Mục 1: Những nguồn mạch của kinh nguyện (2652-2662)
2652
Chúa Thánh Thần là “nước trường sinh”, “tuôn ban sự sống muôn đời”3 vào tâm hồn người cầu nguyện. Chính Ngài dạy chúng ta biết đón nhận nước đó tận nguồn mạch: nơi Đức Kitô. Trong đời sống Kitô hữu, có những mạch dẫn đến nguồn, nơi Đức Kitô đang mong đợi chúng ta để cho chúng ta uống thỏa thuê Chúa Thánh Thần:
Lời Chúa (2653-2654)
2653133 / 1100
Hội Thánh “nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu... học được ‘sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh... Nhưng họ nên nhớ rằng kinh nguyện phải có kèm theo việc đọc Thánh Kinh, để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì ‘chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh’.”4
2654
Các linh phụ đã dùng câu Tin Mừng Mt 7,7 để tóm lược tiến trình tâm hồn được Lời Chúa nuôi dưỡng khi cầu nguyện, như sau: “Anh em cứ tìm nhờ đọc, thì sẽ thấy nhờ suy niệm; cứ gõ cửa nhờ cầu nguyện, thì sẽ mở ra cho anh em nhờ chiêm niệm.”5
Phụng vụ của Hội Thánh (2655)
26551073 / 368
Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần, trong phụng vụ bí tích của Hội Thánh, là công bố, hiện tại hóa và truyền thông mầu nhiệm cứu độ, sứ vụ ấy được tiếp nối trong tâm hồn người đang cầu nguyện. Các linh phụ đôi khi so sánh tâm hồn với bàn thờ. Việc cầu nguyện làm cho phụng vụ được nội tâm hóa và trở thành riêng của bản thân, cả trong lúc cử hành lẫn sau khi cử hành. Việc cầu nguyện, dù ở “nơi kín đáo” (Mt 6,6), vẫn luôn là lời cầu nguyện của Hội Thánh và là sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh.6
Các nhân đức đối thần (2656-2658) [1812-1829]
2656
Chúng ta phải qua cửa hẹp của đức tin để đi vào cầu nguyện cũng như đi vào phụng vụ. Qua các dấu chỉ sự hiện diện của Chúa, chúng ta tìm kiếm và khao khát tôn nhan Ngài, chúng ta muốn lắng nghe và tuân giữ lời Ngài.
2657
Chúa Thánh Thần, Đấng dạy chúng ta cử hành phụng vụ đang khi mong đợi ngày trở lại của Đức Kitô, giáo dục chúng ta biết cầu nguyện trong đức cậy. Ngược lại, việc cầu nguyện của Hội Thánh và của cá nhân nuôi dưỡng đức cậy trong lòng chúng ta. Đặc biệt các Thánh vịnh, với ngôn từ cụ thể và đa dạng của chúng, dạy chúng ta đặt lòng trông cậy nơi Thiên Chúa: “Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Ngài nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu” (Tv 40,2). “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15,13).
2658826
“Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Một khi được đào tạo nhờ đời sống phụng vụ, việc cầu nguyện sẽ kín múc được mọi sự trong tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta trong Đức Kitô. Tình yêu này giúp chúng ta đáp lại Ngài bằng cách yêu thương như chính Ngài đã yêu thương chúng ta. Tình yêu là nguồn mạch duy nhất của cầu nguyện; ai kín múc nơi nguồn mạch này, người đó đạt tới chóp đỉnh của việc cầu nguyện:
“Lạy Thiên Chúa của con, con yêu mến Chúa, và niềm ao ước duy nhất của con là yêu mến Chúa cho đến hơi thở cuối cùng của đời con. Lạy Thiên Chúa vô cùng khả ái, con yêu mến Chúa. Con thà chết vì yêu mến Chúa, còn hơn là sống mà không yêu mến Chúa. Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, và ân sủng duy nhất mà con cầu xin là cho con được yêu mến Chúa muôn đời... Lạy Thiên Chúa của con, nếu miệng lưỡi con không thể lúc nào cũng lặp lại rằng con yêu mến Chúa, con muốn rằng tim con luôn lặp lại lời đó với Chúa theo từng nhịp thở của con.”7
“Ngày hôm nay” (2659-2660)
26591165 / 2837 / 305
Có những lúc chúng ta học cầu nguyện bằng cách lắng nghe Lời Chúa và tham dự mầu nhiệm Vượt Qua của Người; nhưng mọi lúc, trong các biến cố hằng ngày, Người ban Thần Khí của Người để giúp ta cầu nguyện. Giáo huấn của Chúa Giêsu về việc cầu nguyện với Chúa Cha cũng giống như giáo huấn về Chúa quan phòng:8 thời gian ở trong tay Chúa Cha; chúng ta gặp gỡ Ngài trong hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai, nhưng chính hôm nay: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa: các ngươi chớ cứng lòng!” (Tv 95,8).
26602546 / 2632
Cầu nguyện trong các biến cố mỗi ngày và mỗi lúc, là một trong những điều bí ẩn của Nước Trời, được mặc khải cho “những người bé mọn”, những tôi tớ Đức Kitô, những người nghèo theo các mối phúc. Thật là chính đáng và tốt lành khi cầu nguyện để công lý và hòa bình của “Nước Chúa trị đến” có ảnh hưởng trên tiến trình lịch sử; nhưng cũng quan trọng là phải dùng cầu nguyện mà nhào nặn khối bột là những hoàn cảnh tầm thường hằng ngày. Mọi hình thức cầu nguyện đều có thể là thứ men mà Chúa đã sánh ví với Nước Chúa.9
Tóm lược (2661-2662)
2661
Nhờ việc lưu truyền sống động là Thánh Truyền, Chúa Thánh Thần dạy con cái Thiên Chúa, trong Hội Thánh, biết cầu nguyện.
2662
Lời Chúa, Phụng vụ của Hội Thánh, các nhân đức Tin Cậy Mến, là những nguồn mạch của việc cầu nguyện.
Chú thích
3 X. Ga 4,14.
4 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 25: AAS 58 (1966) 829; x. Thánh Ambrôsiô, De officiis ministrorum, 1, 88: ed. N. Testard (Paris 1984) 138 (PL 16,50).
5 Guigô II Cartusiensis, Scala claustralium, 2, 2: PL 184,476.
6 X. Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh phụng vụ, 9: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v. 1 (Typis Polyglottis Vaticanus 1973) 25.
7 Thánh Gioan Maria Viannê, Oratio, apud B. Nodet, Le Curé d’Ars, Sa pensée-son coeur (Le Puy 1966) 45.
8 X. Mt 6,11.34.
9 X. Lc 13,20-21.