những trí năng tốt đẹp nhất đi đến những tri ​​thức cao siêu tột đỉnh và những điều khó đạt được nhất, nhưng chưa một lần phản bội những xác tín trọng yếu, vốn đạt được theo bản năng bởi mọi trí óc lành mạnh, đã tạo ra lĩnh vực, rộng như nhân loại, của lẽ thường. Do đó, nó có thể được khẳng định là triết học thường tồn và thường hằng (philosophia perennis) theo nghĩa rằng trước khi Aristotle và Thánh Tôma trao cho nó sự trình bày khoa học như một triết học có hệ thống, nó đã tồn tại từ buổi bình minh của nhân loại và ở trong trạng thái tiền triết học, giống như một bản năng của sự hiểu biết và tri ​​thức tự nhiên về các nguyên lý đệ nhất của lý trí, và kể từ đó, nền tảng của nó, dưới tư cách một hệ thống, vẫn giữ được sự vững chắc và tiến bộ, một truyền thống có tính hào hùng và sống động, trong khi tất cả các hệ thống triết học khác đã xuất hiện rồi suy tàn nối tiếp nhau. Và cuối cùng, nó khác biệt và trổi vượt so với bất cứ triết học nào khác ở chỗ nó là một; một vì chỉ riêng nó mới mang lại sự hài hòa và thống nhất cho tri thức nhân loại, cả siêu hình và khoa học; và một vì tự chính mình, nó thực hiện sự nhất quán tối đa trong một sự phức tạp tối đa, đồng thời, bỏ qua phần ít ỏi trong số những nguyên lý của nó vốn có thể đưa tới những hệ luận không ngờ và bẻ cong hiểu biết của chúng ta về thực tại theo vô số hướng.

Trên đây là một vài những dấu chỉ bề ngoài làm chứng cho sự thật của nó, ngay cả trước khi chúng ta tự nghiên cứu nó và khám phá ra, bằng chứng minh cá nhân, xác tín nội tại và tính tất yếu thuần lý của nó.


Chú thích

1 Những triết gia đứng đầu trường phái này là Aristippus thành Cyrene, Theodore Người vô thần, Hegesias và Anniceris.

2 Cái tên này bắt nguồn từ tên gọi một phòng tập thể dục ở Athens (Κυνόσαργες [Kynósarges]), nơi Antisthenes giảng dạy. Những người theo phái Cynic nổi tiếng nhất là Antisthenes (sinh năm 445 TCN), Diogenes thành Sinope (400-323 TCN), và Crates thành Thebes.

3 Những gương mặt nổi bật của phái Elis là Phaedo và Menedemus, thuộc phái Megara, Euclid thành Megara (đừng nhầm với nhà hình học Euclid), Eubulides thành Miletus, Diodorus Cronos và Stilpo.

4 Sau những chuyến hành trình, Plato định cư ở Athens, nơi ông mua ruộng đất của một nhân vật Academus nào đó để làm trường học cho triết phái của mình, do đó, nó được gọi là Academy (Học viện).

5 ii, 362 A.

6 X. Thánh Tôma, In I De Anima, viii: Plato habuit malum modum docendi; omnia enim figurate dicit et per symbola, intendens aliud per verba, quam sonent ipsa verba.

Tạm dịch: Phương pháp giảng dạy của Plato mắc phải sai lầm; ông liên tục sử dụng lối nói hình tượng, giảng dạy bằng các biểu tượng và gán cho những ngôn từ của mình một ý nghĩa khác hoàn toàn với nghĩa đen của chúng.

7 Đây là lý do tại sao chúng ta kết thúc bản phác thảo này về lịch sử triết học, hay chính xác hơn là về sự hình thành của triết học, với Aristotle.

8 Và chủ yếu trong Trí Năng Thần Linh, như các nhà kinh viện đã phải giải thích, do đó, tính đến sự thật chứa đựng trong thuyết mô phạm của Plato.

9 X. Thánh Tôma, In I Metaphysics, 1. 10, 158 (ed. Cathala).

10 Vật lý thực nghiệm của Aristotle (khoa học về các hiện tượng) là một công trình trí tuệ tráng lệ bị hủy hoại hoàn toàn bởi những sai lầm về sự kiện. Nhưng vật lý học triết học của ông (khoa học về hữu thể chuyển động) đặt ra các cơ sở và nguyên lý cho mọi triết học chân chính về tự nhiên.

11 Metaphysics, i, 9, 992 a 25-992 b 10.

12 Metaphysics, xii, 7, 1072 b; 9, 1074 b 35.

13 Metaphysics, xii, 10, 1076 a.

14 Alexander thành Aphrodisias, In Metaphysics, ad 1045 a 36.

15 Descartes đã nhận xét rất chính xác trong cuốn Thảo luận về phương pháp của ông rằng: “Các tác phẩm gồm nhiều bộ phận và được tạo ra bởi bàn tay của một vài người thợ thì không hoàn hảo như tác phẩm của một cá nhân duy nhất.”

Nhưng ông đã sai khi tin rằng (1) ông là người được định sẵn để đặt nền tảng cho triết học, một công việc mà các bậc tiền nhân đã không thể hoàn thành; (2) tự ông cũng có đủ năng lực—ít nhất là có đủ thời gian và kinh nghiệm—để không chỉ đặt nền tảng cho khoa học, nhưng còn hoàn thành việc xây dựng toàn bộ dinh thự khoa học đó; và ông đã thành công trong nhiệm vụ của mình bằng cách liên tục phê bình và phân tích tư tưởng của các vị tiền bối, cũng như bằng cách sử dụng các kết quả được tích lũy từ suy đoán nhân loại trong quá khứ.

16 Aristotle thường bị gán trách nhiệm cho một số sai sót mà các môn đệ hay những nhà chú giải các tác phẩm của ông mắc phải, đặc biệt là về (1) linh hồn con người, (2) tri thức thần linh và (3) nhân quả. Tuy nhiên, việc nghiên cứu kỹ bản văn của ông cho thấy khi Aristotle cho rằng trí năng là tách biệt, ông có ý nói là nó tách biệt với vật chất chứ không phải với linh hồn (x. Thánh Tôma, In III de Anima, 4.5), và do đó, ông không phủ nhận tính bất tử cá vị của linh hồn con người (x. Metaphysics, xii, 3, 1070 a 26) như người ta thường khẳng định.

Ông cũng không dạy rằng Thiên Chúa không phải là nguyên nhân hữu hiệu của thế giới và chỉ dịch chuyển nó dưới tư cách là cùng đích, hay sự thiện, mà nó khao khát. (Đoạn văn trong Metaphysics, xii, 7, có nghĩa đơn giản là Thiên Chúa, dưới tư cách là nguyên nhân mục đích hay đối tượng của tình yêu, dịch chuyển trí thông minh đã dịch chuyển tầng trời đầu tiên; ông không chủ trương rằng Thiên Chúa chỉ có thể hành động như là nguyên nhân mục đích mà trái lại, trong Metaphysics, ii, 1, 993 b 28, ông nói rằng các vật thể trên thiên giới phụ thuộc vào nguyên nhân đệ nhất không phải chỉ vì chuyển động của chúng, nhưng còn vì chính hiện hữu của chúng. X. Metaphysics, vi, 1, 1026 b 17.) X. đoạn văn của Alexander thành Aphrodisias, được trích dẫn trong bản văn, trong đó, quan hệ nhân quả hữu hiệu của Thiên Chúa trong hệ thống của Aristotle đã được trình bày một cách đáng ngưỡng mộ.

Đối với đoạn văn (Metaphysics, xii, 9) mà trong đó, Aristotle điều tra đối tượng mô thức của Trí Năng Thần Linh và lưu ý rằng tốt hơn là không biết còn hơn là biết một số sự vật thuộc về trật tự thấp hơn, thì điều đó chắc chắn không có nghĩa là ông phủ nhận rằng Thiên Chúa biết những sự vật thuộc về thế giới; tuyên bố được ông đưa ra chỉ đơn giản là để chuẩn bị cho giải pháp của vấn đề được thảo luận. Giải pháp đó, như Aristotle đã chỉ ra, là đúng theo nghĩa mô thức và cốt ở mệnh đề mà sau này Thánh Tôma đã xác nhận rõ ràng hơn, rằng Thượng Trí, vì tính độc lập tuyệt đối của Ngài, không có đối tượng mô thức nào khác ngoài chính Bản Chất Thần Linh, và do đó, không biết các sự vật của thế giới tự thân chúng, nhưng tự bản chất mà trong đó, mọi thứ đều sống động.

Tuy nhiên, đúng là Aristotle đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng (chẳng hạn, nỗ lực của ông để chứng minh rằng sự tồn tại của thế giới có từ đời đời [ab aeterno]), cũng như nhiều thiếu sót khác. Đặc biệt, học thuyết về sự sáng tạo, vốn tuân theo tính tất yếu tuyệt đối từ các nguyên lý của ông, đã không được ông xây dựng một cách rõ ràng (quả thật, không có triết gia ngoại giáo nào đạt tới được khái niệm rõ ràng về sự sáng tạo từ hư vô ex nihilo); và về những vấn đề, mặc dù tự chúng có khả năng chứng minh hợp lý, nhưng lại khó giải quyết nhất nếu không có sự trợ giúp của mặc khải—mối quan hệ của thế giới với Chúa, số phận của linh hồn sau khi chết—ông đã chủ trương một sự dè dặt, có lẽ rất thận trọng, nhưng rõ ràng, đã không hoàn thành công việc của mình.

17 Goethe, lặp lại chủ đề của bức tranh Trường học Athens của Raphael, trong đó, Plato được miêu tả như một ông lão đầy cảm hứng, tay chỉ lên trời, trong khi Aristotle như một người tràn đầy sức sống của tuổi trẻ đang hân hoan chỉ về trái đất và những thực tại của nó, đã rút ra trong cuốn Lý thuyết về màu sắc [Theory of Colours] (Phần 2, Ueberliefertes) của ông một sự so sánh ấn tượng giữa Plato và Aristotle. “Plato có vẻ cư xử như một linh hồn từ trời giáng thế, kẻ đã chọn cách cư ngụ trong một không gian trên mặt đất. Ông hầu như không cố gắng để biết thế giới này. Ông đã định hình nên một ý niệm về nó, và khao khát chính của ông là truyền đạt cho nhân loại những chân lý mà ông đã mang trong mình và vui sướng khi được truyền đạt cho họ, những người đang cần chúng. Nếu ông thâm nhập vào chiều sâu của sự vật, thì đó là để lấp đầy chúng bằng tâm hồn của chính ông, chứ không phải để phân tích chúng. Làm việc không ngừng nghỉ với tinh thần nhiệt thành cháy bỏng, ông khao khát vươn lên và trở lại quê trời, nơi mà ông đã xuống thế từ đó. Mục đích của tất cả các diễn từ của ông là đánh thức nơi người nghe khái niệm về một hữu thể vĩnh cửu duy nhất, về chân, thiện, mỹ. Phương pháp và ngôn từ của ông dường như là để nung chảy, để làm tan thành hơi nước bất cứ sự thật khoa học nào mà ông đã mượn từ trái đất.

“Trong khi đó, thái độ của Aristotle đối với thế giới là hoàn toàn mang tính con người. Ông cư xử như một kiến trúc sư phụ trách một tòa nhà. Vì ông ở trên mặt đất, nơi ông phải làm việc và xây dựng. Ông chắc chắn về bản tính của nền móng, nhưng chỉ là về độ sâu nền tảng của ông. Bất cứ điều gì vượt trên trung tâm của mặt đất đều không liên quan đến ông. Ông tạo cho tòa nhà của mình một nền tảng phong phú, tìm kiếm vật liệu theo mọi phương hướng, phân loại chúng và xây dựng dần dần. Do đó, ông nổi lên như một kim tự tháp cân đối, trong khi Plato vươn nhanh chóng lên các tầng trời như một ngọn tháp hay một lưỡi lửa sắc nhọn.

“Vì vậy, hai con người này, những người đại diện cho những phẩm chất quý giá như nhau và hiếm khi cùng nhau, có thể nói, đã chia rẽ nhân loại giữa họ.”

18 “Hơn nữa, chúng ta phải nhớ rằng Stagira, một thành phố ở Chalcidice, là thuộc địa của Hy-lạp, nơi tiếng Hy-lạp được sử dụng. Do đó, quả không đúng khi coi Aristotle, như đôi khi ông bị coi, là người chỉ mang một nửa dòng máu Hy-lạp. Ông là một người Hy-lạp thuần chủng, giống như Parmenides, hay Anaxagoras.” (Hamelin, Le Système d’Aristote, p. 4.)

19 Sau đây là danh sách các tác phẩm của Aristotle:

1. Tuyển tập các tác phẩm liên quan đến Lôgic và được biết đến với tên gọi chung là Organon (khí cụ của tri thức khoa học). Chúng bao gồm Categories; Prior and Posterior Analytics; Topics; On Sophistic Arguments; On Interpretation, một luận thuyết về ý nghĩa của các mệnh đề, bất chấp sự bác bỏ của Andronicus, phải được chấp nhận là xác thực.

2. Physics (có nghi vấn về quyền tác giả của cuốn thứ 7), tác phẩm mà chúng ta phải chia ra các luận thuyết sau: On the Heavens (De Caelo); On Generation and Corruption; On the Parts of Animals; On the Soul; On Sensation; On Memory; The Meteorology; History of Animals (có nghi vấn về quyền tác giả của cuốn thứ 10); và nhiều luận thuyết khác, trong đó, vài luận thuyết có nghi vấn về quyền tác giả, đặc biệt là De Mundo. (Luận thuyết về Nhân tướng học [Physiognomy] là mạo danh, tuy nhiên, nó có vẻ là sự kết hợp của nhiều phần nội dung xác thực.)

3. Metaphysics, bộ sách mà trong đó, cuốn thứ hai được viết bởi Pasicles đảo Rhodes, một môn đệ của ông.

4. Nicomachean EthicsEudemian Ethics. Tác phẩm sau được sáng tác bởi chính Eudemus chứ không phải Aristotle. Chúng ta có thêm vào nhóm tác phẩm này cuốn Great Ethics (Magna Moralia), như là phần viết tiếp của hai tác phẩm trước, và do đó, không phải bởi Aristotle; Politics; Poetics; và Rhetoric. Luận thuyết On Virtues and Vices, EconomicsRhetoric to Alexander là mạo danh. Vào năm 1891, Constitution of Athens đã được tìm thấy và cho xuất bản. Nó tạo thành một phần của một tuyển tập mà trong đó, Aristotle đưa ra phác thảo về hiến pháp của 158 bang thuộc Hy-lạp.

Về các nhà kinh viện đã chú giải các tác phẩm của Aristotle, quan trọng nhất là Thánh Albertô Cả, Thánh Tôma và Silvester Maurus, với cách diễn giải và bình luận theo theo từng từ vẫn có thể được tham khảo cách hữu ích. Thánh Tôma đã viết các sách chú giải cho: (a) De Interpretatione (chưa hoàn thành và được thay thế bởi ĐHY Cajetan cho các bài từ 3-14 của cuốn 2); (b) Posterior Analytics; (c) Physics; (d) De Caelo et Mundo (Thánh Tôma qua đời trước khi hoàn thành, và từ bài 8, cuốn 3 trở đi, việc chú giải này đã được tiếp tục bởi học trò của ngài, Peter vùng Auvergne); (e) Generation and Corruption of Animals (Thánh Tôma chưa viết xong cuốn Chú giải nhưng nó đã được hoàn thành bằng các đoạn văn vay mượn từ các tác giả khác, nhất là từ Chú giải của Thánh Albertô Cả); (f) Meteorology (đươc hoàn thành bởi người khác từ cuốn 2, bài 11); (g) De Anima (Phần chú giải cho cuốn 2 và 3 là bởi chính Thánh Tôma, còn cuốn 1 được tạo ra bằng cách kết hợp các bài giảng của thánh nhân do một học trò của ngài, Raynald xứ Piperno, thực hiện); (h) Parva Naturalia (De Sensu et Sensato, de Memoria et Reminiscentia, de Somno et Vigilia); (i) Metaphysics (ấn bản hiện đại được biên soạn bởi Padre Cathala, Turin, Marietti, 1915); (j) Nicomachean Ethics; (k) Politics (hoàn thành bởi Peter vùng Auvergne từ cuốn 3, bài 6, hoặc từ cuốn 4 theo một số ý kiến khác). X. Bernardo Maria de Rubeis, Dissertationes variae eruditionis sub una capitum serie collectae, 23 in vol. i, Opera Omnia Sancti Thomae Aquinatis, Leonine edition.

Về các tác phẩm của Thánh Tôma và tính xác thực của các tác phẩm nhỏ khác nhau của ngài, xem Mandonnet, O.P., Des Ecrits authentiques de Saint Thomas (tái bản từ Revue Thomiste, 1909-1910), Friburg.

20 Strabo, Geog., xiii, 1, 54; Plut. Sulla, 26. Chứng từ của Strabo có trọng lượng đáng kể. Tuy nhiên, người ta đã chứng minh rằng một số luận thuyết khoa học quan trọng nhất của Aristotle đã được những người thuộc phái tiêu dao (Peripatetic) và các đối thủ của họ biết đến vào thế kỷ III và II TCN. Do đó, chúng ta phải kết luận rằng trình thuật của Strabo là đáng tin cậy trong các khẳng định của nó ở chừng mực mà nó vẫn còn liên quan đến lịch sử của các bản thảo “bí truyền” của Aristotle, nhưng không chính xác, hoặc ít nhất là phóng đại, trong các tuyên bố phủ định của nó. Các bản sao ít nhiều hoàn chỉnh của các tác phẩm của Aristotle hẳn phải được lưu hành trong phái tiêu dao trước khi Apellicon phát hiện ra. Tuy nhiên, chúng ta có thể đồng ý với kết luận của Hamelin rằng “các tác phẩm khoa học của Aristotle đã ít được đọc, thậm chí bởi phái tiêu dao trong thời kỳ suy thoái. Khám phá của Apellicon sẽ có tác dụng làm cho những tác phẩm này trở nên hợp thời hơn.” Vì vậy, sự thật của vấn đề là, trước phát hiện này và các tác phẩm của Andronicus, các luận thuyết khoa học của Aritsotle không thực sự không được biết đến, như Strabo đã nói, nhưng ở mức độ ít được biết đến.

21 Sau đó, tác phẩm của Boethius bị thất lạc một phần, và mãi đến sau năm 1141, một số cuốn nhất định trong bộ Organon, được giới thiệu lại từ người Ả Rập, mới bắt đầu xuất hiện trong văn học triết học thời Trung Cổ, nơi chúng hình thành nên những gì mà sau đó được gọi là Logica Nova. Đó là các cuốn Prior and Posterior Analytics, TopicsSophistic Arguments. X. Maurice de Wulf, Historien de la philosophie médiévale, 2nd. ed. pp. 149 sqq.

22 Các biện pháp kiểm duyệt (được ban hành vào năm 1210 bởi một công đồng của tỉnh Sens họp tại Paris, và được gia hạn vào năm 1215, trong quy chế áp đặt cho Đại học Paris bởi Đại sứ Robert de Courçon, một quy chế được xác nhận bởi Đức Gregory IX vào năm 1231 và bởi Đức Urban IV năm 1263) cấm sử dụng các tác phẩm của Aristotle trong các bài giảng công khai hay việc giảng dạy riêng tư. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng, như kinh sĩ Monsieur Jacques Forget đã chỉ ra (Rapportant au Congrès scientifique international des Catholiques, Brussels, 1894), các cá nhân vẫn được tự do đọc, nghiên cứu và chú giải những cuốn sách này cách riêng tư. Hơn nữa, các biện pháp kiểm duyệt này chỉ ràng buộc đối với Đại học Paris. Năm 1229, Đại học Toulouse, được thành lập và tổ chức dưới sự bảo hộ của chính Giáo Hoàng, đã thu hút sinh viên bằng cách công bố các bài giảng về những cuốn sách bị cấm tại Paris. Cuối cùng, ngay cả tại Paris, khi phân khoa nghệ thuật đưa vào các khóa học của mình, từ năm 1255, các bài giảng công khai về cuốn hai Vật lý họcSiêu hình học, Giáo quyền cũng đã không cố gắng can thiệp. Và đáng kể hơn nữa, một vài năm sau đó, Đức Giáo Hoàng Urban IV đã đặt dưới sự bảo trợ cá nhân của mình đối với bản dịch các tác phẩm của Aristotle do William xứ Moerbeke biên soạn, cũng như các bản Chú giải của Thánh Tôma. Xem Chollet, “Aristotélisme de la Scolastique” trong Dictionnaire de Théologie của Vacant và Mangenot; Maurice de Wulf, sách đã dẫn, tr. 242.

23 Một số tác phẩm của Aristotle thoạt đầu được đọc theo bản dịch tiếng La-tinh từ tiếng Ả Rập, trong khi những tác phẩm khác theo bản dịch trực tiếp từ tiếng Hy-lạp. Bất luận thế nào, những cuốn sau cũng đã nhanh chóng thay thế hoàn toàn các cuốn trước. Thánh Tôma chỉ sử dụng các bản dịch trực tiếp từ tiếng Hy-lạp.

24 Bản dịch hay nhất trong số này là toàn bộ tác phẩm của Aristotle do William xứ Moerbeke thực hiện từ năm 1260 đến năm 1270 theo gợi ý và dưới sự giám sát của Thánh Tôma. Nó được dịch hoàn toàn theo nghĩa đen của bản văn tiếng Hy-lạp.

25 Thánh Giustinô, Apology, ii, 13.

26 Omne verum a quocumque dicatur, a Spiritu sancto est. (Nếu có điều gì đó là sự thật, thì dù là ai nói đi chăng nữa, cũng đều luôn đến từ Chúa Thánh Thần).

27 Để thực hiện thành công một nhiệm vụ như vậy, điều cần thiết là tư tưởng Ki-tô Giáo phải đạt được mức độ trau chuốt cao như nhau trong trật tự triết học và thần học mà nó đã nhận được từ các Giáo phụ và các Nhà kinh viện tiền bối của Thánh Tôma. Do đó, công việc của Thánh Albertô Cả và Thánh Tôma không phải là để biến đổi, nhưng trái lại, để kiện toàn triết học Ki-tô Giáo và ban cho nó cách diễn đạt trưởng thành. Nếu những người đương thời chủ yếu bị ấn tượng với tính mới mẻ trong công việc của họ—một sự mới mẻ của sự hoàn thiện, chứ không phải của sự thay thế—thì lý do là vì quá trình cuối cùng để hoàn thiện một hệ thống luôn phải gây sốc cho những người chứng kiến nó, cũng như những người rất có thể đã gắn bó với nó do thói quen trên một số khía cạnh của trạng thái không hoàn hảo của nó.

28 Summa Theologiae, i, q. 1, a. 3, ad 2.

Scroll to Top