Chương 3. Các công đồng địa phương (Điều 439-446)
Điều 439
§1. Công đồng giáo miền là công đồng tập họp tất cả các Giáo Hội địa phương thuộc cùng một Hội đồng Giám Mục, phải được tổ chức mỗi khi Hội đồng Giám mục ấy xét thấy cần thiết hay hữu ích, với sự phê chuẩn của Tông Tòa.
§2. Quy tắc được ấn định ở §1 cũng được áp dụng cho việc tổ chức công đồng giáo tỉnh trong một giáo tỉnh mà ranh giới trùng với địa hạt của quốc gia.
Điều 440
§1. Công đồng giáo tỉnh tập họp nhiều Giáo Hội địa phương thuộc cùng một giáo tỉnh, phải được tổ chức mỗi khi đa số các Giám mục giáo phận trong giáo tỉnh xét thấy thuận lợi, miễn là vẫn giữ nguyên điều 439 §2.
§2. Không được triệu tập công đồng giáo tỉnh khi tòa của vị Trưởng Giáo Tỉnh khuyết vị.
Điều 441
Hội đồng Giám mục:
1° triệu tập công đồng giáo miền;
2° chọn địa điểm để tổ chức công đồng trong địa hạt của Hội đồng Giám mục;
3° bầu vị chủ tịch của công đồng giáo miền trong số các Giám mục giáo phận; vị này phải được Tông Tòa phê chuẩn;
4° thiết lập chương trình nghị sự và xác định các vấn đề cần được thảo luận, ấn định ngày khai mạc và thời gian họp của công đồng giáo miền; chuyển dời, kéo dài và bế mạc công đồng giáo miền.
Điều 442
§1. Vị Trưởng Giáo Tỉnh, với sự đồng ý của đa số các Giám mục thuộc giáo tỉnh:
1° triệu tập công đồng giáo tỉnh;
2° chọn địa điểm để tổ chức công đồng giáo tỉnh trong địa hạt của giáo tỉnh;
3° thiết lập chương trình nghị sự và xác định các vấn đề cần được thảo luận; ấn định ngày khai mạc và thời gian họp của công đồng giáo tỉnh; di chuyển, kéo dài và bế mạc công đồng giáo tỉnh.
§2. Vị Trưởng Giáo Tỉnh chủ tọa công đồng giáo tỉnh, và nếu ngài bị ngăn trở chính đáng, thì Giám mục thuộc giáo tỉnh được các Giám mục khác thuộc giáo tỉnh bầu lên có quyền đó.
Điều 443
§1. Những vị sau đây phải được triệu tập tham dự các công đồng địa phương với quyền biểu quyết:
1° các Giám mục giáo phận;
2° các Giám mục phó và phụ tá;
3° các Giám mục hiệu tòa khác đang đảm nhận trong địa hạt đó một nhiệm vụ đặc biệt do Tông Tòa hoặc Hội đồng Giám mục ủy nhiệm.
§2. Những Giám Mục hiệu tòa khác, kể cả những vị nguyên Giám mục đang cư trú trong địa hạt, có thể được mời tham dự các công đồng địa phương; những vị này cũng có quyền biểu quyết.
§3. Phải mời những vị sau đây tham dự các công đồng địa phương với quyền tư vấn mà thôi:
1° các Tổng Đại Diện và các Đại Diện Giám mục thuộc tất cả mọi Giáo Hội địa phương trong địa hạt; 2° các Bề Trên cấp cao của các hội dòng và các tu đoàn tông đồ, tuy nhiên số người, cả nam lẫn nữ, phải do Hội đồng Giám mục hoặc các Giám mục thuộc giáo tỉnh ấn định; những vị ấy được tất cả các Bề Trên cấp cao của các hôi dòng và các tu đoàn có trụ sở trong địa hạt bầu lên;
3° các Viện Trưởng trường đại học giáo sĩ và trường đại học Công Giáo, cũng như các Khoa Trưởng các phân khoa thần học và giáo luật có trụ sở trong địa hạt;
4° một số Giám Đốc các đại chủng Viện, nhưng số lượng phải được ấn định như đã được nói đến ở 2°, các vị này được các Giám Đốc chủng viện ở trong địa hạt bầu lên.
§4. Các linh mục và các Kitô hữu khác nữa cũng có thể được mời tham dự các công đồng địa phương với quyền tư vấn mà thôi; tuy nhiên, số người không vượt quá phân nửa những thành viên được nói đến ở §§1-3.
§5. Ngoài ra, cũng phải mời các kinh sĩ nhà thờ chính tòa cũng như hội đồng linh mục và hội đồng mục vụ của mỗi Giáo Hội địa phương tham dự các công đồng giáo tỉnh, nhưng mỗi đơn vị chỉ được gửi hai thành viên do họ chỉ định cách hiệp đoàn; tuy nhiên, những người này chỉ có quyền tư vấn mà thôi.
§6. Cũng có thể mời những người khác tham dự các công đồng địa phương với tư cách là thượng khách, nếu Hội đồng Giám mục xét là thích hợp đối với công đồng giáo miền, hoặc nếu vị Trưởng Giáo Tỉnh cùng với các Giám mục thuộc giáo tỉnh xét là thích hợp đối với công đồng giáo tỉnh.
Điều 444
§1. Tất cả những người được triệu tập tham dự các công đồng địa phương thì phải tham dự, trừ khi bị một ngăn trở chính đáng, nhưng họ phải báo cho vị chủ tọa công đồng biết điều đó.
§2. Những người được triệu tập tham dự các công đồng địa phương với quyền biểu quyết có thể cử một người đại diện đi dự, nếu họ bị một ngăn trở chính đáng; người đại diện này chỉ có quyền tư vấn mà thôi.
Điều 445
Công đồng địa phương phải liệu sao để đáp ứng mọi nhu cầu mục vụ cho dân Chúa trong địa hạt của mình; công đồng địa phương có quyền lãnh đạo, đặc biệt là quyền lập pháp, tuy vẫn luôn luôn tuân giữ luật phổ quát của Giáo Hội, sao cho có thể quyết định những gì xét là thích hợp để làm cho đức tin được tăng trưởng, để chỉ đạo hoạt động mục vụ chung, để điều chỉnh các phong tục, để cổ vũ việc tuân giữ và bảo vệ kỷ luật chung của Giáo Hội.
Điều 446
Một khi công đồng địa phương đã bế mạc, vị chủ tọa phải liệu sao để chuyển tất cả mọi văn kiện của công đồng về Tông Tòa; các sắc lệnh do công đồng biểu quyết chỉ được ban hành sau khi đã được Tông Tòa duyệt y; chính công đồng xác định thể thức ban hành các sắc lệnh và các thời hạn mà các sắc lệnh được ban hành bắt đầu có hiệu lực bó buộc.