Tiết 4: Đấng Tạo Hóa (279-324)

Số
Mục lục
Tra cứu
Câu
Mục lục
Tra cứu

Mục lục

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

BẢNG KÝ HIỆU VIẾT TẮT

TÔNG HIẾN FIDEI DEPOSITUM

LỜI MỞ ĐẦU (1-25)

PHẦN THỨ NHẤT (26-1065)

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

ĐOẠN THỨ NHẤT: “TÔI TIN” - “CHÚNG TÔI TIN” (26-184)

CHƯƠNG I: CON NGƯỜI “CÓ KHẢ NĂNG” ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA (27-49)

CHƯƠNG II: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (50-141)

Mục 1: Mặc Khải của Thiên Chúa (51-73)

Mục 2: Sự lưu truyền Mặc Khải của Thiên Chúa (74-100)

Mục 3: Thánh Kinh (101-141)

CHƯƠNG III: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (142-184)

Mục 1: Tôi tin (144-165)

Mục 2: Chúng tôi tin (166-184)

TÍN BIỂU

ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KI-TÔ GIÁO (185-1065)

CHƯƠNG I: “TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA” (198-421)

Mục 1: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất” (199-421)

Tiết 1: Tôi tin kính Đức Chúa Trời (199-231)

Tiết 2: Chúa Cha (232-267)

Tiết 3: Đấng Toàn Năng (268-278)

Tiết 4: Đấng Tạo Hóa (279-324)

Tiết 5: Trời và đất (325-354)

Tiết 6: Con người (355-384)

Tiết 7: Sự sa ngã (385-421)

CHƯƠNG II: TÔI TIN KÍNH MỘT CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA (422-682)

Mục 2: “Tôi tin kính Đức Chúa Giê-su Ki-tô, là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi” (430-455)

Mục 3: Chúa Giê-su Ki-tô “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (456-570)

Tiết 1: Con Thiên Chúa làm người (456-483)

Tiết 2: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (484-511)

Tiết 3: Các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Ki-tô (512-570)

Mục 4: Chúa Giê-su Ki-tô đã “chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác” (571-630)

Tiết 1: Chúa Giê-su và Ít-ra-en (574-594)

Tiết 2: Chúa Giê-su “chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết” (595-623)

Tiết 3: Chúa Giê-su Ki-tô được “táng xác” (624-630)

Mục 5: Chúa Giê-su Ki-tô “xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (631-658)

Tiết 1: Đức Ki-tô “xuống ngục tổ tông” (632-637)

Tiết 2: “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (638-658)

Mục 6: Chúa Giê-su “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng” (659-667)

Mục 7: “Ngày sau bởi trời”, Người “lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết” (668-682)

CHƯƠNG III: TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN (683-1065)

Mục 8: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” (687-747)

Mục 9: “Tôi tin Hội Thánh Công Giáo” (748-975)

Tiết 1: Hội Thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa (751-780)

Tiết 2: Hội Thánh - Dân Thiên Chúa, Thân Thể Đức Ki-tô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần (781-810)

Tiết 3: Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (811-870)

Tiết 4: Các Ki-tô hữu: Phẩm trật, giáo dân, đời sống thánh hiến (871-945)

Tiết 5: “Các Thánh thông công” (946-962) [1474-1477]

Tiết 6: Đức Ma-ri-a - Mẹ Đức Ki-tô, Mẹ Hội Thánh (963-975)

Mục 10: “Tôi tin phép tha tội” (976-987)

Mục 11: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (988-1019)

Mục 12: “Tôi tin hằng sống vậy” (1020-1060)

“Amen” (1061-1065)

PHẦN THỨ BA (1691-2557)

ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KI-TÔ

ĐOẠN THỨ NHẤT: ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI: SỐNG TRONG THẦN KHÍ (1699-2051)

CHƯƠNG I: PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ (1700-1876)

Mục 1: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa (1701-1715)

Mục 2: Ơn gọi của chúng ta là đến hưởng vinh phúc (1716-1729)

Mục 3: Sự tự do của con người (1730-1748)

Mục 4: Tính luân lý của các hành vi nhân linh (1749-1761)

Mục 5: Tính luân lý của các đam mê (1762-1775)

Mục 6: Lương tâm luân lý (1776-1802)

Mục 7: Các nhân đức (1803-1845)

Mục 8: Tội lỗi (1846-1876)

CHƯƠNG II: CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI (1877-1948)

Mục 1: Cá vị và xã hội (1878-1896)

Mục 2: Sự tham gia vào đời sống xã hội (1897-1927)

Mục 3: Công bằng xã hội (1928-1948)

CHƯƠNG III: ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA: LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG (1949-2051)

Mục 1: Luật luân lý (1950-1986)

Mục 2: Ân sủng và sự công chính hóa (1987-2029)

Mục 3: Hội Thánh, Mẹ và Thầy (2030-2051)

MƯỜI ĐIỀU RĂN

ĐOẠN THỨ HAI: MƯỜI ĐIỀU RĂN (2052-2557)

CHƯƠNG I: “NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI, HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI” (2083-2195)

Mục 1: Điều răn thứ nhất (2084-2141)

Mục 2: Điều răn thứ hai (2142-2167)

Mục 3: Điều răn thứ ba (2168-2195)

CHƯƠNG II: “NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI LÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH” (2196-2557)

Mục 4: Điều răn thứ tư (2197-2257)

Mục 5: Điều răn thứ năm (2258-2330)

Mục 6: Điều răn thứ sáu (2331-2400)

Mục 7: Điều răn thứ bảy (2401-2463)

Mục 8: Điều răn thứ tám (2464-2513)

Mục 9: Điều răn thứ chín (2514-2533)

Mục 10: Điều răn thứ mười (2534-2557)

Tra cứu

279

“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã tạo thành trời đất” (St 1,1). Những lời long trọng này đã mở đầu bộ Thánh Kinh. Tín biểu lấy lại những lời đó khi tuyên xưng Thiên Chúa là Cha toàn năng, “Đấng tạo thành trời đất”,101 “muôn vật hữu hình và vô hình.”102 Vì vậy, trước hết, chúng ta nói về Đấng Tạo Hóa, kế đến về công trình tạo dựng của Ngài, sau hết về việc con người sa ngã phạm tội, rồi được Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, đến giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi.

280288, 1043

Công trình tạo dựng là nền tảng liên quan đến mọi sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa”, “khởi đầu của lịch sử cứu độ”103 mà Đức Ki-tô là tột đỉnh. Ngược lại, mầu nhiệm Đức Ki-tô là ánh sáng quyết định soi tỏ mầu nhiệm tạo dựng; mầu nhiệm Đức Ki-tô mặc khải cùng đích của việc “lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất” (St 1,1): ngay từ đầu, Thiên Chúa đã nhắm tới vinh quang của công trình tạo dựng mới trong Đức Ki-tô.104

2811095

Vì vậy, các bài Sách Thánh trong đêm Canh thức Vượt Qua, đêm mừng công trình tạo dựng mới trong Đức Ki-tô, bắt đầu bằng bài tường thuật công trình tạo dựng. Trong phụng vụ Byzantin, bài tường thuật này luôn là bài đọc thứ nhất trong lễ vọng các đại lễ kính Chúa. Theo một chứng từ cổ xưa, việc dạy các dự tòng để chịu phép Rửa Tội cũng theo cùng một đường lối đó.105

I. Dạy giáo lý về công trình tạo dựng (282-289)

2821730

Việc dạy giáo lý về công trình tạo dựng là hết sức quan trọng. Nó liên quan đến chính nền tảng của cuộc sống làm người và làm Ki-tô hữu: vì nó đem lại câu trả lời của đức tin Ki-tô Giáo cho câu hỏi căn bản mà con người của mọi thời đại thường đặt ra cho mình: “Chúng ta từ đâu tới?” “Chúng ta đi về đâu?” “Nguồn gốc của chúng ta là gì?” “Cùng đích của chúng ta là gì?” “Mọi vật hiện hữu từ đâu tới và đi về đâu?” Hai câu hỏi này, về nguồn gốc và cùng đích, không thể tách rời nhau. Chúng có tính cách quyết định đối với ý nghĩa và định hướng cho cuộc đời chúng ta và cho cách thức hành động của chúng ta.

283159, 341

Câu hỏi về nguồn gốc trần gian và con người là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu khoa học, giúp mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về độ tuổi và các chiều kích của trần gian, về sự hình thành các dạng sinh vật, về sự xuất hiện đầu tiên của loài người. Những khám phá này mời gọi chúng ta thêm lòng cảm phục sự cao cả của Đấng Tạo Hóa, tạ ơn Ngài vì các công trình của Ngài, vì sự thông minh và tài năng Ngài đã ban cho các nhà bác học và các nhà nghiên cứu. Cùng với vua Salômôn, những vị này có thể nói: “Chính Ngài đã khấng ban cho tôi tri thức xác thực về những gì đang hiện hữu, để tôi thấu hiểu cơ cấu của vũ trụ và năng lực của các nguyên tố tạo thành… Vì chính người thợ làm ra muôn vật muôn loài đã chỉ dạy cho tôi. Người thợ ấy chính là Đức Khôn Ngoan” (Kn 7,17-21).

284

Sự quan tâm lớn lao dành cho các công cuộc nghiên cứu này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một câu hỏi thuộc một lãnh vực khác, vượt quá phạm vi của các khoa học tự nhiên. Vấn đề không phải chỉ là tìm hiểu trần gian vật chất phát sinh khi nào và cách nào, và con người đã xuất hiện lúc nào, nhưng quan trọng hơn, chính là khám phá ra ý nghĩa của nguồn gốc đó: Phải chăng trần gian bị điều khiển bởi một sự ngẫu nhiên, một định mệnh mù quáng, một tất yếu vô danh, hay được điều khiển bởi một Hữu Thể siêu việt, thông minh và tốt lành, được gọi là Thiên Chúa? Và nếu trần gian xuất phát từ sự khôn ngoan và tốt lành của Thiên Chúa, thì tại sao lại có sự dữ? Nó từ đâu ra? Ai chịu trách nhiệm về nó? Có cách nào thoát khỏi sự dữ không?

285295, 28

Từ buổi đầu, đức tin Ki-tô Giáo đã đối mặt với những giải đáp khác với giải đáp của mình về vấn đề nguồn gốc. Người ta gặp trong các tôn giáo và các văn hóa cổ xưa nhiều huyền thoại về vấn đề nguồn gốc. Một số triết gia đã cho rằng mọi sự đều là Thần Linh, trần gian là Thần Linh, hoặc quá trình tiến hóa của trần gian là quá trình tiến hóa của Thần Linh (thuyết phiếm thần); một số khác cho rằng trần gian là một xuất phát tất yếu của Thần Linh, từ Thần Linh phát ra và trở về với Ngài; một số khác nữa khẳng định sự hiện hữu của hai nguyên lý vĩnh cửu, Thiện và Ác, Ánh Sáng và Bóng Tối, luôn giao tranh với nhau (thuyết nhị nguyên, thuyết của Manikê); một số người theo các thuyết ấy cho rằng thế giới (ít nhất là thế giới vật chất) là xấu, là sản phẩm của một sự sa ngã, vì vậy cần phải loại bỏ đi hoặc phải vượt khỏi (thuyết ngộ đạo); những người khác lại cho rằng trần gian do Thiên Chúa tạo nên, theo kiểu một người thợ làm ra cái đồng hồ, làm ra rồi để nó tự vận hành (tự nhiên thần giáo); cuối cùng, có những người không chấp nhận một nguồn gốc siêu việt nào của trần gian, chỉ coi trần gian thuần túy là sự tương tác của vật chất vẫn luôn hiện hữu (thuyết duy vật). Tất cả những cố gắng đó cho thấy rằng câu hỏi về vấn đề nguồn gốc là một thắc mắc muôn thuở và phổ quát. Việc tìm kiếm này là một nét đặc trưng của con người.

28632, 37

Chính trí thông minh của loài người có khả năng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi về nguồn gốc. Thật vậy, sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, có thể được nhận biết một cách chắc chắn bằng ánh sáng của lý trí con người, nhờ các công trình của Ngài,106 mặc dù sự nhận biết đó thường bị mờ tối và lệch lạc vì sai lầm. Chính vì vậy, cần có đức tin củng cố và soi sáng lý trí để hiểu biết chân lý này cách chính xác. “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế, những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có” (Dt 11,3).

287107

Chân lý về công trình tạo dựng rất quan trọng đối với toàn bộ cuộc sống con người, nên Thiên Chúa, do lòng nhân hậu của Ngài, đã muốn mặc khải cho Dân Ngài nhận biết những điều hữu ích về vấn đề này. Vượt trên sự hiểu biết tự nhiên mà bất cứ người nào cũng có thể có được về Đấng Tạo Hóa,107 Thiên Chúa đã dần dần 280 mặc khải cho Ít-ra-en mầu nhiệm tạo dựng. Thiên Chúa, Đấng đã chọn các tổ phụ, Đấng đã đưa Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập, Đấng đã tạo dựng và huấn luyện Ít-ra-en khi tuyển chọn dân này làm dân riêng của Ngài,108 chính Ngài đã tự mặc khải mình là Đấng làm chủ mọi dân tộc trên mặt đất, và cả toàn cõi đất, mình là Đấng duy nhất “đã dựng nên trời đất” (Tv 115,15; 124,8; 134,3).

288280, 2569

Việc mặc khải về công trình tạo dựng như vậy không thể tách rời khỏi việc mặc khải và thực hiện Giao Ước của Thiên Chúa duy nhất với dân Ngài. Công trình tạo dựng được mặc khải như bước đầu hướng tới Giao Ước này, như chứng từ đầu tiên và phổ quát của tình yêu toàn năng của Thiên Chúa.109 Vì thế, chân lý về công trình tạo dựng cũng được diễn tả ngày càng mạnh mẽ trong sứ điệp của các Tiên tri,110 trong lời cầu nguyện của các Thánh vịnh111 và của phụng vụ, trong suy tư về sự khôn ngoan112 của dân Chúa chọn.

289390, 111

Trong tất cả những lời Thánh Kinh nói về công trình tạo dựng, ba chương đầu của sách Sáng Thế có một chỗ đứng độc đáo. Về phương diện văn chương, những bản văn đó có thể do nhiều nguồn khác nhau. Các tác giả được linh hứng đã đặt các bản văn này ở đầu Sách Thánh để long trọng diễn tả những chân lý về công trình tạo dựng, về nguồn gốc và cùng đích của công trình đó trong Thiên Chúa, về trật tự và sự tốt lành của nó, về ơn gọi của con người, và cuối cùng về thảm kịch tội lỗi và niềm hy vọng vào ơn cứu độ. Những lời này, được đọc dưới ánh sáng của Chúa Ki-tô, trong sự thống nhất của Thánh Kinh, và trong Truyền thống sống động của Hội Thánh, vẫn là nguồn chính yếu cho việc dạy giáo lý về những mầu nhiệm của “lúc khởi đầu”: việc tạo dựng, sự sa ngã, lời hứa ban ơn cứu độ.

II. Tạo dựng – Công trình của Ba Ngôi Chí Thánh (290-292)

290326

“Lúc khởi đầu Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất” (St 1,1): những lời đầu tiên này của Thánh Kinh xác quyết ba điều: Thiên Chúa vĩnh cửu đã ban một khởi điểm cho tất cả những gì hiện hữu bên ngoài Ngài. Duy chỉ mình Ngài là Đấng Tạo hóa (động từ “tạo dựng”- tiếng hipri là bara – luôn có chủ từ là Thiên Chúa). Tất cả những gì hiện hữu (được diễn tả bằng thuật ngữ “trời đất”) đều tùy thuộc vào Đấng đã cho chúng hiện hữu.

291241, 331, 703

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời… và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3). Tân Ước mặc khải rằng: Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả nhờ Ngôi Lời vĩnh cửu là Con yêu dấu của Ngài. “Trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất… Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1,16-17). Đức tin của Hội Thánh cũng xác quyết một cách tương tự về hoạt động tạo dựng của Chúa Thánh Thần: Ngài, Đấng chúng ta tuyên xưng là “Đấng ban sự sống”,113 là “Thần Khí Sáng Tạo” (“Veni, Creator Spiritus”: “Lạy Thần Khí Sáng Tạo, xin ngự đến”), là “Nguồn mạch của sự thiện hảo.”114

292699, 257

Hành động tạo dựng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là một, một cách không thể tách biệt, với hành động tạo dựng của Chúa Cha, là điều đã được thoáng thấy trong Cựu Ước,115 đãø được mặc khải trong Tân Ước, nay được quy luật đức tin của Hội Thánh xác định rõ ràng: “Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất […]: Ngài là Cha, là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa, là Tác Giả, là Đấng làm nên mọi sự, Đấng tự mình tác tạo mọi sự, nghĩa là nhờ Lời và đức Khôn Ngoan của Ngài”;116 “Chúa Con và Chúa Thánh Thần” là như “những bàn tay” của Ngài.117 Tạo dựng là công trình chung của Ba Ngôi Chí Thánh.

III. “Trần gian được tạo dựng để làm vinh danh Thiên Chúa” (293-294)

293337, 344, 1361, 759

Chân lý căn bản, mà Thánh Kinh và Truyền Thống không ngừng giảng dạy và cử hành, là: “Trần gian được tạo dựng để làm vinh danh Thiên Chúa.”118 Thánh Bonaventura giải thích: Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự “không phải để gia tăng vinh quang, nhưng để biểu lộ và truyền thông vinh quang của Ngài.”119 Quả thật, Thiên Chúa không thể có lý do nào khác để tạo dựng, ngoài tình yêu và sự tốt lành của Ngài: “Khi tay Ngài được mở ra bằng chìa khóa của tình yêu, thì các thụ tạo xuất hiện.”120 Công đồng Va-ti-ca-nô I giải thích:

“Thiên Chúa, do sự tốt lành và uy quyền toàn năng của Ngài, không phải để gia tăng hoặc đạt được vinh phúc của Ngài, nhưng để biểu lộ sự trọn hảo của Ngài qua những điều thiện hảo Ngài ban cho các thụ tạo, do ý định hoàn toàn tự do của Ngài, lúc khởi đầu thời gian, đã tạo dựng mọi loài từ hư vô, cả loài thiêng liêng lẫn loài có thể xác.”121

2942809, 1722, 1992

Vinh quang của Thiên Chúa cốt tại việc biểu lộ và truyền thông sự tốt lành của Ngài, vì đó mà trần gian đã được tạo dựng. “Theo ý muốn nhân hậu của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta” (Ep 1,5-6). “Thật vậy, vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Nếu sự mặc khải của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng đã đem đến sự sống cho mọi loài trên trái đất, thì việc Ngôi Lời biểu lộ Chúa Cha lại càng đem lại sự sống gấp bội cho những ai thấy Thiên Chúa.”122 Mục đích tối hậu của công trình tạo dựng là Thiên Chúa, “Đấng dựng nên mọi loài, cuối cùng sẽ ‘có toàn quyền trên muôn loài’ (1 Cr 15,28), đem lại vinh quang cho Ngài và đồng thời đem lại vinh phúc cho chúng ta.”123

IV. Mầu nhiệm tạo dựng (295-301)
Thiên Chúa tạo dựng bằng sự khôn ngoan và tình yêu (295)

295216, 1951

Chúng ta tin Thiên Chúa đã tạo dựng trần gian theo sự khôn ngoan của Ngài.124 Trần gian không phải là sản phẩm của bất cứ một luật tất yếu, một định mệnh mù quáng hoặc một sự ngẫu nhiên nào. Chúng ta tin trần gian xuất phát từ ý muốn tự do của Thiên Chúa, Đấng đã muốn cho các thụ tạo được tham dự vào hữu thể, sự khôn ngoan và sự tốt lành của Ngài. “Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên” (Kh 4,11). “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan” (Tv 104,24). “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9).

Thiên Chúa tạo dựng “từ hư vô” (296-298)

296285

Chúng ta tin Thiên Chúa tạo dựng mà không cần một thứ gì đã hiện hữu trước, cũng không cần một sự trợ giúp nào.125 Công trình tạo dựng cũng không phải là một sự xuất phát tất yếu từ bản thể Thiên Chúa.126 Thiên Chúa tạo dựng một cách tự do “từ hư vô” (“ex nihilo”):127

“Nếu Thiên Chúa làm nên trần gian từ một chất liệu có trước, thì có gì là cao cả? Một người thợ giữa chúng ta, khi nhận được vật liệu từ ai đó, cũng làm ra được những gì anh ta muốn. Nhưng quyền năng của Thiên Chúa được chứng tỏ trong điều này, là từ hư vô, Ngài làm nên bất cứ những gì Ngài muốn.”128

297338

Thánh Kinh làm chứng đức tin về việc tạo dựng “từ hư vô” như một chân lý đầy hứa hẹn và hy vọng. Một bà mẹ đã khuyến khích bảy người con mình chịu tử đạo như sau:

“Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo hóa càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gồc muôn loài. Chính Ngài do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Ngài hơn bản thân mình… Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy” (2 Mcb 7,22-23.28).

2981375, 992

Bởi vì Thiên Chúa có thể tạo dựng từ hư vô, nên Ngài, “Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hóa có” (Rm 4,17), cũng có thể, nhờ Chúa Thánh Thần, ban sự sống phần hồn cho các tội nhân bằng cách tạo cho họ một quả tim tinh tuyền,129 và ban sự sống phần xác cho người đã chết qua việc phục sinh. Và bởi vì Ngài đã có thể lấy Lời của Ngài mà làm cho ánh sáng bừng lên từ bóng tối,130 nên Ngài cũng có thể ban ánh sáng đức tin cho những kẻ chưa biết Ngài.131

Thiên Chúa tạo dựng một thế giới trật tự và tốt lành (299)

299339, 41, 1147, 358, 2415

Nếu Thiên Chúa tạo dựng một cách khôn ngoan, thì công trình tạo dựng là có trật tự: “Chúa đã sắp xếp có chừng có mực, đã tính toán và cân nhắc cả rồi” (Kn 11,20). Trần gian được tạo dựng trong Ngôi Lời vĩnh cửu và nhờ Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), trần gian đó là dành cho con người và hướng tới con người, là hình ảnh của Thiên Chúa,132 và được kêu gọi để sống trong tương quan cá vị với Thiên Chúa. Trí khôn của chúng ta, được tham dự vào ánh sáng của Đấng Thượng trí thần linh, có thể hiểu được những điều Thiên Chúa nói với chúng ta qua công trình tạo dựng,133 tuy phải cố gắng nhiều, và trong tinh thần khiêm tốn và kính trọng trước Đấng Tạo Hóa và công trình của Ngài.134 Công trình tạo dựng, được phát sinh do sự tốt lành của Thiên Chúa, nên nó được dự phần vào sự tốt lành này (“Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp,… là rất tốt đẹp”: St 1,4.10.12.18.21.31). Quả thật, Thiên Chúa đã muốn công trình tạo dựng là như một quà tặng dành cho con người, như một gia sản được gởi gắm và ủy thác cho con người. Nhiều lần Hội Thánh đã phải biện hộ cho sự tốt lành của công trình tạo dựng, bao gồm cả sự tốt lành của thế giới vật chất.135

Thiên Chúa vừa siêu việt trên công trình tạo dựng, vừa hiện diện nơi công trình tạo dựng (300)

30042, 223

Thiên Chúa vô cùng cao cả hơn các công trình của Ngài:136 “Uy phong Ngài vượt quá trời cao” (Tv 8,2). “Ngài cao cả khôn dò khôn thấu” (Tv 145,3). Nhưng bởi vì Ngài là Đấng Tạo Hóa tối cao và tự do, là căn nguyên đệ nhất của tất cả những gì hiện hữu, nên Ngài hiện diện nơi thâm sâu nhất của các thụ tạo của Ngài: “Chính ở nơi Ngài mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28). Theo lời thánh Augustinô: Ngài “thâm sâu hơn sự thâm sâu nhất của tôi và cao vời hơn tột đỉnh của tôi.”137

Thiên Chúa giữ gìn và nâng đỡ công trình tạo dựng (301)

3011951, 396

Sau khi tạo dựng, Thiên Chúa không bỏ mặc thụ tạo của Ngài. Không những Thiên Chúa cho chúng hữu thể và hiện hữu, nhưng Ngài còn luôn luôn giữ gìn chúng “hiện hữu”, cho chúng có thể hoạt động và dẫn đưa chúng đến cùng đích của chúng. Nhận biết sự lệ thuộc tuyệt đối như vậy vào Đấng Tạo hóa là nguồn mạch của sự khôn ngoan và tự do, của niềm vui và sự tin tưởng:

“Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,24-26).

V. Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Ngài: Sự quan phòng của Thiên Chúa (302-314)

302

Công trình tạo dựng có sự tốt lành và hoàn hảo riêng, nhưng chưa tuyệt đối trọn vẹn khi xuất phát từ bàn tay Đấng Tạo Hóa. Trần gian được tạo dựng “trong tình trạng lên đường” (“in statu viae”) hướng đến sự hoàn hảo cuối cùng mà Thiên Chúa đã định cho chúng. Những sắp xếp nhờ đó Thiên Chúa dẫn đưa công trình tạo dựng của Ngài tới sự hoàn hảo đó, chúng ta gọi là sự quan phòng của Thiên Chúa.

“Quả thật, nhờ sự quan phòng của Ngài, Thiên Chúa gìn giữ và điều khiển tất cả những gì Ngài đã tạo dựng, ‘từ chân trời này vươn mạnh tới chân trời kia, Ngài cai quản mọi loài thật tốt đẹp’ (Kn 8,1). ‘Nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ngài’ (Dt 4,13), kể cả những điều trong tương lai do hành động tự do của các thụ tạo.”138

303269

Chứng từ của Thánh Kinh đều đồng nhất: Thiên Chúa quan phòng chăm sóc mọi sự cách cụ thểtrực tiếp, Ngài quan tâm đến tất cả mọi sự, từ những điều nhỏ nhất đến những biến cố trọng đại của trần gian và của lịch sử. Sách Thánh xác quyết mạnh mẽ quyền chủ tể tuyệt đối của Thiên Chúa trong dòng chảy của các biến cố: “Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên” (Tv 115,3); và Sách Thánh nói về Đức Ki-tô: “Người mở ra thì không ai đóng lại được, Người đóng lại thì không ai mở ra được” (Kh 3,7). “Lòng con người ấp ủ bao dự tính, duy kế hoạch của Chúa mới trường tồn” (Cn 19,21).

3042568

Chúng ta nhận thấy điều này là, Chúa Thánh Thần, tác giả chính của Thánh Kinh, thường quy các hành động về Thiên Chúa, mà không nhắc đến các nguyên nhân đệ nhị. Đó không phải là “cách nói” sơ khai, nhưng là cách sâu sắc để nhắc nhớ đến quyền tối thượng của Thiên Chúa và quyền chủ tể tuyệt đối của Ngài trên lịch sử và trần gian,139 và như vậy, để dạy người ta phải tín thác vào Ngài. Cách cầu nguyện của các Thánh vịnh là trường huấn luyện quan trọng về niềm tín thác này.140

3052115

Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta phó thác với tình con thảo cho sự quan phòng của Cha trên trời, Đấng chăm sóc đến những nhu cầu nhỏ bé nhất của con cái Ngài: “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì? uống gì?… Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,31-33).141

Sự quan phòng và các nguyên nhân đệ nhị (306-308)

3061884, 1951

Thiên Chúa là Chúa tể của kế hoạch của Ngài. Nhưng để thực hiện kế hoạch ấy, Ngài cũng dùng đến sự cộng tác của các thụ tạo. Đây không phải là dấu hiệu của sự yếu kém, nhưng là dấu chỉ của sự cao cả và lòng nhân hậu của Thiên Chúa toàn năng. Quả vậy, Thiên Chúa không những ban cho các thụ tạo được hiện hữu, nhưng còn ban cho chúng phẩm giá để chúng hoạt động, để chúng nên nguyên nhân và nguyên lý cho nhau, và như vậy, để chúng cộng tác vào việc hoàn thành kế hoạch của Ngài.

307106, 373, 1954, 2427, 2738, 618, 1505

Đối với con người, Thiên Chúa còn ban cho dư đầy khả năng để tham dự một cách tự do vào sự quan phòng của Ngài, khi trao cho họ trách nhiệm làm chủ trái đất và thống trị nó.142 Như vậy, Thiên Chúa cho con người trở nên những nguyên nhân thông minh và tự do để hoàn thành công trình tạo dựng, và thực hiện sự hài hòa của công trình ấy hầu mưu ích cho chính mình và cho tha nhân. Con người, những cộng tác viên thường là vô ý thức, của thánh ý Thiên Chúa, có thể tham gia một cách ý thức vào kế hoạch của Thiên Chúa bằng hành động, bằng kinh nguyện, và cả bằng các đau khổ của mình.143 Như vậy, họ trở thành “những cộng sự viên của Thiên Chúa” (1 Cr 3,9)144 và của Nước Ngài145 cách trọn vẹn.

308970

Chân lý sau đây là không thể tách rời khỏi đức tin vào Thiên Chúa Tạo Hóa: Thiên Chúa hành động trong mọi hoạt động của các thụ tạo của Ngài. Ngài là nguyên nhân đệ nhất, hành động trong và qua các nguyên nhân đệ nhị: “Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Ngài” (Pl 2,13).146 Chân lý này không những không làm giảm bớt phẩm giá của thụ tạo, nhưng còn nâng nó lên. Thụ tạo, được tạo dựng từ hư vô bởi quyền năng, sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, không thể làm gì được nếu bị cắt khỏi nguồn gốc của mình; “vì không có Đấng Tạo Hóa, thụ tạo sẽ tan biến”;147 thụ tạo lại càng không thể đạt tới cùng đích tối hậu của mình nếu không có sự trợ giúp của ân sủng.148

Thiên Chúa quan phòng và cớ vấp phạm của sự dữ (309-314)

309164, 385, 2850

Nếu Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo dựng nên trần gian có trật tự và tốt đẹp, chăm sóc tất cả các thụ tạo của Ngài, thì tại sao lại có sự dữ? Trước câu hỏi vừa khẩn thiết vừa không thể tránh được, vừa bi thảm vừa bí nhiệm này, không câu trả lời vội vàng nào là đầy đủ được. Chỉ có toàn bộ đức tin Ki-tô Giáo mới là câu trả lời cho câu hỏi này: sự tốt đẹp của công trình tạo dựng, thảm kịch tội lỗi, tình yêu kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng đã đi bước trước đến với con người qua các Giao Ước của Ngài, qua việc Con Ngài Nhập Thể đem lại ơn cứu chuộc, qua việc ban Chúa Thánh Thần, qua việc quy tụ Hội Thánh, qua sức mạnh của các bí tích, qua việc kêu gọi tới cuộc sống vĩnh phúc, mà ngay từ đầu các thụ tạo có tự do được mời gọi đón nhận, nhưng cũng ngay từ đầu, do một huyền nhiệm khủng khiếp, họ có thể từ chối! Không có khía cạnh nào của sứ điệp Ki-tô Giáo mà lại không phải là một phần câu trả lời cho câu hỏi về sự dữ.

310412, 1042-1050, 342

Nhưng tại sao Thiên Chúa lại không tạo dựng một trần gian thật hoàn hảo đến nỗi không thể có một sự dữ nào trong đó? Theo quyền năng vô biên của Ngài, Thiên Chúa luôn có thể tạo dựng được một thế giới tốt hơn.149 Nhưng trong sự khôn ngoan và lòng nhân hậu vô biên của Ngài, Thiên Chúa đã tự ý muốn dựng nên một trần gian “trong tình trạng lên đường” hướng về sự hoàn hảo cuối cùng của nó. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, quá trình này gồm có việc những vật này xuất hiện và những vật khác biến đi, có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Như vậy, cùng với sự tốt lành thể lý, cũng có sự dữ thể lý, bao lâu công trình tạo dựng chưa đạt tới mức hoàn hảo của nó150 .

311396, 1849

Các Thiên thần và các con người, là những thụ tạo thông minh và tự do, phải tiến về mục đích tối hậu của mình, nhờ sự lựa chọn tự do và yêu mến điều gì là ưu tiên. Vì vậy, họ có thể đi sai đường. Trong thực tế, họ đã phạm tội. Như vậy, sự dữ luân lý, vô cùng nghiêm trọng hơn so với sự dữ thể lý, đã xâm nhập vào trần gian. Thiên Chúa không bao giờ, bằng bất cứ cách nào, một cách trực tiếp hay gián tiếp, là nguyên nhân của sự dữ luân lý.151 Tuy nhiên, Ngài cho phép điều đó, vì tôn trọng sự tự do của thụ tạo của Ngài, và một cách bí nhiệm, Ngài biết từ sự dữ dẫn đưa tới điều thiện hảo:

“Quả thật, Thiên Chúa toàn năng tốt lành vô cùng, nên không bao giờ cho phép một sự dữ nào xảy ra trong các công trình của Ngài, nếu Ngài không toàn năng và tốt lành đến độ Ngài có thể hành động cách tốt đẹp từ sự dữ.”152

312598-600, 1994

Như vậy, với thời gian, chúng ta có thể nhận ra rằng: Thiên Chúa, trong sự quan phòng toàn năng của Ngài, có thể dẫn đưa tới điều thiện hảo từ những hậu quả của sự dữ, cho dù là sự dữ luân lý, do các thụ tạo của Ngài gây nên: “Không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa… Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt để… cứu sống một dân đông đảo” (St 45,8; 50,20).153 Từ sự dữ luân lý lớn lao nhất người ta từng phạm, là việc khước từ và giết chết Con Thiên Chúa, sự dữ đó là do tội lỗi của tất cả mọi người gây nên, Thiên Chúa đã dẫn đưa tới điều thiện hảo cao trọng nhất, nhờ ân sủng chan chứa gấp bội của Ngài:154 Đức Ki-tô được tôn vinh và chúng ta được cứu chuộc. Tuy nhiên, không vì vậy mà sự dữ trở thành điều thiện hảo.

313227

“Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28). Chứng từ của các Thánh không ngừng củng cố chân lý này.

Thánh Catarina Siêna nói với “những người bất bình và nổi dậy chống lại những gì xảy đến cho họ”: “Mọi sự được ban tặng bởi tình yêu và được quan phòng cho phần rỗi của con người, chứ không vì bất cứ mục đích nào khác.”155 Ngay trước khi chịu tử đạo, thánh Tô-ma More an ủi con gái mình: “Không gì có thể xảy ra mà không do Thiên Chúa muốn. Mà bất cứ điều gì Ngài muốn, thì dù đối với chúng ta có vẻ là sự dữ, nhưng thật ra đó là điều thiện hảo nhất.”156 Và bà Giuliana Norwich viết: “Nhờ ơn Chúa, tôi đã được dạy phải vững vàng gắn bó với đức tin… và tin một cách mạnh mẽ rằng mọi sự sẽ tốt đẹp… Chính bạn sẽ thấy là mọi sự sẽ tốt đẹp.”157

3141040, 2550

Chúng ta tin vững vàng rằng Thiên Chúa là Chúa của trần gian và của lịch sử. Nhưng thường chúng ta không biết được các đường lối của sự quan phòng của Ngài. Chỉ khi nào tới chung cuộc, lúc mà sự hiểu biết phiến diện của chúng ta kết thúc, khi chúng ta thấy Thiên Chúa “mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12), chúng ta sẽ hiểu biết một cách trọn vẹn các đường lối này, mà qua đó, kể cả nhờ những thảm kịch của sự dữ và tội lỗi, Thiên Chúa dẫn đưa công trình tạo dựng của Ngài tới sự nghỉ ngơi của ngày Sabat158 chung cuộc, vì ngày đó mà Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất.

Tóm lược (315-324)

315

Thiên Chúa, trong công trình tạo dựng trần gian và con người, đã cho thấy chứng từ đầu tiên và phổ quát về tình yêu toàn năng và sự khôn ngoan của Ngài, đây là lời loan báo đầu tiên về “kế hoạch nhân hậu” của Ngài, một kế hoạch có mục đích là công trình tạo dựng mới trong Đức Ki-tô.

316

Tuy công trình tạo dựng được đặc biệt coi là của Chúa Cha, nhưng chân lý đức tin cũng dạy: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là nguyên lý duy nhất và không thể phân chia của công trình tạo dựng.

317

Một mình Thiên Chúa đã tạo dựng trần gian một cách tự do, trực tiếp, không hề có một sự trợ giúp nào.

318

Không một thụ tạo nào có quyền năng vô biên cần thiết để “tạo dựng” theo đúng nghĩa của từ này, nghĩa là, làm ra và cho hiện hữu điều gì trước đó không hề có (kêu gọi nó hiện hữu “từ hư vô”).159

319

Thiên Chúa đã tạo dựng trần gian để biểu lộ và truyền thông vinh quang của Ngài. Sự vinh quang mà vì đó Thiên Chúa đã tạo dựng các thụ tạo của Ngài, là để chúng được dự phần vào sự chân thiện mỹ của Ngài.

320

Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng trần gian, gìn giữ nó hiện hữu nhờ Ngôi Lời, là Con của Ngài, Đấng “dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật” (Dt 1,3), và nhờ Thần Khí Sáng Tạo của Ngài, Đấng ban sự sống.

321

Sự quan phòng của Thiên Chúa là những sắp xếp nhờ đó Thiên Chúa, với sự khôn ngoan và tình yêu, dẫn đưa mọi thụ tạo của Ngài tới mục đích tối hậu của chúng.

322

Đức Ki-tô mời gọi chúng ta phó thác với tình con thảo vào sự quan phòng của Cha trên trời160 , và thánh Tông Đồ Phê-rô nhắc lại: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Ngài, vì Ngài chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7).161

323

Thiên Chúa quan phòng cũng hành động qua hành động của các thụ tạo. Thiên Chúa cho con người được cộng tác một cách tự do vào các kế hoạch của Ngài.

324

Việc Thiên Chúa cho phép có sự dữ thể lý và sự dữ luân lý là một mầu nhiệm mà Thiên Chúa làm sáng tỏ nhờ Con của Ngài là Chúa Giê-su Ki-tô, đã chết và đã sống lại để chiến thắng sự dữ. Đức tin giúp chúng ta xác tín rằng, Thiên Chúa đã không cho phép sự dữ xuất hiện, nếu Ngài không làm phát sinh điều thiện hảo từ chính sự dữ đó, bằng những đường lối mà chúng ta chỉ biết được trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu.


Chú thích

101 Tín biểu của các Tông Đồ: DS 30.

102 Tín biểu Ni-xê-a – Constantinôpôli: DS 150.

103 Thánh bộ Giáo sĩ, Directorium catechisticum generale, 51: AAS 64 (1972) 128.

104 X. Rm 8,18-23.

105 X. Êgiêria, Itinerarium seu Peregrinatio ad loca sancta 46, 2: SC 296,308; PLS 1,1089-1090; Thánh Augustinô, De catechizandis rudibus 3, 5: CCL 46,124 (PL 40,313).

106 X. CĐ Va-ti-ca-nô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, De Revelatione, canon 1: DS 3026.

107 X. Cv 17,24-29; Rm 1,19-20.

108 X. Is 43,1.

109 X. St 15,5; Gr 33,19-26.

110 X. Is 44,24.

111 X. Tv 104.

112 X. Cn 8,22-31.

113 Tín biểu Ni-xê-a – Constantinôpôli: DS 150.

114 Phụng vụ Byzantin, 2um Sticherum Vesperarum Dominicae Pentecostes: Pentekostarion (Rome 1883), 408.

115 X. Tv 33,6; 104,30; St 1,2-3.

116 Thánh I-rê-nê, Adversus haereses, 2, 30, 9: SC 294,318-320 (PG 7,822).

117 Thánh I-rê-nê, Adversus haereses, 4, 20, 1: SC 100,626 (PG 7,1032).

118 CĐ Va-ti-ca-nô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, De Deo rerum omnium Creatore, canon 5: DS 3025.

119 Thánh Bô-na-ven-tu-ra, In secundum librum Sententiarum, dist. 1, p. 2, a. 2, q. 1, concl.: Opera omnia, v. 2 (Ad Claras Aquas 1885) 44.

120 Thánh Tô-ma A-qui-nô, Commentum in secundum librum Sententiarum, Prologus: Opera omnia, v. 8 (Paris 1873) 2.

121 CĐ Va-ti-ca-nô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 1: DS 3002.

122 Thánh I-rê-nê, Adversus haereses, 4, 20, 7: SC 100,648 (PG 7,1037).

123 CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 2: AAS 58 (1966) 948.

124 X. Kn 9,9.

125 X. CĐ Va-ti-ca-nô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c.1: DS 3002.

126 X. CĐ Va-ti-ca-nô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, De Deo rerum omnium Creatore, canones 1-4: DS 3023-3024.

127 CĐ La-tê-ra-nô IV, Cap. 2, De fide catholica: DS 800; CĐ Va-ti-ca-nô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, De Deo rerum omnium Creatore, canon 5: DS 3025.

128 Thánh Thê-ô-phi-lô thành An-ti-ô-khi-a, Ad Autolycum, 2, 4: SC 20,102 (PG 6,1052).

129 X. Tv 51,12.

130 X. St 1,3.

131 X. 2 Cr 4,6.

132 X. St 1,26.

133 X. Tv 19,2-5.

134 X. G 42,3.

135 X. Thánh Lê-ô Cả, Epistula Quam laudabiliter: DS 286; CĐ Bracarense I, Anathematismi praesertim contra Priscillianistas, 5-13: DS 455-463; CĐ La-tê-ra-nô IV, Cap. 2, De fide catholica: DS 800; CĐ Florentinô, Decretum pro Iacobitis: DS 1333; CĐ Va-ti-ca-nô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 1: DS 3002.

136 X. Hc 43,30.

137 Thánh Augustinô, Confessiones, 3, 6, 11: CCL 27,33 (PL 32,688).

138 CĐ Va-ti-ca-nô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 1: DS 3003.

139 X. Is 10,5-15; 45,5-7; Đnl 32,39; Hc 11,14.

140 X. TV 22; 32; 35; 103; 138.

141 X. Mt 10,29-31.

142 X. St 1,26-28.

143 X. Cl 1,24.

144 X. 1 Tx 3,2.

145 X. Cl 4,11.

146 X. 1Cr 12,6.

147 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966) 1054.

148 X. Mt 19,26; Ga 15,5; Pl 4,13.

149 X. Thánh Tô-ma A-qui-nô, Summa theologiae, I, q. 25, a. 6: Ed. Leon. 4, 298-299.

150 X. Thánh Tô-ma A-qui-nô, Summa contra gentiles, 3, 71: Ed. Leon. 14, 209-211.

151 X. Thánh Augustinô, De libero arbitrio, 1, 1, 1: CCL 29,211 (PL 32,1221-1223); Thánh Tô-ma A-qui-nô, Summa theologiae, I-II, q. 79, a. 1: Ed. Leon. 7, 76-77.

152 Thánh Augustinô, Enchiridion de fide, spe et caritate, 3, 11: CCL 46,53 (PL 40,236).

153 X. Tb 2,12-18 (bản Vulgata).

154 X. Rm 5,20.

155 Thánh Catarina thành Siêna, Il dialogo della Divina Provvidenza 138: Ed. G. Cavallini (Roma 1995) 441.

156 Margarita Roper, Epistola ad Aliciam Alington (tháng Tám 1534): The Correspondence of Sir Thomas More, ed. E.F. Rogers (Princeton 1947) 531-532.

157 Giuliana Norwich, Revelatio 13, 32: A Book of Showings to the Anchoress Julian of Norwich, ed. E. Colledge-J.Walsh, vol. 2 (Toronto 1978) 426 và 422.

158 X. St 2,2.

159 X. Sacra Congregatio Studiorum, Decretum (27 iulii 1914): DS 3624.

160 X. Mt 6,26-34.

161 X. Tv 55,23.

Scroll to Top