Tiết 1. Đức Giáo Hoàng Rôma (Điều 331-335)
Điều 331
Giám mục của Giáo Hội Rôma là người giữ nhiệm vụ Chúa đã trao ban cách đặc biệt cho thánh Phêrô, thủ lãnh của các Tông Đồ, và nhiệm vụ đó phải được truyền lại cho các người kế vị ngài, ngài là thủ lãnh của Giám mục đoàn, là Đấng Đại Diện Đức Kitô và là Chủ Chăn của toàn thể Giáo Hội trên trần gian; vì thế, do nhiệm vụ mình, ngài có thường quyền tối cao, trọn vẹn, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội, và ngài luôn luôn có thể tự do thi hành quyền ấy.
Điều 332
§1. Đức Giáo Hoàng Rôma nhận lãnh quyền trọn vẹn và tối cao trong Giáo Hội do việc bầu cử hợp pháp mà ngài đã chấp nhận cùng với sự tấn phong Giám mục. Vì thế, vị nào đắc cử Giáo Hoàng mà đã có chức Giám mục, thì lãnh nhận quyền ấy ngay chính lúc ngài ưng nhận. Nhưng nếu vị đắc cử không có chức Giám mục, thì ngài phải được tấn phong Giám mục ngay lập tức.
§2. Nếu xảy ra trường hợp Đức Giáo Hoàng Rôma từ nhiệm, việc từ nhiệm phải được tự do và phải được bày tỏ cách hợp thức thì mới hữu hiệu, nhưng không cần được bất cứ ai chấp nhận.
Điều 333
§1. Do nhiệm vụ của ngài, Đức Giáo Hoàng Rôma không những có quyền trên Giáo Hội phổ quát, mà còn có thường quyền tối cao trên tất cả các Giáo Hội địa phương và những hợp đoàn của các Giáo Hội ấy, quyền tối cao này đồng thời củng cố và bảo đảm quyền riêng, thông thường và trực tiếp của các Giám mục trong các Giáo Hội địa phương được trao phó cho các ngài coi sóc.
§2. Khi chu toàn nhiệm vụ mục tử tối cao trong Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng luôn luôn hiệp thông với các Giám Mục khác cũng như với Giáo Hội phổ quát; tuy nhiên, ngài có quyền xác định cách thức thi hành nhiệm vụ này, hoặc đơn phương, hoặc với hiệp đoàn, tùy theo các nhu cầu của Giáo Hội.
§3. Không được kháng cáo và cũng không được thượng cầu chống lại một phán quyết hay một sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng Rôma.
Điều 334
Các Giám mục hỗ trợ Đức Giáo Hoàng Rôma trong khi ngài thi hành nhiệm vụ, bằng cách cộng tác với ngài dưới những hình thức khác nhau, như Thượng Hội đồng Giám Mục. Ngoài ra, ngài còn được sự trợ giúp của các Nghị Phụ Hồng y cũng như của những nhân vật khác và của những tố chức khác nhau, tùy theo những nhu cầu của thời đại; nhân danh ngài và dưới quyền ngài, tất cả các nhân vật và các tổ chức này chu toàn nhiệm vụ đã được ủy thác cho họ để mưu cầu thiện ích cho tất cả các Giáo Hội, theo những quy tắc do luật ấn định.
Điều 335
Khi Tòa Rôma khuyết vị hoặc hoàn toàn bị cản trở, thì không được thay đổi bất cứ điều gì trong việc lãnh đạo Giáo Hội phổ quát nhưng phải tuân hành những luật lệ đặc biệt đã được ban hành cho những hoàn cảnh ấy.