Tiết 3. Thẩm vấn các nhân chứng (Điều 1558-1571)
Điều 1558
§1. Những nhân chứng phải được thẩm vấn tại chính trụ sở tòa án, trừ khi thẩm phán định cách khác.
§2. Các Hồng y, các Thượng Phụ, các Giám mục và những người được hưởng đặc ân tương tự theo luật quốc gia của họ, phải được thẩm vấn tại nơi do chính họ lựa chọn.
§3. Thẩm phán phải quyết định về nơi chốn để thẩm vấn những người không thế hay khó đến trụ sở tòa án vì xa xôi, vì bệnh tật hay vì một ngăn trở nào khác, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 1418 và 1469 §2.
Điều 1559
Các bên không được tham dự cuộc chấp cung các nhân chứng, trừ khi thẩm phán thẩm định là phải cho họ tham dự, cách riêng trong các vụ án việc liên quan đến tư ích. Tuy nhiên, những luật sư hay những người đại diện của họ có thể tham dự, trừ khi thẩm phán thẩm định phải tiến hành cách bí mật, vì những hoàn cảnh sự việc hay con người.
Điều 1560
§1. Các nhân chứng phải được thẩm vấn riêng từng người một.
§2. Nếu các nhân chứng bất đồng ý kiến với nhau hay với một bên về một vấn đề quan trọng, thẩm phán có thể cho những người ấy gặp nhau, tức là đối chất với nhau, nhưng phải làm hết sức để tránh những bất hòa và gương xấu.
Điều 1561
Việc chấp cung các nhân chứng được thực hiện do thẩm phán hay do người được thẩm phán ủy nhiệm hoặc do một dự thẩm, và phải có sự hiện diện của công chứng viên; vì thế, trừ khi luật địa phương ấn định cách khác, nếu các bên, hay công tố viên, hay bảo hệ viên, hay những luật sư hiện diện trong cuộc chấp cung có điều gì muốn hỏi nhân chứng thì không được hỏi thẳng nhân chứng, nhưng phải đưa câu hỏi cho thẩm phán hay cho người thay thế thẩm phán, để chính người này hỏi lại nhân chứng.
Điều 1562
§1. Thẩm phán phải nhắc nhở cho nhân chứng biết nghĩa vụ quan trọng phải nói hết mọi sự thật và chỉ nói sự thật mà thôi.
§2. Thẩm phán phải buộc nhân chứng tuyên thệ chiếu theo điều 1532; nhưng nếu nhân chứng từ chối tuyên thệ, thì cũng phải nghe người ấy cung khai, mặc dầu họ không tuyên thệ.
Điều 1563
Trước tiên, thẩm phán phải kiểm chứng lý lịch của nhân chứng, phải hỏi nhân chứng có liên hệ gì với các bên, và khi đặt ra cho nhân chứng những câu hỏi riêng biệt liên quan đến vụ án, thẩm phán cũng phải hỏi cho biết chính xác nơi chốn và thời gian mà nhân chứng biết được những điều họ quả quyết.
Điều 1564
Các câu hỏi phải ngắn gọn, hợp với tầm hiểu biết của người được thẩm vấn, không bao hàm một lúc nhiều vấn đề, không quanh co, không xảo quyệt, không gợi ra câu trả lời, hoặc không có tính cách khiêu khích bất cứ ai và phải liên quan đến vụ án đang được xét xử.
Điều 1565
§1. Những câu hỏi không được thông báo trước cho các nhân chứng.
§2. Tuy nhiên, nếu các sự kiện phải được làm chứng đã bị quên đi đến nỗi nếu không được gợi lại trước thì sẽ không quả quyết chắc chắn được, thẩm phán có thể nói trước cho nhân chứng một vài điểm, nếu nghĩ rằng điều đó không có gì nguy hại.
Điều 1566
Các nhân chứng phải cung khai bằng miệng và không được đọc điều đã viết sẵn, trừ khi phải nói đến những việc tính toán và sổ sách; trong trường hợp này, họ có thể tham khảo những điều ghi chú họ đã mang theo.
Điều 1567
§1. Câu trả lời phải được công chứng viên ghi ngay trên giấy tờ và phải ghi nguyên văn những lời nói của nhân chứng, ít nhất đối với những vấn đề trực tiếp liên quan đến đối tượng của vụ án.
§2. Có thể chấp nhận việc sử dụng máy ghi âm, miễn là sau đó các câu trả lời phải được ghi chép lại trên giấy tờ, và nếu có thể, phải được những người cung khai ký tên vào.
Điều 1568
Công chứng viên phải ghi vào các án từ lời thề đã được đọc, được miễn chuẩn hay bị từ chối, sự hiện diện của các bên và của những đệ tam nhân, các câu hỏi được thêm vào chiếu theo chức vụ, và nói chung, tất cả những gì đáng ghi nhớ đã xảy ra trong cuộc thẩm vấn các nhân chứng.
Điều 1569
§1. Thẩm vấn xong, phải đọc cho nhân chứng nghe những lời khai của họ đã được công chứng viên ghi lại trên giấy tờ hay đã được thu qua máy ghi âm, và phải cho nhân chứng được quyền thêm, bỏ, sửa chữa, thay đổi các lời đã cung khai.
§2. Tiếp đến, nhân chứng, thẩm phán và công chứng viên phải ký vào án từ.
Điều 1570
Trước khi công bố các án từ hay những lời chứng, các nhân chứng, mặc dầu đã được thẩm vấn rồi, vẫn có thể được mời ra để thẩm vấn lần nữa, do một bên yêu cầu hoặc chiếu theo chức vụ, nếu thẩm phán thấy điều đó là cần thiết hay hữu ích, miễn là không có nguy cơ thông đồng hay hối lộ nào.
Điều 1571
Tùy theo sự ước tính hợp tình hợp lý của thẩm phán, phải bồi thường cho các nhân chứng những phí tổn phải chịu cũng như những lợi tức đã mất vì phải ra tòa làm chứng.