Tiết 1. Tháo gỡ dây hôn nhân (Điều 1141-1150)

Điều 1141

Hôn nhân thành nhận và hoàn hợp không thể được tháo gỡ do bất cứ quyền bính nhân loại nào và vì bất cứ lý do nào, trừ lý do tử vong.

Điều 1142

Hôn nhân bất hoàn hợp giữa những người đã được Rửa Tội hay giữa một người đã được Rửa Tội và một không được Rửa Tội, có thể được Đức Giáo Hoàng Rô-ma tháo gỡ vì một lý do chính đáng, do lời thỉnh cầu của cả hai người hoặc của một người mà thôi, mặc dầu người kia không bằng lòng.

Điều 1143

§1. Hôn nhân giữa hai người không chịu phép Rửa Tội được tháo gỡ nhờ đặc ân thánh Phao-lô vì lợi ích đức tin của người đã được Rửa Tội do chính sự kiện người ấy tái hôn, miễn là người không được Rửa Tội chia tay người ấy.

§2. Người không chịu phép Rửa Tội được kể là chia tay, nếu không muốn sống chung với người đã được Rửa Tội hay không muốn sống chung hòa thuận mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa, trừ trường hợp sau khi chịu phép Rửa Tội, người được Rửa Tội đã gây ra nguyên nhân chính đáng để người kia chia tay.

Điều 1144

§1. Để người được Rửa Tội tái hôn thành sự, thì luôn luôn phải chất vấn người không chịu phép Rửa Tội để biết:

người này có muốn được Rửa Tội hay không;

ít là người này có muốn sống chung hòa thuận với người đã được Rửa Tội mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa hay không.

§2. Việc chất vấn này phải được thực hiện sau khi đương sự đã được Rửa Tội, nhưng vì một lý do quan trọng, Đấng Bản Quyền địa phương có thể cho phép thực hiện việc chất vấn ấy trước khi đương sự được Rửa Tội và cũng có thể miễn chuẩn khỏi phải chất vấn hoặc trước hoặc sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, miễn sao thấy rõ là không thể thực hiện được việc chất vấn ấy hoặc có chất vấn cũng vô ích, qua một thủ tục ít là đơn giản và ngoài tòa án.

Điều 1145

§1. Theo nguyên tắc chung, quyền bính của Đấng Bản Quyền địa phương của bên đã trở lại phải thực hiện việc chất vấn ấy, Đấng Bản Quyền này phải cho người phối ngẫu kia một thời hạn để trả lời, nếu họ xin, nhưng phải cho họ biết rằng khi thời hạn đó trôi qua vô ích, thì sự im lặng của họ được coi là một lời từ chối.

§2. Việc chất vấn, ngay cả khi chính bên trở lại làm riêng tư, cũng có giá trị và hợp pháp nữa, nếu không thể tuân giữ thể thức đã được quy định ở trên.

§3. Trong cả hai trường hợp, sự kiện chất vấn và kết quả của việc chất vấn ấy phải được xác minh cách hợp thức ở tòa ngoài.

Điều 1146

Người đã được Rửa Tội có quyền tái hôn với người Công Giáo:

nếu bên kia đã trả lời từ chối khi được chất vấn, hoặc nếu việc chất vấn đã được bỏ qua cách hợp thức;

nếu bên không chịu phép Rửa Tội, dù đã được chất vấn hay không, ban đầu vẫn sống chung hòa thuận mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa, sau đó đã chia tay mà không có một lý do chính đáng nào, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 1144 và 1145.

Điều 1147

Tuy nhiên, vì một lý do nghiêm trọng, Đấng Bản Quyền địa phương có thể cho phép bên đã được Rửa Tội dùng đặc ân thánh Phao-lô để kết hôn với bên không Công Giáo đã được Rửa Tội hay không, nhưng cũng phải tuân giữ những điều mà luật đã quy định về hôn nhân hỗn hợp.

Điều 1148

§1. Một người đàn ông chưa chịu phép Rửa Tội đồng thời có nhiều vợ không chịu phép Rửa Tội, sau khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội trong Giáo Hội Công Giáo, nếu khó sống với người vợ cả, thì có thể giữ lại một trong số những người vợ ấy, sau khi đã bỏ những người vợ khác. Điều trên đây cũng có giá trị đối với những người phụ nữ chưa chịu phép Rửa Tội đồng thời có nhiều chồng không chịu phép Rửa Tội.

§2. Trong trường hợp được nói đến ở §1, sau khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, hôn nhân phải được cử hành theo thể thức hợp thức, và nếu cần thì cũng phải giữ những quy định về hôn nhân hỗn hợp, cũng như những quy định khác mà luật buộc phải giữ.

§3. Lưu ý đến hoàn cảnh luân lý, xã hội, kinh tế của địa phương và của con người, Đấng Bản Quyền địa phương phải liệu sao để bảo đảm đủ cho những nhu cầu của người vợ cả và những người vợ khác đã bị bỏ, theo quy tắc của đức công bình, của đức bác ái Ki-tô Giáo và của sự hợp tình hợp lý tự nhiên.

Điều 1149

Một người chưa được Rửa Tội, sau khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội trong Giáo Hội Công Giáo, do bị tù đày hay bị bách hại, nên không thể tái lập đời sống chung với người phối ngẫu không chịu phép Rửa Tội, thì có thể tái hôn, dù trong thời gian đó người phối ngẫu ấy đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1141.

Điều 1150

Trong trường hợp hồ nghi, đặc ân đức tin được luật ưu đãi.

Chương 9. Sự ly thân giữa vợ chồng (Điều 1141-1155)Tiết 2. Ly thân mà dây hôn nhân vẫn còn (Điều 1151-1155)