Tiết 2. Giám mục đoàn (Điều 336-341)
Điều 336
Giám mục đoàn gồm có đầu là Đức Giáo Hoàng và những chi thể là các Giám mục do việc thánh hiến bằng bí tích và bởi sự hiệp thông phẩm trật với đầu và với các chi thể của hiệp đoàn, trong đó, đoàn Tông Đồ được duy trì mãi mãi, Giám mục đoàn cũng hiệp nhất với vị thủ lãnh, và không bao giờ được thiếu vị thủ lãnh là chủ thể của quyền tối cao và trọn vẹn trong Giáo Hội phổ quát.
Điều 337
§1. Giám mục đoàn thi hành quyền bính trên Giáo Hội phổ quát cách long trọng tại Công đồng chung.
§2. Giám mục đoàn thi hành chính quyền bính ấy qua hành động hiệp nhất của các Giám mục tản mác khắp thế giới, một hành động như thế phải do Đức Giáo Hoàng yêu cầu hoặc được ngài tự do chấp thuận, nhờ đó trở nên một hành động thực sự mang tính hiệp đoàn.
§3. Tùy nhu cầu Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Rôma tuyển chọn và đề xướng những cách thức để Giám mục đoàn thi hành nhiệm vụ của mình với tính hiệp đoàn đối với Giáo Hội phổ quát.
Điều 338
§1. Chỉ một mình Đức Giáo Hoàng Rôma triệu tập Công Đồng chung, đích thân hoặc nhờ những người khác chủ tọa, cũng như di chuyển, đình hoãn hoặc giải tán Công đồng, và phê chuẩn các sắc lệnh của Công đồng.
§2. Đức Giáo Hoàng Rôma cũng ấn định những vấn đề sẽ được bàn luận trong Công đồng và thiết lập nội quy phải giữ; các Nghị Phụ công đồng có thể thêm những vấn đề khác vào những vấn đề đã được Đức Giáo Hoàng Rôma đề xướng, nhưng phải được sự chuẩn y của ngài.
Điều 339
§1. Tất cả các Giám mục thành viên trong Giám mục đoàn và chỉ các ngài mới có quyền và bổn phận tham dự Công đồng chung với quyền biểu quyết.
§2. Một số người khác không có phẩm chức Giám mục cũng có thể được Quyền Bính Tối Cao trong Giáo Hội mời tham dự Công đồng chung, và chính quyền bính ấy phải chỉ định vai trò của họ trong Công đồng.
Điều 340
Nếu xảy ra trường hợp Tông Tòa khuyết vị trong thời gian họp Công đồng, thì đương nhiên Công đồng sẽ bị gián đoạn cho tới khi vị tân Giáo Hoàng truyền lệnh tiếp tục hoặc giải tán Công đồng.
Điều 341
§1. Các sắc lệnh của Công đồng chung chỉ có hiệu lực bắt buộc khi đã được Đức Giáo Hoàng Rôma cùng với các Nghị Phụ Công đồng phê chuẩn, và sau đó được ngài chuẩn y và truyền ban hành.
§2. Các sắc lệnh do Giám mục đoàn ban hành bằng một hành động mang tính hiệp đoàn, theo một hình thức khác được Đức Giáo Hoàng Rôma đề xuất hoặc được ngài tự do chấp thuận, cũng cần phải có sự chuẩn y và công bố như trên mới có hiệu lực bắt buộc.