Thiên 2. Xử án hộ sự khẩu biện (Điều 1656-1670)

Điều 1656

§1. Tất cả các vụ án mà luật không loại trừ có thể được xét xử theo thủ tục xử án hộ sự khẩu biện được nói đến trong thiên này, trừ khi có một bên yêu cầu phải xét xử theo thủ tục xử án hộ sự thông thường.

§2. Nếu thủ tục xử án hộ sự khẩu biện được sử dụng ngoài những trường hợp mà luật cho phép, thì những án từ tư pháp sẽ bị vô hiệu.

Điều 1657

Việc xử án hộ sự khẩu biện được thực hiện ở cấp một trước mặt một thẩm phán duy nhất, chiếu theo quy tắc của điều 1424.

Điều 1658

§1. Ngoài những điểm được nêu ra ở điều 1504, đơn khởi tố phải:

trình bày vắn tắt, đầy đủ và rõ ràng những sự kiện mà nguyên cáo dựa vào đó để thỉnh cầu;

trình bày thế nào để thẩm phán có thể thu thập được ngay những chứng cớ mà nguyên cáo chủ ý dùng để chứng minh các sự kiện, nhưng không thể đưa ra cùng một lúc được.

§2. Phải đính kèm theo đơn những tài liệu làm nền tảng cho việc thỉnh cầu, ít ra là bản sao có công chứng.

Điều 1659

§1. Nếu việc cố gắng hòa giải chiếu theo quy tắc của điều 1446 §2 đã thất bại, và nếu nhận thấy đơn khởi tố có một vài nền tảng, thì trong vòng ba ngày, bằng một quyết định phê ở dưới đơn, thẩm phán phải ra lệnh thông báo cho bị cáo biết bản sao của đơn thỉnh cầu, và cho phép bị cáo gửi đến văn phòng tòa án một bản phúc đáp, trong vòng mười lăm ngày.

§2. Việc thông báo này có hiệu lực như việc triệu tập ra tòa được nói đến ở điều 1512.

Điều 1660

Nếu những khước biện của bị cáo đòi hỏi, thẩm phán phải ấn định cho nguyên cáo một thời hạn để trả lời nhằm thấy rõ đối tượng của việc tranh tụng nhờ các yếu tố do mỗi bên đưa ra.

Điều 1661

§1. Một khi các thời hạn được nói đến ở điều 1659 và 1660 đã mãn, và sau khi đã nghiên cứu các án từ, thẩm phán phải xác định thể thức nghi vấn; sau đó phải triệu tập tất cả những người có liên hệ ra tòa, để họp trong vòng không quá ba mươi ngày; thể thức nghi vấn phải được đính kèm theo lệnh triệu tập các bên.

§2. Trong giấy triệu tập, phải thông báo cho các bên biết, ít nhất là ba ngày trước khi họp phiên tòa, là họ có thể trình tòa một bản báo cáo vắn tắt để chứng minh những điều họ đã quả quyết.

Điều 1662

Trong phiên tòa, trước hết bàn đến những vấn đề được nói đến ở những điều 1459-1464.

Điều 1663

§1. Phải thu thập những chứng cớ trong phiên họp, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1418.

§2. Một đương sự và luật sư của mình có thể tham dự cuộc thẩm vấn những đương sự khác, những nhân chứng và những giám định viên.

Điều 1664

Một công chứng viên phải ghi vào biên bản những câu trả lời của các bên, của các nhân chứng, của các giám định viên, những lời thỉnh cầu và khước biện của các luật sư, nhưng cần ghi cách sơ lược và chỉ ghi những điều liên quan đến nội dung của vụ tranh tụng mà thôi, biên bản này phải được những người cung khai ký vào.

Điều 1665

Những chứng cớ đã không được nêu ra hoặc đã không được hỏi đến trong đơn thỉnh nguyện hay trong các câu trả lời, chỉ có thể được thẩm phán chấp nhận chiếu theo quy tắc của điều 1452, tuy nhiên, sau khi đã nghe dù chỉ một nhân chứng, thẩm phán chỉ có thể quyết định đòi thêm những chứng cớ mới, chiếu theo quy tắc của điều 1600.

Điều 1666

Nếu không thể thu thập được tất cả mọi chứng cớ trong phiên họp đó, thì phải ấn định một phiên họp khác.

Điều 1667

Khi đã thu thập các chứng cớ xong, thì cuộc tranh luận khẩu biện sẽ được diễn ra trong cùng một phiên họp.

Điều 1668

§1. Nếu cuộc tranh luận cho thấy là không nhất thiết phải bổ túc việc thẩm cứu vụ án hoặc không có điều gì ngăn trở việc tuyên án đúng đắn, thì thẩm phán phải lập tức giải quyết vụ án một mình, sau khi đã kết thúc phiên họp; phần chủ văn của bản án phải được đọc ngay trước mặt các bên.

§2. Tuy nhiên, vì vấn đề khó khăn hay vì một lý do chính đáng khác, tòa án có thể hoãn lại việc quyết định cho đến ngày hữu dụng thứ năm.

§3. Nguyên văn bản án, kể cả các lý do được viện dẫn, bình thường phải được thông báo cho các bên biết càng sớm càng tốt, và không được quá mười lăm ngày.

Điều 1669

Nếu xét thấy thủ tục xử án hộ sự khẩu biện đã được áp dụng ở tòa án cấp dưới trong những trường hợp bị luật loại trừ, thì tòa kháng cáo phải tuyên bố bản án vô hiệu và phải gửi trả vụ án lại cho tòa đã ban hành bản án.

Điều 1670

Về những vấn đề khác liên quan đến cách thức tiến hành, phải giữ những quy định của những điều liên quan đến việc xử án hộ sự thông thường. Tuy nhiên, bằng một sắc lệnh có viện dẫn lý do, tòa án có thể sửa đổi những quy tắc tố tụng không cần thiết cho sự hữu hiệu, để vấn đề được giải quyết nhanh chóng, miễn là vẫn tôn trọng công lý.

Đề mục 11. Thi hành bản án (Điều 1650-1655)PHẦN III. VÀI VỤ TỐ TỤNG ĐẶC BIỆT (ĐIỀU 1671-1716)