Đề mục 4. Các thiện ý nói chung và các thiện quỹ (Điều 1299-1310)
Điều 1299
§1. Người nào có thể tự do định đoạt tài sản của mình chiếu theo luật tự nhiên và giáo luật, thì cũng có thể để lại tài sản nhằm những mục tiêu đạo đức, hoặc qua hành vi có giá trị khi còn sống hoặc qua hành vi có giá trị lúc đã chết.
§2. Trong những định đoạt có giá trị lúc đã chết nhằm lợi ích của Giáo Hội, phải tuân giữ hết sức có thể các thể thức của luật dân sự, nếu bó qua những thể thức này, phải thông báo cho những người kế thừa biết họ có nghĩa vụ buộc phải thi hành ý muốn của người lập di chúc.
Điều 1300
Các ý muốn của các tín hữu dâng cúng hoặc để lại tài sản nhằm những mục tiêu đạo đức, hoặc qua hành vi có giá trị khi còn sống hoặc qua hành vi có giá trị lúc đã chết, một khi đã được chấp nhận cách hợp pháp, phải được thi hành hết sức cẩn thận, ngay cả về cách thức quản trị và sử dụng tài sản, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1301 §3.
Điều 1301
§1. Đấng Bản Quyền là người thi hành tất cả mọi thiện ý, dù là qua hành vi có giá trị khi còn sống, dù là qua hành vi có giá trị lúc đã chết.
§2. Do quyền này, Đấng Bản Quyền có thể và phải theo dõi việc thi hành thiện ý, kể cả bằng việc thanh tra, và các người thi hành khác buộc phải tường trình cho ngài, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
§3. Những điều khoản được thêm vào ý muốn cuối cùng ngược với quyền này của Đấng Bản Quyền phải được coi như không có.
Điều 1302
§1. Người nào đã nhận các tài sản theo hình thức tín thác nhằm những mục tiêu đạo đức bằng hành vi có giá trị khi còn sống hoặc do di chúc, phải thông báo với Đấng Bản Quyền biết việc tín thác cho mình, và phải chỉ rõ cho ngài mọi động sản hay bất động sản được nhận như thế, với những nghĩa vụ kèm theo, nhưng nếu người dâng cúng đã minh nhiên và tuyệt đối cấm thông báo, thì người ấy không được nhận sự tín thác di sản.
§2. Đấng Bản Quyền phải yêu cầu để các tài sản tín thác ở nơi an toàn, và phải quan tâm đến việc thi hành thiện ý chiếu theo quy tắc của điều 1301.
§3. Đối với các tài sản tín thác được trao phó cho một thành viên của một hội dòng hay của một tu đoàn tông đồ, nếu các tài sản được dành cho một nơi hoặc cho một giáo phận, hoặc cho dân chúng của nơi hay của giáo phận ấy, hoặc dành cho những mục đích đạo đức, thì Đấng Bản Quyền được nói đến ở §§1 và 2 là Đấng Bản Quyền địa phương; nếu không, thì Đấng Bản Quyền là Bề Trên cấp cao trong một hội dòng giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng và trong các tu đoàn tông đồ giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng, hoặc trong các hội dòng khác, thì Đấng Bản Quyền là Đấng Bản Quyền riêng của chính thành viên ấy.
Điều 1303
§1. Trong luật, danh xưng thiện quỹ bao hàm:
1° các thiện quỹ tự trị, tức là các tập hợp sự vật dành cho các mục đích được nói đến ở điều 114 §2 và được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội thiết lập thành pháp nhân;
2° các thiện quỹ không tự trị, tức là các tài sản vật chất được ban tặng cho một pháp nhân công bằng bất cứ cách nào, với nghĩa vụ dùng các hoa lợi hằng năm để cử hành Thánh Lễ và để thực hiện các công việc khác của Giáo Hội đã được xác định, hoặc để theo đuổi các mục đích được nói ở điều 114 §2, trong một thời gian khá lâu mà luật riêng phải ấn định.
§2. Một khi thời gian được quy định đã mãn, các tài sản của một thiện quỹ không tự trị phải được dành cho tổ chức được nói đến ở điều 1274 §1, nếu đã được trao phó cho một pháp nhân thuộc quyền Giám mục giáo phận, trừ khi người tặng đã minh nhiên bày tỏ ý khác; nếu không, các tài sản được dành cho chính pháp nhân đó.
Điều 1304
§1. Để một pháp nhân có thể nhận một thiện quỹ cách thành sự, buộc phải có phép bằng văn bản của Đấng Bản Quyền; Đấng Bản Quyền này không được ban phép ấy trước khi thấy rõ cách hợp pháp là pháp nhân có thể chu toàn cả nghĩa vụ mới sắp lãnh nhận lẫn những nghĩa vụ đã lãnh nhận; trước hết, ngài phải liệu sao cho hoa lợi tương ứng cách chính xác với những nghĩa vụ kèm theo thiện quỹ, theo phong tục của mỗi địa phương hoặc mỗi miền.
§2. Luật riêng phải ấn định thêm những điều kiện liên quan đến việc thiết định và lãnh nhận các thiện quỹ.
Điều 1305
Tiền bạc và các động sản, được cho với danh nghĩa tặng vật, phải được cất ngay ở một nơi an toàn được Đấng Bản Quyền phê chuẩn, để món tiền đó hay giá trị của những động sản đó được bảo toàn và, theo sự phán đoán khôn ngoan của Đấng Bản Quyền ấy, sau khi đã tham khảo ý kiến của những người liên hệ và của hội đồng kinh tế của ngài, được đầu tư sớm hết sức một cách cẩn thận và hữu ích để làm lợi cho quỹ đó, có ghi chú rõ ràng và chi tiết về những nghĩa vụ.
Điều 1306
§1. Các thiện quỹ, dù được thiết lập bằng miệng, cũng phải được ghi trên giấy tờ.
§2. Một văn bản phải được lưu trữ an toàn tại văn khố của tòa giám mục, một bản khác trong văn khố của pháp nhân liên hệ đến thiện quỹ này.
Điều 1307
§1. Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 1300-1302 và 1287, phải làm một bản kê khai những trách nhiệm do thiện quỹ và phải niêm yết ở nơi dễ thấy để khỏi quên lãng các nghĩa vụ phải chu toàn.
§2. Ngoài cuốn sổ được nói đến ở điều 958 §1, buộc phải có một sổ khác, trong đó phải ghi từng nghĩa vụ, việc thi hành nghĩa vụ cũng như những của dâng cúng; cha sở hay cha quản nhiệm buộc phải giữ cuốn sổ ấy.
Điều 1308
§1. Việc giảm thiểu nghĩa vụ dâng Thánh Lễ được dành cho Tông Tòa, và chỉ được thực hiện vì một lý do chính đáng và cần thiết, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định sau đây:
§2. Đấng Bản Quyền có thể giảm thiểu nghĩa vụ dâng Thánh Lễ vì hoa lợi đã sút giảm, nếu điều đó được minh nhiên dự liệu trong những văn bản thành lập.
§3. Giám mục giáo phận có quyền giảm thiểu những Thánh Lễ phải dâng do của di tặng độc lập hay do quỹ bằng bất cứ cách nào, theo mức dâng cúng hiện hành cách hợp pháp trong giáo phận, vì hoa lợi đã sút giảm và bao lâu lý do này còn kéo dài, miễn là không ai bị buộc phải dâng cúng thêm và thực tế cũng không ai có thể bị cưỡng bách làm như vậy.
§4. Giám mục giáo phận có quyền giảm thiểu những nghĩa vụ hay những của di tặng buộc một tổ chức Giáo Hội phải dâng Thánh Lễ, nếu hoa lợi đã không đủ để tổ chức ấy đạt được mục tiêu của mình cách hữu hiệu.
§5. Vị Điều Hành tối cao của một hội dòng giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng có cùng những quyền được nói đến ở §§3 và 4.
Điều 1309
Khi có một lý do cân xứng, các quyền bính được nói đến ở điều 1308 còn có quyền chuyển các nghĩa vụ dâng lễ sang những ngày, nhà thờ và bàn thờ khác với ngày giờ và nơi chốn đã được quy định trong văn bản tặng lập.
Điều 1310
§1. Đấng Bản Quyền có thể giảm thiểu, điều hành, chuyển đổi ý muốn của các tín hữu đối với các mục đích đạo đức, nếu người tặng lập ban cho ngài quyền đó cách minh nhiên, và ngài chỉ thực hiện quyền đó vì một lý do chính đáng và cần thiết mà thôi.
§2. Nếu không thể thi hành được những nghĩa vụ mà quỹ bắt buộc, vì hoa lợi sút giảm hoặc vì một lý do nào khác, mà không do lỗi của các người quản trị, Đấng Bản Quyền có thể giảm thiểu những nghĩa vụ ấy một cách hợp tình hợp lý, sau khi đã tham khảo ý kiến của những người liên hệ và của hội đồng kinh tế của mình, và phải duy trì ý muốn của người tặng lập cách tốt nhất có thể, ngoại trừ việc giảm thiểu nghĩa vụ dâng Thánh Lễ được chi phối bởi những quy định của điều 1308.
§3. Trong các trường hợp khác, phải thượng cầu lên Tông Tòa.