Đề mục 1. Thủ đắc tài sản (Điều 1259-1272)

Điều 1259

Giáo Hội có thể thủ đắc tài sản vật chất bằng mọi phương tiện chính đáng mà luật tự nhiên hoặc luật thiết định cho phép mọi người khác.

Điều 1260

Giáo Hội có quyền bẩm sinh đòi hỏi nơi các Kitô hữu những gì cần thiết cho các mục đích riêng của mình.

Điều 1261

§1. Các Kitô hữu có trọn quyền sử dụng tài sản vật chất của mình đế giúp Giáo Hội.

§2. Giám mục giáo phận buộc phải nhắc nhở các tín hữu về nghĩa vụ được nói đến ở điều 222 §1, và phải thúc bách họ thi hành nghĩa vụ ấy cách thích hợp.

Điều 1262

Các tín hữu phải giúp đỡ Giáo Hội bằng những việc đóng góp mà họ được yêu cầu, theo các quy tắc do Hội Đồng Giám mục ban hành.

Điều 1263

Sau khi đã tham khảo ý kiến của hội đồng kinh tế và hội đồng linh mục, Giám mục giáo phận có quyền đòi buộc các pháp nhân Công thuộc quyền lãnh đạo của ngài phải nộp một khoản thuế vừa phải và cân xứng với hoa lợi của họ, để đáp ứng những nhu cầu của giáo phận; còn đối với các thể nhân và pháp nhân khác, trong trường hợp hết sức cần thiết và với những điều kiện như trên, ngài chỉ được đòi một khoản đóng góp ngoại thường vừa phải, miễn là vẫn giữ nguyên những lề luật và những tục lệ địa phương đã dành cho ngài những quyền lớn hơn.

Điều 1264

Trừ khi luật đã dự liệu cách khác, hội nghị các Giám Mục thuộc giáo tỉnh:

ấn định các lệ phí đối với những hành vi thuộc quyền hành pháp cấp ban ân huệ, hoặc đối với việc thi hành các phúc chiếu của Tông Tòa; lệ phí này phải được chính Tông Tòa phê chuẩn;

ấn định thù lao nhân dịp ban các bí tích và á bí tích.

Điều 1265

§1. Miễn là vẫn giữ nguyên quyền của các tu sĩ hành khất, cấm tất cả mọi cá nhân, thể nhân hoặc pháp nhân, lạc quyên cho bất cứ việc đạo đức nào, hoặc tổ chức hay mục đích nào của Giáo Hội, khi không có phép bằng văn bản của Đấng Bản Quyền riêng hay của Đấng Bản Quyền địa phương.

§2. Hội đồng Giám mục có thể ấn định những quy tắc về việc tổ chức lạc quyên mà mọi người phải tuân giữ, kể cả những người theo định chế mang danh hành khất và thật sự là hành khất.

Điều 1266

Trong tất cả các nhà thờ và nhà nguyện, dù thuộc về các dòng tu mà trong thực tế thường xuyên mở cửa cho các Kitô hữu lui tới, Đấng Bản Quyền địa phương có thể ra lệnh thực hiện một cuộc lạc quyên đặc biệt cho những dự án nhất định của giáo xứ, giáo phận, quốc gia, hay toàn cầu, và phải cẩn thận gửi tiền lạc quyên về tòa giám mục.

Điều 1267

§1. Các của dâng cúng cho các Bề Trên hay cho các người quản trị của bất cứ pháp nhân nào trong Giáo Hội, dù là pháp nhân tư, thì được kể là dâng cúng cho chính pháp nhân ấy, trừ khi thấy rõ ngược lại.

§2. Không được từ chối các của dâng cúng được nói đến ở §1, trừ khi có một lý do chính đáng, và trong những việc quan trọng hơn, thì phải có phép của Đấng Bản Quyền, nếu là một pháp nhân công; cũng cần phải có phép của chính Đấng Bản Quyền này, để nhận những của dâng cúng có kèm theo một hình thức trách nhiệm hay một điều kiện nào đó, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1295.

§3. Những của cải do các tín hữu dâng cúng vào một mục đích nhất định nào đó, thì chỉ có thể được sử dụng vào mục đích ấy mà thôi.

Điều 1268

Giáo Hội chấp nhận thời hiệu như là phương thế để thủ đắc và để tự giải thoát trong lĩnh vực tài sản vật chất, chiếu theo quy tắc của các điều 197-199.

Điều 1269

Các tư nhân có thể thủ đắc các đồ vật thánh thuộc quyền sở hữu cá nhân nhờ thời hiệu, nhưng không được dùng vào việc phàm tục, trừ khi các đồ vật thánh ấy đã mất tính cách đã được cung hiến hay đã được làm phép; nhưng nếu các đồ vật thánh ấy thuộc về một pháp nhân công của Giáo Hội, thì chỉ một pháp nhân công khác của Giáo Hội mới có thể thủ đắc.

Điều 1270

Các bất động sản, các động sản quý giá, các quyền lợi và các tô quyền đối nhân hay đối vật thuộc về Tông Tòa, được thủ đắc nhờ thời hiệu sau một trăm năm, nếu thuộc về một pháp nhân công khác của Giáo Hội, thì được thủ đắc nhờ thời hiệu sau ba mươi năm.

Điều 1271

Vì mối dây hiệp nhất và bác ái và theo khả năng của Giáo phận mình, các Giám mục phải giúp đỡ Tông Tòa bằng cách cung cấp những phương tiện mà Tông Tòa cần đến, tùy hoàn cảnh thời gian, để Tông Tòa có thể phục vụ Giáo Hội toàn cầu một cách chu đáo.

Điều 1272

Ở những miền còn có các bổng lộc theo nghĩa hẹp, Hội Đồng Giám mục thiết lập những quy tắc thích hợp được Tông Tòa chấp thuận và phê chuẩn, để quản trị các bổng lộc ấy theo cách nào mà dần dần hoa lợi và cả chính nguồn vốn của bổng lộc, trong mức độ có thể, đều được chuyển sang cho tổ chức được nói đến ở điều 1274 §1.

QUYỂN V. TÀI SẢN VẬT CHẤT CỦA GIÁO HỘI (ĐIỀU 1254-1310)Đề mục 2. Quản trị tài sản (Điều 1273-1289)