Tiết 2. Khuyết vị (Điều 416-430)

Điều 416

Tòa giám mục khuyết vị khi Giám mục giáo phận qua đời, khi sự từ nhiệm của ngài được Đức Giáo Hoàng chấp thuận, khi ngài được thuyên chuyển và khi lệnh bãi nhiệm được thông báo cho ngài.

Điều 417

Tất cả những hành vi mà vị Tổng Đại Diện hoặc vị Đại Diện Giám mục đã thực hiện đều có hiệu lực hoàn toàn cho tới khi các ngài biết được tin chắc chắn là Giám mục giáo phận đã từ trần; cũng tương tự như thế, những hành vi mà Giám mục giáo phận, Tổng Đại Diện hay Đại Diện Giám Mục đã thực hiện đều có hiệu lực cho tới khi các ngài nhận được tin chắc chắn về các văn thư kể trên của Đức Giáo Hoàng.

Điều 418

§1. Trong vòng hai tháng kể từ khi nhận được tin chắc chắn về sự thuyên chuyển, Giám mục phải đến giáo phận mà ngài được sai đến và nhậm chức theo giáo luật; và kể từ ngày ngài nhậm chức trong giáo phận mới, giáo phận cũ của ngài trở thành khuyết vị.

§2. Từ khi nhận được tin chắc chắn về sự thuyên chuyển cho tới khi nhậm chức theo giáo luật tại giáo phận mới, thì trong giáo phận cũ, Giám mục được thuyên chuyển:

có quyền và có các nghĩa vụ tương đương như Giám Quản giáo phận; mọi quyền bính của Tổng Đại Diện và Đại Diện Giám mục chấm dứt, miễn là vẫn giữ nguyên điều 409 §2.

được hưởng trọn vẹn khoản thù lao dành cho giáo vụ.

Điều 419

Trong lúc tòa khuyết vị, việc lãnh đạo giáo phận thuộc quyền Giám mục phụ tá cho tới lúc đặt Giám Quản giáo phận, và nếu có nhiều Giám mục phụ tá, thì việc lãnh đạo giáo phận thuộc quyền vị nào thâm niên nhất tính theo thời gian thăng chức; nếu không có Giám mục phụ tá, thì việc lãnh đạo giáo phận thuộc quyền ban tư vấn, trừ khi Tòa Thánh dự liệu cách khác. Vị nào đảm nhiệm việc lãnh đạo giáo phận như vậy phải lập tức triệu tập Hội đồng có thẩm quyền để chỉ định vị Giám Quản giáo phận.

Điều 420

Nếu Tòa Thánh không ấn định cách khác, khi hạt đại diện tông tòa hoặc hạt phủ doãn tông tòa khuyết vị, việc lãnh đạo sẽ được đảm nhận do vị Quyền Đại Diện hoặc vị Quyền Phủ Doãn được vị Đại Diện hoặc vị Phủ Doãn bổ nhiệm chỉ vì mục đích ấy ngay sau khi nhậm chức.

Điều 421

§1. Trong vòng tám ngày kể từ khi nhận được tin tòa giám mục khuyết vị, ban tư vấn phải bầu vị Giám Quản giáo phận, tức là người phải tạm thời lãnh đạo giáo phận, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 502 §3.

§2. Nếu trong thời gian quy định, vị Giám Quản giáo phận chưa được bầu cử hợp lệ vì bất cứ lý do nào, thì việc chỉ định Giám Quản giáo phận thuộc quyền vị Trưởng Giáo Tỉnh, và nếu chính tòa Trưởng Giáo Tỉnh cũng khuyết vị, hoặc nếu tòa Trưởng Giáo Tỉnh bị trống cùng một lúc với một tòa thuộc Giáo Tỉnh, thì việc chỉ định Giám Quản giáo phận thuộc quyền Giám mục thâm niên nhất trong giáo tỉnh, tính theo thời gian thăng chức.

Điều 422

Giám mục phụ tá, và nếu không có Giám mục phụ tá thì ban tư vấn, phải thông báo sớm hết sức cho Tông Tòa biết tin Giám mục từ trần; vị được bầu làm Giám Quản giáo phận phải thông báo sớm hết sức cho Tông Tòa biết mình đã được chọn.

Điều 423

§1. Chỉ được chỉ định một vị Giám Quản giáo phận mà thôi; mọi tục lệ trái ngược đều phải bị bãi bỏ, nếu không, việc bầu cử sẽ vô hiệu.

§2. Giám Quản giáo phận không được kiêm nhiệm chức quản lý; vì thế, nếu quản lý của giáo phận được bầu làm Giám Quản, hội đồng kinh tế phải bầu một người khác làm quản lý tạm thời.

Điều 424

Phải bầu vị Giám Quản giáo phận chiếu theo quy tắc của các điều 165-178.

Điều 425

§1. Chỉ tư tế nào đã đủ ba mươi lăm tuổi và chưa bao giờ được chọn, được bổ nhiệm hoặc được đề cử cho chính tòa bị khuyết vị ấy mới có thể được chỉ định thành sự vào chức vụ Giám Quản giáo phận.

§2. Tư tế được chọn làm Giám Quản giáo phận phải là người trổi vượt về đạo đức và khôn ngoan.

§3. Nếu các điều kiện được quy định ở §1 không được tôn trọng, thì vị Trưởng Giáo Tỉnh, hoặc nếu tòa Trưởng Giáo Tỉnh khuyết vị, thì Giám mục thâm niên nhất trong giáo tỉnh tính theo thời gian thăng chức, sau khi đã biết rõ sự thực, phải chỉ định Giám Quản cho lần đó; các hành vi của người đã được chọn trái ngược với những quy định ở §1 đương nhiên vô hiệu.

Điều 426

Trong lúc tòa khuyết vị và trước khi Giám Quản giáo phận được chỉ định, vị nào lãnh đạo giáo phận thì được hưởng quyền mà luật dành cho vị Tổng Đại Diện.

Điều 427

§1. Giám Quản giáo phận buộc phải giữ các nghĩa vụ của Giám mục giáo phận và ngài có quyền của Giám mục giáo phận, ngoại trừ những gì bản chất sự việc hoặc chính luật đã loại trừ.

§2. Một khi đã chấp nhận việc đắc cử, Giám Quản giáo phận có quyền ngay mà không cần sự phê chuẩn của ai khác, nhưng phải giữ những nghĩa vụ được nói đến ở điều 833 §4.

Điều 428

§1. Trong lúc tòa khuyết vị, không được đổi mới bất cứ điều gì.

§2. Những người tạm thời lãnh đạo giáo phận không được làm bất cứ điều gì có thể gây thiệt hại cho giáo phận hoặc cho các quyền của Giám mục; đặc biệt cấm các vị ấy và bất cứ ai khác không được tự mình hay nhờ người khác lấy hoặc hủy bất cứ tài liệu nào của tòa giám mục, hoặc sửa đổi những tài liệu ấy.

Điều 429

Giám Quản giáo phận buộc phải giữ nghĩa vụ cư trú trong giáo phận và phải dâng Thánh Lễ cầu cho đoàn dân chiếu theo quy tắc của điều 388.

Điều 430

§1. Nhiệm Vụ Giám Quản giáo phận chấm dứt khi tân Giám mục nhậm chức trong giáo phận.

§2. Việc giải nhiệm Giám Quản giáo phận dành riêng cho Tòa Thánh; nếu chính vị Giám Quản giáo phận từ nhiệm, thì đơn từ nhiệm phải làm đúng thể thức và phải được trình cho Hội đồng có thẩm quyền bầu chọn, và sự từ nhiệm không cần phải được chấp thuận; trong trường hợp Giám Quản giáo phận bị giải nhiệm, hoặc từ nhiệm, hoặc qua đời, thì phải bầu một Giám Quản giáo phận khác chiếu theo quy tắc của điều 421.

Tiết 1. Cản tòa (Điều 412-415)Đề mục 2. Các hợp đoàn Giáo hội địa phương (Điều 431-459)