Đề mục 2. Quản trị tài sản (Điều 1273-1289)

Điều 1273

Do quyền lãnh đạo tối thượng, Đức Giáo Hoàng Rôma là vị quản trị tối cao và là người phân phát tất cả mọi tài sản của Giáo Hội.

Điều 1274

§1. Trong mỗi giáo phận, phải có một tổ chức đặc biệt để thu góp các tài sản và các của dâng cúng nhằm trợ cấp cho các giáo sĩ đang phục vụ giáo phận, chiếu theo quy tắc của điều 281, trừ khi đã dự liệu cách khác cho họ.

§2. Ở đâu chưa có tổ chức dự phòng xã hội thích đáng cho hàng giáo sĩ, thì Hội đồng Giám mục phải liệu sao cho có được một tổ chức dự phòng đầy đủ việc bảo hiểm xã hội cho các giáo sĩ.

§3. Trong mỗi giáo phận, nếu cần, phải thiết lập một quỹ chung, để các Giám mục có thể chu toàn nghĩa vụ của mình đối với những nhân viên khác đang phục vụ Giáo Hội và để chu cấp cho các nhu cầu khác nhau của giáo phận, cũng như để các giáo phận giàu hơn có thể giúp đỡ các giáo phận nghèo hơn.

§4. Tùy theo những hoàn cảnh địa phương khác nhau, các mục tiêu được nói đến ở §§2 và 3 có thể đạt được cách tốt đẹp hơn bằng một hội liên hiệp các tổ chức giáo phận, hoặc bằng một sự hợp tác, hoặc bằng một hiệp hội thích hợp, được thiết lập cho nhiều giáo phận khác nhau và ngay cả cho toàn địa hạt của chính Hội đồng Giám mục nữa.

§5. Các tổ chức trên đây, nếu có thể, phải được thiết lập thế nào để có giá trị trước luật dân sự nữa.

Điều 1275

Toàn bộ tài sản đến từ các giáo phận khác nhau phải được quản trị theo những quy tắc đã được các Giám mục liên hệ thiết lập cách thích hợp, với một sự thỏa thuận chung.

Điều 1276

§1. Đấng Bản Quyền giám sát cẩn thận việc quản trị mọi tài sản thuộc về những pháp nhân công ở dưới quyền mình, miễn là vẫn giữ nguyên những danh nghĩa hợp pháp dành cho ngài quyền lớn hơn.

§2. Các Đấng Bản Quyền phải lo tổ chức toàn bộ việc quản trị tài sản Giáo Hội, bằng cách ban hành những huấn thị riêng trong khuôn khổ của luật phổ quát và luật địa phương, mà vẫn lưu ý đến những quyền lợi, những tục lệ hợp pháp và những hoàn cảnh.

Điều 1277

Xét theo tình hình kinh tế của giáo phận, Giám mục giáo phận phải tham khảo ý kiến của hội đồng kinh tế và ban tư vấn để thực hiện những hành vi quản trị quan trọng hơn; nhưng ngài cần có sự ưng thuận của hội đồng kinh tế và ban tư vấn để thực hiện các hành vi quản trị ngoại thường, trừ những trường hợp đã được luật phổ quát hoặc văn bản thành lập xác định cách đặc biệt. Hội đồng Giám Mục ấn định những hành vi nào được coi là những hành vi quản trị ngoại thường.

Điều 1278

Ngoài những nhiệm vụ được nói đến ở điều 494 §§3 và 4, Giám mục giáo phận có thể ủy thác cho vị quản lý những nhiệm vụ được nói đến ở những điều 1276 §1 và 1279 §2.

Điều 1279

§1. Việc quản trị tài sản Giáo Hội thuộc về người trực tiếp điều hành pháp nhân có tài sản ấy, trừ khi luật địa phương, các quy chế hoặc một tục lệ hợp pháp quy định cách khác, và vẫn giữ nguyên quyền can thiệp của Đấng Bản Quyền trong trường hợp người quản trị xao lãng bổn phận.

§2. Trong việc quản trị những tài sản của một pháp nhân công, nếu luật, văn bản thành lập hoặc những quy chế riêng không dự liệu một người quản trị, thì Đấng Bản Quyền mà pháp nhân ấy trực thuộc phải chỉ định những người có khả năng xứng hợp trong thời hạn ba năm; Đấng Bản Quyền có thể tái bổ nhiệm những người này.

Điều 1280

Pháp nhân nào cũng phải có hội đồng kinh tế hay ít là hai người cố vấn, để giúp người quản trị chu toàn nhiệm vụ, chiếu theo quy tắc của các quy chế.

Điều 1281

§1. Các người quản trị thực hiện vô hiệu những hành vi vượt quá những giới hạn và cách thức của việc quản trị thông thường, trừ khi Đấng Bản Quyền đã ban năng quyền bằng văn bản cho họ trước, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các quy chế.

§2. Các quy chế phải ấn định những hành vi vượt quá giới hạn và cách thức của việc quản trị thông thường; nếu quy chế không nói gì về vấn đề này, thì Giám mục giáo phận xác định những hành vi thuộc loại này là những hành vi nào cho những người thuộc quyền, sau khi tham khảo ý kiến của hội đồng kinh tế.

§3. Pháp nhân không buộc phải chịu trách nhiệm về những hành vi mà các người quản trị đã thực hiện vô hiệu, trừ khi và trong mức độ mà điều đó có lợi cho pháp nhân; nhưng chính pháp nhân phải chịu trách nhiệm về những hành vi mà các người quản trị đã thực hiện cách bất hợp pháp nhưng lại thành sự, miễn là pháp nhân vẫn giữ nguyên quyền khởi tố hoặc quyền thượng cầu chống lại những người quản trị đã gây thiệt hại cho mình.

Điều 1282

Bất cứ người nào, dù là giáo sĩ hay giáo dân, tham gia vào việc quản trị tài sản của Giáo Hội dưới một danh nghĩa hợp pháp, buộc phải chu toàn nhiệm vụ nhân danh Giáo Hội, chiếu theo quy tắc của luật.

Điều 1283

Trước khi bắt đầu nhiệm vụ của mình, các người quản trị:

tuyên thệ trước mặt Đấng Bản Quyền hay vị đại diện ngài là mình sẽ quản trị cách tận tụy và trung tín;

làm một bản kiểm kê chính xác và chi tiết các bất động sản, động sản quý giá hoặc có giá trị văn hóa cách nào đó, cũng như các tài sản khác, cùng với sự mô tả và thẩm định giá trị của những tài sản ấy, và họ phải ký tên vào đó; một khi đã được thực hiện, bản kiểm kê này phải được xác nhận;

một bản của bản kiểm kê phải được lưu trữ trong văn khố quản trị, một bản trong văn khố của tòa giám mục; mọi thay đổi liên hệ đến di sản cần phải được ghi chú trong cả hai bản.

Điều 1284

§1. Tất cả mọi người quản trị buộc phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chu đáo như một gia chủ tốt lành.

§2. Do đó, các người quản trị phải:

liệu sao để các tài sản được trao cho mình coi sóc không bị mất hoặc không bị hư hại bằng bất cứ cách nào, để đạt được mục đích ấy, họ phải ký những khế ước bảo hiểm, nếu cần;

liệu sao để bảo đảm quyền sở hữu các tài sản của Giáo Hội bằng những phương thế hữu hiệu theo luật dân sự;

tuân giữ những quy định của giáo luật cũng như của luật dân sự, hay những quy định mà người sáng lập, hoặc người dâng cúng, hoặc quyền bính hợp pháp đã đặt ra, và nhất là phải ý tứ đừng để Giáo Hội bị thiệt hại vì không tuân giữ luật dân sự;

cẩn thận thu hoa lợi và doanh thu của tài sản vào thời gian thích hợp, phải bảo quản cách an toàn những của cải đã thu được và phải sử dụng những của cải ấy theo ý định của người sáng lập hoặc theo những quy tắc hợp pháp;

trả tiền lời do vay mượn hoặc do thế nợ vào thời hạn quy định, và phải hoàn lại vốn đúng lúc;

sử dụng số tiền thặng dư vào những mục đích của pháp nhân, với sự đồng ý của Đấng Bản Quyền, sau khi đã trả xong các chi phí, và số tiền thặng dư ấy có thể được đầu tư một cách hữu ích;

giữ sổ thu chi được ghi chép rõ ràng;

cuối năm phải làm bản tường trình về việc quản trị;

sắp xếp cẩn thận và lưu trữ trong một văn khố chắc chắn và thích hợp các văn kiện và các hồ sơ làm nền tảng cho quyền lợi của Giáo Hội hoặc của cơ sở trên các tài sản đó; hơn nữa, ở nơi nào có thể thực hiện cách thuận tiện, phải gửi nộp cho văn khố tòa giám mục những bản sao xác thực của những văn kiện ấy.

§3. Thiết tha khuyên những người quản trị nên soạn thảo những bản dự thu và dự chi hằng năm; nhưng để cho luật riêng buộc những người quản trị phải soạn thảo những bản dự kiến và ấn định rõ ràng cách thức để trình bày những bản dự kiến ấy.

Điều 1285

Trong giới hạn của việc quản trị thông thường mà thôi, các người quản trị được phép biếu tặng những động sản không thuộc về di sản cố định, nhằm những mục đích đạo đức hoặc bác ái Kitô Giáo.

Điều 1286

Các người quản trị tài sản phải:

tuân giữ đúng luật dân sự về lao động và đời sống xã hội trong việc thuê mướn nhân công, theo những nguyên tắc do Giáo Hội đề ra;

trả lương bổng cách công bằng và tươm tất cho công nhân đã ký hợp đồng làm việc, để họ có thể chu cấp thích đáng những nhu cầu của chính mình và của những người thân.

Điều 1287

§1. Những người quản trị bất cứ tài sản nào của Giáo Hội, dù là giáo sĩ hay giáo dân, mà không được miễn trừ cách hợp pháp khỏi quyền lãnh đạo của Giám mục giáo phận, thì hằng năm buộc phải nộp bản tường trình cho Đấng Bản Quyền địa phương, để ngài trao cho hội đồng kinh tế xét duyệt; mọi tục lệ trái ngược đều bị hủy bỏ.

§2. Những người quản trị phải tường trình cho các tín hữu về việc sử dụng những tài sản mà những người này đã dâng cúng cho Giáo Hội, theo những quy tắc do luật riêng ấn định.

Điều 1288

Các người quản trị không được khởi tố và cũng không được tranh luận trước tòa án dân sự nhân danh pháp nhân công, nếu không được phép bằng văn bản của Đấng Bản Quyền riêng.

Điều 1289

Mặc dù không buộc giữ chức vụ quản trị với danh nghĩa một giáo vụ, các người quản trị không được tự ý bỏ nhiệm vụ đã nhận; nếu Giáo Hội chịu một sự thiệt hại nào đó do việc rút lui này, thì họ phải bồi thường.

Đề mục 1. Thủ đắc tài sản (Điều 1259-1272)Đề mục 3. Các khế ước và nhất là việc chuyển nhượng (Điều 1290-1298)