Mục 1: Các á bí tích (1667-1679)

1667

“Mẹ Hội Thánh đã thiết lập các á bí tích. Đó là những dấu chỉ thánh thiêng, nhờ đó, phần nào phỏng theo các bí tích, những hiệu quả, đặc biệt là những hiệu quả thiêng liêng, được biểu thị và được thông ban nhờ lời khẩn cầu của Hội Thánh. Nhờ các á bí tích, con người được chuẩn bị lãnh nhận hiệu quả chính yếu của các bí tích và những hoàn cảnh khác nhau của cuộc đời được thánh hoá.”1

Những nét đặc trưng của các á bí tích (1668-1670)

1668699 / 2157

Hội Thánh thiết lập các á bí tích để thánh hóa một số thừa tác vụ của Hội Thánh, một số bậc sống, những hoàn cảnh rất đa dạng của đời sống Kitô hữu, và cả việc sử dụng những sự vật hữu ích cho con người. Theo những quyết định mục vụ của các Giám mục, các á bí tích có thể đáp ứng những nhu cầu riêng biệt về văn hóa và lịch sử của dân Kitô Giáo trong một miền hay trong một thời đại. Các á bí tích luôn gồm một lời cầu nguyện, thường kèm theo một dấu chỉ cụ thể, như đặt tay, dấu thánh giá, rẩy nước thánh (để nhớ đến bí tích Rửa Tội).

1669784 / 2626

Các á bí tích bắt nguồn từ chức tư tế do Phép Rửa: Mọi người đã chịu Phép Rửa đều được mời gọi để trở nên một lời chúc lành2 và để chúc lành.3 Vì vậy, người giáo dân có thể chủ sự một số việc chúc lành;4 còn việc chúc lành nào càng liên quan đến đời sống Hội Thánh và bí tích, thì càng dành riêng cho các thừa tác viên có chức thánh (Giám mục, linh mục và phó tế) chủ sự.5

16701128 / 2001

Các á bí tích không ban ân sủng của Chúa Thánh Thần theo kiểu các bí tích, nhưng nhờ lời cầu nguyện của Hội Thánh, chúng chuẩn bị cho việc đón nhận ân sủng và tạo điều kiện cho việc cộng tác với ân sủng. “Đối với các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo, hầu như mọi biến cố trong cuộc đời đều được thánh hóa bằng ân sủng của Thiên Chúa, tuôn trào từ mầu nhiệm Vượt Qua, là cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, chính Người ban sức mạnh cho tất cả các bí tích và á bí tích; và hầu như không có việc sử dụng chính đáng các của cải vật chất nào, lại không thể đưa tới mục đích thánh hóa con người và ca ngợi Thiên Chúa.”6

Những hình thức khác nhau của các á bí tích (1671-1673)

16711078

Trong số các á bí tích, trước hết phải kể đến các phép lành (cho người, cho bàn ăn, cho các sự vật, cho các nơi chốn). Mọi phép lành đều là lời ca ngợi Thiên Chúa và lời cầu nguyện để đạt được các hồng ân của Ngài. Trong Đức Kitô, các Kitô hữu được Chúa Cha chúc lành bằng “muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1,3). Vì vậy, Hội Thánh ban phép lành bằng việc kêu cầu danh Chúa Giêsu và thường làm dấu thánh giá của Đức Kitô.

1672923 / 925 / 903

Một số phép lành (benedictiones) có giá trị lâu dài: để thánh hiến cho Thiên Chúa những con người, hoặc những sự vật và nơi chốn dành riêng để sử dụng trong phụng vụ. Trong số các phép lành cho con người - không được lẫn lộn các phép lành này với bí tích Truyền Chức Thánh - có phép lành cho Viện phụ hoặc Viện mẫu các đan viện, việc thánh hiến các trinh nữ và góa phụ, nghi thức khấn hứa sống bậc tu trì, và phép lành cho một số thừa tác viên của Hội Thánh (những người đọc sách, giúp lễ, giáo lý viên, v.v...). Vài thí dụ về việc làm phép các sự vật, có thể kể việc cung hiến hoặc làm phép nhà thờ hay bàn thờ, làm phép dầu thánh, các bình và các phẩm phục thánh, làm phép chuông, v.v...

1673395 / 550 / 1237

Khi Hội Thánh, một cách công khai và với thẩm quyền, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, cầu xin để một người hay một đồ vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của nó, thì người ta gọi đó là Trừ tà (exorcismus). Chúa Giêsu đã thực hiện điều đó,7 và chính bởi Người, Hội Thánh có quyền và có nhiệm vụ trừ tà.8 Với hình thức đơn giản, việc trừ tà đã có trong nghi thức cử hành bí tích Rửa Tội. Còn việc trừ tà long trọng, gọi là “trừ tà đại thể”, chỉ được thực hiện bởi một linh mục, với sự cho phép của Giám mục. Trong việc này, phải tiến hành cách khôn ngoan, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hội Thánh.9 Việc trừ tà nhằm trục xuất ma quỷ hoặc giải thoát khỏi ảnh hưởng của nó, nhờ quyền bính thiêng liêng Chúa Giêsu đã ủy thác cho Hội Thánh của Người. Trường hợp bệnh tật, nhất là các bệnh tâm thần, thì khác hẳn, việc chữa trị các bệnh này là công việc của y khoa. Vì vậy, điều hết sức quan trọng là, trước khi cử hành nghi thức trừ tà, phải rất chắc chắn rằng đây là trường hợp quỷ ám chứ không phải là một bệnh tật nào đó.

Lòng đạo đức bình dân (1674-1676)

16742688 / 2669 / 2678

Ngoài phụng vụ bí tích và các á bí tích, việc dạy giáo lý còn phải kể đến những hình thức đạo đức của các tín hữu và những hình thức của lòng đạo đức bình dân. Cảm thức tôn giáo của dân Kitô Giáo luôn luôn được diễn đạt bằng những hình thức đa dạng của lòng đạo đức, kèm theo đời sống bí tích của Hội Thánh, như việc tôn kính các di tích thánh, kính viếng các đền thánh, những cuộc hành hương, những cuộc rước kiệu, chặng đàng thánh giá, các vũ điệu tôn giáo, kinh Mân Côi, đeo ảnh thánh, v.v...10

1675

Những hình thức đạo đức này tiếp nối chứ không thay thế đời sống phụng vụ của Hội Thánh: “Quả vậy, phải sắp xếp việc thực hành những hình thức đạo đức đó theo các mùa phụng vụ, sao cho chúng hòa nhịp với phụng vụ thánh, một cách nào đó phát xuất từ phụng vụ, dẫn đưa dân tới phụng vụ, vì tự bản chất của nó, phụng vụ ưu việt hơn hẳn những hình thức đạo đức đó.”11

1676426

Các mục tử cần phải phân định để nâng đỡ và ủng hộ lòng đạo đức bình dân, và nếu cần, để thanh luyện và điều chỉnh cảm thức tôn giáo tiềm ẩn dưới những việc sùng kính này, để liệu sao cho người ta tiến triển trong việc nhận biết mầu nhiệm của Đức Kitô. Việc thực hành những hình thức đạo đức này là theo sự chăm sóc và xét đoán của các Giám mục, và theo những quy định chung của Hội Thánh.12

“Lòng đạo đức bình dân, trong cốt lõi của nó, là một tập hợp những giá trị mà, với sự khôn ngoan Kitô Giáo, đáp trả lại những vấn nạn lớn của cuộc sống. Sự khôn ngoan công giáo bình dân có khả năng tổng hợp sống động; như vậy, một cách đầy sáng tạo, họ có thể nói đến cùng một trật những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì thuộc về phàm nhân; Đức Kitô và Mẹ Maria, tinh thần và thể xác; hiệp thông và định chế; cá nhân và cộng đoàn; đức tin và quê hương, lý trí và tình cảm. Sự khôn ngoan này là một thuyết nhân bản Kitô Giáo, khẳng định cách triệt để phẩm giá của mọi nhân vị với tư cách là con Thiên Chúa, xây dựng tình huynh đệ căn bản, dạy chúng ta gặp gỡ thiên nhiên và hiểu biết lao động, đem lại cho ta những lý do để sống vui tươi và thoải mái, cả trong cuộc sống hết sức cam go. Đối với dân, sự khôn ngoan này còn là một nguyên lý để phân định, một bản năng theo Tin Mừng, nhờ đó họ nhận biết tức khắc, khi nào sự phục vụ trong Hội Thánh là dành cho Tin Mừng, và khi nào sự phục vụ đó trở nên trống rỗng và bị bóp nghẹt vì những lợi lộc khác.”13

Tóm lược (1677-1679)

1677

Á bí tích là những dấu chỉ thánh thiêng do Hội Thánh thiết lập để chuẩn bị cho con người đón nhận hiệu quả của các bí tích và để thánh hóa một số hoàn cảnh trong cuộc sống.

1678

Trong các á bí tích, các phép lành có một vị trí đặc biệt. Chúng vừa là lời ca ngợi Thiên Chúa vì những kỳ công và hồng ân của Ngài, vừa là lời Hội Thánh chuyển cầu để con người có thể sử dụng những hồng ân của Thiên Chúa theo tinh thần Tin Mừng.

1679

Ngoài phụng vụ, đời sống Kitô hữu còn được nuôi dưỡng bằng những việc đạo đức đa dạng, bắt nguồn từ những nền văn hóa khác nhau. Khi dùng ánh sáng đức tin soi sáng những việc đạo đức này, Hội Thánh cổ vũ những việc đạo đức bình dân thể hiện những nét thích hợp với Tin Mừng và sự khôn ngoan nhân bản, góp phần làm phong phú đời sống Kitô hữu.


Chú thích

1 CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 60: AAS 56 (1964) 116; Bộ Giáo Luật, điều 1166; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 867.

2 X. St 12,2.

3 X. Lc 6,28; Rm 12,14; 1 Pr 3,9.

4 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 79: AAS 56 (1964) 120; x. Bộ Giáo Luật, điều 1168.

5 X. De Benedictionibus, Praenotanda generalia, 16 et 18, Editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1984) 13.14-15.

6 CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 61: AAS 56 (1964) 116-117.

7 X. Mc 1,25-26.

8 X. Mc 3,15; 6,7.13; 16,17.

9 X. Bộ Giáo Luật, điều 1172.

10 X. CĐ Nicêa II, Definitio de sacris imaginibus: DS 601; Ibid.: DS 603; CĐ Triđentinô, Sess. 25a, Decretum de invocatione, veneratione et reliquiis sanctorum, et sacris imaginibus: DS 1822.

11 CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 13: AAS 56 (1964) 103.

12 X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi tradendae, 54 : AAS 71 (1979) 1321-1322.

13 III Conferencia General del Episcopado Latinoamericano, Puebla. La Evangelización en el presente y en el futuro de América Latina, 448 (Bogota 1979) 131; x. ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 48: AAS 68 (1976) 37-38.

CHƯƠNG IV: NHỮNG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ KHÁC (1667-1690)Mục 2: An táng theo nghi thức Kitô Giáo (1680-1690)