Chương 2. Sự nhập tịch của các giáo sĩ (Điều 265-272)

Điều 265

Bất cứ giáo sĩ nào cũng phải nhập tịch hoặc vào một Giáo Hội địa phương hay vào một hạt giám chức tòng nhân, hoặc vào một tu hội thánh hiến hay vào một tu đoàn có năng quyền đó; như vậy, tuyệt đối không chấp nhận các giáo sĩ không có Bề Trên hoặc không có cư sở.

Điều 266

§1. Do việc lãnh chức phó tế, một người trở thành giáo sĩ và được nhập tịch vào một Giáo Hội địa phương hoặc một hạt giám chức tòng nhân mà họ được tiến chức để phục vụ.

§2. Thành viên đã khấn trọn đời trong một hội dòng hoặc đã vĩnh viễn gia nhập một tu đoàn tông đồ giáo sĩ được nhập tịch như một giáo sĩ vào hội dòng hay tu đoàn ấy do việc lãnh chức phó tế, trừ khi hiến pháp của tu đoàn ấn định cách khác.

§3. Do việc lãnh chức phó tế, thành viên của một tu hội đời được nhập tịch vào Giáo Hội địa phương nơi họ được tiến chức để phục vụ, trừ khi được Tông Tòa chuẩn nhượng cho nhập tịch vào chính tu hội.

Điều 267

§1. Để được nhập tịch hữu hiệu vào một Giáo Hội địa phương khác, một giáo sĩ đã nhập tịch rồi cần phải có văn thư xuất tịch của Giám mục giáo phận do chính ngài ký tên; và cũng phải được Giám mục giáo phận của Giáo Hội địa phương tại nơi giáo sĩ ước muốn nhập tịch ban văn thư nhập tịch do chính ngài ký tên.

§2. Như vậy, việc xuất tịch được cấp chỉ có hiệu lực sau khi đã được nhập tịch vào một Giáo Hội địa phương khác.

Điều 268

§1. Giáo sĩ nào đã rời Giáo Hội địa phương của mình sang một Giáo Hội địa phương khác cách hợp pháp, thì chiếu theo luật định sẽ được nhập tịch vào Giáo Hội địa phương đó sau năm năm, nếu đương sự đã viết đơn ngỏ ý với Giám mục giáo phận của Giáo Hội tiếp nhận, cũng như với Giám mục riêng của mình, và nếu không vị nào trong hai vị tỏ ý phản kháng bằng văn thư trong thời gian bốn tháng kể từ ngày nhận được đơn.

§2. Do việc được thâu nhận trọn đời hay vĩnh viễn vào một tu hội thánh hiến hay một tu đoàn tông đồ, giáo sĩ nào, chiếu theo quy tắc của điều 266 §2, đã được nhập tịch vào tu hội hoặc tu đoàn ấy thì được xuất tịch khỏi Giáo Hội địa phương của mình.

Điều 269

Giám mục giáo phận không được cho phép một giáo sĩ nhập tịch trừ khi:

nhu cầu hoặc ích lợi của Giáo Hội địa phương đòi hỏi, và phải tuân giữ những quy định của luật liên quan tới việc cấp dưỡng xứng hợp cho các giáo sĩ.

ngài biết chắc phép xuất tịch đã được ban qua một văn thư hợp pháp, và ngài còn được Giám mục giáo phận cho xuất tịch cung cấp những chứng từ thích hợp, một cách bí mật nếu cần, về đời sống, tư cách và việc học hành của giáo sĩ.

giáo sĩ đã tỏ bày bằng văn thư với chính Giám mục giáo phận rằng mình muốn hiến thân phục vụ Giáo Hội địa phương mới, chiếu theo quy tắc của luật.

Điều 270

Chỉ có thể cho phép xuất tịch một cách hợp pháp khi có những lý do chính đáng, chẳng hạn như lợi ích của Giáo Hội hoặc thiện ích của chính giáo sĩ; tuy nhiên, không được từ chối ban phép xuất tịch, trừ khi có những lý do quan trọng, nhưng giáo sĩ nào thấy mình bị thiệt thòi và tìm được một Giám mục đón nhận thì được phép thượng cầu chống lại quyết định ấy.

Điều 271

§1. Ngoài trường hợp thật sự cần thiết cho Giáo Hội địa phương mình, Giám mục giáo phận không được từ chối cho phép các giáo sĩ mà ngài biết là họ đã sẵn sàng và có đủ khả năng đi tới những miền thiếu giáo sĩ nghiêm trọng để thi hành thừa tác vụ thánh, tuy nhiên, ngài phải liệu sao để các quyền lợi và nhiệm vụ của những giáo sĩ ấy được ấn định qua một văn thư thỏa thuận với Giám mục giáo phận tại nơi họ đến.

§2. Giám mục giáo phận có thể cho phép các giáo sĩ của mình tới một Giáo Hội địa phương khác trong một thời gian nhất định, tuy có thể gia hạn nhiều lần, tuy nhiên, những giáo sĩ đó vẫn nhập tịch tại Giáo Hội địa phương của mình, và khi trở về, họ vẫn được hưởng mọi quyền lợi vốn có, như thể họ đã thi hành thừa tác vụ thánh tại đây.

§3. Giáo sĩ nào đã chuyển sang một Giáo Hội địa phương khác cách hợp lệ, nhưng còn nhập tịch tại Giáo Hội mình, thì vẫn có thể bị Giám mục giáo phận mình triệu hồi vì một lý do chính đáng, miễn là vẫn tôn trọng những thỏa thuận đã ký kết với Giám mục kia, cũng như sự hợp tình hợp lý tự nhiên; cũng thế, một khi đã tuân giữ cùng những điều kiện đó, Giám mục của giáo phận kia có thể từ chối cho phép giáo sĩ lưu lại trong địa hạt của ngài vì một lý do chính đáng.

Điều 272

Giám Quản giáo phận không thể ban phép xuất tịch và nhập tịch, cũng không thể ban phép chuyển sang một Giáo Hội địa phương khác, trừ khi tòa giám mục đã khuyết vị được một năm và có sự đồng ý của ban tư vấn.

Chương 1. Việc đào tạo giáo sĩ (Điều 232-264)Chương 3. Nghĩa vụ và quyền lợi của giáo sĩ (Điều 273-289)