Đề mục 8. Quyền lãnh đạo (Điều 129-144)

Điều 129

§1. Những người có năng cách giữ quyền lãnh đạo trong Giáo Hội, là quyền do thiên định và cũng được gọi là quyền tài phán, chiếu theo quy tắc luật định, là những người đã lãnh nhận chức thánh.

§2. Các giáo dân có thể cộng tác vào việc hành sử quyền này, chiếu theo quy tắc của luật.

Điều 130

Quyền lãnh đạo tự nó được hành sử ở tòa ngoài, nhưng đôi khi chỉ được hành sử ở tòa trong mà thôi, do đó những hiệu quả mà việc hành sử quyền ấy phát sinh ở tòa ngoài thì không được tòa này công nhận, trừ khi luật ấn định điều đó trong những trường hợp đã được xác định.

Điều 131

§1. Quyền lãnh đạo được gọi là thường quyền khi nó được gắn liền với một giáo vụ do chính luật; được gọi là quyền thừa ủy, khi nó được ban cho một người không qua trung gian của một giáo vụ.

§2. Thường quyền có thể hoặc là quyền riêng hoặc là quyền thay thế.

§3. Người nào quả quyết mình có quyền thừa ủy, thì buộc phải chứng minh việc ủy quyền ấy.

Điều 132

§1. Các năng quyền thường xuyên được chi phối do những quy định về quyền thừa ủy.

§2. Tuy nhiên, một năng quyền thường xuyên được ban cho một Đấng Bản Quyền sẽ không chấm dứt khi vị ấy hết quyền, ngay cả khi vị ấy đã bắt đầu hành sử quyền đó, nhưng năng quyền ấy chuyển sang bất cứ Đấng Bản Quyền nào kế vị trong chức vụ lãnh đạo, trừ khi luật đã minh nhiên dự liệu cách khác trong chính hành vi ban năng quyền, hoặc nếu bản thân được chọn vì phẩm cách cá nhân.

Điều 133

§1. Người được ủy quyền sẽ hành động vô hiệu, nếu vượt quá giới hạn được ủy nhiệm có liên quan đến các sự vật hoặc đến các nhân sự.

§2. Người được ủy quyền vẫn làm trọn những gì đã được ủy nhiệm dù theo một phương thức khác không được xác định trong ủy nhiệm thư, thì không vượt quá giới hạn được ủy nhiệm của mình, trừ khi chính người ủy nhiệm đã quy định phương thức phải làm để thành sự.

Điều 134

§1. Trong luật, Đấng Bản Quyền ám chỉ, ngoài Đức Giáo Hoàng ra, các Giám mục giáo phận và các vị lãnh đạo một Giáo Hội địa phương hay một cộng đoàn tương đương với Giáo Hội địa phương, dầu chỉ là tạm thời, chiếu theo quy tắc của điều 368, cũng như những vị có quyền hành pháp tổng quát thông thường trong các nơi ấy, tức là các vị Tổng Đại Diện, các vị Đại Diện Giám mục; lại nữa, các Bề Trên cấp cao của các hội dòng giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng và các tu đoàn tông đồ giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng, là những vị nắm giữ ít là quyền hành pháp thông thường đối với các thành viên của mình.

§2. Đấng Bản Quyền địa phương ám chỉ tất cả những vị được liệt kê ở §1, trừ các vị Bề Trên của các hội dòng và của các tu đoàn tông đồ.

§3. Những gì các điều luật gán đích danh cho Giám Mục giáo phận trong phạm vi quyền hành pháp thì được coi là chỉ thuộc thẩm quyền Giám mục giáo phận và các vị tương đương với Giám mục theo điều 381 §2; chứ không thuộc thẩm quyền vị Tổng Đại Diện và vị Đại Diện Giám Mục, trừ khi các vị này có ủy nhiệm thư đặc biệt.

Điều 135

§1. Quyền lãnh đạo được phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

§2. Quyền lập pháp phải được hành sử theo thể thức do luật quy định, và quyền lập pháp do một nhà lập pháp dưới quyền bính tối cao nắm giữ thì không thể được ủy quyền cách thành sự, trừ khi luật đã minh nhiên dự liệu cách khác; nhà lập pháp cấp dưới không thể ban hành cách thành sự một luật trái ngược với luật cấp trên đã ban.

§3. Quyền tư pháp của các thẩm phán hay của các thẩm phán đoàn phải được hành sử theo thể thức do luật quy định, và không thể được ủy quyền, trừ khi để hoàn thành các hành vi chuẩn bị cho một sắc lệnh hoặc một bản án.

§4. Còn về việc hành sử quyền hành pháp, phải giữ những quy định của các điều khoản sau đây.

Điều 136

Người có quyền hành pháp, ngay khi ở ngoài địa hạt của mình, vẫn có thể hành sử quyền ấy đối với các người thuộc quyền, cả khi họ vắng mặt khỏi địa hạt, trừ khi thấy rõ cách khác do bản chất sự việc hoặc do quy định của luật; người này cũng có thể thi hành quyền ấy đối với những lữ khách hiện đang cư ngụ trong địa hạt của mình, nếu liên quan tới việc ban ân huệ hoặc thi hành những luật phổ quát hoặc luật địa phương mà họ buộc phải giữ chiếu theo գuy tắc của điều 13 §2, 2°.

Điều 137

§1. Quyền hành pháp thông thường có thể được thừa ủy đối với một hành vi riêng biệt hoặc đối với một tập hợp các trường hợp, trừ khi luật đã minh nhiên dự liệu cách khác.

§2. Quyền hành pháp được Tông Tòa thừa ủy có thể được chuyển ủy đối với một hành vi riêng biệt hoặc đối với một tập hợp các trường hợp, trừ khi đương sự được chọn vì các phẩm cách cá nhân, hoặc việc chuyển ủy đã minh nhiên bị cấm.

§3. Quyền hành pháp được thừa ủy do một quyền bính khác có thường quyền, nếu đã được thừa ủy đối với một tập hợp các trường hợp, thì chỉ có thể được chuyển ủy đối với từng trường hợp một; còn nếu quyền hành pháp đã được thừa ủy đối với một hành vi riêng biệt hoặc cho nhiều hành vi nhất định, thì không thể được chuyển ủy, trừ khi vị ủy quyền minh nhiên ban phép.

§4. Không một quyền nào đã được chuyển ủy, lại có thể được chuyển ủy lần nữa, trừ khi vị ủy quyền minh nhiên cho phép.

Điều 138

Quyền hành pháp thông thường và quyền thừa ủy đối với một tập hợp các trường hợp phải được giải thích theo nghĩa rộng, còn những quyền khác phải được giải thích theo nghĩa hẹp; tuy nhiên, người nào được thừa ủy một quyền nào đó thì cũng được hiểu là họ đã được ban những năng quyền cần thiết để hành sử quyền ấy.

Điều 139

§1. Trừ khi luật đã ấn định cách khác, việc một người nại đến một nhà chức trách có thẩm quyền nào đó, dù là nhà chức trách cấp trên, không đình chỉ quyền hành pháp thông thường hoặc thừa ủy của một nhà chức trách có thẩm quyền.

§2. Tuy nhiên, một nhà chức trách cấp dưới không nên xen vào công việc đã được trình lên một nhà chức trách cấp trên, trừ khi có một lý do nghiêm trọng và khẩn cấp; trong trường hợp này, nhà chức trách cấp dưới phải tức khắc báo cho nhà chức trách cấp trên biết.

Điều 140

§1. Khi nhiều người đã được thừa ủy theo cách liên đới để làm cùng một công việc, người nào đã khởi sự làm trước, thì sẽ loại trừ những người khác khỏi công việc đó, trừ khi sau đó người ấy bị cản trở hoặc không muốn tiếp tục làm nữa.

§2. Khi nhiều người đã được thừa ủy theo cách hiệp đoàn để làm một công việc, thì mọi người đều phải làm chiếu theo quy tắc của điều 119, trừ khi ủy nhiệm thư đã dự liệu cách khác.

§3. Một quyền hành pháp được thừa ủy cho nhiều người, thì được suy đoán là đã được thừa ủy cho họ cách liên đới.

Điều 141

Khi có nhiều người được thừa ủy kế tiếp nhau, người phải giải quyết công việc là người nhận được ủy nhiệm thư trước hết và ủy nhiệm thư đó chưa bị thu hồi.

Điều 142

§1. Quyền thừa ủy chấm dứt khi đã hoàn tất việc ủy nhiệm, khi thời hạn đã mãn hay khi đã hết số trường hợp đã được thừa ủy; khi mục đích của việc thừa ủy không còn nữa; khi người thừa ủy trực tiếp thông báo cho người được thừa ủy biết lệnh thu hồi, cũng như khi người được thừa ủy thông báo cho người thừa ủy biết là mình từ chối sự ủy nhiệm và sự từ chối này đã được người thừa ủy chấp nhận; nhưng việc thừa ủy không chấm dứt, khi người thừa ủy hết quyền trừ khi thấy rõ điều đó trong những điều khoản đính kèm.

§2. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào một quyền thừa ủy chỉ được thi hành ở tòa trong mà thôi, người được thừa ủy hoàn thành một hành vi vì vô ý, khi thời hạn ủy nhiệm đã mãn, thì hành vi đó vẫn thành sự.

Điều 143

§1. Thường quyền chấm dứt khi giáo vụ gắn liền với quyền ấy bị mất.

§2. Trừ khi luật dự liệu cách khác, thường quyền bi đình chỉ nếu có kháng cáo hay thượng cầu hợp pháp chống lại việc bãi nhiệm hay giải nhiệm.

Điều 144

§1. Khi có lầm lẫn chung hoặc về sự kiện hoặc về luật, cũng như khi có hồ nghi tích cực và hợp lý hoặc về luật hoặc về sự kiện, thì Giáo Hội bổ khuyết quyền hành pháp lãnh đạo ở cả tòa trong lẫn tòa ngoài.

§2. Quy tắc này cũng được áp dụng cho những năng quyền được nói đến ở những điều 882, 883, 9661111 §1.

Đề mục 7. Các hành vi pháp lý (Điều 124-128)Đề mục 9. Giáo vụ (Điều 145-196)