Đề mục 7. Các hành vi pháp lý (Điều 124-128)

Điều 124

§1. Để được hữu hiệu, một hành vi pháp lý phải do một người có khả năng hành động thực hiện và phải hội đủ những yếu tố cấu thành bản chất của hành vi ấy, cũng như phải giữ những thể thức và những điều kiện mà luật đòi hỏi để hành vi được hữu hiệu.

§2. Một hành vi pháp lý được thực hiện hợp lệ xét theo các yếu tố bên ngoài, thì được suy đoán là hữu hiệu.

Điều 125

§1. Một hành vi do một người thực hiện vì bạo lực từ bên ngoài mà không thể chống lại được, thì kể như không có.

§2. Một hành vi được thực hiện do sợ hãi nghiêm trọng được gây ra cách bất công, hoặc do man trá, thì vẫn hữu hiệu, trừ khi luật đã dự liệu cách khác; tuy nhiên, hành vi ấy có thể bị hủy bỏ do bản án của thẩm phán, hoặc theo sự thỉnh cầu của đương sự bị thiệt hại, hay của những người thừa kế người ấy chiếu theo luật, hoặc chiếu theo chức vụ.

Điều 126

Một hành vi được thực hiện do không biết hoặc do lầm lẫn về yếu tố cấu thành bản chất của hành vi, hoặc về điều kiện tất yếu, thì vô giá trị; ngoài các trường hợp ấy, hành vi vẫn có giá trị, trừ khi luật đã dự liệu cách khác; tuy nhiên, hành vi được thực hiện do không biết hoặc do lầm lẫn có thể sinh ra tố quyền bãi tiêu chiếu theo quy tắc của luật.

Điều 127

§1. Khi luật ấn định rằng, để thực hiện các hành vi, Bề Trên cần có sự ưng thuận hay ý kiến của một hiệp đoàn hoặc của một nhóm người, thì hiệp đoàn hay nhóm người đó phải được triệu tập chiếu theo quy tắc của điều 166, trừ khi luật địa phương hay luật riêng đã dự liệu cách khác trong trường hợp chỉ cần hỏi ý kiến; nhưng để các hành vi được hữu hiệu, Bề Trên cần phải có sự đồng ý của đa số tuyệt đối những người hiện diện hoặc phải hỏi ý kiến mọi người.

§2. Khi luật ấn định rằng, để thực hiện các hành vi, Bề Trên cần có sự ưng thuận hay ý kiến của một số người, xét như từng cá nhân.

nếu luật đòi phải có sự ưng thuận, thì hành vi sẽ vô hiệu, khi Bề Trên không có sự ưng thuận của họ, hoặc hành động trái ý họ hay trái ý một người nào trong họ;

nếu luật đòi phải hỏi ý kiến, thì hành vi sẽ vô hiệu, khi Bề Trên không bàn hỏi với họ; mặc dầu không buộc theo ý kiến của họ, ngay cả khi họ nhất trí, nhưng nếu không có lý do nào mạnh hơn theo thẩm định của mình, thì Bề Trên không nên làm trái ý kiến của họ, nhất là khi họ nhất trí.

§3. Tất cả những người mà luật đòi phải có sự ưng thuận hay phải cho ý kiến đều có nghĩa vụ bày tỏ ý kiến của họ một cách thành thật, và nếu tầm quan trọng của sự việc đòi hỏi, họ phải cẩn thận giữ bí mật, là nghĩa vụ mà Bề Trên có thể đòi hỏi họ.

Điều 128

Bất cứ ai gây ra một thiệt hại cho người khác cách bất hợp pháp bằng một hành vi pháp lý hay bằng một hành vi nào khác được thực hiện với sự man trá hay lầm lẫn, thì buộc phải bồi thường thiệt hại đã gây ra.

Chương 2. Các pháp nhân (Điều 113-123)Đề mục 8. Quyền lãnh đạo (Điều 129-144)