Chương 1. Việc đào tạo giáo sĩ (Điều 232-264)
Điều 232
Giáo Hội có bổn phận, có quyền riêng và độc hữu trong việc đào tạo những nhân sự được chỉ định vào các thừa tác vụ thánh.
Điều 233
§1. Toàn thể cộng đồng Kitô Giáo có bổn phận phải cổ động các ơn gọi để đáp ứng đủ những nhu cầu của thừa tác vụ thánh trong toàn thể Giáo Hội; bổn phận này bó buộc cách riêng các gia đình Kitô Giáo, các nhà giáo dục, và đặc biệt là các tư tế, nhất là các cha sở. Các Giám mục giáo phận là những người quan tâm hơn cả về việc cổ động các ơn gọi, phải dạy cho giáo dân của mình biết tầm quan trọng của thừa tác vụ thánh và sự cần thiết của các thừa tác viên có chức thánh trong Giáo Hội, các ngài phải khơi dậy và nâng đỡ những sáng kiến cổ động các ơn gọi, nhất là qua các cơ sở đã được thành lập nhằm mục đích ấy.
§2. Ngoài ra, các tư tế, và nhất là các Giám mục giáo phận, phải ân cần dùng lời nói và việc làm để giúp đỡ cách khôn ngoan, và chuẩn bị cách thích đáng cho những người nam đứng tuổi cảm thấy mình được gọi vào thừa tác vụ thánh.
Điều 234
§1. Nơi nào đã có các tiểu chủng viện hoặc các học viện khác tương tự, trong đó việc chuyên đào tạo tôn giáo cũng như giáo dục về mặt nhân bản và khoa học được thực hiện kỹ càng, nhằm cổ vũ các ơn gọi, thì phải được duy trì và khuyến khích; hơn nữa, nơi nào Giám mục giáo phận xét thấy thuận lợi, thì phải dự kiến việc thành lập một tiểu chủng viện hoặc một học viện tương tự.
§2. Ngoại trừ một số trường hợp mà hoàn cảnh khuyên làm cách khác, các thanh niên ước muốn tiến lên chức tư tế cần phải được đào tạo về mặt nhân bản và khoa học, như các thanh niên trong vùng của họ được chuẩn bị theo học các lớp cao đẳng.
Điều 235
§1. Các thanh thiếu niên ước muốn tiến lên chức tư tế phải được đào tạo về mặt thiêng liêng cách xứng hợp và phải được chuẩn bị về các phận vụ riêng tại một đại chủng viện trong suốt thời gian đào tạo, hoặc ít là trong bốn năm, nếu hoàn cảnh đòi hỏi như vậy, theo sự thẩm định của Giám Mục giáo phận.
§2. Những người cư ngụ cách hợp pháp ngoài chủng viện phải được Giám mục giáo phận trao phó cho một tư tế đạo đức và có khả năng xứng hợp, tư tế này phải lo cho họ được đào tạo kỹ lưỡng về đời sống thiêng liêng và về kỷ luật.
Điều 236
Theo những quy định của Hội đồng Giám mục, các ứng sinh lên chức phó tế vĩnh viễn phải được đào tạo để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và phải được hướng dẫn để chu toàn đúng cách các phận vụ riêng của chức thánh ấy:
1° các thanh thiếu niên phải sống ít là ba năm tại một nhà dành riêng, trừ khi Giám mục giáo phận ấn định cách khác, vì những lý do nghiêm trọng;
2° các ứng sinh đứng tuổi, dù độc thân hay đã kết bạn, phải được đào tạo theo một chương trình ba năm do Hội đồng Giám mục ấn định.
Điều 237
§1. Trong mỗi giáo phận, nơi nào có thể và thấy hữu ích, phải có một đại chủng viện; nếu không, phải gửi các chủng sinh đang chuẩn bị lãnh thừa tác vụ thánh vào các chủng viện khác, hoặc phải thành lập một chủng viện liên giáo phận.
§2. Không một chủng viện liên giáo phận nào được thành lập do Hội đồng Giám mục, nếu đó là một chủng viện cho toàn địa hạt, hoặc do các Giám mục liên hệ, nếu không có sự phê chuẩn trước của Tông Tòa về việc thành lập cũng như về những quy chế của chính chủng viện đó.
Điều 238
§1. Các chủng viện đã được thành lập hợp pháp thì đương nhiên được hưởng tư cách pháp nhân trong Giáo Hội.
§2. Vị giám đốc nhân danh chủng viện điều hành tất cả mọi công việc, ngoại trừ những việc rõ ràng đã được nhà chức trách có thẩm quyền ấn định cách khác.
Điều 239
§1. Trong mỗi chủng viện phải có một giám đốc đứng đầu, và nếu cần, phải có một phó giám đốc, một quản lý, và nếu các chủng sinh học ngay trong chủng viện đó, thì phải có các giáo sư giảng dạy những môn học khác nhau được tổ chức theo một chương trình thích hợp.
§2. Trong mỗi chủng viện phải có ít là một vị linh hướng, tuy nhiên, các chủng sinh vẫn được tự do đến với các tư tế khác đã được Giám mục chỉ định vào nhiệm vụ này.
§3. Quy chế chủng viện phải có những phương thức nhờ đó các vị điều hành khác, các giáo sư và ngay cả các chủng sinh đều có thể tham gia vào trách nhiệm của vị giám đốc, nhất là trong việc duy trì kỷ luật.
Điều 240
§1. Ngoài các cha giải tội thường lệ, các cha giải tội khác phải tới chủng viện cách đều đặn, và các chủng sinh luôn luôn có trọn quyền đến với bất kỳ cha giải tội nào trong hoặc ngoài chủng viện, nhưng phải tôn trọng kỷ luật của chủng viện.
§2. Trong việc quyết định chấp nhận các chủng sinh tiến chức hoặc sa thải họ khỏi chủng viện, không bao giờ được hỏi ý kiến của vị linh hướng và các cha giải tội.
Điều 241
§1. Giám mục giáo phận chỉ nên nhận vào đại chủng viện những người được thẩm định là có đủ khả năng hiến thân vĩnh viễn cho các thừa tác vụ thánh, căn cứ vào các đức tính nhân bản và luân lý, tinh thần và trí tuệ, vào sức khoẻ thể lý và tâm lý cũng như vào ý chí ngay lành của họ.
§2. Trước khi được nhận, các chủng sinh phải xuất trình chứng thư rửa tội và thêm sức, cũng như các hồ sơ khác buộc phải có chiếu theo những quy định của chương trình đào tạo tư tế.
§3. Hơn nữa, nếu nhận những người đã bị một chủng viện khác hoặc một hội dòng sa thải, thì cần phải có chứng từ của Bề Trên liên hệ, nhất là về lý do của sự sa thải hoặc của sự rời bỏ.
Điều 242
§1. Trong mỗi quốc gia phải có một chương trình đào tạo tư tế do Hội đồng Giám mục thiết lập, căn cứ trên các quy tắc do Quyền Bính Tối Cao của Giáo Hội ban hành, và được Tông Tòa phê chuẩn, và khi phải thích nghi với những hoàn cảnh mới, chương trình này cũng cần phải có sự phê chuẩn của Tông Tòa; chương trình đào tạo này phải ấn định những nguyên tắc nền tảng về việc đào tạo phải có trong các chủng viện và những quy tắc tổng quát thích nghi với những nhu cầu mục vụ của mỗi miền hoặc mỗi giáo tỉnh.
§2. Những quy định về chương trình được nói đến ở §1 phải được tuân giữ trong tất cả mọi chủng viện thuộc giáo phận cũng như liên giáo phận.
Điều 243
Hơn nữa, mỗi chủng viện phải có nội quy riêng được Giám mục giáo phận phê chuẩn, hoặc được các Giám mục liên hệ phê chuẩn, nếu là chủng viện liên giáo phận; nội quy này phải thích nghi với những quy định của chương trình đào tạo tư tế trong những hoàn cảnh riêng biệt và phải xác định cách rõ ràng nhất là những điểm kỷ luật liên quan đến đời sống hằng ngày của các chủng sinh và đến việc tổ chức của toàn thể chủng viện.
Điều 244
Trong chủng viện, việc đào tạo về mặt thiêng liêng và việc giảng dạy học thuyết cho các chủng sinh phải được kết hợp hài hòa với nhau, và như vậy phải được tổ chức để cho mỗi chủng sinh, tùy theo cá tính riêng của mình, thủ đắc được cùng một lúc sự trưởng thành nhân bản, cần phải có tinh thần Phúc Âm và sự kết hợp mật thiết với Đức Kitô.
Điều 245
§1. Nhờ việc đào tạo thiêng liêng, các chủng sinh phải trở thành những người có đủ năng lực để thi hành có hiệu quả thừa tác vụ mục vụ và phải được đào tạo về tinh thần truyền giáo, họ phải nhận thức rằng thừa tác vụ luôn được thực hiện với một đức tin sống động và với đức ái sẽ góp phần vào việc thánh hóa bản thân mình; ngoài ra, các chủng sinh phải biết vun trồng những nhân đức được quý trọng trong cộng đồng nhân loại, để họ có thể dung hòa những giá trị nhân bản với những giá trị siêu nhiên một cách thích hợp.
§2. Các chủng sinh phải được đào tạo thế nào để sau khi được thấm nhuần lòng yêu mến Giáo Hội Đức Kitô, họ liên kết với Đức Giáo Hoàng Rôma, Đấng kế vị thánh Phêrô, với lòng mến khiêm tốn và hiếu thảo, họ gắn bó với Giám Mục của mình như những cộng sự viên trung thành, và cộng tác với các anh em; nhờ đời sống chung trong chủng viện và nhờ mối tương quan bằng hữu và hòa hợp với đồng bạn, họ phải được chuẩn bị để có tình hiệp nhất huynh đệ với linh mục đoàn trong giáo phận mà họ sẽ là thành viên trong việc phục vụ Giáo Hội.
Điều 246
§1. Việc cử hành Thánh Lễ phải là trung tâm của toàn thể đời sống chủng viện, nhờ vậy mà hằng ngày, khi thông phần đức ái của Đức Kitô, các chủng sinh múc lấy sức mạnh tâm hồn cần thiết cho hoạt động tông đồ và cho đời sống thiêng liêng của họ từ nguồn mạch rất phong phú này.
§2. Họ phải được đào tạo để cử hành phụng vụ các giờ kinh, nhờ đó, các thừa tác viên của Thiên Chúa, nhân danh Giáo Hội, cầu nguyện Thiên Chúa cho toàn dân đã được trao phó cho họ, và cho toàn thể thế giới nữa.
§3. Phải cổ vũ lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, kể cả việc lần chuỗi Mân Côi, cũng như việc thực hành tâm nguyện và những việc đạo đức khác, để nhờ đó các chủng sinh tập được tinh thần cầu nguyện và được vững mạnh trong ơn gọi của mình.
§4. Các chủng sinh phải có thói quen thường xuyên lãnh nhận bí tích Sám Hối và khuyên mỗi người phải có một vị điều hành do họ tự do lựa chọn cho đời sống thiêng liêng của mình, để họ có thể tin tưởng tỏ bày lương tâm.
§5. Hằng năm, các chủng sinh phải dự những cuộc tĩnh tâm.
Điều 247
§1. Các chủng sinh phải được chuẩn bị bằng nền giáo dục xứng hợp để sống độc thân và phải học biết quý trọng bậc sống ấy như một hồng ân riêng của Thiên Chúa.
§2. Các chủng sinh phải ý thức rõ ràng về những bổn phận và những trọng trách riêng của các thừa tác viên có chức thánh của Giáo Hội, không được giấu giếm họ một khó khăn nào của đời sống tư tế.
Điều 248
Việc đào tạo về đạo lý phải được truyền đạt để giúp các chủng sinh có một nền đạo lý sâu rộng và vững chắc trong các môn học thánh, được kết hợp với một kiến thức tổng quát phù hợp với những nhu cầu của mỗi thời và mỗi nơi; khi đức tin của họ đã có nền tảng và được nuôi dưỡng như thế, họ có thể loan báo giáo huấn Phúc Âm một cách thích hợp cho người đương thời, phù hợp với não trạng của những người này.
Điều 249
Chương trình đào tạo tư tế phải dự liệu để các chủng sinh không những được học hỏi kỹ lưỡng về tiếng mẹ đẻ, mà còn thông thạo tiếng Latinh cũng như có kiến thức phù hợp về những ngoại ngữ nào xem ra cần thiết hoặc hữu ích cho việc đào tạo họ hoặc cho việc thi hành thừa tác vụ mục vụ.
Điều 250
Các môn triết học và thần học trong chủng viện có thể được giảng dạy kế tiếp nhau hoặc đồng thời với nhau, tùy theo chương trình đào tạo tư tế; những môn này phải kéo dài trong một thời gian tối thiểu là sáu năm trọn; hai năm dành cho các môn triết học và bốn năm dành cho các môn thần học.
Điều 251
Việc đào tạo triết học phải dựa vào di sản triết học có giá trị vĩnh cửu và cũng phải lưu tâm đến những tiến bộ của việc nghiên cứu triết học, việc đào tạo này phải được truyền đạt thế nào để hoàn chỉnh việc đào tạo nhân bản của các chủng sinh, để làm cho trí tuệ của họ được nhạy bén và để chuẩn bị cho họ có khả năng hơn để theo các lớp thần học.
Điều 252
§1. Việc đào tạo thần học phải được truyền đạt thế nào để các chủng sinh, trong ánh sáng đức tin và dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, am tường toàn bộ giáo lý Công Giáo dựa trên mặc khải của Thiên Chúa, tìm được lương thực cho đời sống thiêng liêng của họ ở đó và họ có thể loan truyền và biện hộ cho giáo lý ấy một cách đúng đắn trong khi thi hành thừa tác vụ.
§2. Các chủng sinh phải học Thánh Kinh một cách đặc biệt kỹ lưỡng để có được một cái nhìn về toàn bộ Thánh Kinh.
§3. Phải có các lớp học thần học tín lý, luôn dựa vào Lời Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh cùng với Thánh Truyền, để nhờ đó, với thánh Tôma làm tôn sư đặc biệt, các chủng sinh sẽ học biết tường tận hơn các mầu nhiệm cứu độ; ngoài ra, cũng phải có các lớp thần học luân lý và mục vụ, giáo luật, phụng vụ, giáo sử và những môn phụ hoặc chuyên ngành khác, chiếu theo những quy định của chương trình đào tạo tư tế.
Điều 253
§1. Giám mục hoặc các Giám mục liên hệ chỉ nên bổ nhiệm vào chức giáo sư các môn triết học, thần học và giáo luật, những người trổi vượt về nhân đức, có học vị tiến sĩ hoặc cử nhân của một đại học hoặc phân khoa được Tông Tòa công nhận.
§2. Phải liệu bổ nhiệm những giáo sư riêng biệt để dạy Thánh Kinh, thần học tín lý, thần học luân lý, phụng vụ, triết học, giáo luật, giáo sử và các môn khác theo phương pháp riêng.
§3. Giáo sư nào thiếu sót nghiêm trọng trong nhiệm vụ mình sẽ bị nhà chức trách được nói đến ở §1 giải nhiệm.
Điều 254
§1. Khi giảng dạy, các giáo sư luôn phải lưu ý đến tính thống nhất mật thiết và tính hòa hợp của toàn bộ giáo lý đức tin, để các chủng sinh ý thức được mình đang học một khoa học duy nhất; để đạt mục tiêu đó cách tốt đẹp, phải có một vị chịu trách nhiệm điều hành việc tổ chức toàn bộ các môn học trong chủng viện.
§2. Phải đào tạo các chủng sinh thế nào để họ trở thành những người có khả năng tìm hiểu các vấn đề bằng những việc nghiên cứu thích hợp và theo phương pháp khoa học; vì vậy, họ phải có những sinh hoạt thực tập, trong đó họ học làm quen với một vài môn học bằng cách làm việc riêng, dưới sự hướng dần của các giáo sư.
Điều 255
Mặc dù toàn bộ việc đào tạo chủng sinh trong chủng viện đều nhằm mục đích mục vụ, nhưng phải có một chương trình đào tạo chuyên biệt về mục vụ; nhờ đó các chủng sinh học biết các nguyên tắc và phương pháp liên quan tới việc thực hành thừa tác vụ giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo dân Chúa, tuy vẫn phải lưu ý tới các nhu cầu của mỗi thời và mỗi nơi.
Điều 256
§1. Các chủng sinh phải được đào tạo chu đáo trong các lĩnh vực đặc biệt liên quan đến thừa tác vụ thánh, nhất là về việc thực hành huấn giáo và giảng thuyết, về việc thờ phượng Thiên Chúa, cách riêng là việc cử hành các bí tích, về việc giao tiếp với mọi người, kể cả những người ngoài Công Giáo hoặc những người không tin, về việc điều hành giáo xứ và những trách vụ khác phải chu toàn.
§2. Phải dạy cho các chủng sinh biết những nhu cầu của Giáo Hội phổ quát, để họ quan tâm đến việc cổ vũ các ơn gọi, các vấn đề truyền giáo, đại kết và các vấn đề cấp bách khác, kể cả những vấn đề xã hội.
Điều 257
§1. Phải đào tạo các chủng sinh thế nào để họ không những quan tâm đến Giáo Hội địa phương nơi họ nhập tịch để phục vụ, mà còn quan tâm đến Giáo Hội phổ quát nữa, và sẵn sàng hiến thân cho các Giáo Hội địa phương đang có những nhu cầu thiết yếu.
§2. Giám mục giáo phận phải lo liệu cho các giáo sĩ có ý định rời Giáo Hội địa phương của họ để tới một Giáo Hội địa phương thuộc miền khác được chuẩn bị thích đáng để thi hành thừa tác vụ thánh tại đó, cụ thể là học ngôn ngữ địa phương, am tường những định chế, những điều kiện xã hội, những phong tục và tập quán của miền đó.
Điều 258
Để học hỏi nghệ thuật tông đồ bằng việc thực hành trong thời gian học, và đặc biệt trong những kỳ nghỉ, luôn dưới sự hướng dẫn của một tư tế có kinh nghiệm, các chủng sinh phải khởi sự thực tập việc mục vụ bằng những công tác thích hợp và phù hợp với lứa tuổi của họ cũng như với những hoàn cảnh địa phương, được xác định theo sự phán đoán của Đấng Bản Quyền.
Điều 259
§1. Giám mục giáo phận, hoặc các Giám mục liên hệ, nếu là chủng viện liên giáo phận, quyết định về những gì liên quan đến việc chỉ đạo tối cao và việc quản trị chung của chủng viện.
§2. Giám mục giáo phận, hoặc các Giám mục liên hệ, nếu là chủng viện liên giáo phận, phải thường xuyên đích thân đến thăm chủng viện; các ngài phải theo dõi việc đào tạo các chủng sinh của mình, việc giảng dạy triết học và thần học tại chủng viện; các ngài còn phải tìm hiểu về ơn gọi, tính tình, lòng đạo đức và sự tiến bộ của các chủng sinh, nhất là để truyền các chức thánh.
Điều 260
Trong khi chu toàn nhiệm vụ riêng của mình, tất cả mọi người phải vâng lời vị giám đốc là người có trách nhiệm điều hành chủng viện hằng ngày, chiếu theo chương trình đào tạo tư tể và nội quy của chủng viện.
Điều 261
§1. Giám đốc chủng viện, và dưới quyền ngài là các vị điều hành và các giáo sư, mỗi người theo phận sự của mình, phải lo liệu để các chủng sinh giữ đúng mọi quy tắc trong chương trình đào tạo tư tế và nội quy của chủng viện.
§2. Giám đốc chủng viện và giám học phải ân cần lo cho các giáo sư chu toàn đúng phận sự của họ theo những quy định của chương trình đào tạo tư tế và nội quy của chủng viện.
Điều 262
Chủng viện phải được miễn khỏi quyền lãnh đạo của giáo xứ; giám đốc chủng viện hoặc người được ngài ủy quyền phải thi hành chức vụ cha sở đối với hết mọi người trong chủng viện, ngoại trừ vấn đề hôn nhân và miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 985.
Điều 263
Giám mục giáo phận, hoặc các Giám mục liên hệ, nếu là chủng viện liên giáo phận, theo phần đã được các ngài ấn định qua một sự thỏa thuận chung, phải lo cung ứng cho việc xây dựng và bảo trì chủng viện, việc nuôi dưỡng các chủng sinh, thù lao cho các giáo sư và các nhu cầu khác của chủng viện.
Điều 264
§1. Để cung ứng cho các nhu cầu của chủng viện, ngoài tiền quyên góp được nói đến ở điều 1266, Giám mục có thể bổ một khoản đóng góp trong giáo phận.
§2. Tất cả mọi pháp nhân thuộc Giáo Hội, kể cả các pháp nhân tư, có trụ sở trong giáo phận, phải đóng góp cho chủng viện, trừ khi những pháp nhân đó chỉ sống nhờ của bố thí hoặc trong những pháp nhân ấy hiện có một hiệp đoàn giáo sư hay sinh viên nhằm mục đích cổ động cho công ích của Giáo Hội; sự đóng góp này có tính cách phổ quát, tương xứng với hoa lợi của những người đóng góp và được ấn định tùy theo những nhu cầu của chủng viện.