Mục 2: An táng theo nghi thức Kitô Giáo (1680-1690)

16801525

Tất cả các bí tích, nhất là các bí tích khai tâm Kitô Giáo, đều hướng tới mục tiêu là cuộc Vượt Qua cuối cùng của con cái Thiên Chúa; cuộc Vượt Qua này, nhờ cái chết, dẫn đưa họ vào cuộc sống trong Nước Trời. Lúc đó sẽ hoàn tất điều họ tuyên xưng trong đức tin và niềm hy vọng: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau.”14

I. Cuộc Vượt Qua cuối cùng của Kitô hữu (1681-1683)

16811010-1014

Ý nghĩa cái chết trong Kitô Giáo được mặc khải dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua là sự Chết và sự Sống lại của Đức Kitô, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta. Kitô hữu chết trong Đức Kitô Giêsu, là lìa bỏ thân xác này để được ở bên Chúa.15

1682

Đối với Kitô hữu, ngày chết, lúc kết thúc đời sống bí tích của họ, là lúc bắt đầu hoàn tất cuộc tái sinh vốn đã khởi sự trong bí tích Rửa Tội, là lúc bắt đầu vĩnh viễn nên “giống hình ảnh Chúa Con” vốn đã được ban cho họ nhờ việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần, và là lúc bắt đầu được tham dự bàn tiệc Nước Trời, vốn đã được tham dự trước trong bí tích Thánh Thể, mặc dù họ còn cần đến những thanh luyện cuối cùng để được mặc áo cưới.

16831020 / 627

Hội Thánh, như một người Mẹ, đã mang Kitô hữu trong lòng mình một cách bí tích trong suốt cuộc lữ thứ trần gian của họ, nay đồng hành với họ đến cuối đường để trao họ “vào tay Chúa Cha.” Trong Đức Kitô, Hội Thánh dâng lên Chúa Cha đứa con của ân sủng của Ngài, và trong niềm hy vọng, gửi vào lòng đất hạt giống thân xác sẽ sống lại trong vinh quang.16 Sự hiến dâng này được cử hành đầy đủ trong Hy lễ Thánh Thể; những lời chúc lành trước hoặc sau Thánh lễ là những á bí tích.

II. Cử hành nghi thức an táng (1684-1690)

1684

Lễ nghi an táng theo Kitô Giáo là một cử hành phụng vụ của Hội Thánh. Qua đó, thừa tác vụ Hội Thánh vừa muốn diễn tả sự hiệp thông hữu hiệu với người đã qua đời, vừa giúp cộng đoàn có mặt trong lễ an táng tham dự sự hiệp thông này và loan báo cho họ về đời sống vĩnh cửu.

1685

Các nghi thức khác nhau của lễ an táng diễn tả đặc tính Vượt Qua của cái chết theo Kitô Giáo và đáp ứng những hoàn cảnh và truyền thống của từng miền, cả trong vấn đề màu sắc phụng vụ.17

1686

Sách Nghi Thức An Táng (Ordo exsequiarum) của phụng vụ Rôma trình bày ba mẫu cử hành, tương ứng với ba nơi diễn ra các nghi thức (tại nhà tang, tại nhà thờ và tại nghĩa trang), và theo tầm quan trọng mà gia đình, các phong tục địa phương, văn hóa và lòng đạo đức bình dân, dành cho các nơi đó. Tuy nhiên, thứ tự việc cử hành là chung cho mọi truyền thống phụng vụ, và gồm bốn giai đoạn chính:

1687

Đón tiếp cộng đoàn. Một lời chào trong đức tin mở đầu cuộc cử hành. Các thân nhân người quá cố được đón nhận bằng một lời “an ủi” (theo nghĩa của Tân Ước: Sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong niềm hy vọng18 ). Cộng đoàn cầu nguyện được quy tụ, cũng đang mong đợi “những lời đem lại sự sống đời đời.” Cái chết của một thành viên trong cộng đoàn (hay ngày giáp năm, giỗ bảy ngày, giỗ ba mươi ngày) phải là một dịp khiến người ta vượt quá những viễn cảnh của “thế gian này” và các tín hữu được lôi cuốn đến những viễn cảnh chân thật của đức tin vào Đức Kitô Phục Sinh.

1688

Phụng vụ Lời Chúa trong nghi thức an táng cần được chuẩn bị chu đáo, vì cộng đoàn hiện diện có thể gồm những tín hữu ít khi tham dự phụng vụ, và những thân hữu của người quá cố không phải là Kitô hữu. Đặc biệt, bài giảng không được theo hình thức điếu văn19 và phải làm sáng tỏ mầu nhiệm cái chết theo Kitô Giáo bằng ánh sáng của Đức Kitô phục sinh.

16891371 / 958

Hy lễ Thánh Thể. Khi nghi thức an táng cử hành trong nhà thờ, bí tích Thánh Thể là tâm điểm của thực tại Vượt Qua của cái chết theo Kitô Giáo.20 Lúc đó, Hội Thánh bày tỏ sự hiệp thông hữu hiệu của mình với người quá cố: khi dâng lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, hy lễ là cái Chết và sự Sống lại của Đức Kitô, Hội Thánh khẩn cầu cho người con của mình được thanh luyện khỏi mọi tội lỗi và các hậu quả của tội, và được đón nhận vào sự viên mãn của cuộc Vượt Qua nơi bàn tiệc Nước Trời.21 Nhờ bí tích Thánh Thể được cử hành như vậy, cộng đoàn tín hữu, đặc biệt là gia đình người quá cố, học sống hiệp thông với người “đã an nghỉ trong Chúa”, bằng việc hiệp thông với thân thể của Đức Kitô mà người quá cố là một chi thể sống động, rồi bằng việc cầu nguyện cho người ấy và với người ấy.

16902300

Nghi thức từ biệt người quá cố lần cuối cùng (trong một số ngôn ngữ gốc la tinh, “adieu”, “addio”, “adiĩs” = ad Deum, nghĩa là “đến với Thiên Chúa”) là lời Hội Thánh “phó dâng người này cho Chúa.” “Cộng đoàn Kitô hữu chào từ biệt lần cuối cùng một chi thể của mình, trước khi xác người đó được mai táng.”22 Truyền thống Byzantin diễn tả ý nghĩa này bằng cái hôn từ biệt người quá cố:

“Với lời chào cuối cùng này, chúng ta hát tiễn người ra đi khỏi cuộc đời này và lìa xa chúng ta, nhưng đây cũng là cuộc hiệp thông và đoàn tụ, vì dầu phải chết, chúng ta cũng không bao giờ phải chia lìa nhau; quả thật, tất cả chúng ta đang đi cùng một đường và sẽ gặp lại nhau ở cùng một nơi. Chúng ta sẽ không bao giờ bị chia lìa, vì chúng ta đang sống cho Đức Kitô và giờ đây chúng ta đang được kết hợp với Người, đang đi đến với Người... Tất cả các tín hữu chúng ta sẽ được cùng nhau ở với Đức Kitô.”23


Chú thích

14 Tín biểu Nicêa - Constantinôpôli: DS 150.

15 X. 2 Cr 5,8.

16 X. 1 Cr 15,42-44.

17 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 81: AAS 56 (1964) 120.

18 X. 1 Tx 4,18.

19 X. Nghi thức an táng, De primo typo exsequiarum, 41, Editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1969) 21.

20 X. Nghi thức an táng, Praenotanda, 1, Editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1969) 7.

21 X. Nghi thức an táng, De primo typo exsequiarum, 56, Editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1969) 26.

22 X. Nghi thức an táng, Praenotanda, 10, Editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1969) 9.

23 Thánh Simêon Thessalônica, De ordine sepulturae, 367: PG 155,685.

Mục 1: Các á bí tích (1667-1679)PHẦN THỨ BA: ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KITÔ (1691-2557)