Chương 11 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 3. “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” - Gio-an Tẩy Giả đã nhiều lần làm chứng rằng Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si-a nên chắc chắn ông không hoài nghi về điều này. Mục đích chính của ông là muốn xua tan mối hoài nghi của các môn đệ mình bằng cách gửi họ tới hỏi Chúa Giê-su và cho họ trực tiếp nghe lời giải đáp. Điều này là dễ hiểu, bởi lẽ dù sao họ cũng biết và đi theo ông trước. Tình cảm yêu mến mà họ dành cho ông có thể trở thành rào cản khiến họ không thể đón nhận Chúa. Thật không dễ dàng gì để chấp nhận một ai đó xuất hiện sau nhưng lại có địa vị và thẩm quyền cao hơn thầy mình, lòng ham tranh đua có thể khiến họ phủ nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a.
Cũng qua dịp này, Gio-an Tẩy Giả muốn cho các môn đệ mình biết họ nên theo ai sau khi ông ra đi. Như ông đã từng khuyên nhủ họ nên theo Chúa Giê-su trước đây, bây giờ, ông càng tha thiết làm điều đó vì biết rằng ngày mình nhận án chết từ Hê-rô-đê đã đến gần.
Câu 4. Cũng trong sự kiện này, Tin Mừng Lu-ca còn thuật lại: Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy (Lc 7,21). Qua các việc làm đó, Chúa Giê-su chứng minh mình là Đấng Mê-si-a theo một cách mạnh mẽ hơn nhiều so với việc thừa nhận trực tiếp bằng lời nói: Đúng, tôi là Đấng Mê-si-a.
Các ngôn sứ thông thường chỉ có thể làm phép lạ bằng cách kêu cầu và cậy nhờ Danh Chúa, còn Chúa Giê-su làm tất cả những điều đó bởi chính quyền năng của mình. Điều này hoàn toàn thuyết phục những người chứng kiến.
Ngoài ra, ở đây, Đấng Cứu Độ của chúng ta không trả lời một cách đơn giản bằng lời nói với các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả là bởi vì người Do-thái thời bấy giờ đang mong đợi Đấng Mê-si-a như một ông vua vĩ đại và uy quyền, nếu Chúa thừa nhận mình là Đấng Mê-si-a trước sự hiện diện của đông đảo dân chúng, ắt hẳn Ngài sẽ trở thành cái gai trong mắt những kẻ đại diện cho quyền lực thế tục và tạo ra một chứng cớ thuận lợi để các kinh sư và người Pha-ri-sêu đứng lên chống lại Ngài, đưa Ngài vào chỗ chết khi thời gian được định cho Cuộc Thương Khó chưa đến.
Câu 5. Chúa Giê-su đã cho họ biết Người là ai dựa trên các phép lạ được tiên báo trước liên quan đến Đấng Mê-si-a (Is 29,18; 35,5-6; 61,1).
Câu 6. phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi - Nghĩa là phúc cho những ai không vì giáo lý Người giảng dạy, cách ứng xử và cái chết trên thập giá của Người mà sa ngã, mất lòng tin tưởng vào Người. Quả thật, Đức Ki-tô là trở ngại cho nhiều người, nhưng đó hoàn toàn là lỗi của họ. Chẳng hạn, trong Ga 6,32-66, khi Đức Giê-su nói về Bí tích Thánh Thể, về bánh hằng sống là chính thân thể Người, do không hiểu và không chấp nhận được những lời dạy đó, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” và từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.
Câu 7-10. Gio-an Tẩy Giả không giống như cây sậy, bị gió đánh ngả nghiêng theo mọi chiều hướng tự nhiên. Ông luôn trung thành và kiên vững với sứ vụ của mình. Lời rao giảng của ông không phải là giáo lý ba phải chỉ để vừa tai người nghe. Ông sẵn sàng vạch tội Hê-rô-đê bất chấp việc bị tống ngục.
Gio-an Tẩy Giả cũng không phải hạng người quần là áo lượt như những kẻ đứng trong cung điện nhà vua. Ông không tìm kiếm lợi lộc, vinh hoa đời này, nhưng sống trong hoang địa, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng.
Chúa Giê-su có lời khen ngợi lối sống của Gio-an Tẩy Giả và nói rằng ông còn hơn cả một ngôn sứ. Quả vậy, ông không những là một vị ngôn sứ vì đã báo trước sự xuất hiện của Chúa Ki-tô, nhưng còn hơn cả một ngôn sứ vì được thấy Người bằng xương bằng thịt, thấy Thần Khí Thiên Chúa ngự trên Người khi làm phép rửa cho Người. Đặc ân đó, không một ngôn sứ nào trước ông được hưởng.
Câu 11. trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ - Dĩ nhiên, không bao gồm Chúa Giê-su, Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa là con người; cũng như Đức Ma-ri-a và các thánh.
kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông - Theo quan điểm của hai nhà thần học Juan Maldonado (1533-1583) và Francisco de Toledo (1532-1596), ý nghĩa của câu nói này là người nhỏ nhất trong Giáo Hội Chúa Ki-tô cũng cao trọng hơn Gio-an Tẩy Giả. Chữ “hơn” ở đây không phải vì ông không có phẩm chất gì để trở nên cao trọng, nhưng vì xét theo yếu tố thời gian, ông là người của Luật cũ (Luật dành cho những tôi tớ của Thiên Chúa) và ông chết trước khi Chúa Giê-su Phục Sinh, trước khi thời đại Tin Mừng được thiết lập một cách đầy đủ. Còn những người dù là nhỏ nhất trong Giáo Hội Chúa Ki-tô cũng thuộc về Luật mới (Luật dành cho con cái của Thiên Chúa), vậy nên họ cao trọng hơn ông.
Câu 12. Sức mạnh ở đây được hiểu là khả năng chịu đựng những nỗi thống khổ, làm việc đền tội và chống lại những khuynh hướng xấu trong chính con người chúng ta. Ai mạnh sức thì sẽ được vào trong Nước Trời. Lối sống của Gio-an Tẩy Giả là một minh chứng cho sức mạnh này.
Câu 13. Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri - Các ngôn sứ và Lề Luật đều nói tiên tri về Đấng Mê-si-a, và đến Gio-an Tẩy Giả là kết thúc và hoàn thành, vì Đấng Mê-si-a đã xuất hiện, đó chính là Chúa Giê-su Ki-tô.
Câu 14. ông Gio-an chính là Ê-li-a - Ông không phải là Ê-li-a tái sinh, nhưng có một sự tương đồng về mặt nhân đức. Ông Ê-li-a đã khiển trách vua A-kháp và hoàng hậu I-de-ven vì những việc vô đạo của họ và bị họ truy lùng, hãm hại; còn Gio-an Tẩy Giả, vì khiển trách cuộc hôn nhân bất hợp pháp của vua Hê-rô-đê và bà Hê-rô-đi-a, nên đã bị tống ngục và xử tử.
Câu 16-19. Chúa Giê-su dùng hình ảnh một trò chơi của trẻ nhỏ thời bấy giờ, khi một nhóm thổi sáo thì những trẻ khác sẽ nhảy múa như trong các đám cưới; và khi một nhóm hát bài đưa đám, thì số còn lại sẽ đấm ngực khóc than như trong các đám tang. Theo Thánh Giê-rô-ni-mô, Chúa Giê-su đã lấy đứa trẻ thổi sáo làm hình ảnh đại diện cho mình, và đứa trẻ hát bài đưa đám đại diện cho Gio-an Tẩy Giả. Chúa đến với người Do-thái bằng sự gần gũi, cùng ăn uống, cùng trò chuyện với các tội nhân và mong muốn có thể dẫn dắt họ bằng chính đời sống của mình, nhưng họ đã quay lưng với những gì Người giảng dạy. Còn Gio-an Tẩy Giả làm gương cho họ bằng đời sống khắc khổ, kêu gọi sám hối, đền tội thì lại bị họ coi thường. Tuy nhiên, vẫn có những người đi theo Chúa Giê-su hay đón nhận lời ông Gio-an rao giảng, đó là những người biết tranh thủ thời giờ của lòng thương xót để được ơn cứu độ. Hành động của họ chứng minh đức khôn ngoan nơi mình.
Câu 20-24. Năm câu này cho chúng ta thấy được sự nguy hiểm khôn lường của việc thờ ơ với Chúa, từ chối các ân sủng thiêng liêng và không biết tranh thủ những cơ hội, thời giờ Chúa ban để ăn năn sám hối, làm việc đền tội mà hưởng ơn cứu độ.
Câu 25. giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn - Ở đây, phải hiểu rằng không có chuyện Thiên Chúa phân biệt đối xử và chơi khăm con người, khi chỉ mặc khải cho một số nhất định, trong khi số khác thì không, vì Ngài muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1 Tm 2,4). Ngài cũng không cổ võ sự ngu dốt và ghét bỏ giới trí thức. Thay vào đó, lối nói “giấu không cho biết” chỉ nhằm để diễn tả thái độ kiêu căng, tự mãn về những gì mình biết, đồng thời, đóng khung chính mình khỏi những điều vượt quá trí hiểu của bản thân. Ở phía ngược lại, những người bé mọn, vốn không có nhiều tri thức hay thông thạo sách vở, lại dễ dàng mở lòng để đón nhận điều Thiên Chúa mặc khải.
Câu 28. những ai đang vất vả mang gánh nặng nề - đó là những người bị trói buộc bởi giao ước và Lề Luật cũ, những người mệt mỏi với gánh nặng tội lỗi của mình.
Câu 29-30. Mặc dù với bản tính tội lỗi và yếu đuối của chúng ta, Lề Luật của Chúa quả là nặng nề, nhưng nó sẽ trở nên êm ái và nhẹ nhàng, vì chính Người sẽ giúp chúng ta chịu đựng nó.