Chương 2. Kháng cáo (Điều 1628-1640)
Điều 1628
Bên nào cảm thấy mình bị thiệt hại do một bản án, cũng như công tố viên và bảo hệ viên trong những vụ án buộc họ phải có mặt, đều có quyền kháng cáo lên thẩm phán thượng cấp để chống lại bản án, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1629.
Điều 1629
Không được kháng cáo chống lại.
1° bản án do chính Đức Giáo Hoàng hay do Tối Cao Pháp Viện tông tòa ban hành;
2° bản án bị vô hiệu, trừ khi việc kháng cáo được nêu lên chung với tố quyền tiêu hủy chiếu theo quy tắc của điều 1625;
3° bản án đã trở thành vấn đề quyết tụng;
4° sắc lệnh của thẩm phán hay bản án trung phán không có hiệu lực của bản án chung quyết, trừ khi đơn kháng cáo này được nộp chung với đơn kháng cáo chống lại bản án chung quyết;
5° bản án hay sắc lệnh trong một vụ án mà luật đã ấn định phải được xét xử trong thời hạn nhanh hết sức có thể.
Điều 1630
§1. Đơn kháng cáo phải được nộp cho thẩm phán đã ban hành bản án trong thời hạn cưỡng định là mười lăm ngày hữu dụng, kể từ lúc biết bản án được công bố.
§2. Nếu việc kháng cáo được trình miệng, công chứng viên phải ghi lại việc kháng cáo ấy trên giấy tờ trước mặt chính người kháng cáo.
Điều 1631
Nếu xảy ra một vấn đề về quyền kháng cáo, tòa kháng cáo phải khẩn cấp cứu xét vấn đề đó theo những quy tắc của vụ án hộ sự khẩu biện.
Điều 1632
§1. Nếu đơn kháng cáo không nêu rõ tòa án nào là nơi nhận đơn, thì được suy đoán là kháng cáo ở tòa án được nói đến ở các điều 1438 và 1439.
§2. Nếu bên kia kháng cáo ở một tòa kháng cáo khác, thì tòa án nào cao cấp hơn sẽ xét xử vụ án, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1415.
Điều 1633
Việc kháng cáo phải được tiến hành trước mặt thẩm phán tòa kháng cáo trong thời hạn một tháng, kể từ khi nộp đơn kháng cáo, trừ khi thẩm phán ban hành bản án đã ấn định một thời gian dài hơn cho đương sự để tiến hành việc kháng cáo.
Điều 1634
§1. Để tiến hành việc kháng cáo, điều kiện cần và đủ là đương sự phải nại tới thẩm phán thượng cấp để xin duyệt lại bản án đã bị chống đối, kèm theo một bản sao của bản án này và nêu rõ những lý do kháng cáo.
§2. Nếu đương sự không thể nhận được bản sao của bản án bị chống đối từ tòa án ban hành bản án trong thời gian hữu dụng, thì khoảng thời gian đó không được tính trong hạn kỳ, và phải báo cho thẩm phán tòa kháng cáo biết ngăn trở ấy, vị này sẽ ra lệnh buộc thẩm phán đã ban hành bản án phải chu toàn nhiệm vụ của mình cách nhanh nhất.
§3. Trong khi đó, thẩm phán ban hành bản án phải chuyển lên thẩm phán tòa kháng cáo những án từ chiếu theo quy tắc của điều 1474.
Điều 1635
Khi đã mãn hạn hạn kỳ hữu dụng để kháng cáo, hoặc trước thẩm phán ban hành bản án, hoặc trước thẩm phán tòa kháng cáo, thì việc kháng cáo được coi như đã bị hủy bỏ.
Điều 1636
§1. Người kháng cáo có thể từ bỏ việc kháng cáo, với những hiệu lực được nói ở đến điều 1525.
§2. Nếu bảo hệ viên hay công tố viên đề xuất việc kháng cáo, thì bảo hệ viên hay công tố viên của tòa kháng cáo có thể hủy bỏ việc kháng cáo ấy, trừ khi luật đã dự liệu cách khác.
Điều 1637
§1. Việc kháng cáo do nguyên cáo thực hiện cũng giúp ích cho bị cáo, và ngược lại.
§2. Nếu có nhiều bị cáo hay nhiều nguyên cáo, và nếu bản án chỉ bị một người trong họ chống lại hoặc chống lại một người trong họ, thì việc kháng án được coi là do tất cả mọi người thực hiện và chống lại tất cả mọi người, mỗi khi vấn đề được thỉnh cầu có tính cách bất khả phân chia hoặc mỗi khi nghĩa vụ có tính cách liên đới.
§3. Nếu một bên kháng cáo về một điểm của bản án, thì cho dù thời hạn kỳ kháng cáo đã mãn, đối phương vẫn có thể kháng cáo phụ về những điểm khác, trong thời hạn cưỡng định là mười lăm ngày, tính từ ngày nhận được thông báo của việc kháng cáo chính.
§4. Trừ khi đã rõ cách khác, việc kháng cáo được suy đoán là chống lại tất cả mọi điểm của bản án.
Điều 1638
Việc kháng cáo đình hoãn việc thi hành bản án.
Điều 1639
§1. Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1638, không thể chấp nhận một lý do thỉnh cầu mới ở cấp kháng cáo, ngay cả bằng cách dồn chung cho tiện, vì thế, việc đối tụng chỉ nhằm để biết phải chứng thực bản án đầu tiên hay phải sửa đổi, hoặc là tất cả, hoặc là một phần bản án ấy.
§2. Tuy nhiên, những chứng cớ mới chỉ được chấp nhận chiếu theo quy tắc của điều 1600.
Điều 1640
Cách thức kiện tụng ở tòa kháng cáo cũng giống như ở tòa cấp một, với những thích nghi xứng hợp; tuy nhiên, nếu không phải bổ sung thêm các chứng cớ, thì bước sang việc tranh luận vụ án và tuyên án, ngay sau khi đã đối tụng chiếu theo quy tắc của điều 1513 §1 và điều 1639 §1.