Mục 12: “Tôi tin hằng sống vậy” (1020-1060)

10202677 / 336 / 1523-1525

Kitô hữu nào kết hợp sự chết riêng của mình với sự chết của Chúa Giêsu, thì coi sự chết như việc đến với Chúa và đi vào sự sống muôn đời. Khi Hội Thánh, lần cuối cùng, đọc lời xá giải của Đức Kitô để tha thứ cho Kitô hữu hấp hối, xức dầu ban sức mạnh và trao Chúa Kitô là của ăn đàng như lương thực cho cuộc hành trình, Hội Thánh dịu dàng trấn an người ấy:

“Hỡi linh hồn Kitô hữu, hãy ra đi khỏi trần gian này,
nhân danh Chúa Cha toàn năng,
Đấng đã tạo dựng nên con,
nhân danh Chúa Giêsu Kitô,
Con Thiên Chúa hằng sống,
Đấng đã chịu khổ hình vì con,
nhân danh Chúa Thánh Thần,
Đấng đã được tuôn đổ trên con;

hôm nay xin cho con được bình an đến chỗ của con
và nơi lưu ngụ của con bên Thiên Chúa trong thành thánh Xion,
cùng với Đức thánh Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
với thánh Giuse, với tất cả các Thiên thần và các Thánh của Thiên Chúa...

Xin cho con được trở về cùng Đấng đã lấy bùn đất tạo dựng nên con.
Khi con lìa bỏ đời này, xin thánh Maria, các Thiên thần và toàn thể các Thánh đón tiếp con...
Xin cho con được nhìn thấy mặt giáp mặt Đấng Cứu Chuộc con và con được chiêm ngưỡng Thiên Chúa đến muôn đời.”605

I. Phán xét riêng (1021-1022)

1021679

Sự chết kết thúc đời sống con người, xét như quãng thời gian mở ngỏ để đón nhận hay khước từ ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Kitô.606 Tân Ước nói về sự phán xét chủ yếu trong viễn tượng một cuộc gặp gỡ sau cùng với Đức Kitô khi Người ngự đến lần thứ hai, nhưng cũng nhiều lần khẳng định sự thưởng phạt mỗi người ngay sau khi họ chết, tùy theo công việc và đức tin của họ. Dụ ngôn về người nghèo khó Lazarô,607 và lời Đức Kitô trên thập giá nói với người trộm lành,608 cũng như những bản văn khác trong Tân Ước609 nói đến số phận cuối cùng của linh hồn,610 một số phận có thể khác nhau giữa người này với người khác.

1022393 / 1470

Mỗi người, ngay sau khi chết, lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình sự trả công muôn đời cho mình trong một cuộc phán xét riêng, cuộc phán xét đó quy chiếu đời sống họ với Đức Kitô để hoặc họ phải trải qua việc thanh luyện,611 hoặc họ lập tức được vào hưởng vinh phúc trên trời612 hoặc họ lập tức bị luận phạt muôn đời.613

“Vào lúc đời xế bóng, bạn sẽ bị xét xử về tình yêu.”614

II. Thiên Đàng (1023-1029)

1023954

Những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa, và những ai đã được thanh luyện trọn vẹn, thì được sống muôn đời với Đức Kitô. Muôn đời họ sẽ giống như Thiên Chúa, bởi vì họ thấy Ngài “như Ngài là” (1 Ga 3,2), “mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12):615

“Bằng thẩm quyền tông đồ, chúng tôi định tín rằng: Theo sự an bài chung của Thiên Chúa, từ sau cuộc Thăng thiên của Đấng Cứu Độ chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, linh hồn của tất cả các Thánh... và của mọi Kitô hữu đã chết sau khi lãnh nhận Phép Rửa thánh thiêng của Đức Kitô, nếu họ không có gì phải thanh luyện, sau khi họ chết,... hoặc nếu lúc đó nơi họ đã hoặc sẽ có gì phải thanh luyện, mà đã thanh luyện xong sau khi chết... thì ngay cả trước khi họ đảm nhận lại thân xác của mình và trước cuộc phán xét chung, các linh hồn này đã, đang và sẽ được ở trên trời, trên Nước Trời và trên Thiên Đàng cùng với Đức Kitô, được nhập đoàn các thánh Thiên thần, và sau cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu Kitô, các linh hồn này đã và đang được xem thấy bản tính thần linh bằng sự hưởng kiến trực tiếp và giáp mặt, không qua trung gian một thụ tạo nào.”616

1024260 / 326 / 2794 / 1718

Đời sống trọn hảo này với Ba Ngôi Chí Thánh, việc hiệp thông sự sống với Ngài, với Đức Trinh Nữ Maria, với các Thiên thần và tất cả các Thánh, được gọi là “thiên đàng.” Thiên đàng là mục đích tối hậu và là sự hoàn thành các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng vinh phúc tuyệt hảo và vĩnh viễn.

10251011

Sống trên thiên đàng là “ở với Đức Kitô.”617 Những người được tuyển chọn sống “trong Người”, nhưng ở đó họ vẫn giữ, thậm chí họ tìm được, căn tính riêng của mình, danh xưng riêng của mình.618

“Quả vậy, sự sống là được ở với Đức Kitô, bởi vì ở đâu có Đức Kitô, ở đó là Nước Trời.”619

1026793

Chúa Giêsu Kitô, nhờ sự chết và sự sống lại của Người, đã “mở cửa” thiên đàng cho chúng ta. Sự sống của các Thánh cốt tại việc sở hữu sung mãn các hoa trái của ơn Cứu Chuộc mà Đức Kitô đã hoàn thành, Người là Đấng kết hợp vào vinh quang thiên quốc của Người những ai đã tin vào Người và đã trung thành với thánh ý Người. Thiên Đàng là cộng đồng vinh phúc của tất cả những người đã được tháp nhập trọn vẹn vào Đức Kitô.

1027959 / 1720

Mầu nhiệm hiệp thông vinh phúc với Thiên Chúa và với tất cả những người ở trong Đức Kitô, vượt quá mọi hiểu biết và mọi trình bày. Thánh Kinh nói với chúng ta về mầu nhiệm này bằng các hình ảnh: sự sống, ánh sáng, sự bình an, tiệc cưới, rượu Nước Trời, nhà Cha, thành Giêrusalem thiên quốc, thiên đàng: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Ngài” (1 Cr 2,9).

10281722 / 163

Thiên Chúa, vì sự siêu việt của Ngài, không ai có thể trông thấy Ngài như Ngài là, nếu chính Ngài không mở mầu nhiệm của Ngài cho con người chiêm ngưỡng trực tiếp, và nếu chính Ngài không ban cho con người khả năng đó. Việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa như vậy trong vinh quang thiên quốc của Ngài, được Hội Thánh gọi là “sự hưởng kiến vinh phúc” (visio beatifica):

“Bạn sẽ vinh quang và hạnh phúc biết bao vì được phép nhìn thấy Chúa, được hân hạnh hưởng niềm vui cứu độ và ánh sáng vĩnh cửu cùng với Chúa Kitô, Thiên Chúa của bạn,... bạn sẽ hưởng niềm vui của sự bất tử cùng với những người công chính và các bạn hữu của Thiên Chúa trong Nước Trời.”620

1029956 / 668

Trong vinh quang trên trời, các Thánh vẫn tiếp tục thi hành thánh ý của Thiên Chúa một cách hân hoan đối với những người khác và đối với toàn thể các thụ tạo. Các ngài đã hiển trị cùng với Đức Kitô; cùng với Người, các ngài “sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22,5).621

III. Sự thanh luyện cuối cùng hoặc Luyện ngục (1030-1032)

1030

Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng.

1031954 / 1472

Hội Thánh gọi sự thanh luyện cuối cùng này của những người được chọn là Luyện ngục, sự thanh luyện này khác hẳn với hình phạt của những kẻ bị luận phạt. Hội Thánh công bố đạo lý đức tin liên quan đến luyện ngục, chủ yếu trong các Công đồng Florentinô622 và Triđentinô.623 Truyền thống của Hội Thánh, dựa trên một số bản văn của Thánh Kinh,624 nói đến lửa thanh luyện:

“Đối với một số tội nhẹ, phải tin là trước phán xét chung có lửa thanh luyện, theo điều Đấng là Chân lý đã nói rằng nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người đó sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau (Mt 12,32). Trong lời đó, chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, còn một số tội có thể được tha ở đời sau.”625

1032958 / 1371 / 1479

Đạo lý này cũng dựa trên tập quán cầu nguyện cho những người quá cố, điều này đã được Thánh Kinh nói đến: “Bởi đó ông Giuđa Macabê đã dâng hy lễ đền tội cho những người quá cố, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,46). Ngay những thời đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng Hy lễ Thánh Thể,626 để một khi đã được thanh luyện họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa. Hội Thánh cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và làm các việc đền tạ để cầu cho những người đã qua đời:

“Vậy chúng ta hãy giúp đỡ họ và hãy nhớ đến họ. Nếu hy lễ của ông Gióp đã đền được tội cho các con ông:627 tại sao bạn lại hồ nghi, là liệu những lễ tế chúng ta dâng lên để cầu cho người quá cố có đem đến cho họ một an ủi nào không?... Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã qua đời, và dâng lời cầu nguyện cho họ.”628

IV. Hỏa ngục (1033-1037)

10331861 / 393 / 633

Chúng ta không thể được kết hợp với Thiên Chúa, nếu chúng ta không tự nguyện yêu mến Ngài. Nhưng chúng ta không thể yêu mến Ngài, nếu chúng ta phạm tội trọng chống lại Ngài, chống lại người lân cận của chúng ta hoặc chống lại chính chúng ta: “Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân, và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3,15). Chúa chúng ta cảnh cáo rằng chúng ta sẽ bị tách biệt khỏi Người, nếu chúng ta bỏ qua không đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết của người nghèo và những người bé mọn, là các anh em của Người.629 Chết trong tội trọng mà chúng ta không thống hối và không đón nhận tình yêu thương xót của Thiên Chúa, có nghĩa là chúng ta bị tách biệt khỏi Ngài đến muôn đời, vì sự chọn lựa tự do riêng của chúng ta. Tình trạng chính mình tự loại trừ mình cách vĩnh viễn như vậy (“autoexclusio”) khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với các Thánh, được gọi bằng từ “hỏa ngục.”

1034

Chúa Giêsu thường nói về lửa không hề tắt của “hỏa ngục”,630 dành cho những ai cho đến chết vẫn không tin và không chịu hối cải, ở đó cả linh hồn và thân xác có thể bị hư mất.631 Chúa Giêsu dùng những lời nghiêm khắc loan báo: “Con Người sẽ sai các Thiên thần của Người tập trung... mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa” (Mt 13,41-42), và chính Người sẽ công bố lời kết án: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời!” (Mt 25,41).

1035393

Đạo lý của Hội Thánh khẳng định có hỏa ngục và tính vĩnh cửu của hỏa ngục. Linh hồn của những kẻ chết trong tình trạng tội lỗi, ngay sau khi chết, sẽ xuống chịu hình phạt hỏa ngục, chịu “lửa muôn đời.”632 Hình phạt chủ yếu của hỏa ngục cốt tại việc muôn đời bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, Đấng mà chỉ nơi Ngài con người mới có thể có sự sống và sự vinh phúc, là những mục đích của việc con người được tạo dựng, và là những điều con người hằng khát vọng.

10361734 / 1428

Những khẳng định của Thánh Kinh và đạo lý của Hội Thánh về hỏa ngục là lời kêu gọi lãnh trách nhiệm qua đó con người phải sử dụng sự tự do của mình liên quan đến số phận muôn đời của mình. Đồng thời là lời kêu gọi khẩn thiết phải hối cải: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó; còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14):

“Vì chúng ta không biết ngày và giờ, nên theo lời Chúa dạy, chúng ta luôn phải tỉnh thức, để, khi dòng đời độc nhất của sự sống trần thế của chúng ta chấm dứt, chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được liệt kê vào số người được chúc phúc (x. Mt 25,31-46), kẻo cũng như những tôi tớ xấu xa và lười biếng (x. Mt 25,26) chúng ta được lệnh phải vào lửa muôn đời (x. Mt 25,41), vào chốn tối tăm bên ngoài, nơi khóc lóc và nghiến răng.”633

1037162 / 1014 / 1821 / 678-679

Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục;634 điều này đòi sự tự ý thù ghét Thiên Chúa (tội trọng) và cố chấp trong tình trạng đó đến cùng. Hội Thánh, trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của các tín hữu, khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng không muốn “cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9):

“Vì vậy, lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con là tôi tớ Chúa,
và của toàn thể gia đình Chúa...
Xin an bài cho đời chúng con được sống trong bình an của Chúa,
cứu chúng con thoát khỏi án phạt đời đời
và nhận chúng con vào đoàn những người Chúa chọn.”635

V. Phán xét cuối cùng (1038-1041)

10381001 / 998

Việc phục sinh của tất cả mọi người đã chết, “người lành và kẻ dữ” (Cv 24,15), đi trước cuộc Phán Xét cuối cùng. Đó sẽ là “giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng... Con Người và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29). Lúc đó Đức Kitô sẽ đến “trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu... Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người; và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái... Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,31.32.46).

1039678

Đối diện với Đức Kitô, Đấng là Chân lý, chân lý về mối tương quan của từng người với Thiên Chúa sẽ được biểu lộ một cách vĩnh viễn.636 Việc Phán Xét cuối cùng sẽ mặc khải, đến tận những hậu quả cuối cùng của nó, điều thiện hảo mà mỗi người đã làm, hoặc đã bỏ không làm, trong suốt đời sống trần thế của họ:

“Bất cứ điều gì những kẻ dữ làm, đều bị ghi lại, mà họ không biết, khi ‘Thiên Chúa ta ngự đến, Ngài không nín lặng’ (Tv 50,3)... Rồi Ngài quay sang những kẻ ở bên trái và nói: Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta trên trần thế cho các ngươi. Ta như là Đầu, Ta đang ngự bên hữu Chúa Cha trên trời, nhưng các chi thể của Ta nơi trần thế phải đau khổ, túng thiếu. Nếu các ngươi cho các chi thể của Ta bất cứ cái gì, thì cái đó đã lên tới Đầu. Các ngươi phải biết rằng, Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta cho các ngươi khi còn ở trần thế, Ta đặt họ làm những người phục vụ các ngươi để đem các việc làm của các ngươi vào kho tàng của Ta. Và các ngươi đã chẳng đặt gì vào tay họ, vì vậy các ngươi chẳng gặp được gì ở nơi Ta.”637

1040637 / 314

Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ diễn ra khi Đức Kitô trở lại một cách vinh quang. Chỉ có Chúa Cha mới biết ngày giờ; chỉ một mình Ngài quyết định việc Ngự đến của Đức Kitô. Lúc đó, qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Chúa Cha sẽ công bố phán quyết chung thẩm của Ngài về toàn thể lịch sử. Chúng ta sẽ nhận biết ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình tạo dựng và của toàn bộ Nhiệm cục cứu độ và chúng ta sẽ hiểu những đường lối kỳ diệu qua đó sự quan phòng của Thiên Chúa đã dẫn đưa mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ mặc khải đức công chính của Thiên Chúa chiến thắng mọi sự bất chính mà các thụ tạo của Ngài đã lỗi phạm, và tình yêu của Ngài mạnh hơn sự chết.638

10411432

Sứ điệp của việc Phán Xét cuối cùng là kêu gọi hối cải, trong khi Thiên Chúa còn cho người ta “thời gian thuận tiện” và “ngày cứu độ” (2 Cr 6,2). Sứ điệp này gợi lên sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa. Nó thúc đẩy người ta đến sự công chính của Nước Trời. Sứ điệp này loan báo “ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi” (Tt 2,13), tức là ngày trở lại của Chúa, Đấng sẽ đến “để được tôn vinh giữa các thần thánh của Người và được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin” (2 Tx 1,10).

VI. Hy vọng Trời Mới Đất Mới (1042-1050) [2854]

1042769 / 670 / 310

Lúc cùng tận thời gian, Nước Thiên Chúa sẽ đạt tới sự viên mãn của mình. Sau cuộc Phán Xét chung, những người công chính, được tôn vinh cả xác cả hồn, sẽ hiển trị muôn đời với Đức Kitô, và chính toàn thể trần gian sẽ được đổi mới:

Lúc đó, Hội Thánh “sẽ được hoàn tất trong vinh quang thiên quốc, khi... cùng với nhân loại, cả toàn thể trần gian, được kết hợp mật thiết với con người và nhờ con người mà đạt tới mục đích của mình, cũng được canh tân trọn vẹn trong Đức Kitô”639

1043671 / 280 / 518

Thánh Kinh gọi sự canh tân huyền diệu này, nó sẽ biến đổi nhân loại và trần gian, là “trời mới đất mới” (2 Pr 3,13).640 Đó sẽ là sự hoàn thành chung cuộc kế hoạch của Thiên Chúa: “Quy tụ muôn loài trong trời đất... trong Đức Kitô” (Ep 1,10).

1044

Trong trần gian mới,641 trong thành Giêrusalem thiên quốc, Thiên Chúa sẽ có nơi cư ngự của Ngài giữa con người. “Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).642

1045775 / 1404

Đối với con người, sự hoàn tất này sẽ là sự thực hiện vĩnh viễn việc hợp nhất nhân loại mà Thiên Chúa đã muốn từ tạo thiên lập địa, và Hội Thánh lữ hành đã “như là bí tích” của sự hợp nhất ấy.643 Những ai được kết hợp với Đức Kitô sẽ làm thành cộng đoàn những người được cứu chuộc, “Thành thánh” của Thiên Chúa (Kh 21,2), “Hiền thê của Con Chiên” (Kh 21,9). Cộng đoàn này sẽ không còn bị tổn thương bởi tội lỗi, bởi các điều ô uế,644 bởi tính ích kỷ từng hủy diệt hoặc làm tổn thương cộng đồng nhân loại nơi trần thế. Sự hưởng kiến vinh phúc (visio beatifica) trong đó Thiên Chúa tỏ mình ra cách vô tận cho những người được chọn, sẽ là nguồn mạch vĩnh cửu của vinh phúc, của bình an và của sự hiệp thông với nhau.

1046349

Đối với vũ trụ, Mặc khải khẳng định rằng nhân loại và vũ trụ vật chất có chung một vận mệnh sâu xa:

“Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Ngài... Vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát... Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng... khi trông đợi sự cứu chuộc thân xác chúng ta” (Rm 8,19-23).

1047

Vì vậy, vũ trụ hữu hình được tiền định để chính nó được biến đổi: “Chính nó phải được phục hồi như tình trạng ban đầu, không có trở ngại nào, mà phục vụ những người công chính”,645 trong khi tham dự vào sự tôn vinh họ trong Chúa Giêsu Kitô phục sinh.

1048673

Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức vũ trụ sẽ biến đổi ra sao. Quả thật bộ mặt biến dạng vì tội lỗi của trần gian này sẽ qua đi, nhưng chúng ta được dạy rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị một nơi lưu ngụ mới và một trần thế mới, trong đó sự công chính lưu ngụ, và vinh phúc của nó sẽ thỏa mãn và vượt quá mọi khát vọng về bình an, vốn đã trào lên trong trái tim con người.”646

10492820

“Tuy nhiên, sự trông đợi đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải khích động hơn sự quan tâm phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và đã có khả năng đưa ra một nét phác họa nào đó của thời đại mới. Vì vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt sự tiến bộ trần thế với sự tăng trưởng Nước Đức Kitô, nhưng tiến bộ này trở thành rất quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ nó có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội nhân loại một cách tốt đẹp hơn.”647

10501709 / 260

“Thật vậy, sau khi chúng ta đã theo lệnh Chúa, và trong Thần Khí của Người, truyền bá khắp cõi đất những sự tốt lành của phẩm giá nhân loại, của sự hiệp thông huynh đệ và của sự tự do, nghĩa là tất cả những hoa trái tốt đẹp của bản tính và sự nghiệp của chúng ta, thì sau đó chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng trong tình trạng đã được thanh luyện khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và được biến hình, khi Đức Kitô trao lại cho Chúa Cha Nước vĩnh cửu và phổ quát.”648 Lúc đó, trong đời sống vĩnh cửu, Thiên Chúa “có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28):

“Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này: Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, đổ tràn các hồng ân thiên quốc trên tất cả không trừ ai. Nhờ lòng thương xót của Ngài, cả chúng ta là những con người, chúng ta cũng đã lãnh nhận lời hứa vĩnh viễn là được sống muôn đời.”649

Tóm lược (1051-1060)

1051

Ngay sau khi qua đời, mỗi người trong linh hồn bất tử của mình, trong cuộc phán xét riêng, nhận lấy sự thưởng phạt muôn đời của mình từ nơi Đức Kitô, Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết.

1052

“Chúng tôi tin là linh hồn của tất cả những ai đã chết trong ơn nghĩa của Đức Kitô... đều là thành phần dân Thiên Chúa sau khi chết, cái chết sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt trong ngày phục sinh, ngày mà những linh hồn này được kết hợp với thân xác của mình.”650

1053

“Chúng tôi tin rằng đoàn ngũ đông đảo các linh hồn, được quy tụ với Chúa Giêsu và Đức Maria trên thiên đàng, họp thành Hội Thánh thiên quốc, nơi các vị, khi hưởng vinh phúc vĩnh cửu, được thấy Thiên Chúa như Ngài là, và theo cấp độ và cách thức khác nhau, các vị cũng được dự phần với các Thánh Thiên thần vào quyền cai quản thần linh mà Đức Kitô vinh hiển đang thực thi, khi các vị chuyển cầu cho chúng ta và bằng sự quan tâm huynh đệ, các vị giúp đỡ rất nhiều cho sự yếu hèn của chúng ta.”651

1054

Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui của Thiên Chúa.

1055

Do mầu nhiệm “các Thánh thông công”, Hội Thánh trao phó những người quá cố cho lòng thương xót của Thiên Chúa và dâng những lời cầu khẩn, nhất là dâng Hy lễ Thánh Thể cầu cho họ.

1056

Hội Thánh, theo gương Đức Kitô, luôn khuyến cáo các tín hữu về một thực tại đáng buồn và bi thảm là sự chết muôn đời,652 còn được gọi là “hỏa ngục.”

1057

Hình phạt chủ yếu của hỏa ngục cốt tại việc muôn đời bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, Đấng mà chỉ nơi Ngài con người mới có thể có sự sống và sự vinh phúc, là những mục đích của việc con người được tạo dựng, và là những điều con người hằng khát vọng.

1058

Hội Thánh cầu nguyện để không ai bị hư mất: “Lạy Chúa,... xin... đừng để con lìa xa Chúa bao giờ.”653 Nếu thật sự là không ai có thể tự cứu được mình, thì cũng thật sự là, Thiên Chúa muốn “cho mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,4) và đối với Thiên Chúa, “mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26).

1059

“Hội Thánh Rôma tin và tuyên xưng cách chắc chắn rằng,... vào ngày Phán xét chung, tất cả mọi người cùng với thân xác của mình, sẽ trình diện trước tòa án của Đức Kitô để trả lẽ về các hành vi của mình.”654

1060

Nước Thiên Chúa, lúc cùng tận thời gian, sẽ đạt tới sự viên mãn của mình. Lúc đó, những người công chính sẽ hiển trị muôn đời với Đức Kitô, bằng cả thân xác và linh hồn đã được tôn vinh, và chính toàn thể vũ trụ vật chất cũng sẽ được biến đổi. Lúc đó, trong cuộc sống vĩnh cửu, Thiên Chúa “có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28).


Chú thích

605 Ordo Unctionis infirmorum eorumque pastoralis curae, Ordo commendationis morientium, 146-147, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1972) 60-61.

606 X. 2 Tm 1,9-10.

607 X. Lc 16,22.

608 X. Lc 23,43.

609 X. 2 Cr 5,8; Pl 1,23; Dt 9,27; 12,23.

610 X. Mt 16,26.

611 X. CĐ Lyon II, Professio fidei Michaelis Palaeologi imperatoris: DS 856; CĐ Florentinô, Decretum pro Graecis: DS 1304; CĐ Triđentinô, Sess. 25a, Decretum de purgatorio: DS 1820.

612 X. CĐ Lyon II, Professio fidei Michaelis Palaeologi imperatoris: DS 857; ĐGH Gioan XXII, Tông sắc Ne super his: DS 991; ĐGH Bênêđíctô XII, Hiến chế Beneditus Deus: DS 1000-1001; CĐ Florentinô, Decretum pro Graecis: DS 1305.

613 X. CĐ Lyon II, Professio fidei Michaelis Palaeologi imperatoris: DS 858; ĐGH Bênêđíctô XII, Hiến chế Benedictus Deus: DS 1002; CĐ Florentinô, Decretum pro Graecis: DS 1306.

614 Thánh Gioan Thánh Giá, Avisos y sentencias, 57: Biblioteca Mística Carmelitana, v. 13 (Burgos 1931) 238.

615 X. Kh 22,4.

616 ĐGH Bênêđíctô XII, Hiến chế Benedictus Deus: DS 1000; x. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 49: AAS 57 (1965) 54.

617 X. Ga 14,3; Pl 1,23; 1 Tx 4,17.

618 X. Kh 2,17.

619 Thánh Ambrôsiô, Expositio evangelii secumdum Lucam, 10, 121: CCL 14,379 (PL 15,1927).

620 Thánh Cyprianô, Epistula 58, 10: CSEL 3/2, 665 (56, 10: PL 4,367-368).

621 X. Mt 25,21.23.

622 X. CĐ Florentinô, Decretum pro Graecis: DS 1304.

623 X. CĐ Triđentinô, Sess. 25a, Decretum de purgatorio: DS 1820; Sess. 6a, Decretum de iustificatione, canon 30: DS 1580.

624 Thí dụ: 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7.

625 Thánh Grêgôriô Cả, Dialogi, 4, 41, 3: SC 265,148 (4, 39; PL 77,396).

626 CĐ Lyon II, Professio fidei Michaelis Palaeologi imperatoris: DS 856.

627 X. G 1,5.

628 Thánh Gioan Kim Khẩu, In epistulam I ad Corinthios homilia 41, 5: PG 61,361.

629 X. Mt 25,31-46.

630 X. Mt 5,22.29; 13,42.50; Mc 9,43-48.

631 X. Mt 10,28.

632 X. Symbolum Quicumque: DS 76; Synodus Constantinôpôlitana (năm 543), Anathematismi contra Origenem, 7: DS 409; Ibid., 9: DS 411; CĐ Latêranô IV, Cap.1, De fide catholica: DS 801; CĐ Lyon II, Professio fidei Michaelis Palaeologi imperatoris: DS 858; ĐGH Bênêđíctô XII, Hiến chế Benedictus Deus: DS 1002; CĐ Florentinô, Decretum pro Iacobitis: DS 1351; CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, canon 25: DS 1575; ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei, 12: AAS 60 (1968) 438.

633 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 54.

634 X. CĐ Arausicanô II, Conclusio: DS 397; CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, canon 17: DS 1567.

635 Kinh Nguyện Thánh Thể I, hoặc Lễ Quy Rôma, 88: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 450.

636 X. Ga 12,48.

637 Thánh Augustinô, Sermo 18, 4, 4: CCL 41,247-249 (PL 38,130-131).

638 X. Dc 8,6.

639 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

640 X. Kh 21,1.

641 X. Kh 21,5.

642 X. Kh 21,27.

643 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 1: AAS 57 (1965) 5.

644 X. Kh 21,27.

645 Thánh Irênê, Adversus haereses, 5, 32, 1: SC 153,398 (PG 7,1210).

646 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 39: AAS 58 (1966) 1056-1057.

647 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 39: AAS 58 (1966) 1057.

648 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 39: AAS 58 (1966) 1057; x. Id., Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 2: AAS 57 (1965) 5-6.

649 Thánh Cyrillô thành Giêrusalem, Catecheses illuminandorum, 18, 29: Opera, v. 2, ed. J. Rupp (Monaci 1870) 332 (PG 33,1049).

650 ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei, 28: AAS 60 (1968) 444.

651 ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei, 29: AAS 60 (1968) 444.

652 X. Sacra Congregatio pro Clericis, Directorium catechisticum generale, 69: AAS 64 (1972) 141.

653 Lời nguyện trước Hiệp Lễ, 132: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 474.

654 CĐ Lyon II, Professio fidei Michaelis Palaeologi imperatoris: DS 859; CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 16: DS 1549.

Mục 11: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (988-1019)“Amen” (1061-1065)