Chương 1. Vấn đề quyết tụng (Điều 1641-1644)

Điều 1641

Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1643, một vấn đề trở thành quyết tụng:

nếu giữa cùng các bên như nhau đã có hai bản án giông hệt nhau, về cùng một điều thỉnh nguyện và bởi cùng một lý do;

nếu đơn kháng cáo chống lại bản án không được đệ nộp trong thời gian hữu dụng;

nếu đơn kiện đã thất hiệu ở cấp kháng cáo hay đã được bãi nại;

nếu đã ban hành một bản án chung quyết không được phép kháng cáo chiếu theo quy tắc của điều 1629.

Điều 1642

§1. Vấn đề quyết tụng được hưởng uy lực của pháp luật và không thể bị chống lại cách trực tiếp, trừ khi chiếu theo quy tắc của điều 1645 §1.

§2. Vấn đề quyết tụng có hiệu lực pháp lý giữa các bên và phát sinh tố quyền của việc đã xử cũng như khước biện của vấn đề quyết tụng, mà thẩm phán có thể tuyên bố chiếu theo chức vụ để ngăn ngừa một cuộc khởi tố mới của cùng một vụ án.

Điều 1643

Các vụ án liên quan đến tình trạng nhân thân, kể cả những vụ án ly thân của vợ chồng, không bao giờ trở thành vấn đề quyết tụng.

Điều 1644

§1. Nếu có hai bản án giống nhau đã được ban hành trong một vụ án liên quan đến tình trạng nhân thân, thì có thể được kháng án lên tòa kháng cáo trong bất cứ thời gian nào, bằng cách trưng ra những chứng cớ hay những lý do mới và quan trọng, trong thời hạn cưỡng định là ba mươi ngày, kể từ ngày nộp đơn kháng án. Tuy nhiên, trong vòng một tháng kế từ khi trưng ra những chứng cớ và những lý do mới, tòa kháng cáo phải ra sắc lệnh quyết định chấp nhận hay bác bỏ việc thẩm cứu lại vụ án.

§2. Việc thượng tố lên tòa án cấp cao hơn để xin xử lại vụ án không đình hoãn việc thi hành bản án, trừ khi luật đã dự liệu cách khác hoặc khi tòa kháng cáo ra lệnh đình hoãn chiếu theo quy tắc của điều 1650 §3.

Đề mục 9. Vấn đề quyết tụng và việc phục hồi nguyên trạng (Điều 1641-1648)Chương 2. Việc phục hồi nguyên trạng (Điều 1645-1648)