Tiết 2: Chúa Giê-su “chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết” (595-623)

Số
Mục lục
Tra cứu
Câu
Mục lục
Tra cứu

Mục lục

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

BẢNG KÝ HIỆU VIẾT TẮT

TÔNG HIẾN FIDEI DEPOSITUM

LỜI MỞ ĐẦU (1-25)

PHẦN THỨ NHẤT (26-1065)

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

ĐOẠN THỨ NHẤT: “TÔI TIN” - “CHÚNG TÔI TIN” (26-184)

CHƯƠNG I: CON NGƯỜI “CÓ KHẢ NĂNG” ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA (27-49)

CHƯƠNG II: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (50-141)

Mục 1: Mặc Khải của Thiên Chúa (51-73)

Mục 2: Sự lưu truyền Mặc Khải của Thiên Chúa (74-100)

Mục 3: Thánh Kinh (101-141)

CHƯƠNG III: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (142-184)

Mục 1: Tôi tin (144-165)

Mục 2: Chúng tôi tin (166-184)

TÍN BIỂU

ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KI-TÔ GIÁO (185-1065)

CHƯƠNG I: “TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA” (198-421)

Mục 1: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất” (199-421)

Tiết 1: Tôi tin kính Đức Chúa Trời (199-231)

Tiết 2: Chúa Cha (232-267)

Tiết 3: Đấng Toàn Năng (268-278)

Tiết 4: Đấng Tạo Hóa (279-324)

Tiết 5: Trời và đất (325-354)

Tiết 6: Con người (355-384)

Tiết 7: Sự sa ngã (385-421)

CHƯƠNG II: TÔI TIN KÍNH MỘT CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA (422-682)

Mục 2: “Tôi tin kính Đức Chúa Giê-su Ki-tô, là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi” (430-455)

Mục 3: Chúa Giê-su Ki-tô “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (456-570)

Tiết 1: Con Thiên Chúa làm người (456-483)

Tiết 2: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (484-511)

Tiết 3: Các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Ki-tô (512-570)

Mục 4: Chúa Giê-su Ki-tô đã “chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác” (571-630)

Tiết 1: Chúa Giê-su và Ít-ra-en (574-594)

Tiết 2: Chúa Giê-su “chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết” (595-623)

Tiết 3: Chúa Giê-su Ki-tô được “táng xác” (624-630)

Mục 5: Chúa Giê-su Ki-tô “xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (631-658)

Tiết 1: Đức Ki-tô “xuống ngục tổ tông” (632-637)

Tiết 2: “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (638-658)

Mục 6: Chúa Giê-su “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng” (659-667)

Mục 7: “Ngày sau bởi trời”, Người “lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết” (668-682)

CHƯƠNG III: TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN (683-1065)

Mục 8: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” (687-747)

Mục 9: “Tôi tin Hội Thánh Công Giáo” (748-975)

Tiết 1: Hội Thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa (751-780)

Tiết 2: Hội Thánh - Dân Thiên Chúa, Thân Thể Đức Ki-tô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần (781-810)

Tiết 3: Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (811-870)

Tiết 4: Các Ki-tô hữu: Phẩm trật, giáo dân, đời sống thánh hiến (871-945)

Tiết 5: “Các Thánh thông công” (946-962) [1474-1477]

Tiết 6: Đức Ma-ri-a - Mẹ Đức Ki-tô, Mẹ Hội Thánh (963-975)

Mục 10: “Tôi tin phép tha tội” (976-987)

Mục 11: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (988-1019)

Mục 12: “Tôi tin hằng sống vậy” (1020-1060)

“Amen” (1061-1065)

PHẦN THỨ BA (1691-2557)

ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KI-TÔ

ĐOẠN THỨ NHẤT: ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI: SỐNG TRONG THẦN KHÍ (1699-2051)

CHƯƠNG I: PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ (1700-1876)

Mục 1: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa (1701-1715)

Mục 2: Ơn gọi của chúng ta là đến hưởng vinh phúc (1716-1729)

Mục 3: Sự tự do của con người (1730-1748)

Mục 4: Tính luân lý của các hành vi nhân linh (1749-1761)

Mục 5: Tính luân lý của các đam mê (1762-1775)

Mục 6: Lương tâm luân lý (1776-1802)

Mục 7: Các nhân đức (1803-1845)

Mục 8: Tội lỗi (1846-1876)

CHƯƠNG II: CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI (1877-1948)

Mục 1: Cá vị và xã hội (1878-1896)

Mục 2: Sự tham gia vào đời sống xã hội (1897-1927)

Mục 3: Công bằng xã hội (1928-1948)

CHƯƠNG III: ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA: LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG (1949-2051)

Mục 1: Luật luân lý (1950-1986)

Mục 2: Ân sủng và sự công chính hóa (1987-2029)

Mục 3: Hội Thánh, Mẹ và Thầy (2030-2051)

MƯỜI ĐIỀU RĂN

ĐOẠN THỨ HAI: MƯỜI ĐIỀU RĂN (2052-2557)

CHƯƠNG I: “NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI, HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI” (2083-2195)

Mục 1: Điều răn thứ nhất (2084-2141)

Mục 2: Điều răn thứ hai (2142-2167)

Mục 3: Điều răn thứ ba (2168-2195)

CHƯƠNG II: “NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI LÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH” (2196-2557)

Mục 4: Điều răn thứ tư (2197-2257)

Mục 5: Điều răn thứ năm (2258-2330)

Mục 6: Điều răn thứ sáu (2331-2400)

Mục 7: Điều răn thứ bảy (2401-2463)

Mục 8: Điều răn thứ tám (2464-2513)

Mục 9: Điều răn thứ chín (2514-2533)

Mục 10: Điều răn thứ mười (2534-2557)

Tra cứu

I. Vụ án Chúa Giê-su (595-598)
Những chia rẽ giữa các nhà cầm quyền Do-thái về Chúa Giê-su (595-596)

595

Giữa các nhà cầm quyền tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem, không kể ông Ni-cô-đê-mô thuộc nhóm Pha-ri-sêu421 và ông Giu-se, người A-ri-ma-thê, một nhân vật quyền thế, cả hai là những môn đệ âm thầm của Chúa Giê-su,422 nhưng từ lâu những người khác đã có sự bất đồng với nhau về Người,423 đến độ, hôm trước cuộc khổ nạn, thánh Gio-an đã có thể nói: “Ngay cả trong giới lãnh đạo Do-thái, cũng có nhiều người đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng họ không dám xưng ra, vì sợ bị nhóm Pha-ri-sêu khai trừ khỏi Hội Đường” (Ga 12,42). Điều này hoàn toàn không có gì lạ nếu chúng ta lưu ý rằng ngay sau lễ Ngũ Tuần, “cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin” (Cv 6,7) và “có những người thuộc phái Pha-ri-sêu đã trở thành tín hữu” (Cv 15,5), đến độ thánh Gia-cô-bê đã có thể nói với thánh Phao-lô rằng: “Thưa anh, anh thấy có hàng vạn người Do-thái đã tin theo, và tất cả đều nhiệt thành đối với luật Mô-sê” (Cv 21,20).

5961753

Các nhà cầm quyền tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem đã không nhất trí với nhau về cách xử sự đối với Chúa Giê-su.424 Nhóm Pha-ri-sêu dọa khai trừ những ai đi theo Người.425 Với những ai sợ rằng “mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta!” (Ga 11,48), thượng tế Caipha đã đề nghị bằng lời tiên tri: “Các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,49-50). Thượng Hội Đồng tuyên bố Chúa Giê-su đáng phải chết426 vì tội nói phạm thượng, nhưng vì đã mất quyền tuyên án tử hình,427 nên họ đã nộp Chúa Giê-su cho người Rô-ma và tố cáo Người về tội nổi loạn chính trị,428 điều đó khiến Người bị liệt đồng hàng với Barabbas, một người bị tống ngục “vì một vụ bạo động” (Lc 23,19). Các thượng tế cũng đưa ra những lời đe dọa mang tính chất chính trị để buộc quan Phi-la-tô kết án tử hình Chúa Giê-su.429

Người Do-thái không có tội một cách tập thể về cái chết của Chúa Giê-su (597)

5971735, 839

Xét đến tính chất phức tạp về mặt lịch sử của vụ án Chúa Giê-su, được biểu lộ trong các trình thuật của các sách Tin Mừng, và bất cứ tội cá nhân nào của những người tham gia vụ án này (Giu-đa, Thượng Hội Đồng, Phi-la-tô) chỉ mình Thiên Chúa biết, nên chúng ta không thể quy trách nhiệm cho mọi người Do-thái ở Giê-ru-sa-lem, mặc dù đã có những tiếng la ó của đám đông bị lừa gạt,430 và những lời trách cứ tập thể trong các bài giảng kêu gọi hối cải sau lễ Ngũ Tuần.431 Chính Chúa Giê-su trên thập giá đã tha thứ cho họ,432 và sau Người, thánh Phê-rô cũng coi những người Do-thái ở Giê-ru-sa-lem và cả các thủ lãnh của họ là đã hành động vì “không hiểu biết.”433 Càng không được mở rộng trách nhiệm đến những người Do-thái ở những nơi chốn khác và thời đại khác, căn cứ vào tiếng la ó của dân chúng: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25), vì đây chỉ là một công thức thừa nhận bản án.434 Vì vậy, Hội Thánh đã tuyên bố tại Công đồng Va-ti-ca-nô II:

“Không thể quy trách nhiệm một cách không phân biệt về những tội ác người ta đã phạm trong cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su cho mọi người Do-thái thời đó, cũng như cho người Do-thái thời nay… Không thể nói rằng Thiên Chúa đã loại bỏ người Do-thái hoặc đã chúc dữ cho họ, coi đó như là điều được dạy trong Thánh Kinh.”435

Mọi tội nhân đều là tác giả của cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô (598)

5981851

Trong giáo huấn đức tin của mình và trong chứng từ của các Thánh, Hội Thánh không bao giờ quên chân lý này: “Các tội nhân là những tác giả và tác viên của mọi cực hình mà Đức Ki-tô đã phải chịu.”436 Xét vì tội lỗi của chúng ta xúc phạm đến chính Đức Ki-tô,437 Hội Thánh không ngần ngại quy trách nhiệm tối đa về các cực hình Chúa Giê-su phải chịu cho các Ki-tô hữu, một trách nhiệm mà họ rất thường trút trên một mình người Do-thái:

“Chúng ta phải coi những kẻ thường xuyên sa ngã trong tội lỗi là những người đã phạm lỗi tầy trời ấy. Bởi lẽ tội lỗi của chúng ta đã làm Chúa Ki-tô phải chịu khổ hình thập giá, nên chắc chắn, chính những ai chìm đắm trong gian tà và tội ác, là những người đã tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá một lần nữa và đã công khai sỉ nhục Người. Quả thật, có thể thấy rằng như vậy tội ác của chúng ta là nặng nề hơn của người Do-thái, vì những người này, theo thánh Tông Đồ, ‘nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Chúa hiển vinh vào thập giá’ (1 Cr 2,8); còn chúng ta, chúng ta tuyên xưng rằng chúng ta biết Người, nên khi chúng ta chối bỏ Người bằng hành động, thì một cách nào đó coi như chúng ta đã ra tay tàn nhẫn giáng trên Người.”438

“Và ma quỷ cũng không đóng đinh Người vào thập giá, nhưng chính bạn cùng với chúng đã đóng đinh Người, và bạn còn đóng đinh Người bằng cách hưởng lạc thú trong các nết xấu và tội lỗi.”439

II. Cái chết cứu chuộc của Đức Ki-tô trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (599-605)
“Chúa Giê-su bị nộp theo kế hoạch Thiên Chúa đã định” (599-600)

599517

Cái chết tàn nhẫn của Chúa Giê-su không phải là kết quả ngẫu nhiên do sự kết hợp của những tình huống bất hạnh. Cái chết đó thuộc về mầu nhiệm của kế hoạch của Thiên Chúa, như thánh Phê-rô giải thích cho người Do-thái ở Giê-ru-sa-lem ngay từ bài giảng đầu tiên trong ngày lễ Ngũ Tuần: Người đã bị nộp “theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước” (Cv 2,23). Thánh Kinh nói như vậy không có nghĩa là những kẻ đã “nộp Chúa Giê-su”440 chỉ là những người thụ động làm theo một kịch bản do Thiên Chúa viết trước.

600312

Đối với Thiên Chúa mọi thời điểm trong tính thời sự của nó đều là hiện tại. Vì vậy, chính Thiên Chúa thiết lập kế hoạch “tiền định” vĩnh cửu của Ngài, Ngài bao gồm trong kế hoạch ấy lời đáp trả tự do của mỗi người đối với ân sủng của Ngài: “Đúng vậy, Hê-rô-đê, Phong-xi-ô Phi-la-tô, cùng với chư dân và dân Ít-ra-en đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Chúa Giê-su, Đấng Ngài đã xức dầu.441 Như thế, họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước” (Cv 4,27-28). Thiên Chúa cho phép xảy ra những hành vi xuất phát từ sự mù quáng của họ,442 để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Ngài.443

Đức Ki-tô “đã chết vì tội lỗi chúng ta theo như lời Thánh Kinh” (601)

601652, 713

Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa về việc “Người Tôi Trung Công Chính” bị giết444 đã được báo trước trong Thánh Kinh như một mầu nhiệm Cứu Chuộc phổ quát, nghĩa là, giải thoát người ta khỏi ách nô lệ tội lỗi.445 Thánh Phao-lô, trong lời tuyên xưng đức tin mà ngài nói mình đã “lãnh nhận”,446 tuyên xưng rằng “Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,3).447 Sự chết mang lại ơn cứu chuộc của Đức Ki-tô hoàn thành một cách đặc biệt lời tiên tri về Người Tôi trung đau khổ.448 Chính Chúa Giê-su đã trình bày ý nghĩa cuộc đời và sự chết của Người dưới ánh sáng về Người Tôi trung đau khổ.449 Sau khi Người sống lại, Người đã giải thích Thánh Kinh như vậy cho các môn đệ Em-mau,450 rồi cho chính các Tông Đồ.451

“Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (602-603)

602400, 519

Chính vì thế, thánh Phê-rô có thể diễn tả đức tin tông truyền về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như sau: “Anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Ki-tô. Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này” (1 Pr 1,18-20). Các tội người ta phạm, tiếp theo sau tội tổ tông, khiến người ta phải chết.452 Khi sai Con Một của Ngài đến trong thân phận tôi tớ,453 tức là trong thân phận loài người đã sa ngã và tất phải chết vì tội lỗi,454 “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21).

6032572

Vì không phạm tội, Chúa Giê-su không bao giờ biết đến việc bị Thiên Chúa loại bỏ.455 Nhưng trong tình yêu cứu chuộc, một tình yêu hằng kết hợp Người với Chúa Cha,456 Người đã đảm nhận lấy chúng ta, những kẻ đang vì tội lỗi mà lạc đường lìa xa Thiên Chúa, đến độ trên thập giá, Người đã có thể thốt lên thay chúng ta: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con!” (Mc 15,34).457 Vì đã kết hợp Đức Ki-tô với chúng ta là các tội nhân, nên Thiên Chúa “đã chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp chính Con Một của Ngài vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32), để chúng ta “được giao hòa với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Một Ngài” (Rm 5,10).

Thiên Chúa đã khởi xướng trong tình yêu cứu chuộc mọi người (604-605)

604211, 2009, 1825

Khi trao nộp Con của Ngài vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa biểu lộ kế hoạch của Ngài là một kế hoạch của tình yêu lân mẫn, đi trước mọi công trạng của chúng ta: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10).458 “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).

605402, 634, 2793

Tình yêu này không loại trừ một ai. Chúa Giê-su nhắc lại điều đó để kết luận dụ ngôn về con chiên lạc: “Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14). Người quả quyết Người “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Lời tuyên bố quan trọng này không mang ý nghĩa hạn chế: lời đó đặt song đối tập thể nhân loại với một mình Đấng Cứu Chuộc, Đấng tự hiến để cứu độ nhân loại ấy.459 Hội Thánh, theo sau các Tông Đồ,460 dạy rằng: Đức Ki-tô đã chết cho tất cả mọi người không trừ một ai. “Trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Người [Đức Ki-tô] không chịu khổ nạn cho.”461

III. Đức Ki-tô đã tự hiến cho Chúa Cha vì tội lỗi chúng ta (606-618)
Cả cuộc đời của Đức Ki-tô là của lễ dâng hiến Chúa Cha (606-607)

606517, 536

Con Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống, không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người”,462 “khi vào trần gian, Người nói: ‘Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’… theo ý đó, chúng ta được thánh hóa, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, một lần cho mãi mãi” (Dt 10,5-10). Ngay từ phút đầu tiên Người nhập thể, Chúa Con đã gắn bó với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu chuộc của mình: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Hy lễ của Chúa Giê-su “đền bù tội lỗi cả thế gian” (1 Ga 2,2) là sự diễn tả tình yêu hiệp thông của Người với Chúa Cha: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,17). Thế gian phải “biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31).

607457

Sự khao khát gắn bó với kế hoạch yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha truyền cảm hứng cho cả cuộc đời Chúa Giê-su,463 bởi vì cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người là lý do việc Người nhập thể: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11). Và trên thập giá, trước khi mọi sự “đã hoàn tất” (Ga 19,30), Người nói: “Tôi khát!” (Ga 19,28).

“Chiên xóa tội trần gian” (608)

608523, 517

Sau khi chấp nhận làm phép rửa cho Chúa Giê-su giữa các tội nhân,464 ông Gio-an Tẩy Giả đã thấy và giới thiệu Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.465 Như vậy, ông cho thấy rằng Chúa Giê-su đồng thời vừa là Người Tôi trung đau khổ, im lặng chịu đem đi làm thịt466 và mang lấy tội lỗi muôn người,467 vừa là Chiên Vượt Qua, biểu tượng cho việc Cứu Chuộc Ít-ra-en trong cuộc Vượt Qua đầu tiên.468 Cả cuộc đời của Đức Ki-tô diễn tả sứ vụ của Người: phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.469

Chúa Giê-su tự do gắn bó với tình yêu cứu chuộc của Chúa Cha (609)

609478, 515, 272, 539

Khi gắn bó với tình yêu của Chúa Cha đối với loài người trong trái tim nhân loại của mình, Chúa Giê-su “đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), bởi vì “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Như vậy, nhân tính của Người trong cuộc khổ nạn và cái chết, đã trở thành dụng cụ tự do và hoàn hảo của tình yêu thần linh của Người, một tình yêu muốn cứu độ mọi người.470 Thật vậy, Người đã tự do chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết vì tình yêu đối với Cha Người và đối với loài người mà Người muốn cứu độ: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Do đó, Con Thiên Chúa đã tự do tột bậc khi Người tiến tới cái Chết.471

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su thực hiện trước việc tự nguyện dâng hiến mạng sống của mình (610-611)

610766, 1337

Chúa Giê-su đã diễn tả cách hết sức rõ ràng việc Người tự nguyện dâng hiến chính mình trong bữa tiệc Người ăn với mười hai Tông Đồ472 “trong đêm bị nộp” (1 Cr 11,23). Hôm trước ngày chịu nạn, khi còn hoàn toàn tự do, Chúa Giê-su đã biến bữa Tiệc cuối cùng với các Tông Đồ của Người thành lễ tưởng niệm việc Người tự nguyện dâng hiến chính mình cho Chúa Cha473 để cứu độ nhân loại: “Đây là Mình Thầy, bị nộp vì anh em” (Lc 22,19). “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).

6111364, 1341, 1566

Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giê-su đã thiết lập lúc đó, sẽ là “việc tưởng niệm”474 hy tế của Người. Người bao gồm các Tông Đồ vào sự dâng hiến chính mình Người và dạy họ lưu truyền việc dâng hiến này mãi mãi.475 Như vậy, Chúa Giê-su đã đặt các Tông Đồ của Người làm tư tế của Giao Ước Mới: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19).476

Cơn hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni (612)

612532, 2600, 1009

Chúa Giê-su đã tham dự trước chén của Giao Ước Mới khi Người tự hiến trong bữa Tiệc Ly,477 rồi Người nhận lấy chén đó từ tay Chúa Cha trong cơn hấp hối của Người tại vườn Ghết-sê-ma-ni,478 khi Người “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8).479 Chúa Giê-su cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này…” (Mt 26,39). Như vậy, Người diễn tả nỗi khiếp sợ mà bản tính nhân loại của Người cảm nghiệm trước cái Chết. Thật vậy, bản tính nhân loại của Chúa Giê-su, cũng như của chúng ta, được nhắm đến sự sống vĩnh cửu; nhưng khác với chúng ta, bản tính nhân loại của Người hoàn toàn không có tội,480 mà tội mới gây nên sự chết;481 nhưng đặc biệt, bản tính nhân loại của Người đã được đảm nhận bởi Ngôi Vị thần linh của “Đấng khơi nguồn sự sống”,482 “Đấng hằng sống.”483 Khi chấp nhận thánh ý Chúa Cha bằng ý chí nhân loại của mình,484 Chúa Giê-su chấp nhận cái Chết có giá trị cứu chuộc của mình, để “tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1 Pr 2,24).

Cái chết của Đức Ki-tô là hy lễ duy nhất và tối hậu (613-614)

6131366, 2009

Cái chết của Đức Ki-tô đồng thời vừa là hy lễ Vượt Qua, mang lại ơn Cứu Chuộc tối hậu cho loài người,485 nhờ Con Chiên, Đấng xóa tội trần gian,486 vừa là hy lễ của Giao Ước Mới487 , cho con người lại được hiệp thông với Thiên Chúa,488 khi giao hòa con người với Thiên Chúa nhờ máu đổ ra cho muôn người được tha tội.489

614529, 1330, 2100

Hy lễ này của Đức Ki-tô là duy nhất, hy lễ đó hoàn tất và vượt hơn hẳn mọi hy lễ.490 Trước hết, hy lễ đó là một hồng ân của chính Thiên Chúa Cha: Chúa Cha trao nộp Con của Ngài để giao hòa chúng ta với Ngài.491 Đồng thời, đây là sự dâng hiến của Con Thiên Chúa làm người, Đấng, vì tình yêu,492 tự ý dâng hiến mạng sống mình493 cho Cha của Người nhờ Chúa Thánh Thần,494 để đền bù sự bất tuân của chúng ta.

Chúa Giê-su đền thay sự bất tuân của chúng ta bằng sự vâng phục của Người (615)

6151850, 433, 411

“Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19). Chúa Giê-su, bằng sự vâng phục cho đến chết của Người, đã hoàn thành việc đền thay của Người Tôi trung đau khổ, là hiến thân làm hy lễ đền tội, mang lấy tội lỗi của muôn người và làm cho họ nên công chính khi gánh lấy tội lỗi của họ.495 Chúa Giê-su đã đền bù các lỗi lầm của chúng ta và tạ tội với Chúa Cha vì tội lỗi của chúng ta.496

Trên thập giá, Chúa Giê-su hoàn tất hy tế của Người (616-617)

616478, 468, 519

Tình yêu thương đến cùng497 mang lại cho hy lễ của Đức Ki-tô giá trị Cứu Chuộc và đền bù, đền tội và tạ tội. Người đã biết và yêu thương tất cả chúng ta khi Người dâng hiến mạng sống mình.498 “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết” (2 Cr 5,14). Không một ai, dù là người thánh thiện nhất, có khả năng mang lấy trên mình tội lỗi của mọi người và hiến mình làm hy lễ vì mọi người. Nơi Đức Ki-tô, sự hiện hữu của Ngôi Vị Chúa Con vừa vượt hơn hẳn vừa bao gồm tất cả các nhân vị, khiến cho Đức Ki-tô là Đầu của toàn thể nhân loại, và làm cho hy tế của Người có giá trị cứu chuộc cho tất cả mọi người.

6171992, 1235

Công đồng Tri-đen-ti-nô dạy: “Bằng cuộc khổ nạn rất thánh của Người trên cây thập giá, Đức Ki-tô đã lập công cho chúng ta được nên công chính”,499 qua đó nêu rõ tính duy nhất của hy tế của Đức Ki-tô, Đấng là tác giả của ơn cứu độ vĩnh cửu.500 Vì vậy, khi tôn kính Thánh Giá, Hội Thánh ca hát rằng: “Kính chào Thánh Giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng con!”501

Sự tham dự của chúng ta vào hy tế của Đức Ki-tô (618)

6181368, 1460, 307, 2100, 964

Thánh giá là hy tế duy nhất của Đức Ki-tô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người.502 Nhưng bởi vì, trong Ngôi Vị Thiên Chúa nhập thể của Người, “một cách nào đó Người đã tự kết hợp với toàn thể mọi người”,503 nên Người đã “ban cho mọi người một khả năng để, theo cách Thiên Chúa biết, họ được kết hợp vào mầu nhiệm Vượt Qua.”504 Người kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người,505 bởi vì Người đã chịu khổ nạn vì chúng ta, đã để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người.506 Quả thật, Người cũng muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu chuộc của Người được kết hợp vào hy tế ấy.507 Điều đó được thực hiện, một cách cao cả nhất, nơi Mẹ Người, Mẹ được kết hợp vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người một cách mật thiết hơn bất cứ ai khác.508 “Đây là chiếc thang thật và duy nhất của thiên đàng, và ngoài thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời.”509

Tóm lược (619-623)

619

“Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,3).

620

Ơn cứu độ của chúng ta xuất phát từ sự khởi xướng của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta “chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). “Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được giao hòa với Ngài” (2 Cr 5,19).

621

Chúa Giê-su đã tự hiến một cách tự do để cứu độ chúng ta. Người tỏ cho thấy và thực hiện trước việc ban tặng này trong bữa Tiệc Ly: “Đây là mình Thầy, bị nộp vì anh em” (Lc 22,19).

622

Công trình Cứu Chuộc của Đức Ki-tô cốt tại điều này: Người “đến… hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28), nghĩa là, “Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), để họ được cứu chuộc khỏi lối sống phù phiếm do cha ông họ truyền lại.510

623

Nhờ sự vâng phục vì tình yêu đối với Chúa Cha, vâng phục trọn vẹn cho đến nỗi “chết trên cây thập tự” (Pl 2,8), Chúa Giê-su đã hoàn thành sứ vụ đền tội511 của Người Tôi trung đau khổ, Đấng làm cho muôn người nên công chính và chính Người gánh lấy tội lỗi của họ.512


Chú thích

421 X. Ga 7,50.

422 X. Ga 19,38-39.

423 X. Ga 9,16-17; 10,19-21.

424 X. Ga 9,16; 10,19.

425 X. Ga 9,22.

426 X. Mt 26,66.

427 X. Ga 18,31.

428 X. Lc 23,2.

429 X. Ga 19,12.15.21.

430 X. Mc 15,11.

431 X. Cv 2,23.36; 3,13-14; 4,10; 5,30; 7,52; 10,39; 13,27-28; 1 Tx 2,14-15.

432 X. Lc 23,34.

433 X. Cv 3,17.

434 X. Cv 5,28; 18,6.

435 CĐ Va-ti-ca-nô II, Tuyên ngôn Nostra aetate, 4: AAS 58 (1966) 743.

436 Catechismus Romanus, 1, 5, 11: ed. P. Rodriguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 64. x. Dt 12,3.

437 X. Mt 25,45; Cv 9,4-5.

438 Catechismus Romanus, 1, 5, 11: ed. P. Rodriguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 64.

439 Thánh Phan-xi-cô Assisi, Admonitio, 5,3: Opuscula sancti Patris Francisci Assisiensis, ed. C. Esser (Grottaferrata 1978) 66.

440 X. Cv 3,13.

441 X. Tv 2,1-2.

442 X. Mt 26,54; Ga 18,36; 19,11.

443 X. Cv 3,17-18.

444 X. Is 53,11; Cv 3,14.

445 X. Is 53,11-12; Ga 8,34-36.

446 X. 1 Cr 15,3.

447 X. Cv 3,18; 7,52; 13,29; 26,22-23.

448 X. Is 53,7-8; Cv 8,32-35.

449 X. Mt 20,28.

450 X. Lc 24,25-27.

451 X. Lc 24,44-45.

452 X. Rm 5,12; 1 Cr 15,56.

453 X. Pl 2,7.

454 X. Rm 8,3.

455 X. Ga 8,46.

456 X. Ga 8,29.

457 X. Tv 22,1.

458 X. 1 Ga 4,19.

459 X. Rm 5,18-19.

460 X. 2 Cr 5,15; 1 Ga 2,2.

461 CĐ Carisia (năm 853), De libero arbitrio hominis et de praedestinatione, canon 4: Ds 624.

462 X. Ga 6,38.

463 X. Lc 12,50; 22,15; Mt 16,21-23.

464 X. Lc 3,21; Mt 3,14-15.

465 X. Ga 1,29.36.

466 X. Is 53,7; Gr 11,19.

467 X. Is 53,12.

468 X. Xh 12,3-14; Ga 19,36; 1 Cr 5,7.

469 X. Mc 10,45.

470 X. Dt 2,10.17-18; 4,15; 5,7-9.

471 X. Ga 18,4-6; Mt 26,53.

472 X. Mt 16,20.

473 X. 1 Cr 5,7.

474 X. 1 Cr 11,25.

475 X. Lc 22,19.

476 X. CĐ Tri-đen-ti-nô, Sess. 22a, Doctrina de sanctissimo Missae Sacrificio, c. 2: DS 1752; Sess. 23a, Doctrina de sacramento Ordinis, c.1: DS 1764.

477 X. Lc 22,20.

478 X. Mt 26,42.

479 X. Dt 5,7-8.

480 X. Dt 4,15.

481 X. Rm 5,12.

482 X. Cv 3,15.

483 X. Kh 1,18; Ga 1,4; 5,26.

484 X. Mt 26,42.

485 X. 1 Cr 5,7; Ga 8,34-36.

486 X. Ga 1,29; 1 Pr 1,19.

487 X. 1 Cr 11,25.

488 X. Xh 24,8.

489 X. Mt 26,28; Lv 16,15-16.

490 X. Dt 10,10.

491 X. 1 Ga 4,10.

492 X. Ga 15,13.

493 X. Ga 10,17-18.

494 X. Dt 9,14.

495 X. Is 53,10-12.

496 X. CĐ Tri-đen-ti-nô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 7: DS 1529.

497 X. Ga 13,1.

498 X. Gl 2,20; Ep 5,2.25.

499 CĐ Tri-đen-ti-nô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 1: DS 1529.

500 X. Dt 5,9.

501 Additio liturgica ad Hymnum “Vexilla Regis”: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v, 2 (Typis Polyglottis Vaticanis 1974) 313; v. 4 (Typis Polyglottis Vaticanis 1974) 1129.

502 X. 1 Tm 2,5.

503 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.

504 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1043.

505 X. Mt 16,24.

506 X. 1 Pr 2,21.

507 X. Mc 10,39; Ga 21,18-19; Cl 1,24.

508 X. Lc 2,35.

509 Thánh Rô-sa Li-ma: P.Hansen, Vita mirabilis […] venerabilis sororis Rosae de sancta Ma-ri-a Limensis (Romae 1664) 137.

510 X. 1 Pr 1,18.

511 X. Is 53,10.

512 X. Is 53,11; Rm 5,19.

Scroll to Top