Chương 2. Những nghị định và những mệnh lệnh (Điều 48-58)

Điều 48

Nghị định là văn kiện hành chính do nhà chức trách hành pháp ban hành chiếu theo quy tắc luật định, nhằm đưa ra một quyết định hay một việc dự phòng trong một trường hợp đặc biệt; theo bản chất, việc quyết định và việc dự phòng này không giả thiết là phải có người yêu cầu.

Điều 49

Mệnh lệnh là sắc lệnh buộc cách trực tiếp và hợp pháp một cá nhân hay nhiều người nhất định phải làm hoặc bỏ một điều gì, nhất là để thúc bách họ giữ luật.

Điều 50

Trước khi ban hành một nghị định, nhà chức trách phải truy tầm các thông tin và chứng cớ cần thiết, và ngần nào có thể, phải lắng nghe những người mà quyền lợi của họ có thể bị tổn thương.

Điều 51

Sắc lệnh phải được ban hành bằng văn bản, nếu là một quyết định thì phải trình bày các lý do, ít là cách sơ lược.

Điều 52

Nghị định chỉ có hiệu lực đối với sự việc đã được ấn định và đối với những người đã được nhằm đến; nghị định ràng buộc những người này bất kỳ ở đâu, trừ khi đã rõ cách khác.

Điều 53

Nếu các sắc lệnh trái ngược nhau, thì nghị định có giá trị hơn sắc luật trong những điểm được nêu lên cách riêng; nếu cả hai sắc lệnh đều là nghị định hay sắc luật, thì sắc lệnh sau sửa đối sắc lệnh trước trong những gì ngược với sắc lệnh trước.

Điều 54

§1. Khi việc áp dụng một nghị định được ủy thác cho một người thi hành, thì nghị định có hiệu lực từ khi thi hành; nếu không, thì nghị định có hiệu lực từ lúc nhà chức trách ban hành nghị định thông báo cho đương sự biết.

§2. Để có thể thúc bách việc thi hành nghị định, phải thông báo nghị định bằng văn thư hợp pháp chiếu theo quy tắc của luật.

Điều 55

Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 37 và 51, khi có một lý do rất nghiêm trọng ngăn trở việc trao văn bản, sắc lệnh vẫn được xem như đã được thông báo, nếu đã được đọc cho đương sự nghe trước mặt một công chứng viên hay trước mặt hai nhân chứng, sau đó phải lập biên bản và tất cả những người hiện diện phải ký tên vào đó.

Điều 56

Một sắc lệnh được xem như đã được thông báo, nếu đương sự đã được triệu tập cách hợp lệ để nhận hay nghe đọc sắc lệnh, nhưng đã không chịu đến hay không chịu ký tên, dù không có lý do chính đáng.

Điều 57

§1. Mỗi khi luật buộc phải ban hành sắc lệnh hay khi đương sự thỉnh cầu hoặc thượng cầu một cách hợp pháp để được một sắc lệnh, thì nhà chức trách có thẩm quyền phải phúc đáp trong vòng ba tháng kể từ khi nhận được đơn thỉnh cầu hay đơn thượng cầu, trừ khi luật đã ấn định một thời hạn khác.

§2. Hết thời hạn này, nếu sắc lệnh chưa được ban hành thì việc trả lời được suy đoán là bị từ chối đối với việc trình bày trong đơn thượng cầu sau.

§3. Dù việc trả lời được suy đoán là bị từ chối, nhà chức trách có thẩm quyền vẫn phải giữ nghĩa vụ ban hành sắc lệnh và cả nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu có, chiếu theo quy tắc của điều 128.

Điều 58

§1. Một nghị định hết hiệu lực do sự thu hồi cách hợp pháp của nhà chức trách có thẩm quyền cũng như do sự chấm dứt của luật vì đó mà nghị định được ban để thi hành.

§2. Một mệnh lệnh không được ban hành chính thức bằng một văn bản sẽ chấm dứt do sự mãn nhiệm của người đã ban hành mệnh lệnh.

Chương 1. Những quy tắc chung (Điều 35-47)Chương 3. Phúc chiếu (Điều 59-75)