Chương 1. Tố quyền tiêu hủy bản án (Điều 1619-1627)

Điều 1619

Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 1622 và 1623, tính vô hiệu nào của các án từ do luật thiết định ấn định, mặc dù bên kháng cáo biết mà không trình cho thẩm phán trước khi tuyên án, thì được chính bản án sửa chữa, mỗi khi vụ án liên quan đến lợi ích tư nhân.

Điều 1620

Không thể sửa chữa được một bản án bị vô hiệu nếu:

bản án được ban hành do một thẩm phán tuyệt đối vô thẩm quyền;

bản án được ban hành do một người không có quyền xét xử trong tòa án đã giải quyết vụ án;

thẩm phán đã ban hành bản án do tác dụng của bạo lực hay do sợ hãi nghiêm trọng;

việc xử án đã được tiến hành mà không có đơn thỉnh nguyện tư pháp, như đã nói ở điều 1501, hoặc không chống lại một bị cáo nào hết;

bản án được ban hành giữa các bên mà ít nhất là một bên không có tư cách ra hầu tòa;

người nào đó đã hành động nhân danh một người khác mà không được ủy quyền hợp pháp;

quyền biện hộ của bên này hoặc của bên kia đã bị từ chối;

sự tranh tụng đã không được phân xử, dù chỉ là một phần.

Điều 1621

Tố quyền tiêu hủy nói ở điều 1620 có thể được nêu lên theo cách khước biện, không giới hạn thời gian; còn theo cách khởi tố trước mặt thẩm phán đã tuyên án, thì trong vòng mười năm kể từ ngày công bố bản án.

Điều 1622

Có thể sửa chữa được một bản án bị vô hiệu nếu:

bản án được ban hành do một số không hợp lệ của các thẩm phán, trái với những quy định của điều 1425 §1;

bản án không viện dẫn các lý lẽ hay lý do quyết định;

bản án thiếu những chữ ký mà luật đòi phải có;

bản án không ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi ban hành;

bản án dựa trên một án từ tư pháp vô hiệu, và sự vô hiệu đó không được sửa chữa chiếu theo quy tắc của điều 1619;

bản án được ban hành chống lại một đương sự vắng mặt cách hợp pháp, chiếu theo điều 1593 §2.

Điều 1623

Tố quyền tiêu hủy trong những trường hợp nói ở điều 1622 có thể được nêu lên trong vòng ba tháng kể từ lúc biết bản án đã được công bố.

Điều 1624

Chính thẩm phán đã ban hành bản án phải giải quyết tố quyền tiêu hủy; nếu đương sự sợ rằng vị thẩm phán đã ban hành bản án bị tố quyền tiêu hủy chống đối sẽ có thiên kiến và vì vậy cho rằng vị này đáng nghi ngờ, thì có thể yêu cầu một vị thẩm phán khác thay thế chiếu theo quy tắc của điều 1450.

Điều 1625

Tố quyền tiêu hủy có thể được đệ nộp cùng lúc với kháng cáo, trong thời hạn đã được ấn định cho việc kháng cáo.

Điều 1626

§1. Tố quyền tiêu hủy được nêu lên không những do các bên cảm thấy mình bị thiệt hại, mà còn do cả công tố viên hoặc bảo hệ viên nữa, mỗi khi họ có quyền can thiệp.

§2. Chính thẩm phán, chiếu theo chức vụ, có thể thu hồi hay sửa chữa một bản án vô hiệu mình đã ban hành, trong những thời hạn được ấn định ở điều 1623, trừ khi trong thời hạn ấy kháng cáo đã được đệ nộp chung với tố quyền tiêu hủy, hoặc sự vô hiệu đã được sửa chữa do mãn thời hạn được nêu ra ở điều 1623.

Điều 1627

Các vụ án về tố quyền tiêu hủy có thể được xét xử theo những quy tắc của vụ án hộ sự khấu biện.

Đề mục 8. Kháng án (Điều 1619-1640)Chương 2. Kháng cáo (Điều 1628-1640)