Chương 2. Việc phục hồi nguyên trạng (Điều 1645-1648)
Điều 1645
§1. Việc phục hồi nguyên trạng được chấp nhận để chống lại một bản án đã trở thành vấn đề quyết tụng, miễn là nhận thấy bản án ấy bất công tỏ tường.
§2. Chỉ được coi là bất công tỏ tường:
1° nếu bản án dựa trên những chứng cớ mà về sau mới biết là sai, đến nỗi nếu không có những chứng cớ ấy thì phần chủ văn của bản án không đứng vững được;
2° nếu sau đó mới khám phá ra những tài liệu chứng minh chắc chắn rằng có những sự kiện mới đòi hỏi một quyết định ngược lại;
3° nếu bản án được ban hành do sự man trá của một bên đã gây thiệt hại cho bên kia;
4° nếu rõ ràng đã bỏ qua một quy định của luật không có tính thuần túy thủ tục;
5° nếu bản án đi ngược lại một quyết định trước đó đã trở thành vấn đề quyết tụng.
Điều 1646
§1. Việc phục hồi nguyên trạng vì những lý do nói ở điều 1645 §2,1°-3°, phải được thỉnh cầu nơi thẩm phán đã ban hành bản án, trong vòng ba tháng, kể từ ngày biết được những lý do đó.
§2. Việc phục hồi nguyên trạng vì những lý do nói ở điều 1645 §2,4°-5°, phải được thỉnh cầu nơi tòa kháng cáo trong vòng ba tháng, kể từ ngày biết bản án đã được công bố, còn trong trường hợp được nói đến ở điều 1645 §2,5°, nếu quyết định trước được biết trễ, thì thời hạn bắt đầu từ lúc biết được quyết định ấy.
§3. Bao lâu đương sự bị thiệt hại còn là vị thành niên, thì bấy lâu sẽ không được tính các thời hạn nói trên.
Điều 1647
§1. Đơn thỉnh cầu việc phục hồi nguyên trạng đình hoãn việc thi hành bản án, nếu việc thi hành này chưa bắt đầu.
§2. Tuy nhiên, trong trường hợp có những dấu hiệu hữu lý cho phép nghi ngờ rằng đơn thỉnh cầu đã được nộp nhằm mục đích trì hoãn việc thi hành bản án, thì thẩm phán có thể quyết định phải thi hành bản án, nhưng phải ấn định một bảo chứng thích hợp cho người thỉnh nguyện việc phục hồi nguyên trạng là họ sẽ được bồi thường, nếu việc này được chấp nhận.
Điều 1648
Một khi đã chấp nhận việc phục hồi nguyên trạng, thẩm phán phải công bố lẽ phải trái của vụ án.