Dẫn Nhập Triết Học

Chương
Triết học
Chương
Triết học

Chương 5. Định nghĩa triết học

1. Tri thức khoa học

Trong phần đầu của cuốn sách này, chúng ta đã khởi sự bằng cách gọi triết học là khôn ngoan phàm nhân (hay khôn ngoan nhân loại). Tuy nhiên, sau khi có thêm thông tin về bản tính và đối tượng của nó dựa theo những gì mà lịch sử về nguồn gốc của nó cung cấp, chúng ta đã có thể đưa ra định nghĩa về triết học một cách chính xác hơn.

Vì mục đích này, chúng ta sẽ nhìn nhận triết học theo nghĩa là triết học tuyệt hảo, triết học đệ nhất, hay siêu hình học. Và những gì chúng ta nói về nó theo nghĩa tuyệt đối (simpliciter) về sau sẽ có thể được áp dụng một cách tương đối (secundum quid) cho các phân môn khác của nó.

Triết học không phải là “sự khôn ngoan” trong đời sống luân lý hay thực tiễn vốn cốt ở việc hành động làm sao cho tốt. Nó là một sự khôn ngoan mà bản tính của nó căn bản cốt ở sự biết. Biết như thế nào? Biết theo nghĩa trọn vẹn và chặt chẽ nhất của thuật ngữ này, nghĩa là biết một cách chắc chắn, biết để có thể nói rõ tại sao một sự vật là cái mà nó là và không thể là cái gì khác, sự biết đó nhờ vào các nguyên nhân. Và công việc chính đối với các triết gia chính là đi tìm các nguyên nhân, trong đó, tri thức mà họ quan tâm không phải là thứ tri thức chỉ đơn thuần có khả năng, nhưng là tri thức đòi buộc phải được trí năng ưng thuận, giống như tri thức mà một nhà hình học truyền tải qua những chứng minh của anh ta. Nhưng vì tri thức chắc chắn về các nguyên nhân được gọi là khoa học, nên triết học là một khoa học.

Vậy sự biết như thế nhờ vào phương tiện gì và qua ánh sáng nào? Sự biết đó có được qua lý trí, qua cái được gọi là ánh sáng tự nhiên của trí năng nhân loại. Đây là phẩm tính chung đối với mọi khoa học thuần túy nhân loại (trái ngược với thần học). Có nghĩa là, quy tắc của triết học, tiêu chí của nó về sự thật, chính là bằng chứng về đối tượng của nó.

Phương tiện hay ánh sáng mà nhờ đó, khoa học nhận biết các đối tượng (quod) của mình, được gọi theo ngôn ngữ chuyên môn là lumen sub quo. Mỗi ngành khoa học khác nhau đều có ánh sáng đặc thù riêng tương ứng với các nguyên lý mô thức giúp chúng đạt tới đối tượng của mình. Tuy nhiên, những nguyên lý khác nhau này giống nhau ở chỗ, chúng đều được nhận biết nhờ vào hoạt động tự phát của trí năng, giống như khả năng tự nhiên của tri thức, hay nói cách khác, bởi ánh sáng tự nhiên của lý trí—và không phải bởi ánh sáng của đức tin và một sự thông truyền siêu nhiên được tạo ra cho con người (mặc khải) như trong trường hợp của các nguyên lý thần học. Tiếp theo, chúng ta sẽ phải xét xem đối tượng của triết học là gì.

2. Đối tượng chất thể của triết học

Biết gì đây? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể nhớ lại những chủ đề đã thu hút sự quan tâm của các triết gia được giới thiệu ở phần đầu sách; trong đó, họ điều tra mọi sự—tri thức tự nó và các phương pháp của tri thức, hữu thể và phi hữu thể, sự lành và sự dữ, chuyển động, thế giới, hữu thể có sinh khí và hữu thể vô hồn, con người và Thiên Chúa. Do đó, triết học quan tâm đến mọi sự và là một khoa học phổ quát.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng triết học là thứ hấp thu tất cả các khoa học khác (hay là khoa học duy nhất mà trong đó, mọi khoa học còn lại đều chỉ đơn thuần là các phân khoa), hoặc là thứ bị các khoa học khác hấp thu với vai trò không gì khá hơn là sắp xếp chúng lại thành một tổng hợp có hệ thống. Trái lại, nó được phân biệt với các khoa học khác nhờ vào bản tính và đối tượng của mình. Nếu điều này không đúng, thì triết học sẽ chỉ là một con ngáo ộp trong thần thoại, và những triết gia mà chúng ta nhắc đến ban đầu sẽ không phải ai đó khác hơn là những kẻ mất giờ cho những thứ viển vông.1 Nhưng không, triết học là một cái gì đó thực tế và các vấn đề của nó đưa tới những nhu cầu cấp thiết cần phải nghiên cứu. Đây là điều đã được chứng minh qua thực tế rằng tâm trí con người, bởi chính cơ cấu của nó, buộc phải đặt ra những câu hỏi mà các triết gia thảo luận, những câu hỏi mà hơn thế nữa, còn bao hàm các nguyên lý mà tính chắc chắn của các kết luận mà mọi ngành khoa học đạt được đều phải phụ thuộc giống như phương kế sau cùng.

Aristotle đã từng viết trong một song đề nổi tiếng rằng: “Bạn nói rằng người ta phải triết lý. Thì bạn phải triết lý. Bạn nói rằng người ta không nên triết lý. Thì (để chứng minh cho luận điểm của mình) bạn cũng phải triết lý. Trong mọi trường hợp, bạn [luôn] phải triết lý.”2

Nhưng làm sao triết học có thể là một khoa học đặc biệt nếu nó đề cập đến mọi sự? Bây giờ, chúng ta phải điều tra xem nó quan tâm đến mọi sự ở khía cạnh nào, hay nói cách khác, đâu là thứ trong mọi sự đã trực tiếp và tự nó khiến cho các triết gia phải để tâm suy nghĩ. Lấy ví dụ, nếu triết học nghiên cứu về con người, thì mục tiêu của nó không phải là xác định số lượng đốt sống lưng của anh ta hay nguyên nhân của các căn bệnh mà anh ta mắc phải; đó là công việc của ngành giải phẫu và y học. Thay vào đó, triết học nghiên cứu về con người để trả lời những câu hỏi như: liệu anh ta có sở hữu một trí năng khiến anh ta hoàn toàn khác biệt với các loài động vật khác không, liệu anh ta có sở hữu linh hồn không, liệu anh ta được tạo ra là để yêu mến Thiên Chúa hay các loài thụ tạo, v.v. Đó là những câu hỏi sâu xa bất khả vượt mà một khi được trả lời, chúng sẽ giúp tư tưởng bay tới nơi mà không đâu cao hơn nữa. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng công việc của một triết gia không phải là đi tìm lời giải thích sát nhất với các hiện tượng khả giác được nhận thức bởi các giác quan, nhưng là lời giải thích cách biệt với chúng nhất, là lời giải thích sau cùng. Đây là điều đã được diễn đạt trong thuật ngữ triết học bằng cách nói rằng triết học không quan tâm đến những nguyên nhân đệ nhị hay những giải thích gần đúng;3 nhưng trái lại, nó quan tâm đến những nguyên nhân đệ nhất, đến các nguyên lý cao nhất hay những giải thích sau cùng.

Hơn nữa, khi chúng ta nhớ lại kết luận của mình rằng triết học nhận biết các sự vật bằng ánh sáng tự nhiên của lý trí, thì rõ ràng, công việc của nó là điều tra các nguyên nhân đệ nhất hay những nguyên lý cao nhất trong trật tự tự nhiên.

Khi chúng ta nói rằng triết học quan tâm đến mọi sự, mọi sự vật hiện hữu, mọi đối tượng khả hữu của tri thức, thì tuyên bố đó quá ư mơ hồ. Khi ấy, chúng ta chỉ xác định được vấn đề mà triết học đề cập, hay đối tượng chất thể của nó, mà không hề nói gì tới khía cạnh mà từ đó nó quan sát, hay các thuộc tính mà nó nghiên cứu, nơi đối tượng; nghĩa là chúng ta không xác định đối tượng mô thức, hay quan điểm mô thức của nó. Đối tượng mô thức ấy của một khoa học là khía cạnh mà từ đó, nó tiếp thu đối tượng của mình, hay chúng ta có thể nói, là cái mà nó nghiên cứu cách chủ yếu, nội tại, và liên quan đến những gì nó nghiên cứu nơi mọi sự vật khác;4 cái mà triết học nghiên cứu nơi các sự vật theo nghĩa mô thức này và quan điểm mà từ đó, nó nghiên cứu mọi sự vật khác, là các nguyên nhân đệ nhất hay các nguyên lý cao nhất của sự vật trong chừng mực những nguyên nhân hay nguyên lý này thuộc về trật tự tự nhiên.

Đối tượng chất thể của một phân khoa, ngành khoa học, môn nghệ thuật hay nhân đức chỉ đơn giản là thứ hay đề tài—không cần thêm định tính—mà phân khoa, ngành khoa học, môn nghệ thuật hay nhân đức đó xử lý. Chẳng hạn, đối tượng chất thể của ngành hóa học là các vật thể vô cơ; của khoa thị giác là các vật thể khả kiến. Nhưng điều này không cho phép chúng ta phân biệt hóa học với vật lý học vốn là ngành khoa học khác cũng liên quan đến các vật thể vô cơ, hoặc giữa thị giác với xúc giác cũng vậy. Để có được một định nghĩa chính xác về hóa học, chúng ta phải xác định đối tượng của nó xét là những biến đổi nội tại hay bản thể của các vật thể vô cơ, và tương tự như vậy, đối tượng của khoa thị giác phải là màu sắc. Như vậy, bây giờ, chúng ta đã định nghĩa về đối tượng mô thức (objectum formale quod), có nghĩa là cái trực tiếp và tự bản tính của nó, hay một cách nội tại và trực tiếp, hay một lần nữa là tất yếu và chủ yếu (những cách diễn đạt này là các bản dịch tương đương từ cùng một công thức La-tinh per se primo), trong các sự vật được tiếp thu hay nghiên cứu bởi một ngành khoa học, môn nghệ thuật hoặc phân khoa cụ thể và liên quan đến những gì nó tiếp thu hay nghiên cứu nơi mọi sự vật khác.

Vì thế, trong số các nhánh của tri thức nhân loại, chỉ riêng triết học mới lấy mọi sự vật hiện hữu làm đối tượng của nó. Nhưng nơi mọi sự vật hiện hữu, nó chỉ điều tra những nguyên nhân đệ nhất. Còn ở phía ngược lại, các ngành khoa học khác chỉ lấy một lãnh địa cụ thể nào đó của hữu thể làm đối tượng của chúng, trong đó, chúng chỉ nghiên cứu các nguyên nhân đệ nhị hay các nguyên lý gần đúng. Có nghĩa là, trong tất cả các nhánh của tri thức nhân loại, triết học là nhánh cao siêu nhất.

Điều này đưa tới hệ quả rằng triết học là sự khôn ngoan thực sự chặt chẽ nhất, vì nó là lãnh địa của khôn ngoan nghiên cứu những nguyên nhân cao nhất: sapientis est altissimas causas considerare. Do đó, nó nắm bắt toàn bộ vũ trụ trong một số ít các nguyên lý và làm phong phú cho trí năng mà không tạo ra bất cứ gánh nặng nào.

3. Đối tượng mô thức của triết học

Bản trình bày mà chúng ta vừa đưa ra chỉ có thể áp dụng theo nghĩa hết mức cho triết học đệ nhất, hay siêu hình học, nhưng có thể được mở rộng sang triết học nói chung nếu nó được coi là một cơ thể lấy siêu hình học làm đầu.5 Tiếp theo, chúng ta đã định nghĩa triết học nói chung là một khoa học phổ quát6 có quan điểm mô thức là các nguyên nhân đệ nhất7 (dù là các nguyên nhân đệ nhất tuyệt đối hay nguyên lý, đối tượng mô thức của siêu hình học, hay nguyên nhân đệ nhất trong một trật tự cá biệt, đối tượng mô thức của các nhánh khác của triết học). Và từ đó, chỉ riêng siêu hình học mới xứng đáng với tên gọi khôn ngoan theo nghĩa tuyệt đối (simpliciter), trong khi các nhánh còn lại của triết học chỉ là tương đối hoặc đến từ một quan điểm cá biệt (secundum quid).


Kết luận I

Triết học là khoa học nghiên cứu các nguyên nhân đệ nhất hay các nguyên lý cao nhất của mọi sự vật dưới ánh sáng tự nhiên của lý trí, hay nói cách khác, là khoa học về các sự vật trong các nguyên nhân đệ nhất của chúng ở chừng mực mà những nguyên nhân đó thuộc về trật tự tự nhiên.


4. Nhận xét thêm

Tính khó khăn của một khoa học thì tương xứng với tính cao cả của nó. Đó là lý do tại sao triết gia, chỉ vì đối tượng trong các nghiên cứu của anh ta là cao siêu nhất, lại nên là người khiêm nhường nhất trong số các nhà nghiên cứu, mặc dù một sự khiêm nhường không nên là thứ ngăn cản anh ta bảo vệ, như một nhiệm vụ phải làm, phẩm giá tối cao của khôn ngoan dưới tư cách là nữ vương của các khoa học.

Xuất phát từ nhận thức rằng lĩnh vực triết học là phổ quát, Descartes (thế kỷ XVII) đã coi triết học là khoa học duy nhất8 trong khi các ngành nghiên cứu khác chỉ là các bộ phận của nó; trái lại, Auguste Comte và những người theo chủ nghĩa thực chứng nói chung (thế kỷ XIX), lại tìm cách hấp thu nó vào các ngành khoa học khác, dưới tư cách đơn thuần là sự “hệ thống hóa” của chúng. Và rõ ràng, nguyên nhân dẫn tới cả hai sai sót này đều là do người ta không phân biệt được đâu là đối tượng chất thể và đâu là đối tượng mô thức của triết học.


Triết học của Aristotle và Thánh Tôma

Triết học và toàn tập của các khoa học khác có chung đối tượng chất thể (mọi sự vật có thể nhận biết). Nhưng đối tượng mô thức của triết học là các nguyên nhân đệ nhất, trong khi đối tượng mô thức của các khoa học khác là các nguyên nhân đệ nhị.

Descartes

Triết học hấp thu các khoa học khác—triết học là toàn bộ khoa học.

Auguste Comte

Các khoa học hấp thu triết học—không có triết học.


Trên đây, chúng ta đã nói rằng triết học là một khoa học, và là khoa học có thể đạt tới tri thức chắc chắn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng triết học cung cấp những giải pháp chắc chắn cho mọi câu hỏi được đưa ra trong phạm vi của nó. Trong nhiều vấn đề, nhà triết học phải bằng lòng với những giải pháp chỉ ở mức có khả năng đúng nhất, mà trong đó, hoặc nguyên nhân có thể là vì câu hỏi đưa ra đã vượt khỏi phạm vi thực tế của khoa học mà anh ta nghiên cứu (như trong nhiều lĩnh vực của triết học tự nhiên và tâm lý học), hoặc là do tự bản tính, triết học chỉ thừa nhận một câu trả lời có khả năng đúng nhất trong trường hợp đó mà thôi (chẳng hạn như việc áp dụng các quy tắc luân lý vào các trạng huống cá biệt). Tuy nhiên, yếu tố đơn thuần thuộc về lĩnh vực xác suất ấy chỉ là thứ tùy phụ trong khoa học. Và triết học đã đưa ra rất nhiều các kết luận chắc chắn, trong số đó, có nhiều kết luận, mà cụ thể là các kết luận của siêu hình học, còn hoàn hảo hơn kết luận của bất cứ ngành khoa học thuần túy nhân loại nào.


Chú thích

1 Chúng hẳn cũng nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan đến các khoa học đặc biệt, vì sự khác biệt của các khoa học vẫn chưa được thực hiện cho đến thời hiện đại. Tuy nhiên, đối tượng nghiên cứu chủ yếu của chúng nằm ở đâu đó khác, và ít nhất là sau Socrates, những ngành khoa học đặc biệt đó—thiên văn học, hình học, số học, âm nhạc, y học và địa lý,—mà người xưa đã trau dồi thành công, đã phát triển cách riêng rẽ, và được phân biệt rõ ràng với triết học. Chính lịch sử của các ngành khoa học đặc biệt, mà trong thời hiện đại đã đạt được những tiến bộ to lớn cách độc lập với triết học và với tư cách là các nhánh nghiên cứu tự trị, đã chứng minh rõ ràng rằng chúng không phải là một phần của triết học.

2εἰ μὲν φιλοσοφητέον, φιλοσοφητέον καὶ εἰ μὴ φιλοσοφητέον φιλοσοφητέον.”

Song đề này được lấy từ Προτρεπτικός (Protrepticus), một tác phẩm đã mất và chỉ có một số mảnh văn bản còn sót lại. (X. fr. 50, 1483 b 29, 42; 1484 a 2, 8, 18.)

3 Có nghĩa là, gần đúng với thực tế của các hiện tượng khả giác.

4 Réginald Garrigou-Lagrange, De Revelatione, Prolegomana, C. I, a. I, §3: Quod per se primo haec scientia considerat et sub cujus ratione caetera omnia cognoscit. Tạm dịch: Cái được bao gồm trong sự giải thích về những thứ khác, và nhận biết trước tiên nơi tất cả các sự vật, là cái được xem xét bởi một khoa học.

5 Cổ nhân hiểu thuật ngữ triết học là tổng của các nhánh chính của nghiên cứu khoa học (vật lý học, hay khoa học về tự nhiên; toán học, hay khoa học về sự cân đối; siêu hình học, hay khoa học về hữu thể, lôgicđạo đức học). Do đó, không có vấn đề gì về việc phân biệt giữa triết học và các khoa học. Họ chỉ quan tâm đến một vấn đề mà thôi, đó là làm thế nào để phân biệt triết học đệ nhất, hay siêu hình học, với các khoa học khác. Trái lại, chúng ta, vì sự phát triển to lớn của các khoa học đặc biệt, phải phân biệt chúng với không chỉ siêu hình học (khoa học về những nguyên lý đệ nhất tuyệt đối), nhưng còn với việc nghiên cứu những nguyên lý đệ nhất theo một trật tự cá biệt (chẳng hạn, về mặt toán học hay vật lý); và toàn bộ chỉnh thể của những khoa học này cấu thành nên cái mà chúng ta gọi là triết học.

6 Chỉ có siêu hình học và lôgic mới cấu thành nên một khoa học phổ quát độc nhất vô nhị.

7 Nói theo nghĩa chặt, triết học không có một đối tượng mô thức nào, vì triết học xét như một tổng thể không chỉ đơn giản là một, nhưng là một phức hợp của một vài khoa học phân biệt (lôgic, triết học tự nhiên, siêu hình học, v.v.), mỗi thứ được phân tách bởi một đối tượng mô thức riêng biệt (hữu thể lôgic thuần lý, hữu thể chuyển động, hữu thể xét là hữu thể [ens rationis logicum, ens mobile, ens in quantum ens]—x. Phần II ). Nhưng giữa đối tượng mô thức của các khoa học triết học khác nhau, có một cái gì đó chung theo nghĩa loại suy—rằng chúng nghiên cứu, mỗi khoa học trong trật tự riêng của nó, các nguyên nhân cao nhất và phổ quát nhất, và xử lý đề tài của chúng theo quan điểm của các nguyên nhân này. Do đó, chúng ta có thể nói rằng chính các nguyên nhân cao nhất đã cấu thành nên đối tượng sau cùng hay quan điểm mô thức chung theo nghĩa loại suy của triết học xét như một tổng thể.

8 Descartes đã sử dụng thuật ngữ “triết học” theo nghĩa cổ đại. Đối với cổ nhân, cũng như với Descartes, thuật ngữ “triết học” biểu thị toàn bộ tri thức khoa học. Nhưng người xưa đã chia triết học được hiểu như vậy thành nhiều khoa học phân biệt, trong đó, siêu hình học được phân biệt như là triết học theo nghĩa đầy đủ nhất. Trái lại, Descartes coi triết học, vẫn được hiểu là toàn bộ tri thức khoa học, như một khoa học độc nhất vô nhị (trong đó, siêu hình học, vật lý học, cơ học, y học và đạo đức học là những phân môn chính). Do đó, ông chỉ nhìn nhận một khoa học. Theo quan điểm của chúng tôi, triết học là một khối các khoa học có sự thống nhất và phân biệt với các khoa học khác dựa trên quan điểm mô thức của nó (nguyên nhân đệ nhất). Thành viên hàng đầu của khối các khoa học này là siêu hình học, một khoa học độc nhất vô nhị, mà đối tượng mô thức của nó là phổ quát (hữu thể xét là hữu thể).

Scroll to Top