Đề mục 5. Áp dụng hình phạt (Điều 1341-1353)
Điều 1341
Đấng Bản Quyền chỉ nên xúc tiến thủ tục tư pháp hay hành chính để tuyên kết hay tuyên bố một hình phạt, khi đã chắc chắn rằng việc sửa chữa trong tình huynh đệ, việc khiển trách hay các phương thế khác trong đường lối mục vụ của ngài không thể sửa chữa gương xấu, tái lập công lý và cải thiện phạm nhân một cách đầy đủ được.
Điều 1342
§1. Mỗi khi có những lý do chính đáng ngăn cản việc tố tụng tại tòa, thì hình phạt có thể được tuyên kết hay tuyên bố bằng sắc lệnh ngoài tòa: tuy nhiên, các dược hình và các việc sám hối có thể được áp dụng bằng sắc lệnh trong bất cứ trường hợp nào.
§2. Sắc lệnh không thể tuyên kết hay tuyên bố những hình phạt chung thân và những hình phạt nào mà luật hay mệnh lệnh thiết lập đã cấm áp dụng bằng sắc lệnh.
§3. Những gì luật hay mệnh lệnh nói về thẩm phán liên quan tới việc tuyên kết hay tuyên bố một hình phạt trong việc xét xử, phải được áp dụng cho vị Bề Trên nào dùng sắc lệnh ngoài tòa để tuyên kết hay tuyên bố một hình phạt, trừ khi đã rõ cách khác hoặc trừ khi đó là những quy định chỉ liên quan đến thủ tục mà thôi.
Điều 1343
Nếu luật hay mệnh lệnh cho thẩm phán quyền áp dụng hay không áp dụng hình phạt, thì thẩm phán cũng có thể giảm bớt hình phạt hay thay thế hình phạt bằng một việc sám hối, tùy theo lương tâm và sự khôn ngoan của mình.
Điều 1344
Mặc dù luật dùng những từ ngữ có tính cách ra lệnh, thẩm phán có thể tùy lương tâm và sự khôn ngoan của mình:
1° hoãn việc tuyên kết hình phạt đến một lúc nào thuận tiện hơn, nếu thấy trước rằng việc trừng phạt phạm nhân quá vội vàng sẽ gây ra những tác hại lớn hơn;
2° bỏ qua việc tuyên kết hình phạt, hoặc tuyên kết một hình phạt nhẹ hơn, hoặc áp dụng một việc sám hối, nếu phạm nhân đã sửa mình và đã sửa chữa gương xấu, hoặc nếu chính phạm nhân đã bị quyền bính dân sự phạt đủ rồi, hoặc thấy trước là phạm nhân sẽ bị phạt như vậy;
3° đình hoãn nghĩa vụ thực hiện hình phạt thục tội, nếu phạm nhân phạm tội lần đầu tiên sau khi đã sống một cuộc đời chính trực và nếu không cần phải sửa chữa gương xấu gấp; tuy nhiên, nếu phạm nhân thực hiện một tội phạm mới trong thời hạn được chính thẩm phán ấn định, thì phạm nhân phải chịu hình phạt của cả hai tội phạm, trừ khi trong thời gian ấy, thời hiệu của tố quyền hình sự đối với tội phạm trước đã trôi qua.
Điều 1345
Mỗi khi một phạm nhân chỉ sử dụng được trí khôn một cách bất toàn, hay đã thực hiện một tội phạm, do sợ hãi, hoặc do nhu cầu, hoặc do đam mê, do say rượu, hoặc do bất cứ một thác loạn tâm thần nào khác tương tự, thì thẩm phán cũng có thể bỏ qua việc tuyên kết một sự trừng phạt nào đó, nếu nhận thấy là có thể dùng một phương thế tốt hơn để cải thiện phạm nhân.
Điều 1346
Mỗi khi phạm nhân đã thực hiện nhiều tội phạm, nếu sự chồng chất các hình phạt hậu kết có vẻ quá nặng, thì thẩm phán có quyền giảm bớt các hình phạt trong những giới hạn hợp tình hợp lý, tùy theo sự thẩm định khôn ngoan của mình.
Điều 1347
§1. Không thể tuyên kết một vạ cách thành sự, nếu trước đó phạm nhân đã không được cảnh cáo ít là một lần để chấm dứt sự ngoan cố của mình, và nếu đã dành cho đương sự một thời gian thích hợp để hối cải.
§2. Phải kể như là phạm nhân đã hết ngoan cố, khi phạm nhân thật lòng hối hận về tội phạm của mình, và hơn nữa đã sửa chữa các thiệt hại và gương xấu cách xứng hợp, hay ít là đã nghiêm chỉnh hứa làm điều ấy.
Điều 1348
Khi một phạm nhân không bị buộc tội hay không bị tuyên kết một hình phạt nào cả, thì Đấng Bản Quyền có thể quan tâm đến lợi ích của đương sự cũng như đến công ích bằng việc cảnh cáo thích hợp và bằng những phương thế khác của lòng ưu tư mục vụ, hay cả bằng những dược hình, nếu sự việc đòi hỏi điều đó.
Điều 1349
Nếu một hình phạt không được xác định và nếu luật không dự liệu cách khác, thì thẩm phán không được ra những hình phạt nặng hơn, nhất là không được ra những vạ, trừ khi sự nghiêm trọng của vấn để đòi hỏi điều đó cách tuyệt đối; tuy nhiên, thẩm phán không được tuyên kết những hình phạt chung thân.
Điều 1350
§1. Khi tuyên kết hình phạt cho một giáo sĩ, luôn phải liệu sao cho đương sự không thiếu những phương tiện cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng, trừ trường hợp bị sa thải khỏi bậc giáo sĩ.
§2. Tuy nhiên, nếu một giáo sĩ nào bị sa thải khỏi bậc giáo sĩ đang sống trong sự bần cùng thật sự do hình phạt ấy, thì Đấng Bản Quyền phải liệu giúp đỡ đương sự cách tốt nhất có thể.
Điều 1351
Hình phạt chi phối phạm nhân ở khắp mọi nơi, ngay cả khi người thiết lập hay tuyên kết hình phạt hết quyền, trừ khi luật đã minh nhiên dự liệu cách khác.
Điều 1352
§1. Nếu một hình phạt cấm lãnh nhận các bí tích hay á bí tích, vạ cấm cũng bị đình chỉ bao lâu phạm nhân còn ở trong tình trạng nguy tử.
§2. Khi một hình phạt tiền kết chưa được công bố hay chưa được công khai tại nơi phạm nhân cư ngụ, thì nghĩa vụ tuân giữ hình phạt ấy bị đình chỉ toàn bộ hay một phần, trong mức độ phạm nhân không thể tuân giữ nghĩa vụ ấy mà không gặp nguy cơ gây ra gương xấu nghiêm trọng hoặc bị mất thanh danh.
Điều 1353
Việc kháng cáo hay thượng cầu chống lại những án lệnh của tòa án hoặc những sắc lệnh tuyên kết hay tuyên bố một hình phạt đều có hiệu lực đình chỉ.