Chương 1. Nhiệm vụ của thẩm phán và của viên chức tòa án (Điều 1446-1457)
Điều 1446
§1. Tất cả các Kitô hữu, và nhất là các Giám mục, phải cố gắng hết mình đế tránh những vụ kiện tụng trong dân Chúa, ngần nào có thể, mà vẫn tôn trọng công lý, và phải dàn xếp cách ôn hòa càng sớm càng hay.
§2. Từ lúc khởi đầu vụ tranh tụng, và ngay cả vào bất cứ lúc nào khác, mỗi khi thấy có hy vọng đem lại kết quả tốt, thẩm phán đừng bỏ qua việc khuyên nhủ và giúp đỡ các bên để họ đồng lòng tìm một giải pháp hợp tình hợp lý cho việc tranh chấp và phải chỉ cho họ những đường lối thích hợp để đạt tới mục đích ấy, kể cả việc nhờ những người có uy tín làm trung gian.
§3. Nếu vụ kiện liên quan đến tư ích của các bên, thẩm phán phải xét xem cuộc tranh chấp có thể được kết thúc ổn thỏa hay không bằng cách điều đình, hoặc nhờ trọng tài phán đoán, chiếu theo quy tắc của các điều 1713-1716.
Điều 1447
Người nào đã tham gia vào một vụ án với tư cách là thẩm phán, công tố viên, bảo hệ viên, đại diện, luật sư, nhân chứng hoặc chuyên viên, thì sau đó không thể xét xử thành sự vụ án ấy ở cấp khác với tư cách là thẩm phán hoặc thi hành nhiệm vụ hội thẩm trong chính vụ án ấy.
Điều 1448
§1. Thẩm phán không được nhận xét xử một vụ án mà trong đó chính mình có một vài lợi ích cá nhân, vì có họ máu hay họ kết bạn trong bất cứ bậc nào theo hàng dọc và cho đến bậc thứ bốn theo hàng ngang, hay vì có sự bảo trợ và có chức quản tài, vì có tương giao thân mật, vì có một sự hận thù dai DẲNG, vì được hưởng một lợi lộc hoặc tránh được một sự thiệt hại.
§2. Trong những trường hợp ấy, công tố viên, bảo hệ viên, hội thẩm và dự thẩm cũng phải tránh thi hành chức vụ.
Điều 1449
§1. Trong những trường hợp nói ở điều 1448, nếu chính thẩm phán không cáo thoái, một bên có thể khước từ thẩm phán.
§2. Vị Đại Diện tư pháp xét xử việc khước từ; nếu chính vị này bị khước từ, thì Giám mục chủ trì tòa án sẽ xét xử.
§3. Nếu Giám mục là thẩm phán và bị khước từ, ngài phải tránh việc xét xử.
§4. Nếu việc khước từ nhằm chống lại công tố viên, bảo hệ viên hoặc các viên chức khác của tòa án, vị chánh án tòa án hiệp đoàn hay chính thẩm phán, nếu là thẩm phán duy nhất, sẽ xét xử sự khước biện này.
Điều 1450
Một khi đã chấp nhận việc khước từ, thì phải thay đổi các nhân sự, nhưng không được thay đổi cấp bậc xét xử.
Điều 1451
§1. Vấn đề khước từ phải được giải quyết hết sức nhanh chóng, sau khi nghe các bên, công tố viên hay bảo hệ viên, nếu họ tham gia vào vụ án và chính họ không bị khước từ.
§2. Những hành vi do thẩm phán thực hiện trước khi bị khước từ vẫn thành sự, nhưng những hành vi được thực hiện sau khi việc khước từ được đưa ra phải bị hủy bỏ, nếu một bên yêu cầu trong thời hạn mười ngày, kể từ lúc việc khước từ được chấp nhận.
Điều 1452
§1. Trong một vụ án chỉ liên quan đến lợi ích riêng, thẩm phán chỉ có thể can thiệp theo sự thỉnh cầu của một bên. Nhưng khi vụ án đã được khởi tố cách hợp pháp, thẩm phán có thể và thậm chí, do chức vụ, phải can thiệp vào những vụ án hình sự hay những vụ án khác liên quan đến công ích của Giáo Hội hoặc phần rỗi các linh hồn.
§2. Ngoài ra, thẩm phán còn có thể bổ khuyết sự sơ xuất của các bên trong việc cung cấp các chứng cớ hoặc đưa ra những khước biện, mỗi khi nhận thấy điều đó là cần thiết để tránh một phán quyết bất công nghiêm trọng, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1600.
Điều 1453
Các thẩm phán và các tòa án phải lo liệu cho tất cả các vụ án được kết thúc càng sớm càng tốt, mà vẫn tôn trọng công lý; các vụ án sẽ không được kéo dài quá một năm ở tòa án cấp một, và không quá sáu tháng ở tòa án cấp hai.
Điều 1454
Tất cả mọi thành viên của tòa án hoặc những người cộng tác vào đó phải thề chu toàn nhiệm vụ một cách chu đáo và trung thành.
Điều 1455
§1. Trong một vụ án hình sự, các thẩm phán và các viên chức tòa án luôn buộc phải giữ bí mật thuộc chức vụ, còn trong một vụ án hộ sự, các vị đó cũng buộc như vậy, nếu sự tiết lộ một án từ tố tụng nào đó có thể gây thiệt hại cho các bên.
§2. Các vị ấy cũng phải luôn luôn giữ bí mật về cuộc tranh luận giữa những thẩm phán trong tòa án hiệp đoàn trước khi phán quyết, cũng như về những lần bỏ phiếu khác nhau và về những ý kiến phát biểu trong cuộc tranh luận, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1609 §4.
§3. Hơn nữa, mỗi khi bản chất của vụ án hay của các chứng cớ có tính cách đặc biệt đến nỗi việc phổ biến các án từ hay các chứng cớ có nguy cơ làm mất thanh danh của người khác, hay làm cớ chia rẽ, gây gương xấu hay những sự bất tiện khác, thẩm phán có thể bắt buộc các nhân chứng, các chuyên viên, các bên, các luật sư hay các người đại diện của mỗi bên, phải thề giữ bí mật.
Điều 1456
Cấm các thẩm phán và tất cả các viên chức của tòa án nhận bất cứ quà tặng nào nhân dịp xét xử vụ án.
Điều 1457
§1. Những thẩm phán nào có thẩm quyền cách chắc chắn và hiển nhiên mà lại từ chối xét xử, hoặc những thẩm phán nào tự xưng mình có thẩm quyền khi không dựa trên một nền tảng nào theo quy định của luật, mà lại xét xử và phán quyết các vụ án, hoặc vi phạm luật giữ bí mật, hoặc gây ra một thiệt hại khác cho những người tranh tụng, do man trá hay do quá lơ đễnh, có thể bị nhà chức trách có thẩm quyền trừng trị bằng những hình phạt thích đáng, kể cả việc bãi nhiệm.
§2. Những viên chức và những cộng tác viên của tòa án cũng phải chịu các chế tài như vậy, nếu họ không chu toàn nhiệm vụ như vừa nói trên đây; thẩm phán cũng có thể phạt tất cả những người ấy.