Chương 3. Nghĩa vụ và quyền lợi của giáo sĩ (Điều 273-289)

Điều 273

Các giáo sĩ có nghĩa vụ đặc biệt phải tỏ lòng kính trọng và vâng phục Đức Giáo Hoàng và Đấng Bản Quyền của mình.

Điều 274

§1. Chỉ các giáo sĩ mới có thể đảm nhận những giáo vụ mà việc thi hành đòi phải có quyền thánh chức hoặc quyền lãnh đạo trong Giáo Hội.

§2. Trừ khi có ngăn trở hợp pháp miễn cho, các giáo sĩ buộc phải lãnh nhận và trung thành chu toàn nhiệm vụ được Đấng Bản Quyền của mình trao phó.

Điều 275

§1. Vì hoạt động của tất cả các giáo sĩ đều nhằm đến việc xây dựng Thân Mình Đức Kitô, nên họ phải hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ và lời cầu nguyện, và phải cộng tác với nhau theo những quy định của luật riêng.

§2. Các giáo sĩ phải nhìn nhận và cổ vũ sứ mạng mà các giáo dân thi hành, mỗi người theo phần mình, trong Giáo Hội và trong thế giới.

Điều 276

§1. Trong cuộc sống của mình, các giáo sĩ buộc phải theo đuổi sự thánh thiện vì một lý do đặc biệt, bởi vì do việc lãnh bí tích truyền chức, họ đã được thánh hiến cho Thiên Chúa với một tước hiệu mới, họ là những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa để phục vụ dân Ngài.

§2. Để có thể đạt tới sự trọn lành ấy:

trước hết, họ phải chu toàn những nghĩa vụ của thừa tác vụ mục vụ một cách trung thành và không mệt mỏi;

họ phải nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình bằng hai bàn tiệc Thánh Kinh và Thánh Thể; vì thế, các tư tế được khẩn khoản mời gọi dâng Thánh Lễ mỗi ngày; còn các phó tế thì phải tham dự hiến lễ ấy hằng ngày;

các tư tế cũng như các phó tế chuẩn bị làm linh mục, hằng ngày buộc phải chu toàn các giờ kinh phụng vụ theo những sách phụng vụ riêng đã được phê chuẩn; còn các phó tế vĩnh viễn chỉ buộc chu toàn phần nào đã được Hội đồng Giám mục ấn định;

họ cũng buộc tham dự tĩnh tâm, theo những quy định của luật địa phương.

họ được khuyến khích thực hành việc tâm nguyện cách đều đặn, siêng năng lãnh nhận bí tích sám hối, tôn sùng Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa cách đặc biệt, và sử dụng các phương thế thánh hóa khác, chung hay riêng.

Điều 277

§1. Các giáo sĩ buộc phải giữ đức khiết tịnh hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời, vì vậy, họ phải sống bậc độc thân là một hồng ân riêng của Thiên Chúa, nhờ đó, các thừa tác viên có chức thánh có thế kết hợp với Đức Kitô dễ dàng hơn bằng một con tim không chia sẻ và được thong dong hơn để hiến thân phụng sự Thiên Chúa và nhân loại.

§2. Các giáo sĩ phải hết sức thận trọng khi giao tiếp với những người mà việc năng lui tới có thể gây nguy hại cho nghĩa vụ giữ đức khiết tịnh của mình hoặc sinh gương xấu cho các tín hữu.

§3. Giám mục giáo phận ấn định những quy tắc rõ ràng hơn về vấn đề này, và thẩm định việc tuân giữ nghĩa vụ này trong những trường hợp đặc biệt.

Điều 278

§1. Các giáo sĩ triều có quyền thành lập hiệp hội cùng với những người khác nhằm theo đuổi những mục đích phù hợp với bậc giáo sĩ.

§2. Các giáo sĩ triều phải thấy tầm quan trọng của các hiệp hội, nhất là các hiệp hội mà nội quy đã được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn, nhằm thúc giục nhau nên thánh trong việc thi hành tác vụ, giúp các giáo sĩ hiệp nhất với nhau và với Giám mục của mình, nhờ có một luật sống thích hợp và được chấp nhận hợp lệ, cũng như nhờ sự tương trợ huynh đệ.

§3. Các giáo sĩ không được thiết lập hay tham gia các hiệp hội mà mục đích cũng như hoạt động không tương hợp với những nghĩa vụ riêng của bậc giáo sĩ, hoặc có thể gây trở ngại cho việc cần mẫn chu toàn các nhiệm vụ do nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội trao phó.

Điều 279

§1. Ngay cả sau khi đã chịu chức tư tế, các giáo sĩ phải tiếp tục học các môn thánh khoa; phải theo sát học thuyết vững chắc dựa trên Thánh Kinh, được tiền nhân truyền lại và đã được tiếp nhận chung trong Giáo Hội, như đã được xác định, nhất là trong những văn kiện của các Công đồng và của các Đức Giáo Hoàng; họ nên tránh những trào lưu thế tục mới lạ và những khoa học giả hiệu.

§2. Dựa theo quy định của luật địa phương, các tư tế phải tham dự những khóa mục vụ được tổ chức sau khi đã chịu chức tư tế; và vào những thời kỳ do luật ấy ấn định, họ cũng phải tham dự những lớp học khác, những buổi hội thảo về thần học hoặc những buổi thuyết trình, nhờ đó, họ có cơ hội thu thập kiến thức sâu rộng hơn về các thánh khoa và về các phương pháp mục vụ.

§3. Các linh mục cũng phải tiếp tục thu thập kiến thức về những khoa học khác, nhất là những khoa học có liên hệ với những thánh khoa, đặc biệt khi kiến thức ấy giúp ích cho việc thi hành thừa tác vụ mục vụ.

Điều 280

Hết sức khuyến khích các giáo sĩ nên có một đời sống chung theo một hình thức nào đó; và ở đâu đã có đời sống chung thì phải duy trì hết sức có thể.

Điều 281

§1. Khi hiến thân cho thừa tác vụ của Giáo Hội, các giáo sĩ đáng được hưởng thù lao tương xứng với địa vị của họ, xét theo bản chất nhiệm vụ đảm trách cũng như các hoàn cảnh mỗi thời và mỗi nơi; nhờ đó họ có thể đáp ứng các nhu cầu cá nhân và trả công xứng đáng cho những người phục vụ họ.

§2. Cũng phải liệu sao để các giáo sĩ được hưởng trợ cấp xã hội, nhờ đó có thể chu cấp thích đáng cho những nhu cầu của họ trong trường hợp đau yếu, tàn tật hoặc cao niên.

§3. Các phó tế đã kết bạn hiến thân trọn vẹn cho tác vụ của Giáo Hội thì đáng được hưởng một khoản thù lao để có thể chu cấp cho những nhu cầu của bản thân và gia đình; còn những vị được hưởng một khoản thù lao hợp tình hợp lý do nghề nghiệp dân sự họ đang làm hay đã làm trước đây, thì hãy dùng lợi tức nghề nghiệp để lo liệu chu cấp cho những nhu cầu của bản thân và gia đình.

Điều 282

§1. Các giáo sĩ phải có một nếp sống giản dị và phải xa lánh tất cả những gì có vẻ hào nhoáng.

§2. Những gì nhận được khi thi hành giáo vụ, sau khi đã chu cấp xứng đáng cho bản thân và cho việc chu toàn mọi bổn phận của bậc mình, các giáo sĩ phải dành phần dư thừa cho lợi ích của Giáo Hội và những công cuộc bác ái.

Điều 283

§1. Dù không có giáo vụ gắn liền với trú sở, các giáo sĩ không được rời khỏi giáo phận trong một thời gian đáng kể, theo sự ấn định của luật địa phương, nếu không có phép Đấng Bản Quyền của mình, ít là được suy đoán.

§2. Tuy nhiên, hằng năm các giáo sĩ được hưởng một kỳ nghỉ phải chăng và vừa đủ, do luật phổ quát hoặc luật địa phương ấn định.

Điều 284

Các giáo sĩ phải mặc tu phục Giáo Hội xứng hợp, theo những quy tắc do Hội đồng Giám mục ban hành và theo tập tục hợp lệ tại địa phương.

Điều 285

§1. Các giáo sĩ phải tuyệt đối xa lánh tất cả những điều bất xứng với bậc mình, theo những quy định của luật địa phương.

§2. Họ phải tránh tất cả những điều, tuy không bất xứng, nhưng xa lạ với bậc giáo sĩ.

§3. Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền bao hàm sự tham gia vào việc hành sử quyền bính dân sự.

§4. Không có phép của Đấng Bản Quyền, các giáo sĩ không được quản trị những tài sản thuộc về giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải tường trình sổ sách; cũng không được đứng ra bảo đảm, cho dù dựa vào tài sản riêng mình, nếu không tham khảo ý kiến của Đấng Bản Quyền riêng; cũng thế, họ phải tránh ký kết những thương phiếu tài chính vì đó mà họ buộc phải trả tiền, dù không xác định rõ nguyên do.

Điều 286

Cấm các giáo sĩ đích thân hoặc nhờ người khác kinh doanh hoặc buôn bán nhằm kiếm lợi cho bản thân hoặc cho người khác, khi không có phép của nhà chức trách Giáo Hội hợp pháp.

Điều 287

§1. Các giáo sĩ phải luôn luôn hết sức cố gắng duy trì sự hòa bình và hòa hợp giữa mọi người, dựa trên nền tảng công lý.

§2. Các giáo sĩ không được tích cực tham gia vào các đảng phái chính trị, hoặc lãnh đạo các nghiệp đoàn, trừ khi theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và việc cổ vũ công ích đòi hỏi như vậy.

Điều 288

Các phó tế vĩnh viễn không buộc giữ những quy định của các điều 284, 285 §§3 và 4, 286, 287 §2, trừ khi luật địa phương ấn định cách khác.

Điều 289

§1. Vì nghĩa vụ quân sự hầu như không thích hợp cho bậc giáo sĩ, cho nên các giáo sĩ cũng như các ứng sinh chuẩn bị lãnh chức thánh không được tình nguyện tòng quân, nếu không có phép của Đấng Bản Quyền mình.

§2. Các giáo sĩ phải được hưởng những đặc miễn khỏi thi hành các nhiệm vụ và các chức vụ công quyền không thích hợp với bậc giáo sĩ mà luật dân sự, các hiệp định, hoặc các tập tục dành cho họ, trừ khi Đấng Bản Quyền riêng đã định cách khác trong những trường hợp đặc biệt.

Chương 2. Sự nhập tịch của các giáo sĩ (Điều 265-272)Chương 4. Mất bậc giáo sĩ (Điều 290-293)