Chương 3. Phúc chiếu (Điều 59-75)
Điều 59
§1. Phúc chiếu là hành vi hành chính do nhà chức trách có thẩm quyền hành pháp ban hành bằng văn bản; tự bản chất, phúc chiếu ban một đặc ân, một ơn miễn chuẩn hay một ân huệ nào khác, theo sự thỉnh cầu của một người.
§2. Những quy định về phúc chiếu cũng có giá trị đối với việc ban phép hay ban ân huệ bằng miệng, trừ khi đã rõ cách khác.
Điều 60
Tất cả những ai không bị cấm cách minh nhiên đều có thể xin bất cứ phúc chiếu nào.
Điều 61
Trừ khi đã rõ cách khác, có thể xin phúc chiếu cho một người khác, ngay cả khi người đó không đồng ý, và phúc chiếu có hiệu lực cả trước khi người đó chấp thuận, miễn là vẫn giữ nguyên những điều khoản trái ngược.
Điều 62
Một phúc chiếu không chỉ định người chấp hành thì có hiệu lực kể từ lúc ban văn thư, còn những phúc chiếu khác có hiệu lực kể từ lúc được chấp hành.
Điều 63
§1. Sự ẩn khai hoặc che giấu sự thật sẽ vô hiệu hóa phúc chiếu, nếu trong đơn xin đã không trình bày điều cần phải trình bày để thành sự, chiếu theo luật, theo cách thức hành văn và theo thủ tục giáo luật, trừ khi đó là một phúc chiếu ban ân huệ được ban dưới hình thức Tự sắc.
§2. Sự mạo khai hay khai điều giả dối cũng vô hiệu hóa phúc chiếu, nếu trong số những lý do được viện dẫn không có một lý do nào là đúng sự thực.
§3. Đối với những phúc chiếu không có người thi hành, thì lý do được viện dẫn phải đúng sự thực kể từ lúc ban hành phúc chiếu; còn đối với những phúc chiếu khác, thì kể từ lúc được chấp hành.
Điều 64
Miễn là vẫn giữ nguyên quyền của Tòa Ân Giải đối với tòa trong, một ân huệ đã bị một Bộ của Giáo Triều Rôma khước từ, thì không có Bộ nào khác của cùng Giáo Triều hay không có một nhà chức trách có thẩm quyền nào khác dưới Đức Giáo Hoàng có thể ban cách hữu hiệu được, nếu không có sự chấp thuận của Bộ đã cứu xét đầu tiên.
Điều 65
§1. Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của §2 và §3, không ai được xin một Đấng Bản Quyền khác ban cho một ân huệ đã bị Đấng Bản Quyền của mình từ chối, trừ khi họ có đề cập đến việc từ chối ấy; nhưng cho dù việc từ chối đã được đề cập thì Đấng Bản Quyền khác không nên ban ân huệ, trừ khi được Đấng Bản Quyền trước cho biết các lý do từ chối.
§2. Ân huệ đã bị Tổng Đại Diện hay Đại Diện Giám Mục từ chối thì không có Đại Diện nào khác của cùng Giám mục đó có thể ban cách hữu hiệu ân huệ đó, cho dù đã biết được các lý do từ chối của vị Đại Diện trước.
§3. Ân huệ đã bị Tổng Đại Diện hay Đại Diện Giám Mục từ chối, sau đó lại được Giám mục giáo phận ban mà không đề cập đến sự từ chối này, thì vẫn vô hiệu; còn ân huệ đã bị Giám mục giáo phận từ chối thì Tổng Đại Diện hay Đại Diện Giám mục không có quyền ban cách hữu hiệu, cho dù có đề cập đến sự từ chối ấy, nếu Giám mục không ưng thuận.
Điều 66
Phúc chiếu không trở thành vô hiệu vì sự sai lầm về danh tính người nhận hay người ban hành phúc chiếu, hoặc về nơi cư trú hay về sự việc liên quan, miễn là theo phán đoán của Đấng Bản Quyền, không có hồ nghi gì về người hay về sự việc.
Điều 67
§1. Nếu trong cùng một vấn đề mà có hai phúc chiếu trái ngược nhau, thì phúc chiếu riêng có giá trị hơn phúc chiếu chung trong những điều có tính cách riêng biệt.
§2. Nếu cả hai đều là phúc chiếu riêng hoặc phúc chiếu chung, thì phúc chiếu trước có giá trị hơn phúc chiếu sau, trừ khi phúc chiếu sau minh nhiên đề cập đến phúc chiếu trước, hoặc người được ban phúc chiếu trước đã không sử dụng phúc chiếu vì man trá hoặc quá lơ đễnh.
§3. Nếu hồ nghi không biết phúc chiếu có vô hiệu hay không, thì phải thỉnh ý người đã ban phúc chiếu.
Điều 68
Một phúc chiếu của Tòa Thánh trong đó không nói rõ người thi hành, thì chỉ phải trình với Đấng Bản Quyền của người nhận phúc chiếu, khi điều đó được quy định trong văn thư, hoặc khi có liên quan đến các việc công, hoặc khi phải kiểm chứng các điều kiện.
Điều 69
Phúc chiếu nào không quy định thời hạn phải trình, thì có thể trình với người thi hành lúc nào tùy ý, miễn là không có lừa đảo và man trá.
Điều 70
Nếu chính việc ban ân huệ trong phúc chiếu được ủy thác cho một người thi hành, thì người này ban ân huệ hoặc từ chối tùy theo lương tâm và sự phán đoán thận trọng của mình.
Điều 71
Không ai bị buộc phải sử dụng một phúc chiếu được ban vì ích lợi cá nhân mình, trừ khi bị một nghĩa vụ giáo luật buộc sử dụng vì nguyên do nào khác.
Điều 72
Những phúc chiếu do Tòa Thánh ban đã hết hạn có thể được Giám mục giáo phận gia hạn một lần khi có một lý do chính đáng, nhưng không quá ba tháng.
Điều 73
Không một phúc chiếu nào bị thu hồi do một luật trái ngược, trừ khi chính luật đó đã dự liệu cách khác.
Điều 74
Cho dù một người có thể sử dụng ở tòa trong một ân huệ được ban bằng miệng, thì người ấy vẫn phải chứng minh ân huệ đó ở tòa ngoài, mỗi khi họ được hỏi cách hợp pháp.
Điều 75
Nếu phúc chiếu bao hàm một đặc ân hay một sự miễn chuẩn, thì còn phải giữ những quy định của các điều khoản sau đây.