Tiết 2. Ly thân mà dây hôn nhân vẫn còn (Điều 1151-1155)
Điều 1151
Những người phối ngẫu có bổn phận và có quyền bảo vệ đời sống chung vợ chồng, trừ khi được miễn vì một lý do hợp pháp.
Điều 1152
§1. Mặc dầu thiết tha khuyên nhủ người phối ngẫu vì đức bác ái Kitô Giáo và vì ích lợi của gia đình, đừng từ chối tha thứ cho bên ngoại tình và đừng cắt đứt đời sống chung vợ chồng, tuy nhiên, nếu họ đã không minh nhiên hay mặc nhiên tha thứ lỗi lầm cho bên kia, thì họ có quyền cắt đứt đời sống chung vợ chồng, trừ khi họ đã chấp nhận việc ngoại tình, hoặc họ đã gây ra nguyên nhân của tội ngoại tình, hoặc họ cũng đã phạm tội ngoại tình.
§2. Có sự tha thứ mặc nhiên, nếu sau khi biết có tội ngoại tình, người phối ngẫu vô tội vẫn tự nguyện sống chung đời vợ chồng với người phối ngẫu kia; nhưng sự tha thứ này được suy đoán, nếu người phối ngẫu vô tội vẫn sống chung vợ chồng trong sáu tháng và không nại đến nhà chức trách Giáo Hội hay chính quyền dân sự.
§3. Nếu người phối ngẫu vô tội tự ý cắt đứt đời sống chung vợ chồng, thì trong vòng sáu tháng phải đưa vụ án ly thân ra trước nhà chức trách Giáo Hội; sau khi đã xem xét tất cả mọi hoàn cảnh, nhà chức trách Giáo Hội phải thẩm định xem có thể làm cho người phối ngẫu vô tội tha thứ lỗi lầm và không kéo dài mãi cảnh ly thân hay không.
Điều 1153
§1. Nếu một trong hai người phối ngẫu gây nguy hiểm nghiêm trọng về tinh thần hay thể xác cho bên kia hoặc cho con cái, hay nếu bằng cách nào khác làm cho đời sống chung trở nên nặng nề, thì bên nọ tạo cho bên kia một lý do hợp pháp để ly thân, hoặc là do một sắc lệnh của Đấng Bản Quyền địa phương, hoặc là do quyền riêng của mình, nếu có nguy cơ phải chờ đợi.
§2. Trong tất cả mọi trường hợp, khi hết lý do ly thân thì phải lập lại cuộc sống chung vợ chồng, trừ khi nhà chức trách Giáo Hội đã ấn định cách khác.
Điều 1154
Một khi đã ly thân, những người phối ngẫu luôn luôn phải lo liệu cách thích hợp về việc chu cấp và giáo dục buộc phải có đối với con cái.
Điều 1155
Người phối ngẫu vô tội vẫn có thể chấp nhận cho người phối ngẫu kia trở về cuộc sống chung vợ chồng, và đó là điều đáng khen; trong trường hợp này, đương sự khước từ quyền ly thân.