Chương 4. Các hội đồng Giám mục (Điều 447-459)

Điều 447

Hội đồng Giám mục, một định chế có tính cách thường trực, là đoàn thể các Giám mục của một quốc gia hoặc một địa hạt nhất định, cùng nhau thi hành một số nhiệm vụ mục vụ cho các Kitô hữu thuộc địa hạt đó, nhằm cổ vũ lợi ích lớn hơn mà Giáo Hội cống hiến cho mọi người, nhất là qua các hình thức và các phương pháp làm việc tông đồ được thích nghi cho phù hợp với những hoàn cảnh của mỗi thời và mỗi nơi, chiếu theo quy tắc của luật.

Điều 448

§1. Hội đồng Giám mục, theo quy tắc chung, gồm các vị lãnh đạo của tất cả các Giáo Hội địa phương thuộc cùng một quốc gia, chiếu theo quy tắc của điều 450.

§2. Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh con người hoặc sự việc đòi hỏi, theo sự thẩm định của Tông Tòa, sau khi đã bàn hỏi với các Giám mục giáo phận liên hệ, một Hội đồng Giám mục có thể được thiết lập cho một địa hạt lớn hay nhỏ; như vậy, Hội đồng hoặc chỉ gồm những Giám mục của một số Giáo Hội địa phương được thiết lập trong một địa hạt nhất định, hoặc gồm các vị lãnh đạo của các Giáo Hội địa phương thuộc các quốc gia khác nhau; chính Tông Tòa ấn định các quy tắc riêng cho mỗi Hội đồng Giám Mục.

Điều 449

§1. Chỉ có Quyền Bính Tối Cao của Giáo Hội, sau khi đã tham khảo ý kiến của các Giám mục liên hệ, thành lập, bãi bỏ hoặc thay đổi các Hội đồng Giám mục.

§2. Hội đồng Giám mục được thành lập cách hợp pháp đương nhiên được hưởng tư cách pháp nhân.

Điều 450

§1. Tất cả các Giám mục giáo phận trong địa hạt và tất cả các vị được luật đồng hóa với các ngài, cũng như các Giám mục phó, các Giám mục phụ tá và các Giám mục hiệu tòa khác đang đảm nhận trong cùng địa hạt đó một nhiệm vụ đặc biệt do Tông Tòa hoặc do Hội đồng Giám Mục ủy thác, là thành viên đương nhiên của Hội đồng Giám mục, các Đấng Bản Quyền thuộc một lễ điển khác cũng có thể được mời tham dự, nhưng các vị này chỉ có quyền tư vấn mà thôi, trừ khi quy chế của Hội đồng Giám Mục ấn định cách khác.

§2. Các Giám mục hiệu tòa khác và các Đặc Sứ của Đức Giáo Hoàng, theo luật chung, không phải là thành viên của Hội đồng Giám mục.

Điều 451

Mỗi Hội đồng Giám mục phải soạn thảo quy chế riêng, và các quy chế này phải được Tông Tòa chuẩn y, trong đó, ngoài các vấn đề khác, phải dự kiến các phiên họp khoáng đại của hội đồng và phải dự trù thành lập ban thường vụ các Giám mục và văn phòng tổng thư ký của hội đồng, cũng như các chức vụ và các ủy ban khác, để giúp theo đuổi mục đích cách hữu hiệu nhất, theo sự thẩm định của Hội đồng.

Điều 452

§1. Mỗi Hội đồng Giám mục phải bầu vị chủ tịch Hội Đồng, phải xác định người nào sẽ đảm nhận chức vụ quyền chủ tịch trong trường hợp chủ tịch bị ngăn trở chính đáng, và phải chỉ định một tổng thư ký, chiếu theo quy tắc của các quy chế.

§2. Chủ tịch hội đồng, và khi vị này bị ngăn trở chính đáng, thì phó chủ tịch chủ tọa không những các phiên họp khoáng đại của Hội đồng Giám mục mà còn chủ tọa cả ban thường vụ nữa.

Điều 453

Các phiên họp khoáng đại của Hội đồng Giám mục phải được tổ chức ít nhất là mỗi năm một lần và mỗi khi các hoàn cảnh riêng đòi hỏi, theo những quy định của quy chế.

Điều 454

§1. Trong các phiên họp khoáng đại của Hội đồng Giám Mục, các Giám mục giáo phận cũng như các vị được luật đồng hóa với các ngài, và các Giám mục phó đương nhiên có quyền biểu quyết.

§2. Các Giám mục phụ tá và các Giám mục hiệu tòa khác thuộc Hội Đông Giám mục có quyền biểu quyết hoặc quyền tư vấn tùy theo những quy định của quy chế hội đồng; tuy nhiên, phải nắm vững điều này là khi bàn về việc soạn thảo hoặc sửa đổi quy chế, thì chỉ có những vị được nói đến ở §1 mới có quyền biểu quyết.

Điều 455

§1. Hội đồng Giám mục chỉ có thể ban hành những sắc luật trong những vấn đề mà luật phổ quát đã quy định, hay khi một quyết định riêng của Tông Tòa đã ấn định điều đó bằng Tự sắc, hoặc do lời thỉnh cầu của chính Hội đồng.

§2. Để được ban hành hữu hiệu trong phiên họp khoáng đại, các sắc luật được nói đến ở §1 cần phải hội đủ ít là hai phần ba số phiếu của các Giám mục có quyền biểu quyết trong Hội đồng; và các sắc luật chỉ có hiệu lực khi đã được chính thức ban hành, sau khi đã được Tông Tòa chuẩn y.

§3. Cách thức ban hành và thời gian các sắc luật bắt đầu có hiệu lực phải do chính Hội đồng Giám mục ấn định.

§4. Trong những trường hợp luật phổ quát cũng như ủy nhiệm riêng của Tông Tòa không cấp cho Hội đồng Giám Mục quyền được nói đến ở §1, thì mỗi Giám mục giáo phận vẫn giữ trọn thẩm quyền của mình; Hội đồng hoặc chủ tịch hội đồng đều không thể hành động nhân danh tất cả các Giám mục, nếu không được sự đồng ý của tất cả và của từng Giám mục.

Điều 456

Một khi phiên họp khoáng đại của Hội đồng Giám mục đã bế mạc, chủ tịch phải gửi về Tông Tòa bản phúc trình về các công việc cũng như các sắc lệnh của Hội đồng, để tường trình cho Tông Tòa biết các công việc đó và để Tông Tòa chuẩn nhận các sắc luật, nếu có.

Điều 457

Ban thường vụ của các Giám mục chuẩn bị những vấn đề sẽ được bàn thảo trong phiên họp khoáng đại của Hội Đồng và việc thi hành những quyết định đã được biểu quyết trong phiên họp khoáng đại; ban thường vụ cũng giải quyết những vấn đề khác đã được ủy thác chiếu theo quy tắc của các quy chế.

Điều 458

Văn phòng tổng thư ký:

soạn thảo bản phúc trình về các công việc và các sắc lệnh của phiên họp khoáng đại của Hội đồng cũng như các văn kiện của ban thường vụ các Giám mục, và gửi cho tất cả các thành viên của Hội đồng, soạn thảo các văn kiện khác đã được chủ tịch hội đồng hoặc ban thường vụ ủy thác;

trao đổi với các Hội đồng Giám mục kế cận nhau các văn kiện và tài liệu mà Hội đồng trong phiên họp khoáng đại hoặc ban thường vụ các Giám mục đã ấn định phải chuyển cho họ.

Điều 459

§1. Những quan hệ giữa các Hội đồng Giám mục, nhất là giữa các Hội đồng Giám mục kế cận với nhau phải được phát huy để cổ vũ và bảo đảm một lợi ích lớn lao hơn.

§2. Tuy nhiên, mỗi khi khởi xướng những hoạt động hoặc đề cập đến những vấn đề có tính cách quốc tế, các hội đồng phải tham khảo ý kiến của Tòa Thánh.

Chương 3. Các công đồng địa phương (Điều 439-446)Đề mục 3. Tổ chức nội bộ của các Giáo hội địa phương (Điều 460-572)