Mục 1: Bí tích Rửa Tội (1213-1284)

Mục 1: Bí tích Rửa Tội (1213-1284)

1213

Bí tích Rửa Tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cổng vào đời sống thiêng liêng, và là cửa mở ra để lãnh nhận các bí tích khác. Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, được trở thành chi thể của Đức Kitô, được tháp nhập vào Hội Thánh và được tham dự sứ vụ của Hội Thánh:4 “Có thể định nghĩa một cách đúng đắn và thích hợp rằng bí tích Rửa Tội là bí tích tái sinh chúng ta bởi nước trong Lời Chúa.”5

I. Bí tích Rửa Tội được gọi bằng những danh xưng nào? (1214-1216)

1214628

Bí tích Rửa Tội được gọi theo nghi thức trung tâm mà nó được thực hiện: Rửa (tiếng Hy Lạp là Baptizein) có nghĩa là “chìm xuống”, “dìm xuống.” Việc “dìm xuống” nước tượng trưng cho việc mai táng người dự tòng vào sự chết của Đức Kitô, và từ đó họ bước ra nhờ được sống lại với Người,6 với tư cách là một “thụ tạo mới” (2 Cr 5,17; Gl 6,15).

12151257

Bí tích này cũng được gọi là “Phép Rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3,5), bởi vì bí tích này biểu lộ và thực hiện việc sinh ra bởi nước và Thánh Thần, mà nếu không có việc đó thì “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa” (Ga 3,5).

12161243

“Phép Rửa này còn được gọi là ơn soi sáng, vì những ai học biết điều này (về giáo lý) thì được soi sáng trong tâm trí.”7 Người được Rửa Tội, vì trong Phép Rửa họ được đón nhận Ngôi Lời là “ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), nên sau khi “được soi sáng”,8 họ trở thành “con cái sự sáng”9 và chính họ là “ánh sáng” (Ep 5,8):

Bí tích Rửa Tội “là hồng ân cao đẹp nhất và kỳ diệu nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa... Chúng ta gọi bí tích đó là hồng ân, ân sủng, Rửa Tội, xức dầu, soi sáng, y phục bất hoại, sự tắm rửa của ơn tái sinh, ấn tín và tất cả những gì quý giá nhất. Nó được gọi là hồng ân, bởi vì được ban cho những người trước đó chẳng có gì; là ân sủng, bởi vì được ban cả cho những người tội lỗi; là sự dìm xuống, bởi vì tội lỗi bị chôn vùi trong nước; là xức dầu, bởi vì bí tích này là thánh thiêng và vương giả (như những người được xức dầu); là ơn soi sáng, bởi vì nó sáng ngời và chói lọi; là y phục, bởi vì nó che phủ sự xấu xa của chúng ta; là tắm rửa, bởi vì bí tích này rửa sạch; là ấn tín, bởi vì nó là sự bảo toàn và là dấu chỉ của uy quyền.”10

II. Bí tích Rửa Tội trong Nhiệm cục cứu độ (1217-1228)
Những hình ảnh trong Giao Ước cũ tiên báo bí tích Rửa Tội (1217-1222)

1217

Trong phụng vụ Canh thức Vượt Qua, khi làm phép nước rửa tội, Hội Thánh long trọng tưởng nhớ những biến cố trọng đại trong lịch sử cứu độ, những biến cố này là hình ảnh tiên báo mầu nhiệm bí tích Rửa Tội:

“Lạy Chúa, Chúa dùng quyền năng vô hình mà làm cho các bí tích trở nên hữu hiệu lạ lùng. Và qua dòng lịch sử cứu độ, Chúa đã bao lần dùng nước do chính Chúa tạo dựng, để bày tỏ hiệu năng của Phép Rửa.”11

1218344 / 694

Từ tạo thiên lập địa, nước, thụ tạo khiêm tốn và lạ lùng này, là nguồn mạch sự sống và sự sinh sôi nảy nở. Kinh Thánh xem nước như được “ấp ủ” bởi Thần Khí Thiên Chúa.12

“Lạy Chúa, ngay từ lúc vũ trụ khởi nguyên,
Thánh Thần Chúa đã bay là là trên mặt nước,
để từ đó nước hàm chứa năng lực thánh hóa muôn loài.”13

1219701 / 845

Hội Thánh nhìn con tàu của ông Nôê là hình ảnh tiên báo ơn cứu độ nhờ bí tích Rửa Tội: “Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước” (1 Pr 3,20).

“Chúa lại dùng nước hồng thủy làm hình ảnh tiên báo Phép Rửa ban ơn tái sinh, vì nước biểu thị quyền năng Chúa, vừa tiêu diệt tội lỗi lại vừa khai mở một đời sống mới.”14

12201010

Nếu nước nguồn tượng trưng cho sự sống, thì nước biển là biểu tượng của sự chết. Vì vậy, nước có thể là hình bóng của mầu nhiệm thập giá. Qua biểu tượng này, bí tích Rửa Tội nói lên sự hiệp thông với sự chết của Đức Kitô.

1221

Đặc biệt cuộc vượt qua Biển Đỏ, việc giải thoát thật sự nhà Ítraen khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập, loan báo ơn giải thoát nhờ Phép Rửa.

“Chúa đã giải thoát con cháu ông Ápraham khỏi vòng nô lệ mà dẫn qua Biển Đỏ ráo chân, để họ tượng trưng cho một dân tộc mới, là những người được lãnh Phép Rửa sau này.”15

1222

Cuối cùng, bí tích Rửa Tội được tiên báo trong việc vượt qua sông Giođan, nhờ đó dân Thiên Chúa nhận được hồng ân là Đất đã được hứa ban cho dòng dõi ông Ápraham, là hình ảnh của đời sống vĩnh cửu. Lời hứa về gia tài hồng phúc này sẽ được thực hiện trong Giao Ước Mới.

Phép Rửa của Đức Kitô (1223-1225)

1223232

Tất cả các hình ảnh tiên báo của Giao Ước cũ đã được hoàn tất trong Đức Kitô Giêsu. Người bắt đầu đời sống công khai sau khi để cho thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình trong sông Giođan.16 Sau khi phục sinh, Người trao cho các Tông Đồ sứ vụ này: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).17

1224536

Chúa chúng ta đã tự nguyện chịu phép rửa của thánh Gioan, một phép rửa dành cho những kẻ tội lỗi, để giữ trọn đức công chính.18 Cử chỉ này của Chúa Giêsu biểu lộ “sự hạ mình” của Người.19 Chúa Thánh Thần, Đấng xưa kia bay lượn là là trên mặt nước trong công trình tạo dựng thứ nhất, nay ngự xuống trên Đức Kitô như khúc nhạc dạo đầu của công trình tạo dựng mới, và Chúa Cha tỏ cho thấy Chúa Giêsu là Con chí ái của Ngài.20

1225766

Trong cuộc Vượt Qua của mình, Đức Kitô đã khai mở các nguồn mạch của bí tích Rửa Tội cho tất cả mọi người. Quả vậy, Người đã nói về cuộc khổ nạn Người sẽ phải chịu tại Giêrusalem như một “Phép Rửa” mà Người phải lãnh nhận.21 Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu chịu đóng đinh,22 là những điển hình của bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, là những bí tích của đời sống mới:23 từ lúc đó, người ta có thể được “sinh ra bởi nước và Thần Khí” để vào Nước Thiên Chúa (Ga 3,5).

“Hãy xem, bạn được rửa tội ở đâu, bí tích Rửa Tội là từ đâu nếu không phải là từ Thánh Giá của Đức Kitô, từ sự chết của Người. Toàn bộ mầu nhiệm là ở đó, bởi vì Người đã chịu khổ hình vì bạn. Trong Người, bạn được cứu chuộc; trong Người, bạn được cứu độ.”24

Bí tích Rửa Tội trong Hội Thánh (1226-1228)

1226849

Từ ngày lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh đã cử hành và ban bí tích Rửa Tội. Thật vậy, thánh Phêrô tuyên bố với đám đông đang bối rối vì bài giảng của ngài: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được hồng ân là Thánh Thần” (Cv 2,38). Các Tông Đồ và những cộng sự viên của các ngài ban bí tích Rửa Tội cho những ai tin vào Chúa Giêsu: những người Do Thái, những người kính sợ Thiên Chúa và những người ngoại giáo.25 Bí tích Rửa Tội luôn gắn liền với đức tin. Thánh Phaolô tuyên bố với viên cai ngục canh giữ ông ở Philípphê: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ.” Trình thuật kể tiếp: “Lập tức, ông ấy được chịu Phép Rửa cùng với tất cả người nhà” (Cv 16,31-33).

1227790

Theo thánh Phaolô Tông Đồ, nhờ bí tích Rửa Tội, tín hữu được hiệp thông vào sự chết của Đức Kitô; họ được mai táng và sống lại với Người:

“Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).26 Những người chịu Phép Rửa đã “mặc lấy Đức Kitô.”27 Nhờ Chúa Thánh Thần, bí tích Rửa Tội là Phép Rửa để thanh tẩy, thánh hóa và công chính hóa.28

1228

Như vậy, bí tích Rửa Tội là Phép Rửa bằng nước nhờ đó “hạt giống bất hoại” của Lời Chúa đem lại hiệu quả của nó là ban sự sống.29 Thánh Augustinô nói về bí tích Rửa Tội: “Lời liên kết với một yếu tố vật chất và nó trở thành một bí tích.”30

III. Bí tích Rửa Tội được cử hành thế nào? (1229-1245)
Khai tâm Kitô Giáo (1229-1233)

1229

Ngay từ thời các Tông Đồ, để trở thành Kitô hữu người ta phải trải qua con đường khai tâm gồm nhiều giai đoạn. Hành trình này có thể nhanh hay chậm, nhưng luôn hội đủ những điều cốt yếu như sau: loan báo Lời Chúa, đón nhận Tin Mừng kèm theo là hối cải, tuyên xưng đức tin, Rửa Tội, ban Thánh Thần, lãnh nhận Thánh Thể.

12301248

Việc khai tâm này, qua các thời đại và theo những hoàn cảnh khác nhau, đã biến đổi nhiều. Vào các thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh, việc khai tâm Kitô Giáo được triển khai đáng kể, với một giai đoạn dự tòng lâu dài và một chuỗi các nghi thức dọn đường, đánh dấu con đường chuẩn bị của thời kỳ dự tòng bằng những cột mốc phụng vụ và dẫn đến việc cử hành các bí tích khai tâm Kitô Giáo.

123113

Ở đâu việc cử hành bí tích Rửa Tội cho các nhi đồng đã thành thói quen phổ biến, thì việc cử hành này trở thành một hành vi duy nhất, gom lại một cách rất tóm tắt các giai đoạn chuẩn bị cho việc khai tâm Kitô Giáo. Theo bản chất của nó, việc ban Phép Rửa cho các nhi đồng đòi hỏi một giai đoạn dự tòng sau Phép Rửa. Đây không chỉ là cần thiết phải dạy dỗ sau Phép Rửa, nhưng còn cần làm triển nở ân sủng của bí tích Rửa Tội trong sự tăng trưởng của con người. Đây là phận vụ đặc thù của việc dạy giáo lý.

12321204

Từ Công đồng Vaticanô II đối với Giáo Hội Latinh “thời kỳ dự tòng dành cho người thành niên, chia thành nhiều giai đoạn” đã được tái lập.31 Các nghi thức của thời kỳ này được trình bày trong quyển “Ordo initiationis christianae adultorum(Nghi thức gia nhập Kitô Giáo dành cho người lớn”) (1972). Ngoài ra Công đồng còn cho phép, “ngoài những yếu tố đã có trong truyền thống Kitô Giáo”, các xứ truyền giáo được chấp nhận “cả những yếu tố vẫn thấy được sử dụng nơi mỗi dân tộc, miễn là các yếu tố đó có thể được thích nghi với nghi thức Kitô Giáo.”32

1233

Vì vậy, ngày nay trong tất cả các nghi lễ Latinh và Đông phương, việc khai tâm Kitô Giáo dành cho người thành niên bắt đầu bằng việc họ bước vào giai đoạn dự tòng, và việc khai tâm đó đạt tới tột đỉnh trong một cuộc cử hành duy nhất gồm cả ba bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.33 Trong các nghi lễ Đông phương, việc khai tâm Kitô Giáo dành cho nhi đồng bắt đầu với bí tích Rửa Tội, liền sau đó là Thêm Sức và Thánh Thể; còn trong nghi lễ Latinh, việc khai tâm kéo dài trong những năm học giáo lý rồi sau đó được kết thúc với bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Thể là tột đỉnh của việc khai tâm Kitô Giáo.34

Tính cách “dẫn vào mầu nhiệm” của cuộc cử hành (1234-1245)

1234

Ý nghĩa và ân sủng của bí tích Rửa Tội được trình bày rõ ràng trong các nghi thức cử hành. Khi chăm chú theo dõi các cử chỉ và lời nói của cuộc cử hành, các tín hữu được khai tâm về các sự phong phú mà bí tích này biểu lộ và thực hiện nơi mỗi người tân tòng.

1235617 / 2157

Dấu Thánh Giá lúc bắt đầu việc cử hành ghi dấu ấn của Đức Kitô trên kẻ sắp thuộc về Người, và nói lên ân sủng cứu chuộc mà Đức Kitô mang lại cho chúng ta nhờ thập giá của Người.

12361112

Việc công bố Lời Chúa dọi chiếu chân lý được mặc khải cho các ứng viên và cộng đoàn, và khơi lên lời đáp lại của đức tin, vốn không thể tách rời khỏi bí tích Rửa Tội. Bí tích Rửa Tội, một cách đặc biệt, là “bí tích của đức tin”, bởi vì nó là cửa ngõ bí tích dẫn vào đời sống đức tin.

12371673 / 189

Bởi vì bí tích Rửa Tội nói lên sự giải thoát khỏi tội lỗi và kẻ xúi giục tội lỗi là ma quỷ, nên một (hay nhiều) lời nguyện trừ tà được đọc trên ứng viên. Họ được xức dầu dự tòng hay được vị chủ sự đặt tay, và họ minh nhiên từ bỏ Xatan. Được chuẩn bị như vậy xong, họ có thể tuyên xưng đức tin của Hội Thánh mà họ sẽ được “trao phó” cho đức tin đó nhờ bí tích Rửa Tội.35

12381217

Rồi Nước rửa tội được thánh hiến bằng Kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần (hoặc ngay lúc này hoặc đã làm trong đêm Canh thức Vượt Qua). Hội Thánh cầu xin Thiên Chúa để nhờ Con Ngài, quyền năng của Chúa Thánh Thần ngự xuống trên nước này, để những ai sắp được thanh tẩy trong nước này, thì được “sinh ra bởi nước và Thần khí” (Ga 3,5).

12391214

Tiếp đến là nghi thức chính yếu của bí tích: đó là chính việc rửa tội, nó biểu lộ và thực hiện cái chết đối với tội lỗi và việc bước vào đời sống của Ba Ngôi Chí Thánh nhờ được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua. Phép Rửa được thực hiện một cách có ý nghĩa nhất, qua ba lần dìm xuống nước rửa tội. Nhưng từ xa xưa, việc này cũng có thể được thực hiện bằng cách đổ nước ba lần trên đầu ứng viên.

1240

Trong Giáo Hội Latinh, việc đổ nước ba lần đó được kèm theo lời nói của thừa tác viên: “T..., cha rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Trong các phụng vụ Đông phương, người dự tòng hướng về phía Đông và linh mục đọc: “Tôi tớ của Thiên Chúa, là T..., được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Mỗi lần kêu cầu từng Ngôi vị trong Ba Ngôi Chí Thánh, vị chủ sự sẽ dìm người dự tòng xuống nước rồi kéo lên.

12411294 / 1574 / 783

Việc xức dầu thánh, dầu được pha hương liệu do Giám mục thánh hiến, có ý nghĩa là hồng ân Chúa Thánh Thần được ban cho người tân tòng. Họ trở nên một Kitô hữu, nghĩa là người “được xức dầu” bằng Chúa Thánh Thần, được tháp nhập vào Đức Kitô, Đấng đã được xức dầu làm Tư tế, Tiên tri và Vương đế.36

12421291

Trong phụng vụ của các Giáo Hội Đông phương, việc xức dầu sau Phép Rửa là bí tích Xức Dầu Thánh (bí tích Thêm Sức). Trong phụng vụ Rôma, nghi thức này báo trước việc xức dầu thánh lần thứ hai sẽ do Giám mục trao ban: đó là bí tích Thêm Sức, bí tích này như “củng cố” và kiện toàn việc xức dầu trong bí tích Rửa Tội.

12431216 / 2769

Áo trắng nói lên cách tượng trưng người chịu Phép Rửa đã mặc lấy Đức Kitô,37 đã sống lại cùng với Đức Kitô. Cây nến được thắp sáng từ nến phục sinh nói lên rằng Đức Kitô đã chiếu dọi ánh sáng cho người tân tòng. Trong Đức Kitô, những người chịu Phép Rửa là “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14).38 Người tân tòng lúc đó là con cái Thiên Chúa trong Người Con Duy Nhất. Họ có thể đọc lời kinh của những người con Thiên Chúa: kinh Lạy Cha.

12441292

Rước lễ lần đầu. Người tân tòng, đã trở nên con Thiên Chúa, và đã mặc áo cưới, được đón nhận vào “tiệc cưới của Con Chiên” và lãnh nhận lương thực của đời sống mới, là Mình và Máu Đức Kitô. Các Giáo hội Đông phương ý thức cách sống động về tính duy nhất của việc khai tâm Kitô Giáo, nên ban bí tích Thánh Thể cho tất cả những người vừa được rửa tội và thêm sức, kể cả các nhi đồng, vì nhớ lại lời Chúa: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” (Mc 10,14). Giáo Hội Latinh, dành việc rước lễ lại cho các em đã đến tuổi khôn, nên diễn tả việc mở ngỏ của bí tích Rửa Tội hướng đến bí tích Thánh Thể, bằng cách đưa nhi đồng vừa chịu Phép Rửa đến gần bàn thờ để đọc kinh Lạy Cha.

1245

Phép lành trọng thể kết thúc cuộc cử hành bí tích Rửa Tội. Khi rửa tội cho trẻ sơ sinh, phép lành ban cho người mẹ có một tầm quan trọng đặc biệt.

IV. Ai có thể lãnh nhận bí tích Rửa Tội? (1246-1255)

1246

“Tất cả và chỉ những người chưa chịu Phép Rửa, mới có khả năng lãnh nhận bí tích Rửa Tội.”39

Rửa tội cho người thành niên (1247-1249)

1247

Từ thuở ban đầu của Hội Thánh, việc rửa tội cho người thành niên là hình thức thông thường nhất ở những nơi Tin Mừng mới được rao giảng. Lúc đó thời kỳ dự tòng (chuẩn bị cho bí tích Rửa Tội) là một giai đoạn quan trọng. Vì là việc khai tâm về đức tin và đời sống Kitô Giáo, thời kỳ này phải chuẩn bị cho người dự tòng đón nhận hồng ân của Thiên Chúa trong bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.

12481230

Thời kỳ dự tòng, hoặc thời gian huấn luyện các dự tòng, có mục đích giúp đương sự, khi đáp lại sáng kiến của Thiên Chúa và hợp nhất với một cộng đoàn Hội Thánh, có thể hối cải và làm cho đức tin của mình được trưởng thành. Đây chính là việc huấn luyện “toàn bộ đời sống Kitô Giáo”, nhờ đó, “các môn đệ được kết hợp với Đức Kitô là Thầy của mình. Như vậy, các dự tòng phải được khai tâm cách thích đáng về mầu nhiệm cứu độ, và về việc thực hành luân lý của Tin Mừng, và nhờ các nghi thức thánh thiêng được tuần tự cử hành theo từng giai đoạn, họ được dẫn vào đời sống đức tin, đời sống phụng vụ và đời sống bác ái của dân Thiên Chúa.”40

12491259

Những người dự tòng “đã được kết hợp với Hội Thánh rồi, đã là người nhà của Đức Kitô rồi và thường đã sống một đời đức tin, đức cậy và đức mến rồi.”41 Họ được “Mẹ Hội Thánh yêu thương chăm sóc như con cái mình rồi.”42

Rửa tội cho nhi đồng (1250-1252)

1250403 / 1996

Vì được sinh ra với bản tính con người sa ngã và hoen ố do nguyên tội, các nhi đồng cũng cần được tái sinh trong bí tích Rửa Tội,43 để chúng được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm và được đưa vào miền tự do của các con cái Thiên Chúa mà tất cả mọi người được mời gọi.44 Tính cách hoàn toàn nhưng không của ơn cứu độ được biểu lộ cách đặc biệt trong bí tích Rửa Tội cho các nhi đồng. Vì vậy, Hội Thánh và cha mẹ em nhỏ, nếu không cho em được Rửa Tội ít lâu sau khi sinh ra, thì làm em thiệt mất ân sủng vô giá là được trở nên con cái Thiên Chúa.45

1251

Các cha mẹ Kitô Giáo nhận biết rằng, việc thực hành này cũng đi đôi với nhiệm vụ của họ là những người nuôi dưỡng sự sống mà Thiên Chúa đã ủy thác cho họ.46

1252

Việc Rửa Tội cho các nhi đồng là một truyền thống rất xa xưa của Hội Thánh. Có những bằng chứng rõ ràng về truyền thống này từ thế kỷ thứ hai. Nhưng rất có thể ngay từ lúc các Tông Đồ bắt đầu rao giảng, khi có những gia đình mà “cả nhà” đều chịu Phép Rửa47 thì người ta cũng đã Rửa Tội cho cả các nhi đồng.48

Đức tin và bí tích Rửa Tội (1253-1255)

12531123 / 168

Bí tích Rửa Tội là bí tích của đức tin.49 Nhưng đức tin cần đến cộng đoàn các tín hữu. Mỗi Kitô hữu chỉ có thể tin trong đức tin của Hội Thánh. Đức tin cần phải có để được chịu Phép Rửa, chưa phải là đức tin hoàn hảo và trưởng thành, nhưng là một khởi đầu cần được tăng trưởng. Hội Thánh hỏi người dự tòng hoặc người đỡ đầu: “Con xin gì cùng Hội Thánh Chúa?” Và họ trả lời: “Con xin đức tin.”

12542101

Đức tin của mọi người đã chịu Phép Rửa, cả nhi đồng cả người thành niên, cần được tăng trưởng sau bí tích Rửa Tội. Vì vậy, hằng năm, trong đêm Canh thức Vượt Qua, Hội Thánh cử hành việc lặp lại các lời hứa Phép Rửa. Việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa Tội mới chỉ đưa tới ngưỡng cửa của đời sống mới. Bí tích Rửa Tội là nguồn mạch của đời sống mới trong Đức Kitô, từ đó tuôn trào toàn bộ đời sống Kitô hữu.

12551311

Để ân sủng của bí tích Rửa Tội có thể được triển nở, sự hỗ trợ của cha mẹ là rất quan trọng. Cha mẹ đỡ đầu cũng có nhiệm vụ trong công việc này. Họ phải là những tín hữu kiên vững, có khả năng và sẵn sàng giúp đỡ người mới chịu Phép Rửa, nhi đồng cũng như người thành niên, trên con đường của đời sống Kitô hữu.50 Nhiệm vụ của cha mẹ đỡ đầu thực sự là một chức vụ chính thức (officium) trong Hội Thánh51 . Toàn thể cộng đoàn giáo hội đều dự phần trách nhiệm trong việc làm triển nở và giữ gìn ân sủng đã được lãnh nhận trong bí tích Rửa Tội.

V. Ai có thể ban bí tích Rửa Tội? (1256)

12561239-1240 / 1752

Thừa tác viên thông thường của bí tích Rửa Tội là Giám mục, linh mục, và trong Giáo Hội Latinh, cả phó tế nữa.52 Trong trường hợp khẩn thiết, thì bất cứ người nào, kể cả những người chưa chịu Phép Rửa, mà có ý hướng cần thiết, đều có thể cử hành Phép Rửa,53 bằng cách sử dụng công thức Rửa Tội nhân danh Chúa Ba Ngôi. Ý hướng cần thiết là muốn làm điều Hội Thánh làm khi ban Phép Rửa. Lý do của việc người ngoại giáo cũng có thể cử hành Phép Rửa như vậy, là vì Hội Thánh thấy rõ rằng Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người54 và bí tích Rửa Tội là cần thiết để được cứu độ.55

VI. Sự cần thiết của bí tích Rửa Tội (1257-1261)

12571129 / 161 / 846

Chính Chúa khẳng định rằng bí tích Rửa Tội là cần thiết để được cứu độ.56 Vì vậy, Người đã truyền lệnh cho các môn đệ Người rao giảng Tin Mừng và làm Phép Rửa cho muôn dân.57 Bí tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu độ đối với những người đã được loan báo Tin Mừng và có khả năng xin lãnh nhận bí tích này.58 Ngoài bí tích Rửa Tội, Hội Thánh không biết đến một phương thế nào khác để bảo đảm cho người ta được vào vinh phúc vĩnh cửu; vì vậy, Hội Thánh không xao lãng sứ vụ mình đã lãnh nhận từ nơi Chúa là phải làm cho tất cả những người có thể lãnh bí tích này được sinh ra “bởi nước và Chúa Thánh Thần.” Thiên Chúa đã ràng buộc ơn cứu độ với bí tích Rửa Tội, nhưng chính Ngài không bị ràng buộc bởi các bí tích của Ngài.

12582473

Từ đầu, Hội Thánh luôn xác tín rằng những người chịu chết vì đức tin, mặc dầu chưa lãnh nhận bí tích Rửa Tội, thì họ đã được tẩy rửa bằng cái chết của họ vì Đức Kitô và với Đức Kitô. Được tẩy rửa bằng máu như vậy, cũng như ước muốn chịu Phép Rửa, vẫn mang lại hiệu quả của bí tích Rửa Tội, tuy đó không phải là bí tích.

12591249

Đối với những người dự tòng chết trước khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, việc họ khao khát tỏ tường muốn lãnh nhận bí tích này, liên kết với việc thống hối các tội lỗi của họ và với đức mến, bảo đảm cho họ ơn cứu độ mà họ đã không thể lãnh nhận qua bí tích.

1260848

“Vì Đức Kitô đã chết cho tất cả mọi người, và vì ơn gọi tối hậu của con người thật sự là duy nhất, đó là ơn gọi bởi Thiên Chúa, nên chúng ta phải hiểu rằng, Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng được tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua, bằng cách nào đó chỉ có Chúa biết.”59 Bất kỳ ai, dù không biết Tin Mừng của Đức Kitô và không biết Hội Thánh của Người, nhưng tìm kiếm chân lý và thực thi ý muốn của Thiên Chúa theo như họ hiểu biết, thì có thể được cứu độ. Có thể giả thiết rằng, những người như vậy hẳn đã minh nhiên khao khát lãnh nhận bí tích Rửa Tội, nếu họ đã biết đến sự cần thiết của bí tích này.

12611257 / 1250

Về các trẻ em chết mà chưa được lãnh bí tích Rửa Tội, Hội Thánh chỉ biết phó dâng các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa, như Hội Thánh đã làm trong nghi lễ an táng dành cho các em. Thật vậy, lòng thương xót cao cả của Thiên Chúa, “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,4) và lòng thương mến của Chúa Giêsu đối với trẻ em khiến Người đã nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” (Mc 10,14) cho phép chúng ta hy vọng rằng, có một con đường cứu độ dành cho những trẻ em chết mà chưa chịu Phép Rửa. Hội Thánh cũng hết sức khẩn thiết kêu gọi, đừng ngăn cản các trẻ em không cho chúng đến với Đức Kitô nhờ hồng ân của bí tích Rửa Tội.

VII. Ân sủng của bí tích Rửa Tội (1262-1274)

12621234

Những hiệu quả khác nhau của bí tích Rửa Tội được nói lên qua các yếu tố khả giác của nghi thức bí tích. Việc dìm xuống nước là biểu tượng của sự chết và việc thanh tẩy, nhưng cũng là biểu tượng của sự tái sinh và sự canh tân. Vậy hai hiệu quả chính là việc thanh tẩy tội lỗi và sự tái sinh trong Chúa Thánh Thần.60

Để tha tội... (1263-1264)

1263977 / 1425

Nhờ bí tích Rửa Tội, tất cả mọi tội lỗi đều được tha: tội tổ tông và tất cả các tội cá nhân, cũng như tất cả các hình phạt do tội.61 Thật vậy, nơi những người đã được tái sinh, không còn gì ngăn cản họ bước vào Nước Thiên Chúa, dù là tội của ông Ađam, dù là tội của bản thân, dù là những hậu quả của tội, mà hậu quả nghiêm trọng nhất là phải xa lìa Thiên Chúa.

1264975 / 2514 / 1426 / 405

Tuy nhiên, một số hậu quả tạm thời của tội vẫn còn tồn tại nơi người đã chịu Phép Rửa, như đau khổ, bệnh tật, sự chết, hoặc những mỏng dòn trong cuộc sống như tính tình yếu đuối, v.v..., hoặc cả sự hướng chiều về tội mà Truyền thống gọi là dục vọng (concupiscentia) hay nói cách ẩn dụ là bùi nhùi nhóm lửa của tội (fomes peccati): “Dục vọng, được để lại để chúng ta chiến đấu, không có khả năng làm hại những ai không chiều theo nó mà còn mạnh mẽ chống lại nó nhờ ân sủng của Đức Kitô Giêsu. Hơn nữa, “không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ” (2 Tm 2,5).62

“Thụ tạo mới” (1265-1266)

1265505 / 460

Bí tích Rửa Tội không những rửa sạch mọi tội lỗi, mà còn làm cho người tân tòng trở nên “một thụ tạo mới”,63 thành nghĩa tử của Thiên Chúa,64 “được thông phần bản tính Thiên Chúa”,65 thành chi thể của Đức Kitô66 và đồng thừa tự với Người,67 và thành đền thờ Chúa Thánh Thần.68

12661992 / 1812 / 1831 / 1810

Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho người chịu Phép Rửa ơn thánh hóa, ơn công chính hóa:

— làm cho người đó có khả năng tin vào Thiên Chúa, trông cậy Ngài và yêu mến Ngài nhờ các nhân đức đối thần;

— làm cho người đó có khả năng sống và hành động theo sự tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các hồng ân của Chúa Thánh Thần;

— làm cho người đó tăng trưởng trong điều thiện hảo nhờ các nhân đức luân lý.

Như vậy, toàn bộ cơ cấu của đời sống siêu nhiên của Kitô hữu đều bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội.

Được tháp nhập vào Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô (1267-1270)

1267782

Bí tích Rửa Tội làm cho chúng ta thành chi thể của Thân Thể Đức Kitô. “Chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4,25). Bí tích Rửa Tội tháp nhập chúng ta vào Hội Thánh. Từ giếng rửa tội, dân duy nhất của Thiên Chúa của Giao Ước Mới được sinh ra, dân này vượt lên trên mọi ranh giới tự nhiên hoặc nhân bản về dân tộc, văn hóa, chủng tộc và giới tính: “Tất cả chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13).

12681141 / 784

Những người đã chịu Phép Rửa trở nên “những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng... làm hàng tư tế thánh” (1 Pr 2,5). Nhờ bí tích Rửa Tội, họ được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, vào sứ vụ tiên tri và vương đế của Người, họ là “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Ngài, Đấng đã gọi... [họ] ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2,9).

Bí tích Rửa Tội cho họ tham dự vào chức tư tế cộng đồng của các tín hữu.

1269871

Người đã chịu Phép Rửa đã trở thành phần tử của Hội Thánh, họ không còn thuộc về mình nữa,69 nhưng thuộc về Đấng đã chết và đã sống lại vì chúng ta.70 Từ nay, họ được mời gọi để phục tùng lẫn nhau71 và phục vụ người khác72 trong sự hiệp thông của Hội Thánh, được mời gọi “vâng lời và phục tùng” các vị lãnh đạo của Hội Thánh73 với lòng kính trọng và quý mến.74 Cũng như bí tích Rửa Tội là nguồn mạch của các trách nhiệm và bổn phận, người chịu Phép Rửa cũng được hưởng các quyền lợi trong lòng Hội Thánh: được lãnh nhận các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được nâng đỡ bằng các trợ giúp thiêng liêng khác của Hội Thánh.75

1270

Những người đã chịu Phép Rửa, “được tái sinh làm con Thiên Chúa (nhờ bí tích Rửa Tội), có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa qua Hội Thánh”76 và tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của dân Thiên Chúa.77

Mối dây bí tích của sự hợp nhất các Kitô hữu (1271)

1271

Bí tích Rửa Tội đặt nền tảng cho sự hiệp thông giữa tất cả các Kitô hữu, kể cả với những người chưa hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo: “Thật vậy, những người tin vào Đức Kitô và đã chịu Phép Rửa đúng nghi thức, vẫn hiệp thông một cách nào đó với Hội Thánh Công Giáo, tuy là sự hiệp thông không hoàn hảo... Đã được công chính hóa nhờ đức tin khi chịu Phép Rửa, những người đó đã được tháp nhập vào Đức Kitô, vì vậy, họ có quyền mang danh Kitô hữu và xứng đáng được các con cái của Hội Thánh Công Giáo nhìn nhận là anh em trong Chúa.”78 “Vậy bí tích Rửa Tội là mối dây bí tích liên kết cách chặt chẽ sự hợp nhất giữa tất cả những người đã được tái sinh nhờ bí tích đó.”79

Ấn tín thiêng liêng không thể tẩy xóa... (1272-1274)

1272

Người chịu Phép Rửa, được tháp nhập vào Đức Kitô nhờ bí tích Rửa Tội, được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.80 Bí tích này ghi trên Kitô hữu một dấu chỉ thiêng liêng không thể tẩy xóa (ấn tín), một dấu chỉ cho thấy họ thuộc về Đức Kitô. Không một tội lỗi nào xóa được ấn tín này, mặc dù tội lỗi ngăn cản bí tích Rửa Tội mang lại những hiệu quả của ơn cứu độ.81 Bí tích Rửa Tội chỉ được ban một lần cho mãi mãi, nên không thể được tái ban.

1273

Được tháp nhập vào Hội Thánh nhờ bí tích Rửa Tội, các tín hữu nhận được ấn tín bí tích, ấn tín này thánh hiến họ để lo việc phụng tự Kitô Giáo.82 Ấn tín Phép Rửa làm cho họ có khả năng và đòi buộc họ phải phục vụ Thiên Chúa bằng việc tham dự sống động vào phụng vụ thánh của Hội Thánh và phải thực thi chức tư tế Phép Rửa của họ qua việc làm chứng bằng một đời sống thánh thiện và bằng một đức mến đầy hiệu năng.83

1274197 / 2016

Ấn tín của Chúa84 là dấu ấn Chúa Thánh Thần ghi trên chúng ta “để chờ ngày cứu chuộc” (Ep 4,30).85 “Bí tích Rửa Tội là dấu ấn của đời sống vĩnh cửu.”86 Tín hữu nào “gìn giữ dấu ấn” cho đến cùng, nghĩa là, trung thành với những đòi buộc của bí tích Rửa Tội của mình, thì có thể chết “với dấu chỉ của đức tin”,87 với đức tin của bí tích Rửa Tội của mình, trong sự mong đợi được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa - đó là sự hoàn tất đức tin - và trong niềm hy vọng sống lại.

Tóm lược (1275-1284)

1275

Việc khai tâm Kitô Giáo được thực hiện bằng ba bí tích: bí tích Rửa Tội khởi đầu cuộc sống mới; bí tích Thêm Sức củng cố đời sống đó; bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng tín hữu bằng Mình và Máu Đức Kitô để biến đổi họ trong Người.

1276

“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

1277

Bí tích Rửa Tội là việc sinh ra trong đời sống mới trong Đức Kitô. Theo ý muốn của Chúa, bí tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu độ cũng như chính Hội Thánh mà bí tích Rửa Tội tháp nhập vào.

1278

Nghi thức chính yếu của bí tích Rửa Tội là dìm người dự tòng vào trong nước hay đổ nước trên đầu họ trong khi kêu cầu danh Ba Ngôi Chí Thánh là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

1279

Hiệu quả của bí tích Rửa Tội hay ân sủng của bí tích Rửa Tội là một thực tế phong phú bao gồm: việc tha tội tổ tông và tất cả các tội cá nhân; việc sinh ra vào đời sống mới, nhờ đó con người trở thành nghĩa tử của Chúa Cha, chi thể của Đức Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Người chịu Phép Rửa được tháp nhập vào Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô, và tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô.

1280

Bí tích Rửa Tội ghi vào linh hồn một dấu thiêng liêng không thể tẩy xóa, gọi là “ấn tín.” Ấn tín này thánh hiến người được rửa tội cho việc phụng tự Kitô Giáo. Vì ấn tín này, nên bí tích Rửa Tội không thể được tái ban.88

1281

Những người chịu chết vì đức tin cũng như người dự tòng và tất cả những ai tuy không nhận biết Hội Thánh, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa dưới tác động của ơn thánh và cố gắng chu toàn thánh ý Ngài, vẫn có thể đạt được ơn cứu độ, dù chết mà chưa lãnh nhận bí tích Rửa Tội.89

1282

Từ thời rất xa xưa, bí tích Rửa Tội đã được ban cho trẻ em, vì đây là ân sủng và hồng ân của Thiên Chúa, chứ không do công trạng của con người. Các em được rửa tội trong đức tin của Hội Thánh. Việc bước vào đời sống Kitô hữu dẫn đến sự tự do đích thực.

1283

Về phần các trẻ em chết mà chưa được rửa tội, phụng vụ Hội Thánh mời gọi chúng ta tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa và cầu nguyện cho các em được ơn cứu độ.

1284

Trong trường hợp khẩn thiết, mọi người đều có thể Rửa Tội, miễn là có ý làm điều Hội Thánh muốn làm và đổ nước lên đầu người lãnh nhận trong khi đọc: “Tôi rửa anh (chị) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”


Chú thích

4 X. CĐ Flôrentinô, Decretum pro Armenis: DS 1314; Bộ Giáo Luật, các điều 204,1.849; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 675,1.

5 Catechismus Romanus 2, 2, 5: ed. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 179.

6 X. Rm 6,3-4; Cl 2,12.

7 Thánh Giustinô, Apologia, 1, 61: CA 1,168 (PG 6,421).

8 X. Dt 10,32.

9 X. 1 Tx 5,5.

10 Thánh Grêgôriô thành Nazien, Oratio 40, 3-4: SC 358,202-204 (PG 36,361-364).

11 Canh thức Vượt qua, Làm phép nước, 42: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 283.

12 X. St 1,2.

13 Canh thức Vượt qua, Làm phép nước, 42: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 283.

14 Canh thức Vượt qua, Làm phép nước, 42: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 283.

15 Canh thức Vượt qua, Làm phép nước, 42: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 283.

16 X. Mt 3,13.

17 X. Mc 16,15-16.

18 X. Mt 3,15.

19 X. Pl 2,7.

20 X. Mt 3,16-17.

21 X. Mc 10,38; Lc 12,50

22 X. Ga 19,34.

23 X.1 Ga 5,6-8.

24 Thánh Ambrôsiô, De Sacramentis, 2,2,6: CSEL 73,27-28 (PL 16,425-426).

25 X. Cv 2,41; 8,12-13; 10,48; 16,15.

26 X. Cl 2,12.

27 X. Gl 3,27.

28 X. 1 Cr 6,11; 12,13.

29 X. 1 Pr 1,23; Ep 5,26.

30 Thánh Augustinô, In Iohannis evangelium tractatus, 80, 3: CCL 36,529 (PL 35,1840).

31 CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 64: AAS 56 (1964) 117.

32 CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 65: AAS 56 (1964) 117; x. Ibid., 37-40: AAS 56 (1964) 110-111.

33 X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 14: AAS 58 (1966) 963; Bộ Giáo Luật, các điều 851.865-866.

34 X. Bộ Giáo Luật, các điều 851,2.868.

35 X. Rm 6,17.

36 X. Nghi thức Rửa tội cho trẻ em, 62 (Typis Polyglottis Vaticanis 1969) 32.

37 X. Gl 3,27.

38 X. Pl 2,15.

39 Bộ Giáo Luật, điều 864; x. Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 679.

40 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 14: AAS 58 (1966) 962-963; x. Nghi thức gia nhập Kitô giáo cho người lớn, Praenotanda 19 (Typis Polyglottis Vaticanis 1972) 11; Ibid., De tempore catechumenatus eiusque ritibus 98,36.

41 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 14: AAS 58 (1966) 963.

42 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 14: AAS 57 (1965) 19; x. Bộ Giáo Luật, các điều 206.788.

43 X. CĐ Triđentinô, Sess. 5a, Decretum de peccato originali, c. 4: DS 1514.

44 X. Cl 1,12-14.

45 X. Bộ Giáo Luật, điều 867; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 686,1.

46 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11: AAS 57 (1965) 15-16; Ibid., 41: AAS 57 (1965) 47; Id., Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 48: AAS 58 (1966) 1067-1069; Bộ Giáo Luật, các điều 774,2.1136.

47 X. Cv 16,15.33; 18,8; 1 Cr 1,16.

48 X. Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Pastoralis actio, 4: AAS 72 (1980) 1139.

49 X. Mc 16,16.

50 X. Bộ Giáo Luật, các điều 872-874.

51 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 67: AAS 56 (1964) 118.

52 X. Bộ Giáo Luật, điều 861,1; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 677,1.

53 X. Bộ Giáo Luật, điều 861,2.

54 X. 1 Tm 2,4.

55 X. Mc 16,16.

56 X. Ga 3,5.

57 X. Mt 28,20. X. CĐ Triđentinô, Sess. 7a, Decretum de sacramentis, Canones de sacramento Baptismi, canon 5: DS 1618; CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 14: AAS 57 (1965) 18; Id., Sắc lệnh Ad Gentes, 5: AAS 58 (1966) 951-952.

58 X. Mc 16,16.

59 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1043; x. Id., Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16: AAS 57 (1965) 20; Id., Sắc lệnh Ad Gentes, 7: AAS 58 (1966) 955.

60 X. Cv 2,38; Ga 3,5.

61 X. CĐ Florentinô, Decretum pro Armenis: DS 1316.

62 X. CĐ Triđentinô, Sess. 5a, Decretum de peccato originali, canon 5: DS 1515.

63 X. 2 Cr 5,17.

64 X. Gl 4,5-7.

65 X. 2 Pr 1,4.

66 X. 1 Cr 6,15; 12,27.

67 X. Rm 8,17.

68 X. 1 Cr 6,19.

69 X. 1 Cr 6,19.

70 X. 2 Cr 5,15.

71 X. Ep 5,21; 1 Cr 16,15-16.

72 X. Ga 13,12-15.

73 X. Dt 13,17.

74 X. 1 Tx 5,12-13.

75 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 37: AAS 57 (1965) 42-43; Bộ Giáo Luật, các điều 208-223; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 675,2.

76 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11: AAS 57 (1965) 16.

77 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 17: AAS 57 (1965) 21; Id., Sắc lệnh Ad Gentes, 7: AAS 58 (1966) 956; Ibid., 23: AAS 58 (1966) 974-975.

78 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3: AAS 57 (1965) 93.

79 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 22: AAS 57 (1965) 105.

80 X. Rm 8,29.

81 X. CĐ Triđentinô, Sess. 7a, Decretum de sacramentis, Canones de sacramentis in genere, canon 9: DS 1609 ; Ibid., Canones de sacramento Baptismi, canon 6: DS 1619.

82 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11: AAS 57 (1965) 16.

83 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 10: AAS 57 (1965) 15-16.

84 X. Thánh Augustinô, Epistula 98, 5: CSEL 34,527 (PL 33,362).

85 X. Ep 1,13-14; 2 Cr 1,21-22.

86 Thánh Irênê, Demonstratio praedicationis apostolicae, 3: SC 62,32.

87 Kinh nguyện Thánh Thể I còn gọi là Lễ Quy Rôma: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 454.

88 X. CĐ Triđentinô, Sess. 7a, Decretum de sacramentis, Canones de sacramentis in genere, canon 9: DS 1609 ; Ibid., Canones de sacramento Baptismi, canon 11: DS 1624.

89 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16: AAS 57 (1965) 20.

CHƯƠNG I: CÁC BÍ TÍCH KHAI TÂM KITÔ GIÁO (1212-1419)Mục 2: Bí tích Thêm Sức (1285-1321)