Mục 7: Các nhân đức (1803-1845)
18031733 / 1768
“Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8).
Nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện. Nó khiến nhân vị không những thực hiện những hành vi tốt, mà còn cống hiến những điều tốt nhất của bản thân mình. Người nhân đức hướng về điều thiện với tất cả sức mạnh giác quan và tinh thần của mình; họ theo đuổi và lựa chọn điều thiện bằng những hành động cụ thể của mình:
“Mục đích của một đời sống nhân đức là trở nên giống Thiên Chúa.”61
I. Các nhân đức nhân bản (1804-1811)
18042500 / 1827
Các nhân đức nhân bản là những thái độ vững chắc, những xu hướng kiên trì, những trọn hảo thường xuyên của lý trí và ý chí, nhằm điều khiển các hành vi của chúng ta, điều tiết các đam mê của chúng ta, và hướng dẫn nếp sống chúng ta cho phù hợp với lý trí và đức tin. Các nhân đức này đem lại cho con người sự thoải mái, sự tự chủ và niềm vui, để sống một cuộc đời tốt lành về mặt luân lý. Người nhân đức là người thực thi điều thiện cách tự nguyện.
Các nhân đức luân lý được thủ đắc theo cách thức nhân loại. Chúng là hoa trái và mầm mống của những hành vi tốt về mặt luân lý; chúng chuẩn bị mọi năng lực của con người cho việc hiệp thông với tình yêu của Thiên Chúa.
Nét đặc biệt của các nhân đức trụ (1805-1809)
1805
Có bốn nhân đức giữ nhiệm vụ “cột trụ.” Vì vậy, chúng được gọi là các nhân đức “trụ”; mọi nhân đức khác đều quy tụ quanh bốn nhân đức này. Đó là khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ. “Con người mến chuộng đức công bằng ư? Thì chính Đức Khôn Ngoan sản sinh các nhân đức: Quả vậy, Đức Khôn Ngoan dạy cho biết sống tiết độ, cẩn trọng, công bằng và dũng mãnh” (Kn 8,7). Các nhân đức này còn được ca ngợi trong nhiều đoạn văn của Thánh Kinh bằng những danh xưng khác.
18061788 / 1780
Khôn ngoan là nhân đức giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định được điều thiện đích thực và lựa chọn những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó. Người “khôn ngoan thì đắn đo từng bước” (Cn 14,15). “Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện được” (1 Pr 4,7). Sau ông Aristote, thánh Tôma đã viết: “Khôn ngoan là quy tắc đúng đắn để hành động.”62 Không được lẫn lộn đức khôn ngoan với tính nhút nhát hay sợ sệt, tráo trở hay lừa đảo. Đức khôn ngoan được gọi là người hướng dẫn các nhân đức (auriga virtutum): thật vậy, nó hướng dẫn các nhân đức khác bằng cách chỉ ra quy tắc và mức độ của chúng. Đức khôn ngoan trực tiếp hướng dẫn sự phán đoán của lương tâm. Người khôn ngoan quyết định và sắp đặt cách hành động của mình theo sự phán đoán này. Nhờ nhân đức này, chúng ta áp dụng các nguyên tắc luân lý vào những trường hợp cụ thể mà không bị sai lầm, và chúng ta vượt qua được những hồ nghi về điều tốt phải làm và điều xấu phải tránh.
18072095 / 2401
Công bằng là nhân đức luân lý cốt tại một ý chí liên lỉ và vững chắc, quyết tâm trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với người lân cận. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là “nhân đức thờ phượng.” Đối với người ta, công bằng là tôn trọng quyền lợi của mỗi người và thiết lập sự hài hòa trong các tương quan nhân loại, sự hài hòa này đưa tới việc không thiên vị đối với các nhân vị và đối với công ích. Người công bằng, thường được nhắc đến trong Thánh Kinh, có nét đặc biệt là sự ngay thẳng thường xuyên trong các ý nghĩ của mình và ngay thẳng trong cách hành động đối với người lân cận. “Ngươi không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào” (Lv 19,15). “Người làm chủ hãy đối xử công bằng và đồng đều với các nô lệ, vì biết rằng cả anh em nữa cũng có một Chủ ở trên trời” (Cl 4,1).
18082848 / 2473
Can đảm là nhân đức luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời. Nó củng cố sự quyết tâm chống lại các cám dỗ và vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý. Đức can đảm giúp chúng ta có khả năng chiến thắng sự sợ hãi, thậm chí cả sự chết, đương đầu với sự thử thách và các cuộc bách hại. Nó giúp chúng ta đi đến chỗ từ bỏ và hy sinh mạng sống mình để bảo vệ lẽ phải. “Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi” (Tv 118,14). “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
18092341 / 2517
Tiết độ là nhân đức luân lý giúp chúng ta điều tiết sức lôi cuốn của những thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng các của cải trần thế. Nó giúp ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế các ham muốn trong những giới hạn của sự lương thiện. Người tiết độ quy hướng các thèm muốn giác quan của mình về điều thiện, giữ được sự cẩn trọng lành mạnh, và không chiều theo sức mạnh của mình mà bước theo các dục vọng của trái tim mình.63 Đức tiết độ thường được ca tụng trong Cựu Ước: “Con đừng buông theo các tham vọng của con, nhưng hãy kiềm chế các dục vọng” (Hc 18,30). Trong Tân Ước, nhân đức này được gọi là “sự chừng mực” hay “sự điều độ.” Chúng ta phải sống “chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,12).
“Sống tốt lành không là gì khác hơn là yêu mến Thiên Chúa hết trái tim, hết linh hồn và hết tâm trí mình,... tình yêu này phải được gìn giữ trọn vẹn và không hư hoại, đó là phần của đức tiết độ, không bị suy yếu bởi một rối loạn nào, đó là phần của đức can đảm, không phục vụ một ai khác, đó là phần của đức công bằng, tỉnh thức khi phân định các sự việc kẻo dần dần sự lừa đảo hoặc phản bội lẻn vào, đó là phần của đức khôn ngoan.”64
Các nhân đức và ân sủng (1810-1811)
18101266
Các nhân đức nhân bản có được là nhờ sự giáo dục, nhờ các hành vi chủ ý và nhờ luôn cố gắng kiên trì, các nhân đức này được thanh luyện và nâng cao nhờ ân sủng thần linh. Nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, các nhân đức này tôi luyện tính tình và đem lại sự thoải mái trong việc thực thi điều thiện. Người nhân đức hạnh phúc khi thực thi các nhân đức đó.
18112015
Con người bị tổn thương bởi tội lỗi, không dễ mà giữ được sự quân bình luân lý. Ơn cứu độ của Đức Kitô đem lại cho chúng ta ân sủng cần thiết để kiên trì trong việc tìm kiếm các nhân đức. Mỗi người phải luôn cầu xin ơn soi sáng và ơn sức mạnh, luôn chạy đến với các bí tích, luôn cộng tác với Chúa Thánh Thần, nghe theo lời kêu gọi của Ngài để yêu mến điều tốt và giữ mình khỏi điều xấu.
II. Các nhân đức đối thần (1812-1829) [2086-2094; 2656-2658]
1812
Các nhân đức nhân bản được bén rễ trong các nhân đức đối thần, là những nhân đức thích ứng các tài năng của con người để dự phần vào bản tính thần linh.65 Quả vậy, các nhân đức đối thần trực tiếp quy chiếu về Thiên Chúa. Chúng giúp các Kitô hữu sống trong tương quan với Ba Ngôi Chí Thánh. Các nhân đức đối thần có Thiên Chúa Nhất Thể Tam Vị là nguồn gốc, động lực và đối tượng.
18132008
Các nhân đức đối thần tạo nền móng, làm sinh động, và là nét đặc thù của các hành vi luân lý của Kitô hữu. Chúng định hình và mang lại sự sống cho tất cả các nhân đức luân lý. Các nhân đức này được Thiên Chúa phú bẩm trong linh hồn của các tín hữu, giúp họ có khả năng hành động như con cái của Ngài và đáng hưởng sự sống vĩnh cửu. Các nhân đức đối thần là bảo chứng cho sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần trong các năng lực của con người. Có ba nhân đức đối thần là: đức tin, đức cậy và đức mến.66
Đức tin (1814-1816) [142-175]
1814506
Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã nói và đã mặc khải cho chúng ta, và những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa chính là Chân lý. Nhờ đức tin, “con người tự nguyện phó thác toàn thân cho Thiên Chúa.”67 Vì vậy, ai tin, người đó cố gắng nhận biết và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17). Đức tin sống động “hành động nhờ đức mến” (Gl 5,6).
1815
Hồng ân đức tin tồn tại trong người không phạm tội nghịch với đức tin.68 Nhưng “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Nếu thiếu đức cậy và đức mến, đức tin sẽ không kết hợp đầy đủ tín hữu với Đức Kitô và không làm cho họ trở nên chi thể sống động của Thân Thể Người.
18162471
Người môn đệ Đức Kitô không những phải gìn giữ đức tin và sống bởi đức tin, mà còn phải tuyên xưng, can đảm làm chứng và truyền bá đức tin: “Mọi tín hữu... phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt người ta, và bước theo Người trên đường thập giá, giữa những cuộc bách hại mà Hội Thánh luôn luôn gặp phải.”69 Việc phục vụ và làm chứng cho đức tin là những điều phải có để được cứu độ. “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).
Đức cậy (1817-1821)
18171024
Đức cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng của Chúa Thánh Thần, chứ không vào sức mạnh của chúng ta. “Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín” (Dt 10,23). Thiên Chúa “đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3,6-7).
181827
Đức cậy đáp ứng khát vọng hưởng vinh phúc mà Thiên Chúa đã đặt trong trái tim mỗi người; đảm nhận những sự mong đợi đang gợi hứng cho các hoạt động của con người; thanh luyện những mong đợi đó để quy hướng chúng về Nước trời; bảo vệ khỏi sự nản chí của tâm hồn; nâng đỡ khi bị bỏ rơi; mở rộng trái tim bằng sự mong đợi vinh phúc vĩnh cửu. Sự thúc đẩy của đức cậy gìn giữ chúng ta khỏi tính ích kỷ và đưa chúng ta đến với vinh phúc của đức mến.
1819146
Đức cậy Kitô Giáo đảm nhận và kiện toàn lòng trông cậy của dân Chúa chọn; nguồn gốc và mẫu gương của lòng trông cậy đó là lòng trông cậy của tổ phụ Ápraham, người đã mãn nguyện với các lời hứa của Thiên Chúa nơi Ixaác, và đã được thanh luyện nhờ sự thử thách là cuộc hy tế.70 “Ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc” (Rm 4,18).
18201716 / 2772
Từ lúc khởi đầu việc giảng dạy của Chúa Giêsu, đức cậy Kitô Giáo được khai triển trong lời loan báo các mối phúc. Các mối phúc nâng niềm hy vọng của chúng ta hướng lên trời, như lên miền Đất hứa mới; vạch đường tới đó qua những thử thách đang chờ đợi các môn đệ của Chúa Giêsu. Nhưng nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô và của cuộc khổ nạn của Người, Thiên Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm hy vọng “không phải thất vọng” (Rm 5,5). Chúng ta có niềm hy vọng “như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn”, thả sâu vào “nơi Chúa Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta” (Dt 6,19-20). Đức cậy cũng là vũ khí bảo vệ chúng ta trong cuộc chiến đấu để được cứu độ: “Hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (1 Tx 5,8). Đức cậy mang lại cho chúng ta niềm vui ngay cả trong thử thách: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân” (Rm 12,12). Đức cậy được diễn tả và nuôi dưỡng trong kinh nguyện, nhất là trong Lời Kinh của Chúa, là bản toát yếu của tất cả những gì mà đức cậy khiến chúng ta ước ao.
18212016 / 1037
Vì vậy, chúng ta có thể trông cậy được hưởng vinh quang thiên quốc đã được Thiên Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài71 và thi hành ý muốn của Ngài.72 Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi người phải trông cậy, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, sẽ kiên trì đến cùng,73 và đạt được niềm vui thiên quốc như phần thưởng vĩnh cửu Thiên Chúa ban vì các việc tốt lành đã được thực hiện nhờ ân sủng Đức Kitô. Với đức cậy, Hội Thánh cầu nguyện cho “mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,4). Hội Thánh mong được kết hợp với Đức Kitô, Phu Quân của mình, trong vinh quang thiên quốc:
“Trông cậy đi, hồn tôi hỡi, hãy trông cậy! Ngươi không biết ngày nào và giờ nào. Hãy chuyên cần tỉnh thức, vì mọi sự qua đi nhanh chóng, mặc dầu vì quá nóng lòng nên ngươi hoài nghi điều chắc chắn và cảm thấy khoảng thời gian vắn vỏi lại quá dài. Hãy nhớ rằng, ngươi càng chiến đấu, càng chứng tỏ tình yêu của ngươi đối với Thiên Chúa, và một ngày kia, ngươi sẽ càng vui sướng hơn với Đấng lòng ngươi yêu mến, trong niềm hạnh phúc và say mê bất tận.”74
Đức mến (1822-1829)
18221723
Đức mến là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Ngài, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người lân cận như chính mình.
18231970
Chúa Giêsu lấy đức mến làm điều răn mới.75 Khi yêu thương những kẻ thuộc về Người “đến cùng” (Ga 13,1), Người biểu lộ tình yêu của Chúa Cha mà Người đã đón nhận. Khi yêu mến nhau, các môn đệ bắt chước tình yêu của Chúa Giêsu mà họ cũng đã đón nhận. Vì vậy, Chúa Giêsu nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Và Người còn nói: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
1824735
Là hoa trái của Thần Khí và là sự viên mãn của Lề luật, đức mến giữ các điều răn của Thiên Chúa và của Đức Kitô của Ngài: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9-10).76
1825604
Đức Kitô đã chịu chết vì yêu mến chúng ta, khi chúng ta còn là “thù nghịch” (Rm 5,10). Chúa đòi chúng ta rằng, cũng như Người, chúng ta phải yêu mến cả kẻ thù của chúng ta,77 rằng chúng ta phải trở thành người lân cận cho những kẻ ở xa nhất,78 rằng chúng ta phải yêu thương trẻ em79 và người nghèo như chính Người.80
Thánh Tông Đồ Phaolô đã mô tả một cách tuyệt vời về đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).
1826
Thánh Tông Đồ còn nói: không có đức mến, “tôi chẳng là gì.” Và bất cứ điều gì là đặc ân, công việc phục vụ, thậm chí nhân đức... nếu tôi không có đức mến, thì cũng “chẳng ích gì cho tôi.”81 Đức mến cao trọng hơn mọi nhân đức. Đức mến đứng đầu các nhân đức đối thần: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13).
1827815 / 826
Việc thực thi tất cả các nhân đức được nên sinh động và được gợi hứng bởi đức mến. Nhân đức này là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14); là mô thể của các nhân đức; liên kết và phối hợp các nhân đức; là nguồn mạch và cùng đích của việc thực hành các nhân đức Kitô Giáo. Đức mến củng cố và thanh luyện khả năng yêu thương của con người. Đức mến nâng khả năng này lên mức trọn hảo siêu nhiên của tình yêu của Thiên Chúa.
18281972
Việc thực hành đời sống luân lý, được sinh động nhờ đức mến, đem lại cho Kitô hữu sự tự do thiêng liêng của con cái Thiên Chúa. Người đó đứng trước Thiên Chúa, không còn như một kẻ nô lệ, trong sự sợ hãi tôi đòi, hay như người làm công ăn lương, nhưng như là người con đáp lại tình yêu của “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19):
“Nếu chúng ta xa lánh điều xấu vì sợ hình phạt, chúng ta sẽ sống trong tâm trạng của người nô lệ; nếu chạy theo sự cám dỗ của phần thưởng,... chúng ta sẽ giống như người làm thuê; nhưng nếu vì chính sự đáng kính và vì tình yêu của Đấng ban hành lề luật..., chúng ta mới thật sự sống trong tâm tình của con cái.”82
18292540
Niềm vui, sự bình an và lòng thương xót là như hoa trái của đức mến. Đức mến đòi hỏi phải làm điều tốt và sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ; đức mến thì nhân hậu; nó khơi dậy sự tương thân tương ái, không tìm tư lợi, và quảng đại; đức mến là tình bằng hữu và sự hiệp thông:
“Yêu thương là sự hoàn tất của mọi công việc của chúng ta. Đó là mục đích: chúng ta chạy vì đó, chúng ta chạy đến đó; và khi tới đó, chúng ta sẽ yên nghỉ.”83
III. Các ân huệ và hoa trái của Chúa Thánh Thần (1830-1832)
1830
Đời sống luân lý của các Kitô hữu được nâng đỡ bởi các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Đó là những xu hướng thường xuyên giúp cho con người dễ dàng tuân theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
18311266 / 1299
Bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần là: ơn khôn ngoan, ơn thông minh, ơn biết lo liệu, ơn can đảm, ơn hiểu biết, ơn đạo đức và ơn kính sợ Thiên Chúa. Các ơn này đạt tới sự sung mãn của chúng nơi Đức Kitô, Con Vua Đavít.84 Các ơn này hoàn thành các nhân đức của những người lãnh nhận chúng, và đưa các nhân đức đó tới mức trọn hảo. Các ơn này giúp các tín hữu dễ dàng vâng phục cách mau mắn những linh hứng của Thiên Chúa.
“Xin Thần Khí tốt lành của Chúa, dẫn con đi trên miền đất phẳng phiu” (Tv 143,10).
“Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa... Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8,14.17).
1832736
Các hoa trái của Thần Khí là những điều trọn hảo mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền thống Hội Thánh kể ra mười hai hoa trái: “Bác ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, khiết tịnh” (Gl 5,22-23 vulg.).
Tóm lược (1833-1845)
1833
Nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện.
1834
Các nhân đức nhân bản là những xu hướng thường xuyên và kiên trì của lý trí và ý chí nhằm điều khiển các hành vi của chúng ta, điều tiết các đam mê và hướng dẫn nếp sống chúng ta cho phù hợp với lý trí và đức tin. Các nhân đức đó có thể được quy tụ quanh bốn nhân đức trụ: khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ.
1835
Đức khôn ngoan giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định điều thiện đích thực và lựa chọn những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó.
1836
Đức công bằng cốt tại một ý chí liên lỉ và vững chắc, quyết tâm trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với người lân cận.
1837
Đức can đảm giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời.
1838
Đức tiết độ giúp chúng ta điều tiết sức lôi cuốn của những thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng các của cải trần thế.
1839
Các nhân đức luân lý tăng trưởng nhờ giáo dục, nhờ các hành vi chủ ý và nhờ luôn cố gắng kiên trì. Ân sủng của Thiên Chúa thanh luyện và nâng cao các nhân đức đó.
1840
Các nhân đức đối thần giúp các Kitô hữu sống trong tương quan với Ba Ngôi Chí Thánh. Các nhân đức đối thần có Thiên Chúa là nguồn gốc, động lực và đối tượng; Ngài là Thiên Chúa được nhận biết nhờ đức tin, được trông cậy và được yêu mến vì chính Ngài.
1841
Có ba nhân đức đối thần là: đức tin, đức cậy và đức mến.85 Ba nhân đức này định hình và mang lại sự sống cho tất cả các nhân đức luân lý.
1842
Nhờ đức tin, chúng ta tin vào Thiên Chúa và chúng ta tin tất cả những gì Ngài đã mặc khải cho chúng ta, và những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin.
1843
Nhờ đức cậy, chúng ta khao khát và chờ mong với lòng tin tưởng vững chắc, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu và các ân sủng để xứng đáng hưởng sự sống đó.
1844
Nhờ đức mến, chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người lân cận như chính mình. Đức mến là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14) và là mô thể của mọi nhân đức.
1845
Bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần được ban cho các Kitô hữu là ơn khôn ngoan, ơn thông minh, ơn biết lo liệu, ơn can đảm, ơn hiểu biết, ơn đạo đức và ơn kính sợ Thiên Chúa.
Chú thích
61 Thánh Grêgôriô thành Nyssa, De beatitudinibus, oratio 1: Gregorii Nysseni opera, ed. W. Jaeger, v. 7/2 (Leiden 1992) 82 (PG 44,1200).
62 X. Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 47, a. 2, sed contra: Ed. Leon. 8, 349.
63 X. Hc 5,2; 37,27-31.
64 Thánh Augustinô, De moribus Ecclesiae catholicae, 1, 25, 46: CSEL 90,51 (PL 32,1330-1331).
65 X. 2 Pr 1,4.
66 X. 1 Cr 13,13.
67 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 5: AAS 58 (1966) 819.
68 X. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 15: DS 1544.
69 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 42: AAS 57 (1965) 48; x. Id., Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 14: AAS 58 (1966) 940.
70 X. St 17,4-8; 22,1-18.
71 X. Rm 8,28-30.
72 X. Mt 7,21.
73 X. Mt 10,22; CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 13: DS 1541.
74 Thánh Têrêsa Avila, Exclamaciones del alma a Dios, 15, 3: Biblioteca Mística Carmelitana, v. 4 (Burgos 1917) 290.
75 X. Ga 13,34.
76 X. Mt 22,40; Rm 13,8-10.
77 X. Mt 5,44.
78 X. Lc 10,27-37.
79 X. Mc 9,37.
80 X. Mt 25,40.45.
81 X. 1 Cr 13,1-3.
82 Thánh Basiliô Cả, Regulae fusius tractatae, prol. 3: PG 31,896.
83 Thánh Augustinô, In epistulam Ioannis ad Parthos tractatus, 10, 4: PL 35,2056-2057.
84 X. Is 11,1-2.
85 X. 1 Cr 13,13.