Đề mục 6. Sự chấm dứt của hình phạt (Điều 1354-1363)
Điều 1354
§1. Ngoài những vị được nêu lên ở các điều 1355-1356, tất cả những người có thể miễn chuẩn một luật có kèm theo một hình phạt, hay những người có thể miễn trừ một mệnh lệnh ngăm đe một hình phạt, cũng đều có quyền tha hình phạt ấy.
§2. Ngoài ra, luật hay mệnh lệnh thiết lập một hình phạt cũng có thể ban cho những người khác quyền tha hình phạt ấy.
§3. Nếu Tông Tòa dành riêng cho mình hay dành cho những người khác quyền tha hình phạt, thì sự dành riêng ấy phải được giải thích theo nghĩa hẹp.
Điều 1355
§1. Các vị sau đây có thể tha hình phạt do luật thiết lập, nếu hình phạt đã được tuyên kết hay đã được tuyên bố, miễn là hình phạt không dành riêng cho Tông Tòa:
1° Đấng Bản Quyền đã khởi tố trước tòa để tuyên kết hay tuyên bố hình phạt, hoặc Đấng Bản Quyền đã đích thân hay nhờ người khác tuyên kết hay tuyên bố hình phạt bằng sắc lệnh;
2° Đấng Bản Quyền địa phương tại nơi phạm nhân đang cư ngụ, nhưng sau khi đã tham khảo ý kiến của Đấng Bản Quyền được nói đến ở 1°, trừ khi không thể tham khảo được do những hoàn cảnh bất thường.
§2. Hình phạt tiền kết do luật thiết lập nhưng chưa được tuyên bố, và nếu hình phạt ấy đã không được dành riêng cho Tông Tòa, thì có thể được Đấng Bản Quyền tha cho những người thuộc quyền mình và những người đang ở trong địa hạt mình hay những người đã phạm tội tại đó; bất cứ Giám mục nào cũng có quyền tha hình phạt ấy, nhưng chỉ trong khi ban bí tích Giải Tội.
Điều 1356
§1. Những vị sau đây có thể tha một hình phạt hậu kết hay tiền kết được thiết lập bởi một mệnh lệnh không do Tông Tòa ban hành:
1° Đấng Bản Quyền địa phương tại nơi phạm nhân đang cư ngụ;
2° nếu hình phạt đã được tuyên kết hay đã được tuyên bố, thì cả Đấng Bản Quyền đã phát động thủ tục tư pháp để tuyên kết hay tuyên bố hình phạt, hoặc đã đích thân hay nhờ người khác tuyên kết hay tuyên bố hình phạt ấy bằng sắc lệnh.
§2. Trước khi tha một hình phạt, phải tham khảo ý kiến của người ban mệnh lệnh, trừ khi không thể hỏi ý kiến được do những hoàn cảnh bất thường.
Điều 1357
§1. Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 508 và 976, cha giải tội có thể tha ở tòa trong, lúc ban bí tích, vạ tuyệt thông tiền kết hay vạ cấm chế tiền kết chưa được tuyên bố, nếu hối nhân cảm thấy khổ sở khi phải sống trong tình trạng tội trọng suốt thời gian cần thiết để Bề Trên có thẩm quyền định liệu.
§2. Khi tha vạ, cha giải tội phải buộc hối nhân, nếu bất tuân, thì sẽ mắc vạ lại, trong vòng một tháng phải thượng cầu lên Bề Trên có thẩm quyền hay lên tư tế có năng quyền và phải tuân theo quyết định của ngài; trong khi chờ đợi, cha giải tội phải ra một việc đền tội cân xứng và phải buộc đương sự sửa chữa gương xấu cũng như đền bù thiệt hại trong mức độ cần thiết; cũng có thể nhờ cha giải tội thực hiện việc thượng cầu này, nhưng không nêu danh tính của hối nhân.
§3. Những người đã được giải vạ đã được tuyên kết, hay đã được tuyên bố, hay đã được dành riêng cho Tông Tòa, chiếu theo quy tắc của điều 976, đều buộc phải giữ nghĩa vụ thượng cầu, sau khi họ đã được bình phục.
Điều 1358
§1. Vạ sẽ không được tha nếu phạm nhân vẫn còn ngoan cố, chiếu theo quy tắc của điều 1347 §2; nhưng không được từ chối tha vạ cho phạm nhân nào đã hết ngoan cố.
§2. Người nào tha vạ, thì có thể áp dụng các biện pháp chiếu theo quy tắc của điều 1348 hay cũng có thể áp đặt một việc sám hối.
Điều 1359
Nếu một người mắc nhiều hình phạt, thì chỉ có những hình phạt được nêu ra cách rõ ràng mới được tha; nhưng việc tha tổng quát vẫn hủy bỏ mọi hình phạt, trừ những hình phạt mà phạm nhân vì gian ý đã không nêu ra trong đơn thỉnh cầu.
Điều 1360
Việc tha hình phạt sẽ vô hiệu nếu bị một sự đe dọa nặng nề thúc ép.
Điều 1361
§1. Có thể tha hình phạt cho cả người vắng mặt, hoặc tha với điều kiện.
§2. Việc tha hình phạt ở tòa ngoài phải được ban bằng văn bản, trừ khi có một lý do nghiêm trọng khuyên làm cách khác.
§3. Phải cẩn thận đừng để việc xin tha hình phạt hay chính việc tha hình phạt bị tiết lộ, trừ khi điều đó hữu ích đế bảo vệ thanh danh cho phạm nhân hay cần thiết để sửa chữa một gương xấu.
Điều 1362
§1. Tố quyền hình sự bị thời hiệu tiêu hủy sau ba năm, trừ khi liên quan đến:
1° những tội phạm dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin;
2° tố quyền liên quan đến các tội phạm được nói đến ở những điều 1394, 1395, 1397, 1398, thời hiệu đối với các tội phạm này là năm năm;
3° những tội phạm không bị luật chung trừng phạt, nếu luật địa phương đã ấn định một thời hạn khác cho thời hiệu.
§2. Thời hiệu bắt đầu từ ngày tội phạm được thực hiện, hoặc, nếu là tội phạm liên tục hay thường xuyên, thì bắt đầu từ ngày tội phạm chấm dứt.
Điều 1363
§1. Nếu sắc lệnh thi hành án của thẩm phán được nói đến ở điều 1651 đã không được thông báo cho phạm nhân trong thời hạn được nói đến ở điều 1362, tính từ ngày án văn kết án trở thành vấn đề quyết tụng, thì tố quyền chấp hành hình phạt bị thời hiệu tiêu hủy.
§2. Nguyên tắc trên đây cũng có giá trị, miễn là vẫn giữ những gì luật định, nếu hình phạt được tuyên kết bằng sắc lệnh ngoài tòa án.