Có thể sửa chữa được một bản án bị vô hiệu nếu:
1° bản án được ban hành do một số không hợp lệ của các thẩm phán, trái với những quy định của điều 1425 §1;
2° bản án không viện dẫn các lý lẽ hay lý do quyết định;
3° bản án thiếu những chữ ký mà luật đòi phải có;
4° bản án không ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi ban hành;
5° bản án dựa trên một án từ tư pháp vô hiệu, và sự vô hiệu đó không được sửa chữa chiếu theo quy tắc của điều 1619;
6° bản án được ban hành chống lại một đương sự vắng mặt cách hợp pháp, chiếu theo điều 1593 §2.
Điều 1425:
§1. Phải loại bỏ tục lệ trái ngược và dành cho tòa án gồm ba thẩm phán:
1° những vụ án hộ sự về:
a) dây ràng buộc do chức thánh;
b) dây ràng buộc do hôn nhân, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 1686 và 1688;
2° những vụ hình sự:
a) về những tội phạm có thể đưa đến hình phạt sa thải khỏi bậc giáo sĩ;
b) về việc tuyên kết hay tuyên bố vạ tuyệt thông.
§2. Giám mục có thể ủy thác những vụ án khó hơn hay quan trọng hơn cho tòa án gồm ba hay năm thẩm phán.
§3. Đại Diện tư pháp phải mời các thẩm phán theo thứ tự luân phiên để xét xử từng vụ án một, trừ khi Giám mục ấn định cách khác cho mỗi trường hợp.
§4. Trong việc xét xử ở cấp một, nếu không thể thiết lập thẩm phán đoàn, bao lâu tình trạng bất khả thi ấy còn kéo dài, thì Hội đồng Giám mục có thể cho phép Giám mục ủy thác các vụ án cho một thẩm phán giáo sĩ duy nhất, và nơi nào có thể được, vị này phải mời một hội thẩm và một dự thẩm giúp mình.
§5. Một khi các thẩm phán đã được chỉ định rồi, Đại Diện tư pháp đừng thay thế họ, nếu không vì một lý do rất nghiêm trọng cần phải ghi trong sắc lệnh.
Điều 1619:
Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 1622 và 1623, tính vô hiệu nào của các án từ do luật thiết định ấn định, mặc dù bên kháng cáo biết mà không trình cho thẩm phán trước khi tuyên án, thì được chính bản án sửa chữa, mỗi khi vụ án liên quan đến lợi ích tư nhân.
Điều 1593:
§1. Nếu sau đó bị cáo ra hầu tòa hoặc trả lời trước khi xử vụ án, bị cáo có thể đưa ra những kết luận và những chứng cớ, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1600; tuy nhiên, thẩm phán phải liệu sao đừng để vụ án kéo dài quá lâu và vô ích do những thủ đoạn nào đó.
§2. Ngay cả khi không ra hầu tòa hoặc không trả lời trước khi xét xử vụ án, bị cáo vẫn có thể chống lại bản án; nếu bị cáo chứng minh được rằng mình đã bị ngăn trở cách hợp pháp và đã không thể trình diện sớm hơn dù không do lỗi của mình, bị cáo có thể khiếu tố để tiêu hủy bản án.
Điều 1686:
Sau khi đã nhận một đơn thỉnh cầu chiếu theo quy tắc của điều 1677, vị Đại Diện tư pháp hay thẩm phán do ngài chỉ định, có thể tuyên bố hôn nhân bất thành bằng một bản án, nếu có một tài liệu không thể bị phản đối hay khước biện chứng minh rằng chắc chắn có một ngăn trở tiêu hôn hay thiếu hình thức hợp lệ, miễn là tài liệu này phải hiển nhiên và phải xác tín rằng ngăn trở đã không được miễn chuẩn hoặc người đại diện đã không có ủy nhiệm thư hữu hiệu. Trong những vụ án này, những thể thức pháp lý của một vụ án thông thường được bỏ qua, trừ việc triệu tập các bên ra tòa và sự can thiệp của bảo hệ viên.
Điều 1688:
Với sự can thiệp của bảo hệ viên và sau khi nghe các bên, thẩm phán tòa án cấp hai phải quyết định cũng một cách thức nói ở điều 1686, xem có phải xác nhận bản án hay không hoặc có phải giải quyết vụ án theo cách thông thường của luật hay không; trong trường hợp này, thẩm phán gửi trả vụ án về tòa án cấp một.
Điều 1677:
§1. Khi đã nhận đơn, chánh án hay báo cáo viên phải thông báo sắc lệnh triệu tập ra tòa chiếu theo quy tắc của điều 1508.
§2. Quá thời hạn mười lăm ngày kể từ khi thông báo, trừ khi một bên yêu cầu mở một phiên tòa để đối tụng, chánh án hay báo cáo viên phải ra sắc lệnh ấn định thể thức nghi vấn hoặc những nghi vấn trong thời hạn mười ngày chiếu theo chức vụ, và phải thông báo cho các bên biết sắc lệnh này.
§3. Việc ấn định thể thức nghi vấn không những phải đặt vấn đề xem hôn nhân có chắc chắn bất thành trong trường hợp này hay không, mà còn phải xác định xem hôn nhân thành sự đã bị kháng nghị vì lý do nào hoặc vì những lý do nào.
§4. Sau mười ngày kể từ khi thông báo sắc lệnh đó, nếu các bên không phản đối gì, chánh án hay báo cáo viên phải ra một sắc lệnh mới để quyết định thẩm cứu vụ án.
Điều 1508:
§1. Sắc lệnh triệu tập ra tòa phải được thông báo ngay cho bị cáo và đồng thời cũng phải được thông báo cho những người nào phải ra trình diện.
§2. Đơn khởi tố phải đính kèm với lệnh triệu tập, trừ khi vì những lý do quan trọng, thẩm phán nhận thấy không cần cho bị cáo biết đơn đó, trước khi người này cung khai tại tòa.
§3. Nếu vụ kiện nhằm chống lại người không được tự do sử dụng các quyền của mình hay không được tự do quản trị những tài sản đang bị tranh chấp, thì lệnh triệu tập phải được thông báo, tùy trường hợp, cho người giám hộ, cho người quản tài, cho người đại diện đặc biệt hay cho người nào phải bảo vệ vụ án nhân danh bị cáo chiếu theo luật.
Điều 1600:
§1. Sau khi kết thúc việc thẩm cứu, thẩm phán còn có thể mời cùng những nhân chứng hay những nhân chứng khác hoặc có thể đòi thêm các chứng cớ khác mà trước đây chưa yêu cầu, nhưng chỉ giới hạn:
1° trong những vụ án liên quan đến tư ích của các bên mà thôi, nếu tất cả mọi bên đều đồng ý;
2° trong những vụ án khác, sau khi đã nghe các bên, và miễn là có một lý do nghiêm trọng, cũng như tránh được mọi nguy cơ gian lận hoặc hối lộ;
3° trong tất cả mọi vụ án, mỗi khi nhận thấy rằng bản án sẽ bất công vì những lý do được nêu ra ở điều 1645 §2, 1°-3°, nếu không nhận thêm chứng cớ mới này.
§2. Tuy nhiên, thẩm phán có thể ra lệnh hay cho phép trình bày một văn bản đã không thể được trình bày trước đó, mà không do lỗi của người liên hệ.
§3. Các chứng cớ mới phải được công bố theo những quy định của điều 1598 §1.
Điều 1645:
§1. Việc phục hồi nguyên trạng được chấp nhận để chống lại một bản án đã trở thành vấn đề quyết tụng, miễn là nhận thấy bản án ấy bất công tỏ tường.
§2. Chỉ được coi là bất công tỏ tường:
1° nếu bản án dựa trên những chứng cớ mà về sau mới biết là sai, đến nỗi nếu không có những chứng cớ ấy thì phần chủ văn của bản án không đứng vững được;
2° nếu sau đó mới khám phá ra những tài liệu chứng minh chắc chắn rằng có những sự kiện mới đòi hỏi một quyết định ngược lại;
3° nếu bản án được ban hành do sự man trá của một bên đã gây thiệt hại cho bên kia;
4° nếu rõ ràng đã bỏ qua một quy định của luật không có tính thuần túy thủ tục;
5° nếu bản án đi ngược lại một quyết định trước đó đã trở thành vấn đề quyết tụng.
Điều 1598:
§1. Sau khi đã thu thập được các chứng cớ, thẩm phán phải ra sắc lệnh cho phép các bên và các luật sư của họ được quyền tìm hiểu các án từ mà họ chưa biết, tại văn phòng tòa án, nếu không thì việc xét xử sẽ vô hiệu; hơn nữa, nếu các luật sư yêu cầu, thẩm phán cũng có thể trao cho họ một bản sao các án từ; tuy nhiên, trong những vụ án liên quan đến công ích, để tránh các nguy hiểm rất nghiêm trọng, thẩm phán có thể quyết định không tiết lộ cho ai một án từ nào cả, nhưng phải liệu sao để quyền bào chữa luôn được giữ nguyên vẹn.
§2. Để bổ sung những chứng cớ, các bên có thể trình cho thẩm phán những chứng cớ khác; sau khi đã thu thập được những chứng cớ đó rồi, nếu xét thấy cần, thẩm phán phải ra một sắc lệnh mới được ấn định ở §1.