“Amen” (1061-1065)

10612856

Tín biểu, cũng như quyển cuối cùng của Thánh Kinh,655 kết thúc bằng một từ Do Thái: Amen. Chúng ta thường gặp chính từ này ở cuối các kinh nguyện của Tân Ước. Cũng vậy, Hội Thánh cũng chấm dứt các kinh nguyện của mình bằng Amen.

1062214

Trong tiếng Do Thái, từ Amen có cùng ngữ căn với từ “tin.” Ngữ căn này diễn tả sự vững bền, sự đáng tin, sự trung tín. Như vậy, chúng ta hiểu tại sao từ “Amen” có thể được dùng để nói về sự trung tín của Thiên Chúa đối với chúng ta, và về lòng tin cậy của chúng ta vào Ngài.

1063215 / 156

Trong sách tiên tri Isaia, chúng ta thấy có kiểu nói “Thiên Chúa chân thật”, sát chữ là “Thiên Chúa Amen”, nghĩa là, Thiên Chúa trung tín với các lời Ngài đã hứa: “Trong xứ, ai cầu phúc cho mình, sẽ nhân danh Thiên Chúa chân thật mà cầu phúc” (Is 65,16). Chúa chúng ta thường dùng từ “Amen”,656 đôi khi với hình thức lặp lại,657 để nhấn mạnh sự đáng tin của giáo huấn của Người, và quyền bính của Người dựa trên chân lý của Thiên Chúa.

1064197 / 2101

Vì vậy, từ “Amen” ở cuối Tín biểu lặp lại và xác nhận thuật ngữ đầu tiên của Tín biểu: “Tôi tin.” Tin là thưa “Amen” đối với các lời, các lời hứa và các điều răn của Thiên Chúa, và là phó thác bản thân một cách tuyệt đối cho Đấng là “Amen” của tình yêu vô tận và của sự trung tín trọn vẹn. Vậy đời sống Kitô hữu mỗi ngày sẽ là “Amen” cho lời “Tôi tin” trong bản Tuyên xưng đức tin khi chúng ta lãnh nhận Phép Rửa:

“Tín biểu của bạn phải là như gương soi cho bạn. Hãy ngắm nhìn bạn trong đó, để xem bạn có tin tất cả những gì bạn tuyên xưng là bạn tin hay không, và hằng ngày hãy vui mừng trong đức tin của bạn.”658

1065

Chính Chúa Giêsu Kitô là “Amen” (Kh 3,14). Chính Người là “Amen” vĩnh viễn của tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta. Chính Người đảm nhận và thực hiện “Amen” của chúng ta dâng lên Chúa Cha: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là ‘Có’ nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên ‘Amen’ để tôn vinh Thiên Chúa” (2 Cr 1,20):

“Chính nhờ Người, với Người, và trong Người,
mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa
là Cha toàn năng
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
Amen.”659


Chú thích

655 X. Kh 22,21.

656 X. Mt 6,2.5.16.

657 X. Ga 5,19.

658 Thánh Augustinô, Sermo 58, 11, 13: PL 38,399.

659 Vinh tụng ca kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 455, 460, 464, et 471.

Mục 12: “Tôi tin hằng sống vậy” (1020-1060)PHẦN THỨ HAI: CỬ HÀNH MẦU NHIỆM KITÔ GIÁO (1066-1690)