Chương 1. Nguyên cáo và bị cáo (Điều 1476-1480)
Điều 1476
Bất cứ ai, đã được rửa tội hay không, đều có thể khởi tố; còn bên bị kiện cách hợp pháp phải trả lời.
Điều 1477
Mặc dù nguyên cáo hay bị cáo đã đặt người đại diện hay luật sư, họ luôn luôn phải đích thân hiện diện ở tòa theo quy định của luật hay của thẩm phán.
Điều 1478
§1. Những người vị thành niên và những người thiếu khả năng sử dụng lý trí chỉ có thể ra tòa qua trung gian cha mẹ, hoặc người giám hộ hay người quản tài, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của §3.
§2. Nếu thẩm phán nhận thấy có sự xung đột giữa những quyền lợi của các người vị thành niên với những quyền lợi của cha mẹ, của người giám hộ hay của người quản tài, hoặc nhận thấy rằng những người này không thể bênh vực đầy đủ những quyền lợi của các người vị thành niên, thì các người vị thành niên này sẽ ra tòa qua trung gian người giám hộ hay người quản tài do thẩm phán chỉ định.
§3. Nhưng trong những vụ án thuộc phạm vi thiêng liêng và trong những vụ án liên quan đến phạm vi đó, nếu những người vị thành niên đã sử dụng được trí khôn, thì chúng có thể khởi tố và trả lời mà không cần sự ưng thuận của cha mẹ hay của người giám hộ, và nếu chúng đã đủ mười bốn tuổi trọn, chúng có thể tự mình khởi tố và trả lời; bằng không, chúng có thể nhờ người quản tài do thẩm phán đặt lên.
§4. Những người bị cấm quản trị tài sản và những người suy nhược tâm thần, chỉ có thể đích thân ra tòa để trả lời về những tội phạm của mình hoặc do lệnh của thẩm phán; trong những vụ án khác, họ phải nhờ những người quản tài của họ khởi tố và trả lời.
Điều 1479
Mỗi khi có một người giám hộ hoặc một quản tài được chính quyền dân sự đặt lên, người ấy có thể được thẩm phán của Giáo Hội chấp nhận sau khi đã hỏi ý kiến, nếu có thể được, của Giám mục giáo phận của chính người được ủy thác cho người giám hộ hay quản tài; mà nếu người giám hộ hay quản tài ấy không có mặt hoặc xét là không chấp nhận được, thì chính thẩm phán sẽ chỉ định người giám hộ hay người quản tài cho vụ án.
Điều 1480
§1. Các pháp nhân ra tòa qua những người đại diện hợp pháp của mình.
§2. Trong trường hợp không có người đại diện hoặc người đại diện lơ đễnh, thì Đấng Bản Quyền có thể đích thân hay nhờ người khác ra tòa nhân danh các pháp nhân thuộc quyền mình.