Lịch Sử Triết Học

Triết học
Triết học

Trích dịch từ The History of Philosophy [Johannes Hirschberger, 1958-1959]; A History of Philosophy [Frederick Copleston S.J., 1946-1975]; A History of Philosophy [Étienne Gilson, Thomas Langan, Armand A. Maurer C.S.B., 1962-1966]; Recent Catholic Philosophy, The Nineteenth Century and The Twentieth Century [Alan Vincelette, 2009-2020]; Anthology of Catholic Philosophy [Harry J. Gensler S.J., James C. Swindal, 2005]). Người dịch: Augustine Pham.


Bản tính và giá trị của Lịch sử Triết học

[Johannes Hirschberger, The History of Philosophy, Vol. I, Preface]

1. Lịch sử Triết học xét như một Khoa học Lịch sử

Lịch sử triết học vừa là khoa học về lịch sử vừa là triết học; nó liên kết hai nỗ lực khác nhau. Xét như một khoa học về lịch sử, nó giúp chúng ta làm quen với kho tàng tư tưởng phong phú mà các triết gia tiền bối và đương thời để lại. Vì lý do này, nó cung cấp cho chúng ta mọi điều đã được biết đến về cuộc đời, các tác phẩm và hệ thống của họ. Khi làm như vậy, nó không chỉ họa lại những gì đã từng thực sự tồn tại, nhưng còn giúp chúng ta tiếp cận tri thức về di sản phong phú này, qua việc phát triển các khái niệm và tư tưởng đã hoặc đang thịnh hành. Điều này được thực hiện bằng cách xem xét gốc gác của cả các tác giả và tác phẩm của họ, bằng cách đặt họ và tác phẩm của mình vào mối quan hệ với các giới tư tưởng lớn hơn, bằng cách liên hệ họ với những đóng góp khác và với những dòng chảy văn hóa và tinh thần đang lan tỏa khắp các dân tộc trong nhiều thời đại khác nhau, và sau cùng, bằng cách mở ra cho chúng ta những mệnh đề cơ bản và những giả định tối hậu mà từ đó, các khái niệm, các vấn đề và giáo huấn triết học đã nảy sinh giống như từ dạ mẹ.

Nếu lịch sử triết học nỗ lực trình bày các sự việc đúng như những gì đã có trong thực tại, thì chính bởi điều đó, nó sẽ tự xác định cho mình một phương pháp chắc chắn: một mặt, sử dụng liên tục các nguồn tư liệu; và mặt khác, đòi hỏi tính khách quan, hay không thiên vị. Việc sử dụng nhiều nguồn tư liệu là một thành tựu đặc biệt của khoa học lịch sử hiện đại. Thời Cổ đại và thời Trung cổ chỉ hài lòng với những báo cáo gián tiếp đã qua một hoặc hai trung gian. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta không chỉ tham khảo các nguồn tư liệu, nhưng còn xác minh với sự cẩn trọng tỉ mỉ và mang tính phê bình xem liệu các tác phẩm xuất hiện dưới tên của một triết gia nào đó có thực sự phát xuất từ người ấy hay không, liệu các bản thảo của ông có được bảo tồn mà không bị giả mạo hay không, và ở thời kỳ nào trong khả năng sáng tạo của ông mà tác phẩm ấy đã được viết (phê bình bản văn và niên đại). Vì thế, lịch sử triết học là một lời dẫn nhập cho chính các tác phẩm của các triết gia. Chúng ta cố gắng khách quan trong cách trình bày lịch sử của mình bằng việc cẩn trọng tường thuật những gì đã thực sự được nói, cùng với ý nghĩa thực sự mà chúng được hiểu, và không nhìn vấn đề qua lăng kính của quan điểm chủ quan. Chẳng hạn, chúng ta có thể không đọc Plato qua một lăng kính của Học thuyết Tân Kant, hay đọc Aristotle dưới góc nhìn của một học thuyết kinh viện đang nở rộ. Không nghi ngờ gì nữa, một trạng thái tư tưởng hoàn toàn không có thiên kiến có lẽ chưa bao giờ tồn tại và hẳn sẽ không bao giờ tồn tại, bởi lẽ mọi nhà tư tưởng khoa học đều là sản phẩm của thời đại mình và cá nhân người ấy cũng không thể đùa cợt với những quy ước của thời đại. Đặc biệt, anh ta sẽ đánh giá mọi thứ được đưa vào nhãn quan của mình bằng triết lý sống, bằng những nhận định cá biệt và bằng những giả định của riêng anh ta, trong khi bản thân anh ta có lẽ không để tâm điều đó một cách có ý thức. Tuy nhiên, sự kiện này không dẫn chúng ta đến kết luận rằng mình phải từ bỏ mọi tính công bằng trong tư tưởng và mọi sự tự do khỏi thành kiến, giống như một điều không thể. Đúng hơn, chúng ta phải coi tính khách quan như một lý tưởng mà chúng ta có thể chắc chắn rằng nó không bao giờ có thể được thực hiện một cách trọn vẹn, giống như mọi lý tưởng khác. Nhưng chúng ta phải quyết tâm luôn giữ lý tưởng này trước mặt và bình tĩnh phấn đấu theo đuổi nó; trên thực tế, chúng ta nên coi việc đạt được nó như một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc và chúng ta có thể tiếp cận gần hơn với việc hiện thực hóa nó bằng cách luôn sẵn sàng học hỏi và thảo luận về những phát hiện trong các cuộc điều tra của mình. Bất cứ ai tìm kiếm sự thật và không tiếc công theo đuổi nó chắc chắn có thể mong đợi khám phá ra nó.

2. Lịch sử Triết học xét như Triết học

Phải chăng lịch sử triết học chỉ là một lịch sử của sai lầm? Lịch sử triết học cũng là một triết học chân chính và đích thực. Nó không phải là một lịch sử của những sai lầm như một số người lầm tưởng. Hegel đã bác bỏ cách chính đáng và táo bạo đối với quan niệm về lịch sử triết học rằng nó chỉ là “một tập hợp vô tổ chức các quan điểm.” Những nhà tư tưởng sâu sắc hoàn toàn nhận thức được rằng lịch sử triết học là một cuộc tìm kiếm chân lý gian nan và đáng trân trọng. Và không chỉ là một cuộc tìm kiếm đáng trân trọng, nó còn là một cuộc tìm kiếm bền bỉ và có tính liên tục nội tại.

Hay là sự thật trong tính toàn vẹn của nó? Nhưng lịch sử như vậy cũng không phải, như Hegel, người rơi vào một sai lầm thuộc về thái cực khác, đã tuyên bố cách táo bạo: là “một hệ thống tiến hóa.” Nó không phải một bản trình bày về sự tự vén mở dần từng bước của tâm trí và sự thật mà trong đó, mọi thứ diễn ra theo cách hợp lôgic đến mức chúng ta có thể đoán trước được hình dạng của sự vật dựa vào những gì đã có từ trước, giống như trong sách giáo khoa hình học, nơi mệnh đề sau được phát triển từ mệnh đề trước, và vì thế, chân lý hình học được mở ra từng trang khiến chúng ta thích thú. Lịch sử triết học quả thực vừa là sự trưởng thành của tinh thần vừa là sự xuyên qua những bí mật của chính nó,[*] nhưng con đường để đạt được mục tiêu này không trực tiếp và không phải lúc nào cũng hợp lý hay được xác định một cách khách quan. Bên cạnh những cột mốc quan trọng của sự thật, còn có những khúc quanh của hiểu lầm, những con đường sai lầm và những ngã rẽ khó chịu của may rủi. Giống như lịch sử chính trị không phải lúc nào cũng là một quá trình lịch sử của những hành động tất yếu cách khách quan, nhưng là một câu chuyện mà trong đó, ý chí quyền lực của một nhà độc tài hay sự thất thường của một cô nhân tình đã vạch ra tiến trình của nó, thì may rủi cũng đóng một vai trò như thế trong lịch sử triết học, khi nó tạo ra mọi thứ phi lý bắt nguồn từ tính chủ quan và sự tự do của những cá nhân suy tư triết học. Như Fichte đã nói, mọi loại triết học do một người đề xuất đều phụ thuộc rất lớn vào việc anh ta là loại người như thế nào. Không ít vấn đề triết học có thể được chứng minh là có nguồn gốc từ những mâu thuẫn cá nhân biểu lộ trong đời sống của các triết gia hoặc từ sự tranh đua giữa các trường phái đang tồn tại khi đó. Giống như không thể tuyên bố cách táo bạo rằng lịch sử triết học là lịch sử của những sai lầm, chúng ta cũng không thể chủ trương rằng nó chính là sự thật. Một tuyên bố như vậy sẽ không đúng ngay cả khi, trong một biến thể hiện đại của quan niệm Hegel, chúng ta giải thích tính tổng thể của sự thật xét như hiện hữu triết học. Cho đến nay, triết học không tự coi mình đơn thuần là một hiện hữu chủ động, nhưng luôn có mục tiêu là khám phá những sự-thật-lý-thuyết, chứ không đơn giản là “sự thật”; và phải tiếp tục làm như vậy trong tương lai.


[*] Bản văn gốc tiếng Đức của nó là “Zu-sich-selbst-Finden des Geistes,” một thuật ngữ chuyên môn trong triết học Hegel và phải được giải thích một cách nghiêm ngặt. Qua việc sử dụng nó, Hegel muốn nói đến tâm trí đang thức tỉnh và hướng tới sự trưởng thành—tâm trí mà lúc đầu không biết hoặc hiểu về chính nó, nhưng sau cùng, trong quá trình trưởng thành, đã trở nên có ý thức về chính nó (Chú thích của người dịch).


Sự tự vén mở của tâm trí con người. Vấn đề hơi khác một chút khi chúng ta điều tra bản tính chính xác của những gì mà lịch sử triết học bổ sung vào triết học thực sự. Một khi vượt qua những rào cản của giới hạn cá nhân, giới hạn về thời gian và không gian, qua phương thế là tri thức có được về quan điểm của những người khác, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi sự trói buộc của nhiều suy đoán chủ quan và ngày càng tiếp cận gần hơn với việc xem xét các chân lý sub specie aeterni (dưới diện mạo vĩnh cửu). Như Rickert đã nói, “chỉ bằng cách nghiên cứu lịch sử, chúng ta mới có thể thoát khỏi lịch sử.” Thông qua lịch sử triết học, chúng ta đi đến một phân tích phê bình có cơ sở lịch sử về lý trí con người. Các khí cụ của tinh thần con người,—các phương pháp đánh giá, các khái niệm, xu hướng của các ý niệm, các vấn đề, giả thuyết và lý thuyết—chỉ vén mở bản chất và khả năng của nó sau nhiều thế kỷ trôi qua. Lắm khi, con người vất vả vật lộn với các vấn đề trong nhiều thập kỷ, thực tế là trong nhiều thế kỷ, chỉ để cuối cùng phát hiện ra rằng, ngay từ đầu, những khái niệm cơ bản của chúng đã được đưa ra một cách sai lầm. Dựa trên nhiều kinh nghiệm thực tế như vậy, chúng ta phải luôn tính đến khả năng tồn tại của những tiền đề sai lầm đã xâm chiếm suy nghĩ của chúng ta. Các khái niệm như trạng thái nghỉ và chuyển động, tính liên tục và sự tự do tùy ý, chất thể và mô thức, nhục dục và linh đạo, thể xác và linh hồn,… ngày nay đã phát triển thành những chủ đề cho các cuộc thảo luận tinh vi nhất. Chúng ta có luôn ý thức được thực tế rằng vào buổi bình minh màu xám của thời cổ đại, những vấn đề này đã được thảo luận và phát triển lần đầu dựa trên cơ sở những tài liệu mà ngày nay không còn có thể chứng minh được những gì nó đã chứng minh vào thời đó? Tuy nhiên, những khái niệm này vẫn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu của chúng. H. Poincare từng viết:

Nói chung, chúng ta biết rằng sự xếp đặt khéo léo của các sợi cứng sẽ tạo thành bộ xương của một số loài bọt biển. Khi chất hữu cơ biến mất, tất cả những gì còn lại là một miếng gai mỏng giòn và yếu ớt. Trên thực tế, những thứ này không gì khác hơn là một loại vật liệu silic; nhưng điều thú vị nhất chính là hình thái mà vật liệu này mang lấy. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được nó nếu không biết đến khóm bọt biển sống đã in lên nó hình thái này một cách chính xác. Cũng vậy, những khái niệm trực giác cổ xưa của tổ tiên chúng ta, những thứ mà mặc dù giờ đây chúng ta đã từ bỏ, đã in dấu hình thái của chúng lên bộ khung lôgic các ý tưởng mà chúng ta đã thế vào vị trí của chúng.

Cống hiến hết mình cho lịch sử triết học, chúng ta có khả năng đi sâu tận gốc rễ của những điều liên quan đến mục đích và giá trị của những khả năng suy tư nơi chúng ta: các khái niệm đang được thanh lọc, các vấn đề được trình bày cách chính xác, con đường đi vào trọng tâm của vấn đề đang được làm sáng tỏ. Với sự tiến bộ này, lịch sử triết học tự nó trở thành một sự phê bình tri thức và do đó, cấu thành nên triết học trong ý nghĩa trọn vẹn của thuật ngữ này.

Chủ nghĩa lịch sử. Vì lý do này mà lịch sử triết học không cần phải e dè sự chỉ trích của chủ nghĩa lịch sử. Trong những thập kỷ qua, nó có thể đã mắc phải những gì mà giới học giả gọi là Trường phái Alexandria: việc tập hợp lại trong bảo tàng các mảnh tư tưởng mà ban đầu đại diện cho tri thức chứ không phải khôn ngoan, bởi lẽ một bộ sưu tập như thế đơn thuần chỉ có nghĩa là việc lấp đầy tâm trí bằng đống gạch vụn lịch sử; kết quả cho tri thức triết học có hệ thống về các vấn đề đã không được lượng giá. Tuy nhiên, nếu coi lịch sử triết học là sự tự phản tỉnh của tâm trí con người, thì mối nguy hiểm này không còn nữa và chúng ta thực sự được đưa tới diện đối diện với triết học đích thực; bởi lẽ khi đó, chúng ta có thể tiến tới giải pháp khách quan có hệ thống cho chính các vấn đề triết học. Nhưng việc bắt tay vào giải pháp như vậy mà không có nền tảng triết học mang tính lịch sử vững chắc không hiếm khi xuống cấp trở thành việc chiến đấu với cối xay gió của Don Quixote.


Dẫn nhập Triết học Công Giáo tân thời

Thế kỷ XIX

[Alan Vincelette, Recent Catholic Philosophy, The Nineteenth Century, Introduction]

Người Công Giáo đương thời có xu hướng trở nên yếu kém trong việc giới thiệu về Giáo Hội của mình. Trong các vấn đề triết học, thực tế này dẫn đến việc nhiều nhà sử học Công Giáo hoặc bỏ qua một số triết gia Công Giáo quan trọng, hoặc không đề cập đến chuyện một triết gia nhất định nào đó là người Công Giáo. Vì thế, vào mùa xuân năm 2000, khi tôi được mời dạy một khóa học có tựa đề “Triết học Công Giáo tân thời”1 tại Đại học Chủng viện Thánh Gioan ở Camarillo, California (chủng viện của Tổng Giáo phận Los Angeles), có ba điều trở nên hết sức rõ ràng: 1) sự đa dạng và số lượng đông đảo các triết gia Công Giáo đã sáng tác trong hai thế kỷ qua; 2) tình trạng thiếu sự đánh giá đúng mức và ý thức về các triết gia và các phong trào Công Giáo gần đây; và 3) thiếu các tác phẩm tiếng Anh phù hợp đề cập đến các triết gia Công Giáo lớn đương thời.2

Tác phẩm này tìm cách khắc phục tình trạng đó và nhờ thế, làm cho những nhân vật trung tâm trong nền triết học Công Giáo ở Thế kỷ XIX được mọi người biết đến (tôi hy vọng sau này sẽ xuất bản một tập sách khác về các tác giả ở Thế kỷ XX).

Tất nhiên, triết học Công Giáo bắt nguồn từ Chúa Giêsu và Thánh Phaolô và đã được phát triển trong khoảng thời gian rất dài bởi các Nhà hộ giáo và các Giáo phụ khác (khoảng năm 150-750), cũng như bởi các nhà tư tưởng trong thời kỳ Phục hưng Carolingian (khoảng năm 800-900), thời Trung cổ (năm 1000-1350) và thời kỳ Phục hưng (năm 1350-1600). Về nhiều mặt, sự trỗi dậy của phong trào Tin lành ở đầu thế kỷ XVI (khoảng 1520) đã cho phép triết học Công Giáo có dịp đánh giá lại năng lực và trở nên tự ý thức về mình cách đầy đủ.3 Mặc dù vậy, các triết gia Công Giáo của thời Hiện đại (1600-1800), ngoài Trường phái Descartes, đều có xu hướng đi theo các triết học có sẵn hơn là phát triển những hệ thống tư tưởng sáng tạo của riêng mình.4 Vào Thế kỷ XIX, Triết học Công Giáo đã thực sự đóng vai trò quan trọng, nhờ vào tài năng của các nhà tư tưởng Công Giáo, một số phong trào triết học mới đã ra đời [Trào lưu lãng mạn, Thuyết duy linh, Thuyết toàn diện, v.v.] (và do đó, là phạm vi của cuốn sách này).

Tuy nhiên, có một điều không dễ hiểu là việc xác định xem ai là Triết gia Công Giáo, hay nói khác đi, ai sẽ là người được đưa vào cuốn sách này. Có vẻ rõ ràng là những triết gia được nuôi dạy theo Đạo Công Giáo nhưng rồi chuyển sang Tin lành, thuyết bất khả tri hoặc vô thần trước khi viết bất cứ tác phẩm triết học quan trọng nào (trên thực tế thường ở độ tuổi trẻ) không nên được đưa vào một cuốn sách về Triết học Công Giáo: tức là Arnold Geulincx (1624-1669), Charles Gildon (1665-1724), John Toland (1670-1722), Matthew Tindal (1657-1733), William Chillingworth (1602-1644), Jean Meslier (1678-1733), Antonio Genovesi (1712-1769), Gianmaria Ortes (1713-1790), Jean Martin de Prades (1720-1782), Karl Leonhard Reinhold (1757-1823); Melchiorre Gioja (1767-1829), Cristoforo Bonavino [Ausonio Franchi] (1821-1895), Roberto Ardigò (1828-1920), Carl Stumpf (1848-1936), George Santayana (1863-1952), Martin Heidegger (1889-1976), Jean-Paul Sartre (1905-1980), Simone de Beauvoir (1908-1986), Albert Camus (1913-1960), Maurice Merleau-Ponty (1908-1961), Louis Althusser (1918-1990), Gérard Granel (1930-2000), Anthony Kenny (1931-).

Dường như cũng không chính đáng khi liệt kê vào danh sách những triết gia đã trở lại (hoặc sắp sửa trở lại) Công Giáo vào cuối đời (thậm chí khi họ đang hấp hối), cũng như sau khi tất cả các tác phẩm triết học quan trọng của họ đã được sáng tác: tức là Nam tước Charles de Montesquieu (1689-1755), Voltaire [François-Marie Arouet] (1694-1778),5 một lần nữa là Jean Martin de Prades (1720-1782), Émile Littré (1801-1881), một lần nữa là Cristoforo Bonavino [Ausonio Franci] (1821-1895), Henri Bergson (1859-1941) [người muốn trở lại Công Giáo vào cuối đời nhưng rồi từ bỏ ý định để thể hiện tình đoàn kết với người Do Thái bị đàn áp ở Châu Âu], Maurice Pradines (1874-1958) và Jean Nabert (1881-1960) [những người dần trở nên gần gũi hơn với Kitô Giáo], Antonio Gramsci (1891-1937), Frank Meyer (1909-1972), Mortimer Adler (1902-2001) và Simone Weil (1909-1943), những người trở lại Công Giáo từ thuyết vô thần. [Tuy nhiên, không có nghĩa là các tác phẩm triết học của một số nhà tư tưởng trong nhóm này, chẳng hạn như Bergson và Adler, không phù hợp hay không chịu ảnh hưởng bởi Đạo Công Giáo.]

Tuy nhiên, có lẽ cần phải kể đến những triết gia Công Giáo đã có những đóng góp to lớn cho triết học trước khi họ rời bỏ Giáo Hội hoặc bị vạ tuyệt thông (thường thì sau đó trở thành những người theo thuyết thần luận): Franz Berg (1753-1821), Eulogius Schneider (1756-1794), Linh mục Bernhard Bolzano (1781-1848), Linh mục Hughes Félicité Robert de Lamennais (1782-1854), Linh mục Friedrich Michelis (1815-1886), nhà sinh vật học trở lại Đạo St. George Jackson Mivart (1827-1900), Linh mục Hyacinthe Loyson [Charles Loyson] (1827-1912); Johann Nepomuk Huber (1830-1879), Linh mục Franz Brentano (1838-1917), Anton Marty (1847-1914), Linh mục Marcel Hébert (1851-1916), George Tyrrell (1861-1909), Albert Houtin (1867-1926), William Sullivan (1872-1935) và Max Scheler (1874-1928).

Ngoài ra, hẳn sẽ hợp lý khi một cuốn sách về Triết học Công Giáo nên tập trung vào những lĩnh vực triết học có liên quan trực tiếp nhất đến đức tin Công Giáo, chẳng hạn như tri thức luận, đạo đức học, siêu hình học, triết học về tâm trí và triết học về tôn giáo. Vì thế, mặc dù thật đáng tiếc, nhưng chúng ta không thể kể đến ở đây các triết gia Công Giáo hầu như chỉ làm việc trong các lĩnh vực như lôgic, triết học về ngôn ngữ và triết học về khoa học: tức là Linh mục Pierre Duhem (1861-1916), Jan Łukasiewicz (1878-1956), Alfred Tarski (1901-1983), Michael Dummett (1925-), Nicholas Rescher (1928-) và Bastiaan Van Fraassen (1941-); cũng như những người làm việc trong lĩnh vực triết học chính trị.6

Sau cùng, với sự cân nhắc về không gian (phạm vi cuốn sách) và thời gian (dành cho việc nghiên cứu), tôi quyết định thu hẹp trọng tâm vào các tác phẩm của các Triết gia Công Giáo ở Tây Âu (Ireland, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Áo, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Ý) và Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada).

Với xác tín rằng một triết gia sẽ được hiểu cách hữu ích khi được đặt trong trong bối cảnh lịch sử của thời đại mình, tôi cũng đã viết rất nhiều điều về lịch sử Hoa Kỳ, Bỉ, Anh, Pháp, Đức và Ý đương đại. Phần lớn lịch sử về giai đoạn gần đây đều phản ánh sự suy yếu hay bị tước bỏ hoàn toàn sức ảnh hưởng về chính trị của Giáo Hội Công Giáo, cũng như sự mất mát đáng kể về tài sản của Giáo Hội (một số [dù chắc chắn không phải tất cả] biến động chính trị và xã hội được ghi lại trong cuốn sách này đều có thể được cho là cần thiết hoặc thậm chí có ích cho Giáo Hội Công Giáo).

Sau cùng, tôi hy vọng rằng tập sách này sẽ giới thiệu tới độc giả tính đa dạng và sâu sắc của Triết học Công Giáo trong Thế kỷ XIX.

Chú thích

1 Khóa học này đã được giảng dạy tại Đại học Chủng viện Thánh Gioan từ năm 1991, khi, nhằm đơn giản hóa các khóa học triết học, các khóa học riêng biệt về các nhà tư tưởng Công Giáo như John Henry Newman, Maurice Blondel, Max Scheler, Gabriel Marcel, Étienne Gilson, Jacques Maritain, Karl Rahner, Bernard Lonergan và Karol Wojtyla (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II) đã được kết hợp với nhau thành một khóa học.

2 Những ngoại lệ đáng chú ý là Giraud, Victor, De Chateaubriand à Brunetière: essai sur le mouvement catholique en France au XIXe siècle [CB] (Paris: éditions Spes, 1938); Foucher, Louis, La philosophie catholique en France au XIXe siècle avant la renaissance thomiste et dans son rapport avec elle (1800-1880) [PCF] (Paris: Vrin, 1955); Reardon, Bernhard, Liberalism and Tradition: Aspects of Catholic Thought in Nineteenth-Century France [LT] (Cambridge: Cambridge University Press, 1975); O’Meara, Thomas, Romantic Idealism and Roman Catholicism: Schelling and the Theologians [RI] (Notre Dame: University of Notre Dame Press, 1982); Coreth, Emerich, Walter Neidl và George Pfligersdorffer, eds., Christliche Philosophie im katholischen Denken des 19. und 20. Jahrhunderts [CP], vols. 1-3 (Graz: Styria, 1987-1990); Fitzer, Joseph, ed., Romance and the Rock: Nineteenth Century Catholics on Faith and Reason [RR] (Minneapolis: Fortress Press, 1989); O’Meara, Thomas, Church and Culture: German Catholic Theology, 1860-1914 [GCT] (Notre Dame: University of Notre Dame Press, 1991); Nichols, Aidan, Catholic Thought since the Enlightenment: A Survey [CTE] (Leominster: Gracewing, 1998); Swindal, James, and Harry Gensler, The Sheed and Ward Anthology of Catholic Philosophy [ACP] (Lanham: Rowman & Littlefield, 2005). Ngoài ra, còn có một số tác phẩm về Tư tưởng Tân Kinh viện Công Giáo. Có thể thấy rằng những tác phẩm này hoặc không được viết bằng Tiếng Anh, hoặc chỉ có phạm vi hạn chế.

3 Giáo Hội Công Giáo đã chứng kiến quyền lực tối cao của mình đối với châu Âu đi đến hồi chấm dứt vào Thế kỷ XVI với sự xâm nhập của Hồi giáo, Chính thống giáo và Tin lành. Năm 1453, quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục Constantinople và kết quả là phần lớn Đông Âu trở thành Hồi giáo hoặc trở lại Chính thống giáo. Năm 1517, Martin Luther (1483-1546) đã đặt vấn đề với các thực hành và thần học của Giáo Hội Công Giáo, và cùng với Philipp Melanchthon (1497-1560) và Martin Bucer (1491-1555), lập ra Phái Luther. Những nhà cải cách khác như Ulrich Zwingli (1484-1531), John Calvin (1509-1564), John Knox (khoảng 1513-1572) và Jonathan Edwards (1703-1758) đã lập ra Phái Calvin; Conrad Grebel (1498-1526), Menno Simons (1496-1561) và Thomas Münzer (1490-1525) lập ra Phái Anabaptist [Tái thanh tẩy]; Thomas Cramner (1489-1566), Henry VIII (1491-1547), Matthew Parker (1504-1575) và Richard Hooker (1554-1600) lập ra Anh giáo; Thomas Helwys (1550-1616) và John Smyth (1554-1612) lập ra Phái Baptist; và John Wesley (1703-1791) lập ra Phái Methodist [Giám lý]. Sự trỗi dậy của đạo Tin lành này đã gây ra một loạt các cuộc chiến tranh tôn giáo trên khắp châu Âu. Ở Pháp, những người Huguenot theo Phái Calvin đã nổi dậy chống người Công Giáo trong Chiến tranh Tôn giáo Pháp (1562-1594), cuộc chiến được giải quyết bằng Sắc lệnh Nantes (1598). Ở Đức, có nhiều cuộc chiến tranh có động cơ tôn giáo như Chiến tranh Hiệp sĩ (1522-1523), Chiến tranh Nông dân (1524-1526), Chiến tranh Münster (1534), Chiến tranh Gelderland (1543), Chiến tranh Schmalkaldic (1546-1547) và Chiến tranh các hoàng tử (1552-1553), cuộc chiến tạm thời được giải quyết bằng Hòa ước Augsburg (1555). Tuy nhiên, căng thẳng lại bùng lên với Chiến tranh Cologne (1583-1588), Chiến tranh Donauwörth (1607), Chiến tranh giành quyền kế vị Jülich-Cleves (1609-1614) và Chiến tranh ba mươi năm (1618-1648) mà cuối cùng đã kết thúc bằng Hòa ước Westphalia (1648). Hòa ước này về sau đã thiết lập các ranh giới tôn giáo ở châu Âu mà cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại: Áo, Bỉ, Croatia, Cộng hòa Séc, Pháp, Ireland, Ý, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha vẫn chủ yếu theo Công Giáo; Đức, Hungary, Hà Lan và Thụy Sĩ bị chia rẽ giữa Công Giáo và Tin Lành; Đan Mạch, Anh (Anh giáo), Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Scotland (Phái Calvin), Na Uy, Thụy Điển và xứ Wales là những quốc gia chủ yếu theo đạo Tin lành.

Ở Đức, Công Giáo chiếm ưu thế ở Bavaria, Eichsfeld, Ermland, Rhineland, Saarland, Westphalia và có ảnh hưởng ở Baden, Cleves, Düdinghausen, Hohenzollern, Jülich và Württemberg.

Công Giáo Hà Lan vẫn giữ ưu thế ở các khu vực phía nam Noord-Brabant, Limburg và Zeeland. Công Giáo Thụy Sĩ vẫn giữ ưu thế ở các bang Fribourg, Jura, Lucerne, Schwyz, Solothurn, Ticino, Unterwalden, Uri, Valais, Zug; và ảnh hưởng một phần của Công Giáo ở các bang Aargau, Appenzell, Glarus, Graubunden và St. Gall.

Phong trào Công Giáo chống Cải cách (1560-1648) một phần là phản ứng đối với cuộc Cải cách Tin lành, chứng kiến việc thi hành Công đồng Trentô (1545-1563), việc thành lập các chủng viện Công Giáo, sự trỗi dậy và ảnh hưởng ngày càng tăng của các dòng tu mới, như Dòng Diễn thuyết về Tình yêu Thiên Chúa [Oratory of Divine Love] (1497), Dòng Thêatinô [Theatines] (1524), Dòng Phanxicô Cải cách [Capuchins] (1528), Dòng Sômasca [Somaschi] (1532), Dòng thánh Phaolô [Barnabites] (1530), Dòng thánh Ursula [Ursulines] (1535), Dòng Tên [Jesuits] (1540), Dòng Giảng thuyết ở Ý [Italian Oratorians] (1564) và Dòng Cát Minh Chân đất [Discalced Carmelites] (1593).

Sau đó, trong Thời kỳ Baroque (1600-1750), một cuộc phục hưng lớn về kiến trúc, âm nhạc, hội họa và điêu khắc Công Giáo đã diễn ra ở Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Thời kỳ Baroque cũng chứng kiến sự thành lập Trường Linh đạo Pháp (1600-1720) với những thành viên đáng chú ý như Thánh Francis de Sales (1567-1622), Thánh Jane Frances de Chantal (1572-1641), Pierre de Bérulle ( 1575-1629), Louis Lallemant S.J. (1587-1635), Charles de Condren (1588-1641), Thánh John Eudes (1601-1680), Jean-Jacques Olier (1608-1657), Thánh Vincent de Paul (1580-1660), Jean Baptiste de la Salle (1651-1719) và Thánh Louis Marie Grignion de Montfort (1673-1716). Nhiều nhân vật trong số này đóng vai trò khí cụ trong việc thiết lập các dòng tu phát triển rực rỡ, như Dòng Giảng thuyết ở Pháp [French Oratorians] (1611), Dòng Vinh Sơn [Vincentians] (1625), Hội Xuân Bích [Sulpicians] (1641), Dòng Thánh Gioan Eudes [Eudists] (1643), Dòng Xitô Nhặt phép [Trappist] (1664), và Dòng Lasan [Brothers of the Christian Schools] (1680); Nước Ý cũng chứng kiến sự ra đời của Dòng Thương Khó [Passionists] (1720) và Dòng Chúa Cứu Thế [Redemptorists] (1732). Sự hồi sinh này của Công Giáo cũng bao gồm các tổ chức gây tranh cãi như Tòa thẩm tra Tây Ban Nha (1479), Tòa thẩm tra Rôma (1542) và Danh mục sách cấm (1557).

4 Những phong trào chủ yếu trong Triết học Công Giáo hiện đại (1600-1800) bao gồm:

Chủ nghĩa hoài nghi Kitô giáo [Chủ nghĩa hoài nghi mộ đạo; Chủ nghĩa Pyrros Kitô giáo]: Linh mục Gentian Hervet (1499-1584); Juan de Maldonado [Maldonat] S.J. (1533-1583); Michel de Montaigne (1533-1592); Linh mục Pierre Charron (1541-1603); Hồng Y Jacques-Davy du Perron (1556-1618); Linh mục François Véron S.J. (1575-1625); Nicolas Caussin S.J. (1583-1651); Giám mục Jean-Pierre Camus (1584-1654); Linh mục Marin Mersenne (1588-1648); François de la Mothe-le-Vayer (1588-1672); Linh mục Piere Gassendi (1592-1655); Samuel Sorbière (1615-1670); Blaise Pascal (1623-1662) [phần nào]; Linh mục PierreDaniel Huet (1630-1721); Linh mục Simon Foucher (1644-1696); Linh mục Hubert Hayer (1708-1780).

Học thuyết Aristotle [Blackloism]: Charles Malapert S.J. (1581-1630); Thomas White (1593-1676); Kenelm Digby (1603-1665); Honoré, Fabri (1607-1688); John Sergeant (1623-1704); Michael Moore (1640-1726); Anton Mayr S.J. (1673-1749).

Học thuyết Descartes [những người theo Descartes]: Marin Mersenne O.M. (1588-1648); René Descartes (1596-1650); Géraud Du Cordemoy (khoảng 1605-1684); Emmanuel Maignan O.M. (1607-1676); Robert Desgabets O.S.B. (1610-1678); Linh mục Antoine Arnaud (1612-1694); Claude Clerselier (1614-1684); Jacques Rohault (1618-1672); Linh mục André Martin (1621-1695); Jean-Baptiste Duhamel (1624-1706); Andrea Pissini (hoạt động khoảng 1665); Pierre Nicole (1625-1695); Antoine Le Grand O.F.M. (1629-1699); René Le Bossu (1631-1680), kinh sĩ ở đan viện Sainte-Geneviève; Pierre Sylvain Régis (1632-1707); Linh mục Nicholas-Joseph Poisson (1637-1710); Adrien Baillet (1649-1706); Michelangelo Fardella O.F.M. (1650-1718), Claude Buffier S.J. (1661-1737); Jean Cochet S.J. (mất năm 1771); Antoine de Montazet (1713-1788) và Joseph Valla (mất 1790), tác giả cuốn Cẩm nang Triết học Lyon; Michael Kalus (mất năm 1792); Claude Mey S.J. (1712-1796); Hồng Y Hyacinthe-Sigismond Gerdil (1717-1802); Antoine Guénard S.J. (1726-1806); Antoine Migeot (1730-1794); Andrea de Guevara y Basoazabal S.J. (1748-1801); Pierre Denis Boyer (1766-1842); Pasquale Galluppi (1770-1846).

Học thuyết cơ hội [Thuyết duy cơ]: Louis Thomassin (1619-1695); Louis de la Forge (1632-1666); Linh mục Nicolas de Malebranche (1638-1715); François Lamy O.S.B. (1636-1711); Bernard Lamy (1645-1715); Michel-Angelo Fardella O.F.M. (1650-1718); Yves Marie André S.J. (1675-1764).

Học thuyết Wolff: Eusebius Amort (1692-1775); Frobenius Forster O.S.B. (1709-1791); Philip Steinmeyer S.J. (1710-1797); Joseph Redlhamer S.J. (1713-1761); Berthold Hauser S.J. (1713-1762); Mansuetus a S. Felice (mất năm 1775); Joseph Stepling S.J. (1716-1778); Karl Scherffer S.J. (1716-1783); Joseph Mangold S.J. (1716-1787); Herman Osterrieder O.F.M. (1719-1783); Paul Makó von Kerek-Gede S.J. (1724-1793); Rudolf Graser O.S.B. (1728-1787); Benedict Stattler S.J. (1728-1797); Sigismund von Storchenau S.J. (1731-1797); Hồng Y Lorenzo Altieri O.F.M. (1730-1796); Leopold Biwald S.J. (1731-1805); Sigmund von Storchenau S.J. (1751-1797); Manuel Mar’a del Mármol (1776-1840); Michael Joseph Fesl (1786-1865), tại Chủng viện Leitmeritz, người có tác phẩm bị liệt vào Danh mục sách cấm; Joseph-Aloysius Dmowski S.J. (1799-1879), tại Đại học Rôma.

Thuyết duy cảm [Thuyết duy cảm; Thuyết duy nghiệm]: Antonio Genovesi (1712-1769); Luís António Verney (1713-1792); Linh mục Etienne Bonnot de Condillac (1715-1780); Celestine Appiano Buônafede (1716-1793); Linh mục Para du Phanjas S.J. (1724-1797); Ignace Monteiro S.J. (1724-1812); Antonio Eximeno y Pujader (1729-1808); Jacob Anton Zallinger zum Thurn S.J. (1735-1813); Juan Andrés S.J. (1740-1817); Linh mục Francesco Soave (1743-1806).

Học thuyết Kant [những người theo Kant]: Beda Mayr O.S.B. (1742-1794) [có tác phẩm bị liệt vào Danh mục sách cấm]; Augustinus Schelle O.S.B. (1742-1805); Jakob Danzer (1743-1796); Peter Miotti (1743-1804); Johann Lorenz Isenbiehl (1744-1818); Matthäus Fingerlos (1748-1817); Linh mục Sebastian Mutschelle (1749-1800); Georg Eduard Daum (hoạt động khoảng 1780); Maurus von Schenkl O.S.B. (1749-1816); Maternus Reuß O.S.B. (1751-1798); Ulrich Peutinger O.S.B. (1751-1815); Aloys Sandbichler (1751-1821); Giám mục Johann Michael Sailer (1751-1832); Ildefons Schwarz O.S.B. (1752-1794); thời kỳ đầu của Patriz Benedikt Zimmer (1752-1820); Placidus Muth O.S.B. (1753-1821); Franz Berg (1753-1821) [rời bỏ Giáo Hội]; Felix Anton Blau (1754-1798); Josef Socher (1755-1834); Eulogius Schneider (1756-1794) [rời bỏ Giáo Hội]; thời kỳ đầu của Georg Leonhard Reiner, O. Praem. (1756-1807); Coelestin Königsdorfer O.S.B. (1756-1840); Bernhard Stöger O.S.B. (1757-1817); Anton Joseph Dorsch (1758-1819); Linh mục Gregor Zirkel (1762-1817); Linh mục Kajetan von Weiller (1762-1826); Jacob Salat (1766-1851) [cũng là người theo Friedrich Heinrich Jacobi]; Johannes Neeb (1767-1843) [cũng là người theo Friedrich Heinrich Jacobi]; Johann Joseph Batz (1775-1813); Friedrich Köppen (1775-1858) [cũng là người theo Friedrich Heinrich Jacobi]; Linh mục Alphonso Testa (1784-1860); Anton Reyberger O.S.B. (1787-1810); Matías Nieto Serrano (1813-1902); José Rey y Heredia (1818-1861); Linh mục Marcel Hébert (1851-1916) [rời bỏ Giáo Hội]; Karl Gebert (1860-1910).

Thuyết duy tâm [những người theo Schelling]: Linh mục Patriz Benedikt Zimmer (1752-1820); Marian Dobmayer O.S.B. (1753-1805); Johann Kaspar Götz (hoạt động khoảng 1897), sau này là Linh mục Joseph Weber (1753-1831); Georg Leonhard Reiner, O. Praem. (1756-1807); Johann Kaspar Götz (hoạt động khoảng 1807); Johann Baptist Schad (1758-1834); Joseph Geishüttner (1763-1805); Andreas von Röschlaub (1768-1835); Linh mục Ignaz Thanner (1770-1825); Karl Joseph Hieronymous Windischmann thời kỳ đầu (1775-1839); Johann Jakob Wagner (1775-1841); Johann Sebastian Drey (1777-1853); Jakob Sengler (1799-1878); Peter Ernst von Lasaulx (1805-1861); Mariano Ares y Sanz (hoạt động khoảng 1882); Hubert Karl Philipp Beckers (1806-1889); Linh mục Martin Deutinger (1815-1864); Linh mục Johann Nepomuk Paul Oischinger (1817-1877); Friedrich Pilgram (1819-1890), người trở lại Công Giáo; Wilhelm Martin Rosenkrantz (1821-1874); Johann Nepomuk Huber (1830-1879) [rời bỏ Giáo Hội]; Carl Braig (1853-1923); Gaston Fessard S.J. (1897-1979); Claude Bruaire (1932-1986).

Những người theo trào lưu lãng mạn thời kỳ đầu: Hồng Y César-Guillaume de La Luzerne (1738-1821); Tổng Giám mục Adrien Lamourette (1742-1794); Louis Claude de Saint-Martin (1743-1803) [cũng là người theo học thuyết Thánh Augustinô]; Josef Anton Franz Maria Sambuga (1752-1815).

Ngoài ra, cũng nên nhắc đến triết gia về lịch sử Giambattista Vico (1668-1744). Và tất nhiên, có rất nhiều người theo Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô.

5 Thật không may, việc “trở lại đạo trên giường bệnh” của Voltaire đã bị cả người Công Giáo lẫn người không tin bóp méo. Chắc chắn có một số bằng chứng về sự trở lại của Voltaire (mặc dù bề sâu của niềm tin vào đạo Công Giáo của ông vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi). Khi nằm hấp hối ở Paris, Voltaire đã gửi thư cho Linh mục Gauthier, tuyên úy của những bệnh nhân nan y bất trị, người đã đề nghị đến thăm ông (có lẽ có sự tham gia của cháu trai Voltaire, Linh mục tu sĩ Mignot, và chắc chắn có sự tham gia của Cha xứ Saint-Sulpice [Linh mục Jean-Jacques Olier]). Cha Gauthier đã nhận được bản xưng tội có chữ ký sau đây từ Voltaire vào ngày 02/03/1778 (có sự chứng kiến của cha Mignot và Hầu tước de Villevieille): “Tôi, người ký tên dưới đây, tuyên bố rằng mình đã nôn ra máu suốt bốn ngày… nếu Chúa sắp đặt cho tôi, tôi xin chết trong đạo Công Giáo thánh thiện là nơi tôi sinh ra, tôi hy vọng lòng thương xót Chúa sẽ dủ tình tha thứ cho mọi lỗi lầm của tôi, và nếu tôi đã từng xúc phạm đến Giáo Hội, tôi xin Chúa và lòng thường xót Chúa tha thứ cho tôi việc này.” Hai ngày sau, vào ngày 04/03/1778, Voltaire và Cha xứ Saint-Sulpice trao đổi những bức thư chân thành kể về chuyến viếng thăm của cha Gauthier. Tuy nhiên, Cha xứ Saint-Sulpice sau đó cảm thấy rằng lời xưng thú như vậy là chưa đầy đủ và cùng với cha Mignot (cháu trai của Voltaire) và cha Gauthier, ngài đến thăm lại Voltaire để yêu cầu ông xưng tội rõ ràng với thiên tính của Chúa Kitô, vào ngày 28/05/1778. Câu trả lời của Voltaire là: “Nhân danh Thiên Chúa… xin đừng nói với tôi về người đó [Chúa Kitô] nữa và hãy để tôi chết trong an bình.” Sau cùng, cha Gauthier đến thăm Voltaire vào ngày 30/05/1778 theo yêu cầu của ông và nhận thấy đương sự không còn ở trong tình trạng đủ khả năng để xưng tội. Voltaire qua đời sau ngày hôm đó. Tuy nhiên, Cha xứ Saint-Sulpice cảm thấy ngài không có quyền hợp pháp hoặc tuân thủ giáo luật để từ chối việc chôn cất Voltaire theo nghi thức Công Giáo. Do đó, Voltaire đã được chôn cất tại tu viện Scellières với sự hiện diện của một số linh mục trong tang lễ. Một số người Công Giáo đã viết thư cho Giám mục thành Troyes và xin ngài yêu cầu dừng việc chôn cất này, nhưng khi những thư tín và công văn của Đức Giám mục về lệnh yêu cầu ngừng chôn cất đến tu viện thì mọi chuyện đã xong. Năm 1791, hài cốt của Voltaire được chuyển đến Điện Panthéon ở Paris.

Thật không may, linh mục Công Giáo Augustin Barruel (1741-1820) sau đó đã lan truyền câu chuyện rằng những lời sau cùng của Voltaire là: “Tôi bị Thiên Chúa và con người bỏ rơi… Tôi sẽ xuống hỏa ngục” (điều này bị bác bỏ bởi những tuyên bố từ thư ký của Voltaire, Wagniere, và bác sĩ của ông, Burard). Và những người theo thuyết bất khả tri, thuyết vô thần và thuyết thần luận thường bỏ qua lời xưng thú ban đầu của Voltaire mà không lưu ý rằng nỗ lực không thành công của cha Gauthier trong việc yêu cầu Voltaire xưng tội lại đã xảy ra muộn hơn so với lần ký ban đầu của ông vào bản tuyên bố đức tin; cũng như không lưu ý đến lời tuyên bố của Voltaire với thư ký Wagnière trong ngày trước đó (28/02/1778) “Tôi chết trong khi tôn thờ Thiên Chúa… và trong khi ghét sự mê tín”; hoặc đã suy đoán (với rất ít bằng chứng ủng hộ) rằng việc trở lại đạo của Voltaire chỉ là một mưu kế mà ông nghĩ ra nhằm đảm bảo cho mình một lễ an táng theo nghi thức Công Giáo (bắt chước một hành động thời trẻ khi Voltaire giả chết để khiến cho một Tu sĩ Dòng Phanxicô Capuchin cho ông rước lễ không còn cảm thấy thích thú). Độc giả có thể xem câu chuyện này từ cuốn Vie de Voltaire (1789) của tác giả theo thuyết thần luận, Condorcet; những tuyên bố từ người thư ký của Voltaire, Wagnière, bác sĩ của ông, Burard, bề trên tu viện Scellières Potherat de Corbierre, cha Mignot, cha Gauthier [Gaultier], và những thư tín của Voltaire gửi cho Cha xứ Saint-Sulpice.

6 Một số triết gia về chính trị người Công Giáo ở thế kỷ XIX bao gồm: Linh mục Gabriel Bonnot de Mable (1709-1785); Linh mục André Morellet (1727-1819); Linh mục Augustin Barruel (1741-1820); Linh mục Emmanuel Joseph Sieyes (1758-1836); Karl Ludwig von Haller (1768-1854); Adam Heinrich Müller (1779-1829); Alban de Villeneuve-Bargemont (1784-1850); Ferdinand Walter (1794-1879); Phillippe-Joseph-Benjamin Buchez (1796-1866); Karl Ernst Jarcke (1801-1852); Franz Josef Ritter von Buss (1803-1878); Alexis-Charles-Henri Clérel de Tocqueville (1805-1859); Wilhelm Emmanuel Ketteler (1811-1877); Ludwig Windthorst (1812-1891); Louis Veuillot (1813-1878); Karl von Vogelsang (1818-1890); Huân tước John Acton (1834-1902); René de la Tour du Pin (1834-1925); Albert Maria Weiß O.P. (1844-1925); Wilhelm Hohoff (1848-1923).

Thế kỷ XX

[Alan Vincelette, Recent Catholic Philosophy, The Twentieth Century, Introduction]

Triết học Công Giáo trong thế kỷ XX cho thấy sự đa dạng đáng kể về quan điểm. Triết học Công Giáo Đức đầu thế kỷ XX chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hiện tượng học của Edmund Husserl và Học thuyết Tôma của Josef Kleutgen. Trong số các nhà hiện tượng học ở Göttingen và Munich, có một số người trở lại Công Giáo, đó là những người đi theo phương pháp mô tả cách hệ thống các hiện tượng xuất hiện trong tâm trí một người.1 Chẳng hạn, Stein đã khám phá hiện tượng học về niềm vui cho thấy cấp độ năng lực tinh thần, sức sống của chúng ta, đã bị ảnh hưởng ra sao bởi môi trường và những cá nhân khác, Scheler và von Hildebrand đã thực hiện một hiện tượng học về các giá trị, trong đó, Scheler khám phá sự khác biệt giữa các giá trị xúc cảm, sinh lực, tinh thần và thiêng liêng, còn von Hildebrand ủng hộ việc theo đuổi một giá trị hay cái tự-nó-là-quan-trọng và hiến mình trong tình yêu hơn là tự thỏa mãn. Brunner và Casper nghiên cứu hiện tượng học về mặc khải, trong khi Spaemann nghiên cứu về nhân vị theo hướng hiện tượng học, lưu ý rằng con người có cả mặt bên ngoài và bên trong, là ‘ai đó’ chứ không phải ‘cái gì đó’.

Ở Bỉ, Kho lưu trữ Husserl được thành lập vào năm 1839 tại Đại học Công Giáo Louvain, sau khi Herman Van Breda bí mật đưa các bản thảo của Husserl ra khỏi Đức để bảo tồn chúng, sau đó, một số nhà hiện tượng học Công Giáo đã giảng dạy ở đây, bao gồm De Waelhens, Vergote, Taminiaux và Florival. Nhà tư tưởng Do Thái Emmanuel Levinas đã giới thiệu Husserl đến Pháp vào thập niên 1930, nhưng chỉ đến thập niên 1950 và 1960, hiện tượng học mới thực sự thành công, với các nhà tư tưởng như Berger, người đã thực hiện một hiện tượng học về những đặc điểm nhân cách tiêu biểu như tham lam, nhục dục, dịu dàng và hiếu kỳ, Duméry và de Laubier, những người thực hiện hiện tượng học về tôn giáo, trong đó, Duméry đưa ra một sự giản hóa truy nguyên [henological reduction] về Thiên Chúa xét như ‘Nhất thể’ đứng sau mọi hiện tượng, và Michel Henry, người đã khám phá hiện tượng học về đời sống xác thịt và lập luận rằng sự tự-động-cảm-tác [auto-affection], trong đó, một người bị ảnh hưởng cách nội tại bởi chính mình, là bản chất của cuộc sống. Tới thập niên 1990, hiện tượng học gần như đã trở thành chuẩn mực trong giới trí thức Công Giáo Pháp tại Viện Công Giáo Paris và Sorbonne, bao gồm Lacoste, Courtine, Marion, Lavaud, Capelle-Dumont, Chrétien, Gabellieri, Depraz, Falque và Romano. Gabellieri đã thực hiện một hiện tượng học về sự cho đi khẳng định rằng quà tặng hiện hữu bao gồm cả sự hiện diện và vắng mặt, cả điều có thể thấy rõ cùng với một điều bí ẩn; Falque đã thực hiện một hiện tượng học về cơ thể lập luận rằng con người không hoàn toàn thuộc linh như thiên thần, cũng không phải động vật thuần túy, nhưng là những tinh thần có xác thịt. Ở Hoa Kỳ, truyền thống hiện tượng học được tiếp nối bởi Schwarz, Tymieniecka, Dupré, Peperzak, Marra, Kockelmans, Crosby, Sokolowski, Lingis, Siefert và Føllesdal tại Duquesne, Fordham và những nơi khác. Ngoài ra, còn có các cơ sở hiện tượng học của Công Giáo ở Hà Lan, tại Đại học Công Giáo Nijmegen, và ở Ba Lan, nơi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã học hỏi nhiều điều từ phương pháp luận.

Trước khi hiện tượng học trỗi dậy ở Pháp, thuyết hiện sinh và Học thuyết Tôma là những truyền thống triết học chiếm ưu thế. Ở Pháp, Học thuyết Tôma tồn tại dưới hai biến thể riêng biệt.

Nhóm thứ nhất bao gồm các tu sĩ Dòng Tên người Pháp truyền thống hơn, giảng dạy tại Đại học Gregorian hoặc các học viện ở Hastings, Jersey và Metz (Remer, Harent, Billot, Reinstadler, Geny, Arnou, Descoqs, Hoenen và Boyer) và các tu sĩ Dòng Đa Minh người Pháp truyền thống hơn, giảng dạy tại Angelicum (Hugon, Garrigou-Lagrange, Gagnebet và Morerod), những người đã giúp soạn thảo 24 Luận đề Học thuyết Tôma năm 1914. Họ cũng đứng chung hàng ngũ với các tu sĩ Dòng Tên người Ý tại đại học Gregorian (De Mandato, Mattiussi, Dezza) và các tu sĩ Dòng Đa Minh người Ý tại đại học Angelicum (Buonpensiere). Trong số các thành viên của trường phái kinh viện truyền thống hơn này, chúng ta cũng có thể kể đến các tu sĩ Dòng Tên tại tu viện Maria-Laach ở Freiburg (Hontheim và Tilmann Pesch), các tác giả của Philosophia lacensis, tu sĩ Dòng Tên Joseph Donat tại Đại học Innsbruck, Áo, cũng như tu sĩ Dòng Biển Đức Joseph Gredt tại Đại học San Anselmo, Rôma. Các nhà tư tưởng này có xu hướng viết các sách giáo khoa triết học bằng tiếng Latinh nhằm tìm cách bảo vệ các tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô trước sự tấn công của những người theo thuyết duy nghiệm và duy tâm hiện đại.2

Nhóm thứ hai bao gồm những người trở lại Công Giáo, chẳng hạn như Étienne Gilson và Jacques Maritain, những người đã viết các tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ và cố gắng áp dụng Học thuyết Tôma vào các vấn đề triết học đương đại. Đặc biệt, Gilson và Maritain đã bảo vệ tri thức luận duy thực của Thánh Tôma, lý thuyết của ngài về luật tự nhiên và ứng dụng của nó đối với các quyền tự nhiên, đồng thời, lập luận nhằm hậu thuẫn ý tưởng về một triết học Kitô giáo, hay một triết học mà mặc dù độc lập với thần học trong việc sử dụng lý trí thuần túy như phương pháp chứng minh của nó, đã tiếp nhận nội dung cho chứng minh triết học từ mặc khải thần học. Gilson và Maritain cũng nhấn mạnh đến sự phân biệt thực sự giữa hiện hữu và bản chất/yếu tính trong tư tưởng của Thánh Tôma, và vì thế, họ đôi khi được gọi là các triết gia Thomist hiện sinh. Cùng hưởng ứng với Gilson và Maritain trong nỗ lực này có các tu sĩ Đa Minh tại Le Saulchoir và Toulouse (Coconnier, Gardeil, Sertillanges, Schwalm, Poulpiquet, Charlier, Deman, Labourdette, Leroy, Emonet, Narcisse và Hamonic), những người cho ra mắt tạp chí Revue Thomiste vào năm 1893, cùng với các trợ giáo tại Học viện Công Giáo Lyons và Toulouse (Blanc, Roland-Gosselin, Jolivet, Floucat và Prouvost), và nhiều tu sĩ Dòng Tên khác, như Tonquédec ở Paris và Romeyer ở Vals, cũng như Daujat tại Centre d’études religieuses và Lacombe ở Sorbonne. Một cách tiếp cận tương tự cũng được thúc đẩy tại Đại học Công Giáo Milan với các học giả Thomist trong phong trào Gallarate (Zamboni, Olgiati, Gemelli, Masnovo, Chiocetti, Padovani, Giacon, Fabro, Bontadini, Sanseverino, Melchiorre và Busa), tại Đại học Giáo hoàng Lateran (Livi), tại Đại học La Sapienza (Del Noce), tại Đại học Cà Foscari ở Venice (Possenti), tại Freiburg-Munich (Geyser, Honecker, Lakebrink, Przywara, người đã nhấn mạnh các thuộc tính phủ định của Thiên Chúa cùng với Gilson, và Alma von Stockhausen), tại Münster (Pieper), tại Canada (Joseph Owens), tại Hoa Kỳ (Knasas) và tại Ba Lan (Krapiec).3

Ở Anh, một cuốn giáo khoa về triết học Tôma đã được xuất bản bởi các tu sĩ Dòng Tên ở Stonyhurst, cụ thể là Clarke, anh em nhà Rickaby, Maher và Boedder. Bên cạnh đó là các luận thuyết Thomistic được viết bởi Aveling tại University College, London, Coffey tại Maynooth College và Copleston tại Heythrop College. Ở Bắc Mỹ, các trung tâm về Học thuyết Tôma đã ra đời tại Viện Giáo hoàng về các Nghiên cứu Trung cổ do Gilson thành lập ở Toronto (Phelan, Eschmann, Régis, Pegis, Owens, Shook, Maurer, Synan, Schmitz, Weisheipl) và các trường Đại học của Dòng Tên, bao gồm Marquette (Smith, Pegis, Schmitz), St. Louis (Bourke, Henle, Holloway, Klubertanz) và Fordham (Pegis, Holloway, Leftow, Koterski), cũng như Đại học Notre Dame (the Oesterles, Bobik, McInerny, Freddoso), Đại học Công Giáo Hoa Kỳ (Pace, Schmitz, Dougherty, Wippel, Koterski) và Đại học St. Thomas ở Houston (Brezik, Kennedy, Elders, Knasas, Jensen). Ngoài ra, còn có Trường Thomism ở Barcelona (Alcorta Echebarría, Roig Gironella, Canals Vidal, Orlandis Despuig, Bofill i Bofill, Forment) tập trung vào quan hệ của năng lực nhận thức với hiện hữu, và một trường Thomistic ở Navarra (Alarcón).4

Ở Bỉ, trường Thomism đầu tiên ở Louvain tại Institut Supérieur de Philosophie đã viết các tác phẩm bằng tiếng Pháp để tham gia vào cuộc đối thoại với tư tưởng đương đại, đồng thời, kết hợp thêm những phát hiện của tâm lý học vào Học thuyết Tôma. Các thành viên chủ chốt của trường bao gồm Mercier, Noël, Nys, Van Steenberghen, Roger Aubert và Van Riet.5 Những người theo Học thuyết Tôma ở Bỉ cũng có quan điểm rất duy lý về đức tin, họ cho rằng triết học nên duy trì sự tự chủ khỏi thần học và việc sử dụng lý trí có thể cung cấp các bước dẫn nhập cho đức tin hay những lý do cho tính khả tín của nó thông qua việc nghiên cứu những giáo huấn của Chúa Kitô về chính Ngài, các phép lạ của Ngài và những lời tiên tri liên quan đến Ngài. Về điểm này, họ nhận được sự đồng tình từ các nhà Thomist ở Friborg (Coconnier, Mandonnet, Manser, Philippe, Luyten), các tu sĩ Dòng Tên tại Đại học Gregorian (Schiffini, Billot, De Mandato, Bainvel, Pinard de la Boullaye), các tu sĩ Dòng Đa Minh tại Angelicum (Hugon, Garrigou-Lagrange), tại Toulouse (Labourdette, Jean-Hervé Nicholas) và tại Le Saulchoir (Schwalm, Gardeil, Roland-Gosselin, De Poulpiquet), cũng như Bainvel (Học viện Công Giáo Paris), Commer, De Tonquédec (Paris), Ehrle (Maria Laach), Gutberlet (Fulda), Hontheim (Maria Laach), Horvath, Hurter, Lennerz, Malevez, Christian Pesch, Rabeau (Lille), Van Noort, và Von Schanz.6 Hai trường phái Thomist là River Forest Dominics of Albertus Magnus Lyceum (Kane, Ashley, Nogar, Wallace) ở Hoa Kỳ và Laval Thomists (Charles de Koninck, Dionne, André Clément; Oesterles và MacInerny tại Notre Dame) ở Canada cùng cho rằng triết học Tôma nên kết hợp sâu hơn với các kết quả của khoa học cứng.7

Trong giai đoạn tiếp theo, có hai phong trào Học thuyết Tôma mới mẻ hơn xuất hiện là phong trào phân tích và phong trào về nguồn. Học thuyết Tôma phân tích tìm cách kết hợp Học thuyết Tôma với triết học phân tích, và do đó, nhấn mạnh việc phân tích về ngôn ngữ và lôgic một cách cẩn thận đối với các câu đố triết học. Phong trào này nổi bật với các tu sĩ Đa Minh ở Blackfriars, Oxford, như McCabe Kerr, Gareth Moore và Davies, cùng với Scots Haldane tại Đại học St. Andrews và Braine tại Aberdeen, cũng như Feser và Long ở Hoa Kỳ. Học thuyết Tôma về nguồn tìm cách đưa tư tưởng của Thánh Tôma vào các cuộc thảo luận thần học đương đại, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến thần học bí tích và thần học luân lý. Phong trào này có sự góp mặt của Francesca Aran Murphy, Blankenhorn, Bonino, Cessario, Dewan, Di Noia, Emery, Hütter, Levering, Schenck , Weinandy và White.8

Sau cùng, một số tu sĩ Dòng Tên người Pháp giảng dạy tại Viện Công Giáo Paris (Piat, Rousselot), Trường Fourvière-Lyons (De Lubac), Louvain (Maréchal), Innsbruck (Karl Rahner), Gregorian (Lonergan), cũng như Jean-Marie Aubert tại Đại học Strasbourg, đã kết hợp Thánh Tôma với Kant và các nhà tư tưởng hiện đại khác, và chuyển trọng tâm của Học thuyết Tôma từ siêu hình học sang tri thức luận.9 Qua đó, họ lập nên Học thuyết Tôma siêu nghiệm. Chẳng hạn, trái ngược với phần lớn những người theo Học thuyết Tôma, Rousselot lập luận rằng vai trò trung tâm của trí năng [intellectus] không phải là hình thành và phân tích các khái niệm, vốn là công việc của lý trí thấp hơn [ratio], nhưng là nắm bắt thực tại, cách đặc biệt là thực tại Thiên Chúa trong sự chiêm ngưỡng tôn nhan Người. Trí năng này thực sự luôn được dẫn đến với Chúa bởi khao khát bẩm sinh về hạnh phúc tối hậu (quan điểm mà sau này sẽ được thấy ở De Lubac). Maréchal và Rahner tiến thêm một bước nữa và lập luận rằng con người chỉ có thể định ranh giới và nhận biết những thực tại hữu hạn bởi vì họ có một sự nắm bắt tiên thiên mặc nhiên về hiện hữu vô hạn của Thiên Chúa. Do đó, phê bình những gì mà họ coi là những cách tiếp cận ngoại tại đối với ân sủng thần linh của những người theo Học thuyết Tôma truyền thống hơn, vì như Rahner và de Lubac khẳng định, Thiên Chúa luôn hiện diện với con người và ân sủng thần linh là một bộ phận cấu thành bản tính nhân loại. Sau cùng, Lonergan đưa ra vai trò của sự thấu suốt trong tri thức. Vì con người không chỉ kinh nghiệm dữ kiện bằng ý thức thực nghiệm, nhưng tìm cách đưa ra các khái niệm giúp giải thích cách tốt nhất các mô hình trong dữ kiện bằng ý thức trí tuệ, sau đó đánh giá xem các khái niệm giả thuyết đó có đúng hay không bằng ý thức lý tính. Rousselot cũng khởi xướng một xu hướng khác trong số những người theo Học thuyết Tôma siêu nghiệm, một xu hướng cũng được thấy ở Lonergan, khi cho rằng bằng chứng về tính khả tín của đức tin chỉ có thể thấy được bởi những người đã có đức tin. Đây được gọi là khái niệm của Rousselot về “con mắt đức tin”, được vay mượn từ Thánh Augustinô, trong đó, chỉ trí năng đã được đức tin truyền dữ kiện mới có thể nhìn thấy những manh mối khác nhau như những mảnh ghép và cũng là những mảnh bằng chứng cho đức tin đó. Những người theo Học thuyết Tôma siêu nghiệm nổi bật khác bao gồm Scheurer, Tiberghien, Guy de Broglie, Le Blond, Malmberg, Lotz, Brugger, Donceel, Bouillard, Coreth, Muck, Sesboüé, Metz, Waldenfels và Meynell.

Thế hệ kế cận của các nhà Thomist ở Louvain, như De Raeymaeker, De Petter, Dondeyne, Grégoire và Moeller, đã kết hợp Học thuyết Tôma với hiện tượng học hay thuyết hiện sinh.10 Một mô hình tương tự cũng xuất hiện nơi các nhà Thomist người Pháp ở Lyon, Montpellier và Strasbourg (Jolivet, Forest, Tourpe), với các tu sĩ Dòng Tên ở Freiburg và Munich, cũng như với những người không thuộc Dòng Tên (Dempf, Brunner, Siewerth, Welte, Max Müller, Ulrich), và Trường Thomism Madrid (Morente, Álvarez, Palacios, Millán-Puelles, Cruz, Quintás và Guiu).11 Chẳng hạn, Ulrich đã kết hợp sự phân biệt thực sự giữa hiện hữu và bản chất trong tư tưởng của Thánh Tôma với khác biệt hữu thể luận giữa hữu thể và các hữu thể trong triết học Heidegger. Ulrich lập luận rằng hữu thể là cái không-tự-hữu và do đó, không tồn tại một mình, nhưng chỉ như thành phần của một bản thể. Tuy nhiên, chính điều này cho phép nó có được cả sự giàu sang và bần cùng khi, một mặt, tự giới hạn mình và mang lại cho các hữu thể sự độc lập của riêng chúng, và mặt khác, chính là quà tặng tự tuôn tràn mãnh liệt và để cho các hữu thể tồn tại và tự hành động.

Thuyết hiện sinh, hay sự mô tả kỹ lưỡng về bản tính của hiện hữu nhân loại, đã trở nên phổ biến vào thập niên 1930 và 1940 ở Pháp, dưới hình thức triết học về tinh thần, bởi Marcel, Lavelle, Le Senne, Chevalier, Paliard, Madinier, Forest, Nédoncelle, Grenier, Guitton, Verneaux, Tilliette, Magnard, Griesch và gần đây hơn là Tourpe. Chẳng hạn, Marcel đối chiếu cách các vấn đề và huyền nhiệm tự nói với con người và suy tư về tình yêu xét như tính khả dụng, Lavelle nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chân thành hay sự ngang bằng giữa cái tôi chân thực và cái tôi biểu lộ của một người, Le Senne mô tả cách con người trui rèn hiện hữu của mình khi vượt qua những chướng ngại và nâng mình lên các giá trị, Forest và Madinier suy tư về nội tâm con người và cách cái tôi được định hình qua việc ưng thuận các hành vi hiện hữu trong thế giới, Nédoncelle mô tả cách con người hình thành nên căn tính/bản sắc của mình trong các quan hệ tương hỗ với người khác, và Tilliette là người đảm nhận một Kitô học triết học. Ngoài ra, còn có một mạng lưới các nhà hiện sinh Công Giáo ở Ý, hay những người theo Học thuyết duy linh Kitô giáo Ý, với Carlini, Stefanini, Guzzo, Castelli, Sciacca, Prini, Caracciolo, Pareyson, Mathieu và Melchiorre, và ở Tây Ban Nha, với Zubiri, Laín Entralgo, Marías, Muñoz Alonso, López Quintas và Polo. Ở Đức, thuyết hiện sinh có ảnh hưởng trong thập niên 1940 và 1950 với Haecker, Wust, Dempf, Von Rintelen, Siewerth, Hengstenberg, Max Müller, Welte, Delp, Krings, Schaeffler, Hommes và Ulrich.12

Ở Anh và Hoa Kỳ, Học thuyết Tôma đã nắm quyền thống trị cho đến khi triết học phân tích Công Giáo nổi lên vào thập niên 1950. Phong trào này được khai mào từ sự trở lại Công Giáo của các triết gia như Anscombe, Geach, Dummett và Rescher. Anscombe từng làm việc dưới sự hướng dẫn của Ludwig Wittgenstein và đã bị lôi cuốn bởi triết học về hành động, nơi coi hành động nhân loại thực sự—là thứ có chủ ý và hướng đến những mục đích cụ thể, cũng như đạo đức học nhân đức. Trong khi đó, Geach, chồng của Anscombe, dành thời gian nghiên cứu xem các tên gọi đã thủ đắc tham chiếu của chúng như thế nào và điều tra những biến đổi xảy ra thuần túy do một mối quan hệ thay vì một biến đổi về bản thể, chất, hay lượng, hay điều mà ngày nay được gọi là những biến đổi Cambridge. Dummett bảo vệ một lập trường theo thuyết kiểm chứng tân thời [neo-verificationist] và lập luận rằng đối với một số tuyên bố về sự thật, chẳng hạn như những tuyên bố liên quan đến các câu đố toán học, một thuyết phản duy thực có nhiều ý nghĩa hơn là một thuyết duy thực, trong đó, đối với những lĩnh vực như vậy, sự thật là những gì có thể được kiểm chứng bởi các khả năng tri thức của chúng ta và không tồn tại cách độc lập với chúng. Trái lại, Rescher bảo vệ một thuyết duy tâm thực dụng mà trong đó, tâm trí góp phần hình thành nên tri thức và chúng ta chiếm hữu thế giới thông qua các thuật ngữ tham chiếu của riêng mình ngay cả khi tìm cách nắm bắt bản chất của thực tại và có thể thành công một phần trong công việc đó, tuy rằng theo cách nhất thời và có thể sai lầm.

Trong số những người Công Giáo khác quan tâm đến triết học phân tích còn có Kerr, một người theo Wittgenstein, Føllesdal, người theo Quine ở một mức độ nào đó, St. George Charlton, Runggaldier, người xem xét các vấn đề về hành động và căn tính nhân loại, Zagzebski và Greco, những người chủ trương một tri thức luận nhân đức mà trong đó, tri thức được thủ đắc khi người ta viện tới các nhân đức về khao khát sự thật, khiêm nhường, tin tưởng và khôn ngoan thực hành, Janet Martin Soskice, người viết các tác phẩm về ngôn ngữ tôn giáo, John Foster, Robert Koons, Teichmann và Pruss. Tuy nhiên, quả có lý khi nói rằng hai nhân vật quan trọng nhất trong số các triết gia nói tiếng Anh ở thế kỷ XX là MacIntyre và Charles Taylor. Trong đó, MacIntyre là người phát triển một đạo đức học nhân đức lập luận rằng, vì lợi ích của chính mình, con người nên theo đuổi những thiện ích hay mục đích nội tại khác nhau là những thứ nằm trong các thực hành xã hội định nghĩa nên các tiêu chuẩn xuất sắc của chúng. Về phần mình, Taylor cũng phát triển một đạo đức học tương đồng, trong đó, con người có được bản sắc nhờ hành động phù hợp với những đánh giá chắc chắn hay sự phân biệt về chất xem điều gì cao hơn, điều gì thấp hơn, chứ không phải chỉ là những đánh giá yếu kém hay so sánh định lượng về khả năng làm thỏa mãn mình của những khao khát khác nhau, đồng thời, lập luận rằng những đánh giá chắc chắn như vậy đề xuất một nguồn mạch luân lý siêu vượt.

Trong khi đó, một số học giả Công Giáo ở Pháp, Bỉ, Ba Lan và Hoa Kỳ đã dồn sự chú ý vào triết học về khoa học, như trường hợp của Boutroux, Duhem, những người chủ trương điều được gọi là “luận đề Duhem-Quine” cho rằng các quan sát khoa học đều mang nặng tính lý thuyết hoặc bị thấm nhập bởi những sự giải thích mang tính lý thuyết, rằng khả năng của khoa học trong việc đưa ra những chứng minh hay phản chứng chắc chắn cho các giả thuyết là hạn chế. Ngoài ra, còn có Whittaker, Łukasiewicz, De Chardin, Sesmat, Czezowski, Blanché, William H. Kane, Bocheński, Cavailles, Salamucha, Jaśkowski, De Koninck, Dubarle, Vincent E . Smith, William Wallace, Ladrière, Grzegorczyk, Jaki, McMullin, Michał Heller, Artigas, Maldamé, Suppe, Van Fraassen, Verschuuren và Latour.

Sau cùng, trong một liên minh khó có thể đoán trước, nhiều triết gia Công Giáo ở Pháp, Ireland, Ý và Hoa Kỳ đã theo bước chủ nghĩa hậu hiện đại, và thường được kết hợp với hiện tượng học. Chẳng hạn, De Certeau đồng ý với Foucault, người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, rằng con người phải tuân theo đa dạng các cấu trúc quyền lực và truyền thống (chiến lược) khác nhau nhằm tìm cách giam hãm và giới hạn tư tưởng cũng như hoạt động của họ. Tuy nhiên, ông cũng lập luận rằng ngay cả trong các cơ cấu quyền lực và truyền thống này cũng có nhiều thực hành khác nhau trong đời sống thường nhật, nhờ đó, con người có thể lập lại bản đồ lãnh địa của mình và dấn thân cách sáng tạo cùng với thế giới, chẳng hạn như tái hiện lại nền ẩm thực Pháp hoặc đi dạo qua các con hẻm trong thành phố. Marion, học trò của Derrida, chọn cách đi theo một thần học phủ định mà trong đó, Thiên Chúa hiện hữu mà không có hữu thể theo nghĩa rằng Ngài không thể bị nắm bắt bởi khái niệm và thông qua siêu hình học, nhưng thay vào đó, là một hiện tượng bão hòa tràn lấp các khả năng của chúng ta bởi một sự vượt mức [excess] về trực giác. Trong khi đó, Lacoste coi phụng vụ theo thuật ngữ hậu hiện đại là một nơi chốn phi kinh nghiệm về thần linh mà tại đó, chúng ta được hưởng trước sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ đến trong Ngày quang lâm. Các nhà tư tưởng người Ireland là Desmond và Kearney coi Thiên Chúa như một hiện hữu vô hạn [hyperbolic excess of being] vượt xa khỏi các phạm trù nhân loại, hay một Thiên Chúa của tính khả hữu, Đấng Có Thể Là, Đấng vẫy chào và mời gọi chúng ta cộng tác vào Nhiệm cục thần linh. Ngoài ra, trong số những người Công Giáo theo chủ nghĩa hậu hiện đại còn có Stanislas Breton, Ghislain Lafont, Labarrière, Chauvet, người viết về thần học bí tích, Vattimo và Caputo, những người khám phá tính khiêm nhường của “tư tưởng yếu thế”, Robert Magliola, Preniola, người, dưới ảnh hưởng của Jean Baudrillard, đã chủ trương sự mô phỏng hay việc khởi đi từ những hình ảnh giống nhau tới những hình ảnh giống nhau – trái ngược với siêu hình học, cũng như ủng hộ một đức tin không có tín điều, Chrétien, người nhấn mạnh đến sự vượt mức của thực tại liên quan đến cuộc gặp gỡ của chúng ta với hữu thể, nghệ thuật và Thiên Chúa, Tina Beattie, Michael Purcell, Boeve, Hoff, và Romano.13

Trong số 42 nhân vật được đề cập trong tập sách này, có một số người khá có ảnh hưởng cả trên quy mô lịch sử cũng như trong bối cảnh hiện tại. Bên cạnh đó là những người quan trọng do ảnh hưởng của họ trong quá khứ. Sau cùng, có một số người mặc dù hiện nay không còn ảnh hưởng, nhưng tư tưởng của họ xứng đáng được phục hồi hoặc được biết đến nhiều hơn. Và như đã đề cập, các triết gia Công Giáo này được liên kết với bảy phong trào triết học lớn của thế kỷ XX, đó là: Hiện tượng học, Học thuyết Tân Tôma, Học thuyết Tôma siêu nghiệm, Học thuyết nhân vị, Thuyết hiện sinh, Triết học phân tích và Chủ nghĩa hậu hiện đại. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể đề cập đến các trường phái theo Học thuyết Thánh Augustinô, Thuyết duy tâm và Thông diễn học. Hơn một nửa số nhà tư tưởng Công Giáo trong thế kỷ XX là những người theo Học thuyết Tôma, vì thế, chúng ta chỉ có thể đề cập đến một số ít nhân vật thuộc nhóm này. Học thuyết Tôma, vốn gần như biến mất trong thế hệ “Baby Boomers” (những người sinh ra từ thập niên 1940 đến 1960), gần đây đã tái xuất hiện và một số triết gia và thần học gia Công Giáo trẻ tuổi đã quay trở lại với Học thuyết này. Ngoài ra, Hiện tượng học cũng có ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt là ở Pháp và Đức; trong khi Học thuyết Nhân vị và Thuyết hiện sinh đã giảm tầm ảnh hưởng trong thế giới ngày nay. Sau cùng, Triết học phân tích vẫn tiếp tục thống trị trong giới nói tiếng Anh, còn Chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn tồn tại trong một số giới nhất định. Tất nhiên, sẽ khó có thể khôn ngoan nếu coi “dấu chỉ thời đại” có liên quan cách rõ ràng đến giá trị tối hậu của một phong trào.

Trong mỗi chương sách, tôi sẽ đề cập đến hai nhà tư tưởng chính ở mức độ sâu, một nhà tư tưởng ở mức độ vừa phải và một số nhà tư tưởng khác thông qua các trình thuật ngắn gọn hơn. Hầu hết các nhà tư tưởng này đều đến từ Tây Âu hoặc Bắc Mỹ và công việc của họ thuộc về các lĩnh vực tri thức luận, đạo đức học, siêu hình học, hay triết học về tôn giáo, tức là những lĩnh vực có liên quan nhất đến đức tin Công Giáo. Và như từng nói trước đây, trong khi trình bày về tư tưởng của mỗi tác giả, tôi cố gắng nêu ra những nét đặc trưng chủ đạo trong tư tưởng của họ theo cách chính xác nhất có thể, nhưng vẫn kiềm chế không phê bình bất cứ hệ thống tư tưởng nào—trừ khi họ phạm phải sai lầm trong các vấn đề lịch sử hoặc thông diễn, tức là sai lầm khi trình bày các sự kiện lịch sử hoặc khi cắt nghĩa các nhà tư tưởng khác hay các tài liệu có thẩm quyền,—thay vào đó, cho phép người đọc tự mình lượng định giá trị từ tư tưởng của mỗi người cách tùy ý. Quả thực, tác phẩm này không đưa ra bất cứ nhận xét phê bình nào nhắm tới ý tưởng của các triết gia được đề cập và hoàn toàn chỉ mang tính chất giải thích nhằm ngăn chặn bất cứ thành kiến và đánh giá cá nhân nào xâm nhập vào việc tìm hiểu suy tư của một nhà tư tưởng. Quá nhiều tài liệu về lịch sử triết học và thần học gần đây đã bị phá hỏng vì lý do tác giả của chúng đã minh nhiên tô vẽ lịch sử thông qua một khuôn khổ cắt nghĩa thiếu sót. Ngoài ra, tôi cũng thấy rằng cách tiếp cận mà mình lựa chọn có tác dụng khá tốt cho mục đích sư phạm, bởi lẽ nó khuyến khích mỗi người tự mình lượng định giá trị từ suy tư của một triết gia nào đó.

Chú thích

1 Về hiện tượng học Công Giáo, xem: Baring, Edward, Converts to the Real: Catholicism and the Making of Continental Philosophy (Cambridge: Harvard University Press, 2019); Benson, Bruce, ed., Words of Life: New Theological Turns in French Phenomenology (New York: Fordham University Press, 2010); Coreth, Emerich, Walter Neidl, and George Pfligersdorffer, eds., Christliche Philosophie im katholischen Denken des 19. und 20. Jahrhunderts, vol. 3 (Graz: Styria, 1990); DeLay, Steven, Phenomenology in France: A Philosophical and Theological Introduction (London: Routledge, 2018); Janicaud, Dominique, ed., Phenomenology and the Theological Turn: The French Debate (New York: Fordham University Press, 2001) and Philosophy Wide Open: After the French Debate (New York: Fordham University Press, 2005); Schmitz, Kenneth L., “Was heist Philosophie?: One Hundred Years of German Catholic Thought,” in Shanley, Brian J., ed., One Hundred Years of Philosophy (Washington: Catholic University of America Press, 2001), tr. 133-155; Schrijvers, Joeri, Ontotheological Turnings?: The Decentering of the Modern Subject in Recent French Phenomenology (Albany: SUNY Press, 2012); Simmons, J. Aaron, and Bruce Ellis Benson, The New Phenomenology: A Philosophical Introduction (New York: Bloomsbury, 2013); Spiegelberg, Herbert, The Phenomenological Movement (Dordrecht: Kluwer, 1982); Tymieniecka, Anna-Teresa, ed., Phenomenology World-Wide (Dordrecht: Kluwer, 2002).

2 Về quan điểm theo Học thuyết Tôma truyền thống, xem: “Philosophia lacensis,” Month 96 (1900): 552-554; Coreth, Emerich, et al., eds., Christliche Philosophie im katholischen Denken des 19. und 20. Jahrhunderts (Graz: Styria, 1988), vol. 2; John, Helen, The Thomist Spectrum (New York: Fordham University Press, 1966); Neunheuser, Burkhard, “Die Philosophische Hochschule der Abtei Maria Laach 1894/95-1965/66,” in Von Severus, Emmanuel, ed., Lacensis: Beiträge aus Anlass der Wiederbesiedlung der Abtei Maria Laach (Münster: Aschendorff, 1993), tr. 240-263; Perrier, Joseph L. The Revival of Scholastic Philosophy in the Nineteenth Century (New York: Columbia University Press, 1909).

3 Để biết thêm về Học thuyết Tôma hiện sinh và Học thuyết Tôma sử dụng ngôn ngữ bản địa, tham khảo: Armour, Leslie, “Maritain, Canada, and the Scholastic Tradition,” Maritain Studies 15 (1999): 52-69; Ayres, Lewis, and Medi-Ann Volpe, eds., The Oxford Handbook of Catholic Theology (Oxford: Oxford University Press, 2018), tr. 653-700; Bausola, Adriano, “Neoscholastica e spiritualismo,” in Marcello Pera and Valerio Verra, eds., La filosofia italiana dal dopoguerra a oggi (Rome: Laterza, 1985), tr. 273-352; Berti, Enrico, “La filosofia a Padova,” Rivista di Filosofia 91:2 (2000): 197-217; Biffi, Inos, “Filosofia neutra e teologia separata nella neoscolastica Milanese,” in Colombo, Carlo, ed., La teologia italiana oggi: ricerca dedicata a Carlo Colombo nel 70° compleanno (Brescia: La Scuola, 1979), tr. 271-305; Coreth, Emerich, Walter Neidl, and George Pfligersdorffer, eds., Christliche Philosophie im katholischen Denken des 19. und 20. Jahrhunderts (Graz: Styria, 1987), vol. 2; De Franceschi and Sylvio Hermann, “Le dictionnaire de théologie catholique et le statut épistémologique de la théologie: La contribution des théologiens du Saulchoir au débat sur la science théologique dans l’entre-deux-guerres,” Revue des Sciences Philosophiques et Theologiques 99:1 (2015): 49-96; Donneaud, Henry, “Le Saulchoir: Une école, des théologies?,” Gregorianum 83:3 (2002): 433-449; Fouilloux, Étienne, “L’affaire Chenu, 1937-1943,” Revue des Sciences Philosophiques et Théologiques 98:2 (2014): 261-352, “Deux écoles fran ç aises de théologie au xxe siècle: Le Saulchoir et Fourvière,” Gregorianum 92:4 (2011): 768-780, and “Les thomistes dominicains en France (premier XXe siècle),” Cristianesimo nella Storia 39 (2018): 637-654; Fourcade, Michel, “Peut-on parler d’école maritainienne?: La maritainisme dans la grande famille des thomismes,” Recherches Philosophiques 3 (2007): 7-32; Gregory, Thomas, “Gilsonian Thomism,” Listening 9 (1974): 168-172; Hankey, Wayne J. “From Metaphysics to History, from Exodus to Neoplatonism, from Scholasticism to Pluralism: The Fate of Gilsonian Thomism in English-Speaking North America,” Dionysius 16 (1998): 157-188; Heynickx, Rajesh, and Stéphane Symons, eds., So What’s New About Scholasticism?: How Neo-Thomism Helped Shape the Twentieth Century (Berlin: Walter de Gruyter, 2018): John, Helen, The Thomist Spectrum (New York: Fordham University Press, 1966); Knasas, John F.X., Being and Some 20th Century Thomists (New York: Fordham University Press, 2003) and Thomistic Existentialism and Cosmological Reasoning (Washington: Catholic University of America Press, 2019); McCool, Gerard, The Neo-Thomists (Milwaukee: Marquette University Press, 1994); Michel, Florian, La pensée catholique en Amérique du nord: Réseaux intellectuels et échanges culturels entre l’Europe, le Canada et les Etats-Unis, années 1920-1960 (Paris: Desclée de Brouwer, 2010); Perrier, Joseph L., The Revival of Scholastic Philosophy in the Nineteenth Century (New York: Columbia University Press, 1909); Santinello, Gioivanni, “Il Pensiero Cristiano nel Secondo Dopoguerra,” in Bobbio, Norberto, ed., La Cultura filosofica italiana dal 1945 al 1980 (Naples: Guida, 1988), tr. 285-310.

4 Về các nhà Thomist Tây Ban Nha, xin đọc: Ayuso Torres, M., “Francisco Canals y la Escuela tomista de Barcelona,” Pensamiento 48:189 (January-March, 1992): 78-82; Coreth, Emerich, Walter Neidl, and George Pfligersdorffer, eds., Christliche Philosophie im katholischen Denken des 19. und 20. Jahrhunderts (Graz: Styria, 1987), vol. 2, tr. 771-781; và Forment, Eudaldo, Historia de la filosofía tomista en la España contemporánea (Madrid: Encuentro, 1998).

5 Để biết thêm về Học thuyết Tôma Louvain, xem: Boileau, David A., and John Dick, eds., Tradition and Renewal: Philosophical Essays Commemorating the Centennial of Louvain’s Institute of Philosophy, 3 vols. (Louvain: University of Louvain Press, 1992-1993); Coreth, Emerich, Walter Neidl, and George Pfligersdorffer, eds., Christliche Philosophie im katholischen Denken des 19. und 20. Jahrhunderts (Graz: Styria, 1987), vol. 2, tr. 546-564; Ladrière, Jean, “Cent ans de philosophie a l’Institut Superieur de Philosophie,” Revue Philosophique de Louvain 46 (May 1990): 168-213; Leeuw, Thijs de, “Neo-Thomism and the Education of a Catholic Elite in Louvain, 1880-1914,” Trajecta 21:3-4 (2012): 345-372; Steenberghen, Fernand van, “Une contribution à l’histoire de l’Institut supérieur de philosophie,” Revue Philosophique de Louvain 86 (November, 1988): 563-569; Van Riet, Georges, Thomistic Epistemology, 2 vols. (St. Louis: Herder, 1963-1965); Wulf, Maurice de, “Philosophy and the Sciences at Louvain,” Scholasticism Old and New: An Introduction to Scholastic Philosophy (New York: M.H. Gill and Sons, 1907), tr. 263–317.

6 Về Học thuyết Tôma Friborg, tham khảo: Cessario, Romanus, “Theology at Freiburg,” Thomist 51:2 (1987): 325-366; Imbach, Ruedi, “Thomistiche Philosophie im Freiburg: Gallus M. Manser,” in Ramon Sugranyes de Franch, ed., Les hommes et les oeuvres de l’Université: Cent ans de recherche scientifique à l’Université de Fribourg Suisse (Fribourg: University of Fribourg Press, 1991), tr. 85-113.

7 Về Học thuyết Tôma Laval và River Forest, xem: Ashley, Benedict M., “The River Forest School and the Philosophy of Nature Today,” in Long, R. James, ed., Philosophy and the God of Abraham: Essays in Memory of James A. Weisheipl, O.P. (Toronto: Pontifical Institute of Mediaeval Studies, 1991): 1-15; Hubbard, J.M. “De Koninck on the Philosophy of Nature,” Logos 17:1 (2014): 140-145; Szatkowski, Mirosław, Ontology of Theistic Beliefs (Berlin: Walter de Gruyter, 2018), tr. 161-165; Thompson, Phillip M., Between Science and Religion: The Engagement of Catholic Intellectuals with Science and Technology in the Twentieth Century (Lanham: Rowman and Littlefield, 2009), tr. 141-180.

8 Xem Hütter, Reinhard, ed., Ressourcement Thomism: Sacred Doctrine, the Sacraments, and the Moral Life (Washington: Catholic University of America Press, 2010).

9 Về Học thuyết Tôma siêu nghiệm, xin đọc: Castro, Michel, “Henri Bouillard lecteur de Saint Thomas, et ‘l’affaire de Fourvière,” Théophilyon 10:1 (January, 2005): 111-143; Flynn, Gabriel, and Paul D. Murray, eds., Ressourcement: A Movement for Renewal in Twentieth-Century Catholic Theology (Oxford: Oxford University Press, 2014); Fouilloux, Étienne, “Deux écoles fran ç aises de théologie au xxe siècle: Le Saulchoir et Fourvière,” Gregorianum 92:4 (2011): 768-780; Greenstock, David L., “Thomism and the New Theology,” Thomist 13:4 (1950): 567-596; John, Helen James, The Thomist Spectrum (New York: Fordham University Press, 1966), tr. 139-192; Kirwan, John, Kirwan, An Avant-Garde Theological Generation: The Nouvelle Théologie and the French Crisis of Modernity (Oxford: Oxford University Press, 2018); Knasas, John F.X., Being and Some 20th Century Thomists (New York: Fordham University Press, 2003), tr. 93-128; McCool, Gerard, From Unity to Pluralism: The Internal Evolution of Thomism (New York: Fordham University Press, 1989) and The Neo-Thomists (Milwaukee: Marquette University Press, 1994); McDermott, John M., “Vatican II and Ressourcement Theology,” Lateranum 78:1 (2012): 69-94; Mettepenningen, Jürgen, Nouvelle Théologie–New Theology: Inheritor of Modernism, Precursor of Vatican II (Edinburgh: T & T Clark, 2010); Castro, Michel, “Henri Bouillard lecteur de Saint Thomas, et ‘l’affaire de Fourvière,” Théophilyon 10:1 (January, 2005): 111-143.

10 Về các nhà Thomist hiện tượng học người Bỉ, xem: Bosschaert, Dries, “A Great Deal of Controversy?: A Case Study of the Dondeyne, Grégoire, and Moeller Integrating Phenomenology and Existentialism in Louvain Neo-Thomism,” in Heynickx, Rajes, and Stéphane Symons, eds., So What’s New About Scholasticism?: How Neo-Thomism Helped Shape the Twentieth Century (Berlin: Walter de Gruyter, 2018): 131-158.

11 Về các nhà Thomist Tây Ban Nha, xem: Coreth, Emerich, Walter Neidl, and George Pfligersdorffer, eds., Christliche Philosophie im katholischen Denken des 19. und 20. Jahrhunderts (Graz: Styria, 1990), vol. 3, tr. 626-633; Forment, Eudaldo, Historia de la filosofía tomista en la España contemporánea (Madrid: Encuentro, 1998), tr. 35-42.

12 Về Thuyết hiện sinh Công Giáo, xem: Caponigri, Aloysius R., A History of Western Philosophy (Notre Dame: University of Notre Dame Press, 1971), vol. 5, tr. 339-351; Coreth, Emerich, Walter Neidl, and George Pfligersdorffer, eds., Christliche Philosophie im katholischen Denken des 19. und 20. Jahrhunderts (Graz: Styria, 1990), vol. 3, tr. 449-455, 524-563, 608-621; Tunetti, Luca, “La philosophie d’inspiration chrétienne en Italie,” in De Laubier, Patrick, ed., La philosophie d’inspiration chrétienne en Europe (Paris: Éditions Universitaires, 1990), tr. 61-73.

13 Về Chủ nghĩa hậu hiện đại Công Giáo, xin đọc: Schrijvers, Joeri, Ontotheological Turnings?: The Decentering of the Modern Subject in Recent French Phenomenology (New York: State University of New York Press, 2011); DeLay, Steven, Phenomenology in France: A Philosophical and Theological Introduction (London: Routledge, 2018); Gschwandtner, Christina M., Postmodern Apologetics?:Arguments for God in Contemporary Philosophy (New York: Fordham University Press, 2013).

Scroll to Top