Mục 3: Bảy lời cầu xin (2803-2854)

Số
Mục lục
Tra cứu
Câu
Mục lục
Tra cứu

Mục lục

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

BẢNG KÝ HIỆU VIẾT TẮT

TÔNG HIẾN FIDEI DEPOSITUM

LỜI MỞ ĐẦU (1-25)

PHẦN THỨ NHẤT (26-1065)

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

ĐOẠN THỨ NHẤT: “TÔI TIN” - “CHÚNG TÔI TIN” (26-184)

CHƯƠNG I: CON NGƯỜI “CÓ KHẢ NĂNG” ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA (27-49)

CHƯƠNG II: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (50-141)

Mục 1: Mặc Khải của Thiên Chúa (51-73)

Mục 2: Sự lưu truyền Mặc Khải của Thiên Chúa (74-100)

Mục 3: Thánh Kinh (101-141)

CHƯƠNG III: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (142-184)

Mục 1: Tôi tin (144-165)

Mục 2: Chúng tôi tin (166-184)

TÍN BIỂU

ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KI-TÔ GIÁO (185-1065)

CHƯƠNG I: “TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA” (198-421)

Mục 1: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất” (199-421)

Tiết 1: Tôi tin kính Đức Chúa Trời (199-231)

Tiết 2: Chúa Cha (232-267)

Tiết 3: Đấng Toàn Năng (268-278)

Tiết 4: Đấng Tạo Hóa (279-324)

Tiết 5: Trời và đất (325-354)

Tiết 6: Con người (355-384)

Tiết 7: Sự sa ngã (385-421)

CHƯƠNG II: TÔI TIN KÍNH MỘT CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA (422-682)

Mục 2: “Tôi tin kính Đức Chúa Giê-su Ki-tô, là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi” (430-455)

Mục 3: Chúa Giê-su Ki-tô “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (456-570)

Tiết 1: Con Thiên Chúa làm người (456-483)

Tiết 2: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (484-511)

Tiết 3: Các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Ki-tô (512-570)

Mục 4: Chúa Giê-su Ki-tô đã “chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác” (571-630)

Tiết 1: Chúa Giê-su và Ít-ra-en (574-594)

Tiết 2: Chúa Giê-su “chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết” (595-623)

Tiết 3: Chúa Giê-su Ki-tô được “táng xác” (624-630)

Mục 5: Chúa Giê-su Ki-tô “xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (631-658)

Tiết 1: Đức Ki-tô “xuống ngục tổ tông” (632-637)

Tiết 2: “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (638-658)

Mục 6: Chúa Giê-su “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng” (659-667)

Mục 7: “Ngày sau bởi trời”, Người “lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết” (668-682)

CHƯƠNG III: TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN (683-1065)

Mục 8: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” (687-747)

Mục 9: “Tôi tin Hội Thánh Công Giáo” (748-975)

Tiết 1: Hội Thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa (751-780)

Tiết 2: Hội Thánh - Dân Thiên Chúa, Thân Thể Đức Ki-tô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần (781-810)

Tiết 3: Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (811-870)

Tiết 4: Các Ki-tô hữu: Phẩm trật, giáo dân, đời sống thánh hiến (871-945)

Tiết 5: “Các Thánh thông công” (946-962) [1474-1477]

Tiết 6: Đức Ma-ri-a - Mẹ Đức Ki-tô, Mẹ Hội Thánh (963-975)

Mục 10: “Tôi tin phép tha tội” (976-987)

Mục 11: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (988-1019)

Mục 12: “Tôi tin hằng sống vậy” (1020-1060)

“Amen” (1061-1065)

PHẦN THỨ BA (1691-2557)

ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KI-TÔ

ĐOẠN THỨ NHẤT: ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI: SỐNG TRONG THẦN KHÍ (1699-2051)

CHƯƠNG I: PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ (1700-1876)

Mục 1: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa (1701-1715)

Mục 2: Ơn gọi của chúng ta là đến hưởng vinh phúc (1716-1729)

Mục 3: Sự tự do của con người (1730-1748)

Mục 4: Tính luân lý của các hành vi nhân linh (1749-1761)

Mục 5: Tính luân lý của các đam mê (1762-1775)

Mục 6: Lương tâm luân lý (1776-1802)

Mục 7: Các nhân đức (1803-1845)

Mục 8: Tội lỗi (1846-1876)

CHƯƠNG II: CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI (1877-1948)

Mục 1: Cá vị và xã hội (1878-1896)

Mục 2: Sự tham gia vào đời sống xã hội (1897-1927)

Mục 3: Công bằng xã hội (1928-1948)

CHƯƠNG III: ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA: LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG (1949-2051)

Mục 1: Luật luân lý (1950-1986)

Mục 2: Ân sủng và sự công chính hóa (1987-2029)

Mục 3: Hội Thánh, Mẹ và Thầy (2030-2051)

MƯỜI ĐIỀU RĂN

ĐOẠN THỨ HAI: MƯỜI ĐIỀU RĂN (2052-2557)

CHƯƠNG I: “NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI, HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI” (2083-2195)

Mục 1: Điều răn thứ nhất (2084-2141)

Mục 2: Điều răn thứ hai (2142-2167)

Mục 3: Điều răn thứ ba (2168-2195)

CHƯƠNG II: “NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI LÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH” (2196-2557)

Mục 4: Điều răn thứ tư (2197-2257)

Mục 5: Điều răn thứ năm (2258-2330)

Mục 6: Điều răn thứ sáu (2331-2400)

Mục 7: Điều răn thứ bảy (2401-2463)

Mục 8: Điều răn thứ tám (2464-2513)

Mục 9: Điều răn thứ chín (2514-2533)

Mục 10: Điều răn thứ mười (2534-2557)

Tra cứu

28032627

Sau khi chúng ta đến trước Thiên Chúa là Cha để thờ lạy, yêu mến và chúc tụng Ngài, Thần Khí nghĩa tử khơi lên trong lòng chúng ta bảy lời cầu xin, bảy lời chúc tụng. Ba lời đầu tiên, mang tính đối thần, hướng chúng ta lên vinh quang của Chúa Cha. Bốn lời sau, như những con đường đến với Thiên Chúa, phó dâng sự khốn cùng của chúng ta cho ân sủng của Ngài. “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm” (Tv 42,8-10).

2804

Ba lời nguyện đầu tiên hướng chúng ta lên Thiên Chúa, cầu xin những điều thuộc về Ngài: Danh Cha, Nước Cha, Ý Cha. Đặc tính của tình yêu là trước tiên nghĩ đến người mình yêu. Trong mỗi lời cầu xin của ba lời nguyện này, chúng ta không nói gì đến “chúng con”, nhưng để cho mình bị lôi cuốn bởi “lòng khao khát nồng nhiệt”, bởi “sự lo lắng” của Người Con yêu dấu đối với vinh quang của Cha Người.55 “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện…”: Ba lời khẩn nguyện này đã được nhậm lời trong hy tế của Đức Ki-tô, Đấng cứu độ; nhưng sau đó, những lời nguyện này hướng đến hy vọng vào thành tựu chung cuộc, bao lâu Thiên Chúa chưa có toàn quyền trên muôn loài.56

28051105

Các lời cầu xin sau theo tiến trình của một số kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần (Epiclesis) trong thánh lễ: dâng lên những mong đợi của chúng ta và xin Cha nhân hậu đoái nhìn. Các lời nguyện này phát xuất từ chúng ta và liên quan đến chúng ta, hiện nay trong cõi đời này: “Xin Cha cho chúng con…, và tha nợ chúng con…, xin chớ để chúng con…, nhưng cứu chúng con…” Lời cầu xin thứ tư và thứ năm liên quan đến cuộc sống chúng ta, hoặc là cần được nuôi dưỡng, hoặc là cần được chữa lành khỏi tội lỗi. Hai lời cầu xin cuối cùng liên quan đến cuộc chiến đấu nhắm sự sống được vinh thắng, tức là cuộc chiến đấu của chính việc cầu nguyện.

28062656-2658

Nhờ ba lời cầu xin đầu tiên, chúng ta được củng cố trong đức tin, tràn đầy đức cậy và sốt sắng nhờ đức mến. Là thụ tạo và còn là tội nhân, chúng ta phải cầu xin cho chúng ta, từ ngữ “chúng ta” này mang chiều kích cả trần gian và lịch sử, chúng ta dâng cái “chúng ta” đó cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Vì nhờ Danh Đức Ki-tô của Ngài và Vương quốc của Thần Khí Ngài, mà Cha chúng ta hoàn thành kế hoạch cứu độ của Ngài, cho chúng ta và cho cả trần gian.

I. “Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng” (2807-2815) [2142-2159]

28072097

Thuật ngữ “thánh hoá” ở đây không mang ý nghĩa nguyên nhân (chỉ có Thiên Chúa thánh hóa, làm cho nên thánh), nhưng chủ yếu có ý nghĩa trân trọng: nhận biết như thánh thiện, hay xử sự một cách thánh thiện. Vì thế, trong tâm tình thờ lạy, lời kêu cầu này đôi khi được hiểu như một lời ca ngợi và tạ ơn.57 Nhưng Chúa Giê-su đã dạy chúng ta lời cầu xin này dưới hình thức ước nguyện: cầu xin, ước muốn và mong đợi, liên hệ đến cả Thiên Chúa cả con người. Ngay từ lời cầu xin đầu tiên của kinh Lạy Cha, chúng ta đã được lôi cuốn vào mầu nhiệm nội tại của Thiên Chúa và thảm trạng của công trình cứu độ nhân loại. Nguyện cho “Danh Cha cả sáng” đưa chúng ta vào “kế hoạch yêu thương Ngài đã định từ trước” (Ep 1,9), “để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài” (Ep 1,4).

2808

Thiên Chúa mặc khải Danh Ngài trong những thời điểm quyết định của nhiệm cục cứu độ, nhưng Ngài mặc khải Danh đó bằng cách thực hiện công trình của Ngài. Mà công trình này chỉ được thành tựu cho chúng ta và trong chúng ta, nếu Danh Ngài được thánh hóa nơi chúng ta và trong chúng ta.

2809203, 432, 293, 705

Sự thánh thiện của Thiên Chúa là trung tâm siêu phàm của mầu nhiệm vĩnh cửu của Ngài. Những gì về Ngài được tỏ hiện trong công trình tạo dựng và trong lịch sử, được Sách Thánh gọi là vinh quang, là vẻ rạng ngời của uy linh Ngài.58 Khi tạo dựng nhân loại “theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài” (St 1,26), Thiên Chúa trao triều thiên vinh quang cho con người,59 nhưng khi họ phạm tội, họ “bị tước mất vinh quang Thiên Chúa.”60 Từ đó, Thiên Chúa tỏ hiện sự thánh thiện của Ngài bằng cách mặc khải và ban tặng Danh Ngài cho con người, để phục hồi họ “theo hình ảnh của Ngài, Đấng đã tạo dựng nên họ” (Cl 3,10).

281063

Trong lời hứa với tổ phụ Áp-ra-ham và lời thề kèm theo,61 chính Thiên Chúa nhập cuộc, nhưng không bộc lộ Danh Ngài. Ngài bắt đầu mặc khải Danh Ngài cho ông Mô-sê62 và biểu lộ Danh Ngài trước mắt toàn dân, khi Ngài cứu họ khỏi Ai Cập: “Chúa là Đấng cao cả uy hùng” (Xh 15,1). Kể từ Giao ước Xi-nai, dân này là “của Ngài” và họ phải là một “dân thánh” (tiếng Do-thái còn có nghĩa là “dân được hiến thánh”),63 bởi vì Danh Thiên Chúa cư ngụ nơi họ.

28112143

Tuy vậy, bất chấp Lề Luật thánh mà Thiên Chúa chí thánh64 ban và tái ban cho dân, và mặc dù Chúa, “vì Danh thánh của Ngài”, luôn kiên nhẫn, nhưng dân vẫn quay lưng lại với Đấng Thánh của Ít-ra-en và “tục hóa Danh thánh Ngài giữa chư dân.”65 Chính vì vậy, những người công chính trong Cựu Ước, những người nghèo, trở về từ cuộc lưu đày, và các tiên tri luôn cháy lửa nhiệt thành với Danh Ngài.

2812434

Sau cùng, Danh của Thiên Chúa chí thánh được mặc khải và được ban tặng cho chúng ta trong Chúa Giê-su, trong xác thể, với tư cách là Đấng Cứu Độ:66 Danh Thiên Chúa được mặc khải bằng điều “Người Là”, bằng lời Người và bằng hy lễ của Người.67 Đó là trung tâm của lời nguyện tư tế của Người: Lạy Cha chí thánh, “vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19). Bởi vì Chúa Giê-su đã “thánh hiến” Danh của Người,68 nên Người “biểu lộ” cho chúng ta Danh của Chúa Cha.69 Lúc Người hoàn tất cuộc Vượt Qua, Chúa Cha ban cho Người một Danh vượt trên mọi danh: Đức Giê-su là Chúa để tôn vinh Thiên Chúa Cha.70

28132013

Trong nước Rửa Tội, chúng ta đã “được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta” (1 Cr 6,11). Chúa Cha gọi chúng ta trong suốt cuộc đời để “sống thánh thiện” (1 Tx 4,7), và bởi vì nhờ Thiên Chúa mà chúng ta được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, “Đấng đã thánh hóa chúng ta” (1 Cr 1,30), nên vinh quang của Ngài và cuộc đời chúng ta đều tùy thuộc vào điều này, là Danh Ngài được thánh hóa trong chúng ta và bởi chúng ta. Lời cầu xin đầu tiên của chúng ta thúc bách như vậy.

“Thiên Chúa là Đấng Thánh Hóa, thì ai có thể thánh hóa Thiên Chúa? Nhưng bởi vì Ngài dạy: ‘Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh’ (Lv 11,44), nên chúng ta cầu xin, để một khi đã được thánh hóa nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được kiên trì trong tình trạng chúng ta đã khởi đầu. Hằng ngày chúng ta phải cầu xin điều đó. Quả thật, ơn thánh hóa hằng ngày là cần thiết cho chúng ta, vì ngày nào chúng ta cũng phạm lỗi nên phải thanh tẩy không ngừng nhờ ơn thánh hóa… Chúng ta phải cầu nguyện để ơn thánh hóa này luôn tồn tại trong chúng ta.”71

28142045

Có một liên hệ không thể tách rời giữa đời sốngkinh nguyện của chúng ta, để Danh Ngài được thánh hóa giữa chư dân:

“Chúng ta cầu xin Thiên Chúa thánh hóa Danh Ngài, nghĩa là Ngài cứu độ và thánh hóa toàn thể tạo vật bằng sự thánh thiện của Ngài. Danh đó là Danh ban ơn cứu độ cho trần gian đã hư mất. Nhưng chúng ta cầu xin để Danh Thiên Chúa được thánh hóa trong chúng ta bằng hành động của chúng ta. Bởi vì nếu chúng ta sống tốt lành, thì Danh Thiên Chúa được chúc tụng; nếu chúng ta sống tệ hại, thì Danh Ngài bị phỉ báng. Hãy nghe lời thánh Tông Đồ: ‘Chính vì các người mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân’ (Rm 2,24).72 Vì vậy, chúng ta cầu xin để Danh Thiên Chúa là thánh bao nhiêu, thì chúng ta sống xứng đáng với sự thánh thiện của Ngài bấy nhiêu.”73

“Khi chúng ta nguyện rằng: ‘Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng’, chúng ta cầu xin cho Danh Ngài được thánh hóa trong chúng ta, là những kẻ thuộc về Ngài, cũng như trong mọi kẻ khác, là những người mà ơn thánh Chúa còn đang chờ đợi; do đó, chúng ta sẵn sàng tuân mệnh lệnh hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người, kể cả kẻ thù nữa. Đó là lý do chúng ta không minh nhiên đọc: xin cho Danh Cha được thánh hóa ‘ở nơi chúng con’, bởi vì chúng ta muốn cho Danh Cha được thánh hóa ‘ở nơi tất cả mọi người’.”74

28152750

Lời nguyện đầu tiên này bao gồm tất cả các lời cầu xin khác, được đoái nhận nhờ lời cầu nguyện của Chúa Ki-tô, cũng như sáu lời cầu xin tiếp theo. Lời kinh dâng lên Chúa Cha là lời cầu nguyện của chúng ta, nếu được cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su.75 Chúa Giê-su đã cầu xin trong lời nguyện tư tế của Người: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong Danh Cha những người mà Cha đã ban cho con” (Ga 17,11).

II. “Nước Cha trị đến” (2816-2821)

2816541, 2632, 560, 1107

Trong Tân Ước, cùng một từ Basileia có thể dịch là “vương quyền” (danh từ trừu tượng), “nước” (danh từ cụ thể) hay “vương triều” (danh từ chỉ việc cai trị). Nước Thiên Chúa đang ở trước chúng ta. Nước đó đã gần đến trong Ngôi Lời nhập thể, đã được loan báo trong toàn bộ Tin Mừng, và đã đến trong sự chết và sống lại của Đức Ki-tô. Nước Thiên Chúa đến từ bữa Tiệc Ly và trong bí tích Thánh Thể, Nước đó đang ở giữa chúng ta. Nước đó sẽ đến trong vinh quang, khi Đức Ki-tô trao nó lại cho Cha Người:

“Có thể nói, Nước Thiên Chúa là chính Đức Ki-tô, Đấng chúng ta hằng ngày khát khao Người đến, và chúng ta mong mỏi việc Người ngự đến mau mau được tỏ hiện cho chúng ta. Đàng khác, cũng như Người là sự phục sinh bởi vì chúng ta được sống lại trong Người, thì cũng vậy, Người có thể được hiểu là Nước Thiên Chúa bởi vì chúng ta sẽ được hiển trị trong Người.”76

2817451, 2632, 671

Lời cầu xin này là lời “Marana tha”, là tiếng kêu cầu của Thần Khí và Hiền Thê: “Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến”:

“Giả như lời cầu xin này không đòi buộc phải van xin Nước Chúa mau đến đi nữa, thì chúng ta cũng bị thúc giục kêu gào điều đó vì muốn ôm lấy niềm hy vọng của chúng ta. Linh hồn các vị tử đạo nằm dưới bàn thờ lớn tiếng kêu lên Chúa: ‘Lạy Chúa, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con?’ (Kh 6,10). Chắc chắn các ngài sẽ được xét xử công bằng vào ngày tận thế. Lạy Chúa, nguyện Nước Chúa mau đến.”77

2818769

Trong Kinh Lạy Cha, vấn đề chủ yếu là việc Nước Thiên Chúa đến cách chung cuộc lúc Đức Ki-tô trở lại.78 Nhưng ước muốn này không làm cho Hội Thánh xao lãng sứ mạng của mình ở trần gian, trái lại càng thúc giục Hội Thánh dấn thân hơn nữa. Vì từ ngày lễ Ngũ Tuần, cuộc Ngự đến của Nước Thiên Chúa là công trình của Thần Khí Chúa, Đấng kiện toàn công trình của Đức Ki-tô nơi trần gian và hoàn tất công việc thánh hóa.79

28192046, 2516, 2519

“Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17). Thời cuối cùng, mà chúng ta đang sống, là thời kỳ tuôn đổ Chúa Thánh Thần. Kể từ đó, cuộc chiến đấu quyết định giữa “xác thịt” và Thần Khí đã khởi đầu:80

“Chỉ tâm hồn thanh sạch mới có thể tin tưởng nói lên: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’. Quả thật, ai nghe lời thánh Phao-lô dạy: ‘Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa’ (Rm 6,12), và biết giữ hành động, tư tưởng và lời nói của mình trong sạch, người đó mới có thể thưa với Thiên Chúa: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’.”81

28201049

Trong sự phân định theo Thần Khí, các Ki-tô hữu phải biết phân biệt giữa sự thăng tiến của Nước Thiên Chúa với sự tiến bộ của văn hóa và xã hội họ đang sống. Sự phân biệt này không phải là tách biệt. Ơn gọi của con người vào sự sống muôn đời không bãi bỏ nhưng củng cố nhiệm vụ của họ là phải sử dụng các năng lực và phương tiện do Đấng Tạo Hóa ban, để phục vụ công lý và hòa bình trên trần gian.82

28212746

Lời cầu xin này được nâng đỡ và đoái nhận trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su,83 vốn hiện diện và hữu hiệu trong bí tích Thánh Thể; lời cầu nguyện này mang lại hoa trái trong đời sống mới theo các mối phúc.84

2822851, 2196

Ý muốn của Cha chúng ta là “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,3-4). Ngài “kiên nhẫn… vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong” (2 Pr 3,9).85 Mệnh lệnh của Ngài, gồm tóm mọi mệnh lệnh khác, và diễn tả tất cả ý muốn của Ngài, là chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta.86

III. “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (2822-2827)

282359

Thiên Chúa “cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Ngài đã định từ trước… là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Ngài, đã tiền định cho chúng ta đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Ngài” (Ep 1,9-11). Vì thế, chúng ta tha thiết cầu xin để kế hoạch lân tuất này được thực hiện trọn vẹn dưới đất, như đã được thực hiện trên trời.

2824475, 612

Ý Cha được thực hiện một cách tuyệt hảo và một lần cho mãi mãi, trong Đức Ki-tô, và qua ý chí nhân loại của Người. Khi vào trần gian, Chúa Giê-su đã nói: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7).87 Chỉ mình Chúa Giê-su mới có thể nói: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Ngài” (Ga 8,29). Khi cầu nguyện trong cơn hấp hối, Người hoàn toàn vâng phục ý Cha: “Xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42).88 Vì vậy, Chúa Giê-su “đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa” (Gl 1,4). “Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Chúa Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế” (Dt 10,10).

2825615

Chúa Giê-su, “dầu là Con Thiên Chúa, đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8), phương chi chúng ta, là những thụ tạo và là tội nhân, đã được nhận làm nghĩa tử trong Người. Chúng ta cầu xin Chúa Cha cho ý muốn của chúng ta được kết hợp với ý muốn của Con Ngài, để chu toàn thánh ý của Cha, là kế hoạch cứu độ hầu cho trần gian được sống. Trong công việc này, chúng ta hoàn toàn bất lực, nhưng nhờ kết hợp với Chúa Giê-su và nhờ quyền năng Thánh Thần của Ngài, chúng ta có thể phó dâng cho Chúa Cha ý muốn của chúng ta và quyết định chọn điều Con Ngài luôn luôn chọn: đó là làm điều đẹp lòng Cha.89

“Khi gắn bó với Đức Ki-tô, chúng ta có thể nên một lòng trí với Người, và nhờ đó thực thi ý muốn của Người để, ý Chúa đã nên trọn trên trời thế nào, thì cũng được thể hiện dưới đất như vậy.”90

“Hãy xem Chúa Giê-su Ki-tô dạy chúng ta sống khiêm tốn như thế nào, khi Người cho chúng ta thấy rằng nhân đức của chúng ta không chỉ tùy thuộc công sức của mình nhưng còn nhờ ân sủng từ trên cao. Ngoài ra, Người ra lệnh cho mỗi người chúng ta khi cầu nguyện, phải quan tâm đến toàn thế giới. Vì Người không dạy: ‘Xin cho ý Cha thể hiện’ nơi tôi hay nơi anh em, nhưng nói chung là ở mọi nơi ‘dưới đất’, để sai lầm bị loại bỏ và chân lý được gieo trồng, để thói xấu bị hủy diệt, nhân đức được nảy nở, và như vậy, ‘dưới đất’ không còn gì khác với ‘trên trời’ nữa.”91

2826

Nhờ cầu nguyện, chúng ta có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa,92 và kiên nhẫn để thi hành ý Ngài.93 Chúa Giê-su dạy chúng ta vào Nước Trời, không phải bằng lời lẽ, nhưng bằng việc thi hành “ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời” (Mt 7,21).

28272611, 796

“Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì Ngài nhậm lời kẻ ấy” (Ga 9,31).94 Lời cầu nguyện của Hội Thánh đạt được quyền năng như thế là vì được thực hiện trong Danh Thánh của Chúa Giê-su, nhất là trong Thánh Lễ, và nhờ lời chuyển cầu hiệp thông với Mẹ Thiên Chúa,95 và với toàn thể các Thánh, là những vị “làm đẹp lòng” Chúa, bởi vì các vị đó đã không muốn điều gì khác ngoài thánh ý Ngài:

“‘Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’, chúng ta có thể diễn tả mà không sợ sai như sau: Ý Cha thể hiện trong Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng con thế nào, thì trong Hội Thánh cũng như vậy; như trong Phu Quân đã chu toàn thánh ý của Cha thế nào, thì trong Hiền Thê đã kết ước với Người cũng như vậy.”96

IV. “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (2828-2837)

28282778

“Xin Cha cho chúng con”: đẹp thay lòng tin tưởng của con cái trông chờ Cha ban cho mọi sự: “Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45), Ngài cho tất cả mọi sinh vật “đến bữa cho ăn” (Tv 104,27). Chúa Giê-su dạy chúng ta lời cầu xin này: đây là lời tôn vinh Cha chúng ta, bởi vì lời cầu xin này nhận biết Cha là Đấng quá tốt lành, vượt xa mọi lòng tốt.

28291939

“Xin Cha cho chúng con” cũng là lời cầu xin trong tinh thần Giao Ước: chúng ta thuộc về Ngài và Ngài thuộc về chúng ta, lo cho chúng ta. Nhưng từ “chúng con” nhận biết Ngài là Cha của mọi người nên chúng ta cầu xin Cha cho mọi người, trong tình liên đới với các nhu cầu và đau khổ của họ.

28302633, 227

“Lương thực”: Chúa Cha, Đấng ban sự sống cho chúng ta, không lẽ lại không ban những gì cần thiết cho sự sống, tất cả những điều thiện hảo “thích hợp”, vật chất cũng như tinh thần. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến lòng tín thác con thảo, cùng cộng tác với sự quan phòng của Cha chúng ta.97 Ngài không muốn chúng ta làm biếng,98 nhưng muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi lo âu và bận tâm. Đó là sự phó thác hiếu thảo của con cái Thiên Chúa:

“Đối với những ai tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, Ngài hứa ban cho họ mọi điều khác. Bởi vì mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa, nên ai có Thiên Chúa thì sẽ không thiếu thốn sự gì, nếu họ không thiếu vắng Thiên Chúa.”99

28311038

Nhưng sự tồn tại của những người đang đói cơm bánh cho thấy một chiều sâu khác của lời cầu xin này. Thảm kịch đói khát trên thế giới mời gọi các Ki-tô hữu đang cầu nguyện trong chân lý, phải có trách nhiệm hữu hiệu đối với các anh em, trong cách hành động cá nhân của họ cũng như trong sự liên đới của họ với gia đình nhân loại. Lời cầu xin này trong kinh Lạy Cha không được tách biệt với các dụ ngôn Anh Lazarô nghèo khó100 và Cuộc Phán Xét Chung.101

28321928

Như men trong bột, sự mới mẻ của Nước Chúa phải làm “dậy men” trái đất bằng Thần Khí của Đức Ki-tô.102 Điều này phải được tỏ hiện bằng việc thiết lập công bằng trong các tương quan cá nhân và xã hội, kinh tế và quốc tế, mà đừng bao giờ quên rằng không thể có cơ cấu xã hội công bằng nếu không có những con người muốn sống công bằng.

28332790, 2546

Đối tượng cầu xin là lương thực của “chúng con”: “một” điều cho “tất cả.” Tinh thần khó nghèo theo các mối phúc là nhân đức chia sẻ: nó thúc đẩy thông chia và phân phát những của cải vật chất cũng như tinh thần, không vì cưỡng bách nhưng do tình yêu, ngõ hầu sự dư thừa của người này bù đắp sự túng thiếu của những người khác.103

28342428

“Cầu nguyện và làm việc.”104 “Anh em hãy cầu nguyện như thể tất cả tùy thuộc vào Thiên Chúa, và hãy làm việc như thể tất cả tùy thuộc vào anh em.”105 Cả khi chúng ta đã hoàn tất công việc của mình, lương thực vẫn là một hồng ân của Cha chúng ta; đẹp thay việc cầu xin Ngài và tạ ơn Ngài về lương thực đó. Đó là ý nghĩa của kinh chúc lành bữa ăn trong gia đình Ki-tô Giáo.

28352443, 1384

Lời cầu xin này và trách nhiệm kèm theo, cũng có giá trị đối với một nạn đói khác khiến cho con người phải diệt vong: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4),106 nghĩa là nhờ Lời và Thần Khí của Thiên Chúa. Các Ki-tô hữu phải vận dụng mọi nỗ lực của mình để “những người nghèo khó được loan báo Tin Mừng.” Trên trái đất còn những người đói khát, “không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe Lời Chúa” (Am 8,11). Vì thế, ý nghĩa đặc thù Ki-tô Giáo của lời cầu xin thứ tư này liên quan đến Bánh trường sinh: đó là Lời Chúa được đón nhận trong đức tin, là Mình Thánh Chúa Ki-tô được lãnh nhận trong bí tích Thánh Thể.107

28361165

“Hôm nay” cũng là kiểu nói biểu lộ sự phó thác. Chúa dạy chúng ta điều này;108 chứ chúng ta không thể sáng chế ra. Đặc biệt khi nói đến Lời Chúa và Mình Thánh của Con Ngài, từ “hôm nay” không chỉ nói đến hiện tại của thời gian chóng qua, mà còn là ngày “Hôm nay” của Thiên Chúa:

“Nếu mỗi ngày bạn lãnh nhận lương thực, thì mỗi ngày đều là ngày hôm nay cho bạn. Nếu Đức Ki-tô hôm nay là của bạn, thì mỗi ngày Người sống lại cho bạn. Làm sao lại như thế được? ‘Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con’ (Tv 2,7). Vì vậy, Ngày Hôm Nay là khi Đức Ki-tô sống lại.”109

28372659, 2633, 1405, 1166, 1389

“Hằng ngày”. Tân Ước không sử dụng từ “hằng ngày” (épiousios) ở chỗ nào khác. Theo nghĩa thời gian, từ này là sự lặp lại từ “hôm nay” theo kiểu sư phạm,110 để dạy chúng ta phó thác cách triệt để. Theo nghĩa phẩm chất, từ này có nghĩa là điều cần thiết cho sự sống và, hiểu rộng hơn, mọi điều thiện hảo đủ để tồn tại.111 Theo nghĩa văn tự (épi-ousios: “super-substantiale”, vượt trên điều cốt thiết), từ này trực tiếp nói đến Bánh trường sinh, là Mình Thánh Chúa Ki-tô, “phương dược trường sinh”,112 mà nếu không có lương thực này, chúng ta sẽ không có sự sống nơi mình.113 Sau cùng, kết hợp với điều đã nói trên, ý nghĩa thiên quốc là rõ ràng: “ngày” là ngày của Chúa, ngày của Bàn tiệc Nước Trời, mà bí tích Thánh Thể là một sự tham dự trước, như nếm trước Nước Trời đang đến. Chính vì vậy, phụng vụ Thánh Thể phải được cử hành “hằng ngày.”

“Vậy Thánh Thể là lương thực hằng ngày của chúng ta… Đặc tính của lương thực thần thiêng này là sự hợp nhất, để một khi được kết hợp trong Mình Thánh Người, trở nên các chi thể của Người, chúng ta trở thành điều chúng ta lãnh nhận… Và lương thực hằng ngày là khi anh em nghe các bài đọc mỗi ngày ở nhà thờ; lương thực hằng ngày là khi anh em nghe và hát các thánh thi. Bởi vì những điều đó là cần thiết cho cuộc lữ hành của chúng ta.”114

“Cha trên trời thúc giục chúng ta là, với tư cách là con cái bởi trời, chúng ta hãy cầu xin Bánh bởi trời.115 Đức Ki-tô ‘chính Người là tấm bánh được gieo trồng trong lòng Đức Trinh Nữ, dậy men trong xác phàm, làm thành bánh trong cuộc khổ nạn, nấu nướng trong lò huyệt mộ, lưu giữ trong các nhà thờ, được dâng lên trên các bàn thờ, hằng ngày cung cấp lương thực bởi trời cho các tín hữu’.”116

V. “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (2838-2845)

28381425, 1933, 2631

Lời cầu xin này thật lạ lùng. Nếu chỉ có phần đầu – “xin tha nợ chúng con” -, lời xin này có thể đã tiềm ẩn trong ba lời nguyện đầu của Lời Kinh Chúa dạy, bởi vì hy lễ của Đức Ki-tô là “để tha thứ tội lỗi.” Tuy nhiên, theo phần hai của câu, lời cầu xin của chúng ta sẽ không được nhậm lời nếu trước đó chúng ta không đáp ứng một đòi buộc của nó. Lời cầu xin của chúng ta hướng đến tương lai; lời đáp ứng của chúng ta phải đi trước; nối kết hai phần của lời cầu xin là từ “như.”

“và tha nợ chúng con…” (2839-2841)

28391425, 1439, 1422

Với lòng phó thác bạo dạn, chúng ta đã bắt đầu cầu nguyện với Cha chúng ta. Khi nguyện xin Ngài cho Danh Ngài cả sáng, chúng ta đã xin Ngài luôn thánh hóa chúng ta hơn nữa. Nhưng, dù đã mặc chiếc áo Rửa Tội, chúng ta vẫn không ngừng phạm tội, và quay lưng lại với Thiên Chúa. Giờ đây, trong lời cầu xin mới này, chúng ta trở lại với Ngài, như đứa con hoang đàng,117 và thú nhận mình là tội nhân trước mặt Ngài, như người thu thuế.118 Lời cầu xin của chúng ta bắt đầu bằng “việc xưng thú”, qua đó chúng ta vừa thú nhận sự khốn cùng của chúng ta, và đồng thời, vừa tuyên xưng lòng thương xót của Ngài. Niềm hy vọng của chúng ta thật vững chắc, bởi vì, trong Con của Ngài, “chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1,14).119 Chúng ta gặp được dấu chỉ hữu hiệu và chắc chắn về ơn tha thứ của Ngài trong các bí tích của Hội Thánh Ngài.120

28401864

Tuy nhiên, có điều thật đáng sợ, là nguồn ơn thương xót này của Thiên Chúa không thể thấm nhập vào trái tim chúng ta, một khi chúng ta không tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Tình yêu, cũng như Thân Thể Đức Ki-tô, không thể phân chia được: chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta không thấy, nếu chúng ta không yêu mến anh em, chị em mà chúng ta đang thấy.121 Khi từ chối tha thứ cho anh chị em mình, lòng chúng ta đóng lại và sự chai đá của cõi lòng khiến tình yêu tha thứ của Cha không thể thấm nhập vào được; trong việc xưng thú tội lỗi của mình, lòng chúng ta mới mở ra cho ân sủng của Ngài.

2841

Lời cầu xin này hết sức quan trọng, đến nỗi đây là lời cầu xin duy nhất mà Chúa phải nhắc lại và triển khai thêm trong Bài giảng trên núi.122 Con người bất lực trước đòi hỏi quan trọng này của mầu nhiệm giao ước. “Nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26).

“… như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (2842-2845)

2842521

Từ “như” ở đây không phải là trường hợp duy nhất trong giáo huấn của Chúa Giê-su: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36); “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Chúng ta không thể tuân giữ điều răn của Chúa, nếu chỉ bắt chước mẫu gương của Chúa theo dáng vẻ bên ngoài. Vấn đề ở đây là phải tham dự một cách sống động và “tận đáy lòng” vào sự thánh thiện, vào lòng thương xót, vào tình yêu của Thiên Chúa chúng ta. Chỉ có Thần Khí, “nhờ Ngài mà chúng ta sống” (Gl 5,25), mới có thể làm cho chúng ta có được những tâm tình như Đức Ki-tô Giê-su đã có.123 Lúc đó hai việc tha thứ có thể trở nên một, nghĩa là, “biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô” (Ep 4,32).

2843368

Như thế, những lời Chúa dạy về tha thứ, nghĩa là về thứ tình yêu “yêu đến tận cùng của tình yêu”124 là một thực tại sống động. Dụ ngôn về người đầy tớ không biết thương xót, kết thúc giáo huấn của Chúa về cộng đoàn giáo hội,125 được kết thúc bằng lời này: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” Thật vậy, ở đó, ở “tận đáy lòng”, mà mọi sự bị cầm buộc hay được tháo cởi. Việc không cảm thấy hay quên đi sự xúc phạm không tùy thuộc khả năng chúng ta; nhưng một khi trái tim biết tự hiến cho Chúa Thánh Thần sẽ biết biến đổi thương đau thành lòng thương xót, và thanh luyện ký ức bằng cách biến đổi sự xúc phạm thành lời chuyển cầu.

28442262

Kinh nguyện Ki-tô Giáo đi đến chỗ tha thứ cho kẻ thù126 . Lời cầu nguyện biến đổi người môn đệ bằng cách làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình. Tha thứ là một tột đỉnh của kinh nguyện Ki-tô Giáo; chỉ trái tim nào hòa điệu với lòng trắc ẩn của Chúa mới có thể đón nhận hồng ân cầu nguyện. Tha thứ còn minh chứng rằng, trong thế giới này, tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Các vị tử đạo, trong quá khứ cũng như hiện tại, đều làm chứng cho Chúa Giê-su về điều này. Tha thứ là điều kiện căn bản cho sự hòa giải giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ127 và giữa con người với nhau.128

28451441

Việc tha thứ tự bản chất mang tính thần linh này không có giới hạn cũng như mức độ.129 Nếu đề cập đến “những xúc phạm” (là “tội” theo Lc 11,4 hoặc “nợ” theo Mt 6,12), thì thật sự mọi người chúng ta luôn luôn là những kẻ mắc nợ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Sự hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn mạch và quy luật chân lý của bất cứ tương quan nào.130 Chúng ta phải sống sự hiệp thông đó trong cầu nguyện, đặc biệt là trong bí tích Thánh Thể:131

“Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hòa, và Ngài truyền họ hãy rời bỏ bàn thờ, và đi làm hòa với anh em trước đã, ngõ hầu có thể giao hòa với Thiên Chúa bằng những lời nài xin an bình. Hy lễ đẹp lòng Chúa hơn cả là sự bình an của chúng ta, sự hòa thuận, tình đoàn kết của đoàn dân trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”132

VI. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (2846-2849)

2846164, 2516

Lời cầu xin này xuất phát từ điều trước, vì tội lỗi của chúng ta là kết quả của sự ưng theo cám dỗ. Chúng ta xin Cha chúng ta đừng “dẫn” chúng ta vào cơn cám dỗ. Khó mà dịch kiểu nói Hy-lạp bằng một từ: Nó có nghĩa là “đừng cho phép bước vào”,133 “đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” “Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai” (Gc 1,13), trái lại, Ngài muốn giải thoát chúng ta khỏi cơn cám dỗ. Chúng ta cầu xin Ngài đừng để ta đi vào con đường dẫn đến tội lỗi. Chúng ta đang ở trong cuộc chiến đấu “giữa xác thịt và Thần Khí.” Lời cầu xin này khẩn cầu Thần Khí cho chúng ta biết phân định và có sức mạnh.

28472284

Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết phân định đâu là thử thách, vốn cần thiết để con người nội tâm tăng trưởng134 và nhằm “thử thách nhân đức”,135 và đâu là cám dỗ dẫn đến tội lỗi và sự chết.136 Chúng ta còn phải biết phân định giữa “bị cám dỗ” và “thuận theo” cơn cám dỗ. Cuối cùng, phân định vạch trần sự dối trá của chước cám dỗ: bề ngoài, đối tượng có vẻ “ngon, trông đẹp mắt và đáng quý” (St 3,6), nhưng thật sự, kết quả của nó là sự chết.

“Thiên Chúa không muốn áp đặt điều tốt cho ai, nhưng muốn họ tự nguyện… Hơn nữa, cám dỗ cũng có cái lợi. Ngoại trừ Thiên Chúa, không ai biết được những gì tâm hồn chúng ta đã lãnh nhận, kể cả chính chúng ta, những điều đó được bộc lộ ra nhờ các cơn cám dỗ, kẻo chúng ta vẫn không biết mình cách đúng nghĩa, nhưng khi đã biết mình, chúng ta sẽ nhận ra tình trạng tệ hại của mình, và chúng ta phải tạ ơn Chúa vì những ơn lành, được bộc lộ ra cho chúng ta nhờ các cơn cám dỗ.”137

28481808

Để khỏi sa chước cám dỗ, cần phải có một sự cương quyết của trái tim. “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó… Không ai có thể làm tôi hai chủ” (Mt 6,21.24). “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25). Trong việc “thuận theo” Chúa Thánh Thần như vậy, Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta sức mạnh. “Không một cám dỗ nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Ngài sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức; nhưng khi để anh em bị cám dỗ, Ngài sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10,13).

2849540, 612, 2612, 162

Cần phải cầu nguyện thì mới có thể chiến đấu và chiến thắng được. Chính nhờ việc cầu nguyện mà Chúa Giê-su chiến thắng tên Cám dỗ ngay từ buổi đầu,138 và trong cuộc chiến cuối cùng khi hấp hối.139 Trong lời cầu xin này dâng lên Chúa Cha, Đức Ki-tô kết hợp chúng ta vào cuộc chiến đấu và cơn hấp hối của Người. Tâm hồn phải tỉnh thức, hiệp thông với sự tỉnh thức của Người, là điều không ngừng được nhắc đi nhắc lại.140 Sự tỉnh thức là “kẻ canh giữ trái tim” và Chúa Giê-su xin Cha Người gìn giữ chúng ta trong Danh Cha.141 Chúa Thánh Thần không ngừng hành động, để giúp chúng ta tỉnh thức.142 Lời cầu xin này mang đầy ý nghĩa bi thảm khi nghĩ đến cơn cám dỗ cuối cùng của cuộc giao tranh trên đời này; lời cầu xin này xin ơn bền đỗ đến cùng. “Đây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ đang canh thức” (Kh 16,15).

VII. “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (2850-2854)

2850309

Lời cầu xin cuối cùng dâng lên Chúa Cha cũng được bao hàm trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15). Lời cầu xin này liên hệ đến chúng ta, cách riêng đến từng người, nhưng bao giờ cũng là “chúng con” đang cầu nguyện, trong sự hiệp thông với toàn Hội Thánh, để cầu cho toàn thể gia đình nhân loại được giải thoát. Lời Kinh Chúa dạy không ngừng mở ra cho chúng ta các chiều kích của nhiệm cục cứu độ. Việc liên kết của chúng ta với nhau trong thảm trạng tội lỗi và sự chết được biến đổi thành sự liên đới trong Thân Thể Đức Ki-tô, trong mầu nhiệm “các Thánh thông công.”143

2851391

Trong lời cầu xin này, Sự Dữ không phải là một điều trừu tượng nào đó, nhưng là một cá vị, là Xa-tan, là Ác thần, là thiên thần đã chống lại Thiên Chúa. Ma quỷ (tiếng Hy-lạp là Dia-bolos) là “kẻ phá ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và “công trình cứu độ” của Ngài được thực hiện trong Đức Ki-tô.

2852

Ma quỷ “ngay từ đầu đã là tên sát nhân… là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44), “là Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ” (Kh 12,9). Vì nó mà tội lỗi và sự chết đã xâm nhập trần gian và nhờ nó vĩnh viễn bị đánh bại, mà toàn thể thụ tạo đã “được giải thoát khỏi cảnh hư nát vì tội lỗi và sự chết.”144 “Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được. Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (1 Ga 5,18-19):

“Chúa quyền năng, Đấng tẩy sạch tội lỗi và tha thứ các lỗi lầm của bạn, Ngài che chở và gìn giữ bạn chống lại các mưu mô của kẻ thù là ma quỷ, để kẻ thù, vốn có thói quen gây nên lầm lỗi, không làm bạn ngạc nhiên. Nhưng ai phó mình cho Thiên Chúa thì không sợ ma quỷ, bởi vì ‘có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?’ (Rm 8,31).”145

2853677, 490, 972

Cuộc chiến thắng trên “thủ lãnh thế gian này”146 đã hoàn tất, một lần cho mãi mãi, vào Giờ Chúa Giê-su tự nguyện nộp mình chịu chết để ban cho chúng ta sự sống của Người. Đó là lúc phán xét thế gian này và thủ lãnh thế gian này “bị tống ra ngoài.”147 Hắn “đuổi bắt người Phụ Nữ” (Kh 12,13),148 nhưng không bắt được Bà; Bà là E-và mới, “đầy ân sủng” của Chúa Thánh Thần, được gìn giữ khỏi tội lỗi và sự hư nát của cái chết (Sự Vô nhiễm nguyên tội và Lên trời của Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a trọn đời đồng trinh). “Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà” (Kh 12,17). Vì thế, Thần Khí và Hội Thánh cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến” (Kh 22,17.20), bởi vì khi Người ngự đến, Người sẽ giải thoát chúng ta khỏi Ác thần.

28542632, 1041

Khi xin được giải thoát khỏi Ác thần, chúng ta cũng xin được cứu khỏi mọi sự dữ trong hiện tại, quá khứ, và tương lai, do ma quỷ là thủ phạm hay kẻ chủ mưu. Trong lời cầu xin cuối cùng này, Hội Thánh mang đến trước Chúa Cha mọi nỗi khốn cùng của trần gian. Cùng với ơn được giải thoát khỏi mọi sự dữ đang đè nén nhân loại, Hội Thánh nài xin hồng ân quý giá là sự bình an và ơn bền đỗ mong đợi ngày trở lại của Đức Ki-tô. Khi cầu nguyện như thế, Hội Thánh, trong sự khiêm tốn của đức tin, tiền dự sự quy tụ mọi người và mọi sự trong Đấng năém “chìa khóa của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1,18), “Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1,8).149

“Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi, và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ chúng con.”150


Chú thích

55 X. Lc 22,15; 12,50.

56 X. 1 Cr 15,28.

57 X. Tv 111,9; Lc 1,49.

58 X. Tv 8; Is 6,3.

59 X. Tv 8,6.

60 X. Rm 3,23.

61 X. Dt 6,13.

62 X. Xh 3,14.

63 X. Xh 19,5-6.

64 X. Lv 19,2: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.”

65 X. Ed 20; 36.

66 X. Mt 1,21; Lc 1,31.

67 X. Ga 8,28; 17,8; 17,17-19.

68 X. Ed 20,39; 36,20-21.

69 X. Ga 17,6.

70 X. Pl 2,9-11.

71 Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 12: CCL 3A, 96-97 (PL 4,544).

72 X. Ed 36,20-22.

73 Thánh Phê-rô Kim Ngôn, Sermo 71, 4: CCL 24A, 425 (PL 52,402).

74 Tertullianô, De oratione, 3, 4: CCL 1,259 (PL 1,1259).

75 X. Ga 14,13; 15,16; 16,24.26.

76 Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 13: CCL 3A, 97 (PL 4,545).

77 Tertullianô, De oratione, 5, 2-4: CCL 1,260 (PL 1,1261-1262).

78 X. Tt 2,13.

79 X. Kinh Nguyện Thánh Thể IV, 118: Sách Lễ Rô-ma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 468.

80 X. Ga 5,16-25.

81 Thánh Cyrillô thành Giê-ru-sa-lem, Catecheses mystagogicae, 5, 13: SC 126,162 (PG 33,1120).

82 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 22: AAS 58 (1966) 1042-1044; Ibid., 32: AAS 58 (1966) 1051; Ibid., 39: AAS 58 (1966) 1057; Ibid., 45: AAS 58 (1966) 1065-1066; ĐGH Phao-lô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 31: AAS 68 (1976) 26-27.

83 X. Ga 17,17-20.

84 X. Mt 5,13-16; 6,24; 7,12-13.

85 X. Mt 18,14.

86 X. Ga 13,34; 1 Ga 3; 4; Lc 10,25-37.

87 X. Tv 40,8-9.

88 X. Ga 4,34; 5,30; 6,38.

89 X. Ga 8,29.

90 Ôrigiênê, De oratione, 26, 3: GCS 3,361 (PG 11,501).

91 Thánh Gio-an Kim Khẩu, In Matthaeum homilia 19, 5: PG 57,280.

92 X. Rm 12,2; Ep 5,17.

93 X. Dt 10,36.

94 X. 1 Ga 5,14.

95 X. Lc 1,38.49.

96 Thánh Augustinô, De sermone Domini in monte, 2, 6, 24: CCL 35,113 (PL 34,1279).

97 X. Mt 6,25-34.

98 X. 2 Tx 3,6-13.

99 Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 21: CCL 3A, 103 (PL 4,551).

100 X. Lc 16,19-31.

101 X. Mt 25,31-46.

102 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 5: AAS 58 (1966) 842.

103 X. 2 Cr 8,1-15.

104 E traditione benedictina. X. Thánh Bê-nê-đích-tô, Regula, 20: CSEL 75,75-76 (PL 66,479-480); Ibid., 48: CSEL 75,114-119 (PL 66,703-704).

105 Câu nói được coi là của thánh I-nha-xi-ô Lôyôla; x. Petrus de Ribadeneyra, Tractus de modo gubernandi sancti Ignatii, c. 6, 14: MHSI 85,631.

106 X. Đnl 8,3.

107 X. Ga 6,26-58.

108 X. Mt 6,34; Xh 16,19.

109 Thánh Ambrôsiô, De sacramentis, 5, 26: CSEL 73,70 (PL 16,453).

110 X. Xh 16,19-21.

111 X. 1 Tm 6,8.

112 Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a, Epistula ad Ephesios, 20, 2: SC 10bis, 76 (Funk 1,230).

113 X. Ga 6,53-56.

114 Thánh Augustinô, Sermo 57, 7, 7: PL 38,389-390.

115 X. Ga 6,51.

116 Thánh Phê-rô Kim Ngôn, Sermo 67, 7: CCL 24A, 404-405 (PL 52,402).

117 X. Lc 15,11-32.

118 X. Lc 18,13.

119 X. Ep 1,7.

120 X. Mt 26,28; Ga 20,23.

121 X. 1 Ga 4,20.

122 X. Mt 5,23-34; 6,14-15;Mc 11,25.

123 X. Pl 2,1.5.

124 X. Ga 13,1.

125 X. Mt 18,23-35.

126 X. Mt 5,43-44.

127 X. 2 Cr 5,18-21.

128 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Dives in misericordia, 14: AAS 72 (1980) 1221-1228.

129 X. Mt 18,21-22; Lc 17,3-4.

130 X. 1 Ga 3,19-24.

131 X. Mt 5,23-24.

132 Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 23: CCL 3A, 105 (PL 4,535-536).

133 X. Mt 26,41.

134 X. Lc 8,13-15; Cv 14,22; 2 Tm 3,12.

135 X. Rm 5,3-5.

136 X. Gc 1,14-15.

137 Ôrigiênê, De oratione, 29, 15 et 17: GCS 3,390-391 (PG 11,541-544).

138 X. Mt 4,1-11.

139 X. Mt 26,36-44.

140 X. Mc 13,9.23.33-37; 14,38; Lc 12,35-40.

141 X. Ga 17,11.

142 X. 1 Cr 16,13; Cl 4,2; 1 Tx 5,6; 1 Pr 5,8.

143 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Reconciliatio et paenitentia, 16: AAS 77 (1985) 214-215.

144 Kinh nguyện Thánh Thể IV, 123: Sách Lễ Rô-ma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 471.

145 Thánh Ambrôsiô, De sacramentis, 5, 30: CSEL 73,71-72 (PL 16,454).

146 X. Ga 14,30.

147 X. Ga 12,31; Kh 12,10.

148 X. Kh 12,13-16.

149 X. Kh 1,4.

150 Nghi thức hiệp lễ: Sách Lễ Rô-ma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 472.

Scroll to Top