Chương 2. Những người đại diện và những luật sư (Điều 1481-1490)
Điều 1481
§1. Mỗi bên có thể tự ý đặt cho mình một luật sư và một người đại diện; nhưng ngoài những trường hợp được ấn định ở §§2 và 3, mỗi bên cũng có thể đích thân khởi tố và trả lời, trừ khi thẩm phán đã xét thấy thừa tác vụ của một người đại diện hoặc của một luật sư là cần thiết.
§2. Trong một vụ án hình sự, bị cáo luôn phải có một luật sư do họ tự đặt hoặc do thẩm phán đặt.
§3. Trong một vụ án hộ sự, nếu có liên quan đến các người vị thành niên hoặc liên quan đến một vụ án về công ích, ngoại trừ các vụ án về hôn nhân, vị thẩm phán, chiếu theo chức vụ, phải đặt một người biện hộ cho bên nào thiếu người biện hộ.
Điều 1482
§1. Mỗi người chỉ có thể đặt cho mình một người đại diện và vị này không được nhờ người khác thay thể mình, nếu không có năng quyền minh thị cho phép.
§2. Tuy nhiên, vì một lý do chính đáng, nếu một người đã tự đặt cho mình nhiều người đại diện, thì những người này phải được chỉ định thế nào để giữa họ có thứ tự ưu tiên.
§3. Nhưng có thể đặt nhiều luật sư cùng một lúc.
Điều 1483
Người đại diện và luật sư phải là những người thành niên và có thanh danh; ngoài ra luật sư phải là người Công giáo, trừ khi Giám mục giáo phận cho phép cách khác, và có bằng tiến sĩ giáo luật hoặc là người thực sự chuyên môn về giáo luật, và được Giám mục đó chuẩn y.
Điều 1484
§1. Trước khi đảm nhận chức vụ, người đại diện và luật sư phải nộp một giấy ủy quyền chính thức ở tòa án.
§2. Tuy nhiên, để tránh cho một quyền lợi khỏi bị tiêu hủy, thẩm phán có thể chấp nhận người đại diện mặc dầu người này không trình giấy ủy quyền, miễn là có một bảo chứng thích hợp, nếu cần; nhưng án từ sẽ vô hiệu, nếu quá hạn kỳ thất hiệu do thẩm phán ấn định, mà người đại diện không trình giấy ủy quyền cách hợp pháp.
Điều 1485
Nếu không có một giấy ủy quyền đặc biệt, người đại diện không thể khước từ tố quyền, việc tiến hành tố tụng hay những hành vi tư pháp một cách hữu hiệu; họ cũng không thể điều đình, không thể thỏa hiệp, không thể nhờ trọng tài dàn xếp, và nói chung, không thể thực hiện một hành vi nào mà luật pháp đòi hỏi phải có một giấy ủy quyền đặc biệt.
Điều 1486
§1. Để việc giải nhiệm một người đại diện hay một luật sư có hiệu lực, cần phải thông tri cho họ biết việc đó, và nếu việc đối tụng đã bắt đầu, cần phải thông tri cho thẩm phán và bên đối phương biết việc giải nhiệm đó.
§2. Sau khi đã tuyên án chung kết, người đại diện vẫn còn quyền lợi và nghĩa vụ kháng cáo, nếu người chủ ủy không từ chối.
Điều 1487
Vì một lý do hệ trọng, người đại diện cũng như luật sư có thể bị bãi chức do sắc lệnh của thẩm phán ban hành chiếu theo chức vụ, hoặc do một bên yêu cầu.
Điều 1488
§1. Cấm người đại diện và luật sư mua chuộc quyền lợi đang tranh tụng, hoặc thỏa hiệp để đòi thù lao quá mức, hay để chia phần đồ vật đang tranh tụng. Sự thỏa hiệp như thế, nếu có, sẽ vô hiệu, và họ có thể bị thẩm phán phạt tiền; ngoài ra, luật sư có thể bị đình chỉ chức vụ, và nếu tái phạm, cũng có thể bị Giám mục chủ trì tòa án khai trừ khỏi danh sách các luật sư.
§2. Những luật sư và những người đại diện nào bất chấp luật pháp, rút các vụ án khỏi những tòa án có thẩm quyền để những vụ án này được xét xử thuận lợi hơn ở những tòa án khác, thì cũng có thể bị phạt như thế.
Điều 1489
Những luật sư và những người đại diện nào, vì quà cáp hoặc vì lời hứa hẹn, hoặc vì lý do nào khác, đã phản bội nhiệm vụ mình, phải bị đình chỉ thi hành quyền bảo trợ và bị phạt tiền hay các hình phạt tương xứng khác.
Điều 1490
Theo mức độ có thể được, mỗi tòa án phải đặt những người biện hộ cố định được chính tòa án trả lương để thi hành nhiệm vụ luật sư hay người đại diện, nhất là trong những vụ án hôn nhân, để các bên có thể chọn lựa những người biện hộ trong số những người này.