Mục 8: Tội lỗi (1846-1876)
I. Lòng thương xót và tội lỗi (1846-1848)
1846430 / 1365
Tin Mừng là sự mặc khải, trong Chúa Giêsu Kitô, lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân.86 Thiên thần loan báo điều này cho ông Giuse: “Ông phải đặt tên con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Cũng chính điều đó được nói đến trong Thánh Thể, bí tích của Ơn cứu chuộc: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).
1847387 / 1455
Thiên Chúa, “Đấng... đã tạo dựng bạn không cần có bạn, không công chính hóa bạn nếu không có bạn.”87 Việc đón nhận lòng thương xót của Ngài đòi hỏi chúng ta phải thú nhận tội lỗi của chúng ta: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính, sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1 Ga 1,8-9).
1848385 / 1433
Cũng như Thánh Phaolô quả quyết: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Nhưng để thực hiện công trình của mình, ân sủng phải vạch trần tội lỗi nhằm hối cải trái tim chúng ta và làm cho chúng ta “nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5,21). Cũng như thầy thuốc xem xét vết thương trước khi chữa lành nó, Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời của Ngài và Thần Khí của Ngài, chiếu ánh sáng sống động vào tội lỗi:
“Sự hối cải đòi buộc phải xác tín về tội lỗi; nó bao hàm một phán đoán từ bên trong của lương tâm, và điều này là bằng chứng về sự hành động của Thần chân lý trong hữu thể thẳm sâu của con người, và đồng thời cũng là khởi điểm của việc ban tặng mới của ân sủng và tình yêu: “Hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần.” Như vậy, trong việc xác tín về tội lỗi, chúng ta nhận ra một hồng ân kép: hồng ân về chân lý của lương tâm và hồng ân về sự chắc chắn của ơn cứu chuộc. Thần chân lý là Đấng an ủi.”88
II. Định nghĩa tội lỗi (1849-1851)
1849311 / 1952
Tội là một lỗi phạm đối nghịch với lý trí, chân lý, lương tâm ngay thẳng; tội là sự thiếu vắng tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận, vì sự quyến luyến lệch lạc với một số điều tốt đẹp nào đó. Tội làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới nhân loại. Tội được định nghĩa là “một hành vi, lời nói, hoặc ước muốn trái nghịch với Lề luật vĩnh cửu.”89
18501440 / 397 / 615
Tội là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa: “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 51,6). Tội chống lại tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và đưa trái tim chúng ta lìa xa khỏi tình yêu đó. Cũng như tội đầu tiên, tội là một sự bất tuân, một sự nổi loạn chống Thiên Chúa vì ao ước muốn “sẽ nên như những vị thần biết điều thiện, điều ác” (St 3,5) để nhận biết và quyết định điều tốt và điều xấu. Như vậy, tội là “yêu mình đến mức khinh chê Thiên Chúa.”90 Vì sự tự tôn kiêu căng này, nên tội đối nghịch hẳn với sự tuân phục của Chúa Giêsu, sự tuân phục đó đã hoàn thành ơn cứu độ.91
1851598 / 2746 / 616
Chính trong cuộc khổ nạn, trong đó lòng thương xót của Đức Kitô sẽ chiến thắng tội lỗi, mà tội lỗi biểu lộ cách rõ nhất tính hung bạo và sự đa dạng của nó: sự cứng lòng tin, sự căm thù đến mức giết người, sự chối bỏ và nhạo báng của các thủ lãnh và của dân chúng, sự hèn nhát của quan Philatô, sự tàn bạo của binh lính, sự phản bội của ông Giuđa quá cay đắng cho Chúa Giêsu, việc chối bỏ của ông Phêrô và sự bỏ rơi của các môn đệ. Tuy nhiên, chính vào giờ của bóng tối và của Thủ lãnh thế gian này,92 cuộc hy tế của Đức Kitô đã âm thầm trở nên nguồn mạch, từ đó tuôn tràn cách không bao giờ cạn ơn tha thứ tội lỗi chúng ta.
III. Các tội lỗi khác nhau (1852-1853)
1852
Tội lỗi rất đa dạng. Thánh Kinh đưa ra nhiều danh sách các tội lỗi. Thư gửi tín hữu Galata đối chiếu các công việc của xác thịt với hoa trái của Thần Khí: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5,19-21).93
18531751 / 2067 / 368
Tội lỗi có thể được phân biệt theo đối tượng của chúng, cũng như đối với mọi hành vi nhân linh, hoặc theo các nhân đức mà chúng đối nghịch do thái quá hay do bất cập, hoặc theo các điều răn mà chúng vi phạm. Tội lỗi cũng có thể được phân loại theo tương quan của chúng với Thiên Chúa, với người lân cận hoặc với chính bản thân; chúng có thể được phân chia thành các tội về tinh thần và các tội về thể xác, hoặc tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và bỏ sót không làm. Cội rễ của tội là ở trong trái tim con người, trong ý chí tự do của họ, theo lời Chúa dạy: “Tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế” (Mt 15,19-20). Đức mến cũng cư ngụ trong trái tim con người, đó là nguyên lý của các công việc tốt lành và thanh sạch, nên tội cũng làm tổn thương đức mến.
IV. Mức độ nghiêm trọng của tội: Tội trọng và tội nhẹ (1854-1864)
1854
Phải đánh giá các tội theo mức độ nghiêm trọng của chúng. Sự phân biệt giữa tội trọng và tội nhẹ, như đã thấy trong Thánh Kinh, là khá phổ biến trong Truyền thống Hội Thánh.94 Kinh nghiệm của con người xác nhận điều này.
1855
Tội trọng phá hủy đức mến trong trái tim con người, do vi phạm nghiêm trọng Lề luật của Thiên Chúa; tội trọng làm cho con người quay lưng lại với Thiên Chúa là mục đích tối hậu của mình và vinh phúc của mình, khi dành ưu tiên cho một điều tốt thấp kém hơn Ngài.
Tội nhẹ vẫn còn để đức mến tồn tại, mặc dù có xúc phạm và gây tổn thương cho đức mến.
18561446
Tội trọng đánh vào nguyên lý sống còn trong chúng ta, là đức mến, nên cần phải có một khởi đầu mới của lòng thương xót của Thiên Chúa và sự hối cải của trái tim, điều này được thực hiện một cách thông thường trong bí tích Giao Hòa:
“Khi... ý chí chiều theo một điều tự nó nghịch lại với đức mến, là nhân đức nhờ đó con người được quy hướng về mục đích tối hậu, thì do đối tượng của nó, tội này là tội trọng... hoặc nghịch với lòng mến Chúa, như lộng ngôn, bội thề, v.v... hoặc nghịch với lòng yêu người, như sát nhân, ngoại tình, v.v... Còn khi ý chí của tội nhân chiều theo một điều tự nó là một sự vô trật tự nào đó, nhưng không nghịch với tình yêu đối với Thiên Chúa và người lân cận, như nói năng bừa bãi, cười cợt lố lăng, v.v..., thì đó là những tội nhẹ.”95
1857
Để một tội là tội trọng, đòi phải có đồng thời ba điều kiện: Tội trọng là tội mà “đối tượng của nó là một chất liệu nghiêm trọng, và ngoài ra, tội đó được chấp nhận với đầy đủ ý thức, và với sự ưng thuận chủ ý.”96
1858
Chất liệu nghiêm trọng được xác định trong Mười Điều Răn, theo câu trả lời của Chúa Giêsu với người thanh niên giàu có: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” (Mc 10,19). Tính nghiêm trọng của tội có thể là nhiều hơn hay ít hơn: tội giết người thì nghiêm trọng hơn tội trộm cắp. Cũng phải xét đến cả phẩm chất của những người bị xúc phạm: tội hành hung người thân thì tự nó nặng hơn tội hành hung người lạ.
18591734
Tội trọng đòi phải có sự nhận thức đầy đủ và sự ưng thuận hoàn toàn. Điều này giả thiết phải có sự hiểu biết đặc tính tội lỗi của hành vi, hiểu biết sự đối nghịch của hành vi đối với Lề luật của Thiên Chúa. Tội trọng cũng bao hàm một sự ưng thuận chủ ý, đủ để là một lựa chọn cá vị. Sự làm bộ không biết và sự chai đá của trái tim97 không giảm thiểu, nhưng gia tăng tính cách cố ý của tội.
18601735 / 1767
Sự không hiểu biết ngoài ý muốn có thể giảm thiểu, và thậm chí xóa bỏ, tính cách quy tội của một lỗi phạm nặng. Nhưng không ai được coi là không biết những nguyên tắc của luật luân lý đã được ghi khắc trong lương tâm mỗi người. Những thúc đẩy của cảm giác, các đam mê, và cả các áp lực bên ngoài, hoặc những rối loạn do bệnh tật, cũng có thể giảm thiểu tính cách cố ý và tự do của lỗi phạm. Tội do ác tâm, do sự chủ ý lựa chọn điều xấu, là nghiêm trọng nhất.
18611742 / 1033
Tội trọng là một khả năng căn bản của sự tự do nhân loại, cũng như chính tình yêu. Tội trọng phá hủy đức mến, làm mất ơn thánh hóa, nghĩa là mất tình trạng ân sủng. Nếu tội trọng không được chuộc lại bằng việc thống hối và ơn tha thứ của Thiên Chúa, nó sẽ đưa tới việc bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa và cái chết muôn đời trong hỏa ngục, vì sự tự do của chúng ta có khả năng thực hiện những lựa chọn vĩnh viễn, không thể hồi lại được. Tuy nhiên, mặc dầu chúng ta có thể phán đoán một hành vi nào đó tự nó là một lỗi phạm nặng, chúng ta vẫn phải phó thác việc phán xét các nhân vị cho sự công bằng và lòng thương xót của Thiên Chúa.
1862
Người ta phạm tội nhẹ khi không tuân giữ những tiêu chuẩn được quy định bởi luật luân lý trong điều nhẹ, hay cả khi không tuân theo luật luân lý trong điều nặng, nhưng không có sự nhận thức đầy đủ hay không có sự ưng thuận hoàn toàn.
18631394 / 1472
Tội nhẹ làm suy yếu đức mến; nó diễn tả sự quyến luyến vô trật tự đối với của cải trần thế; nó ngăn cản sự tiến triển của linh hồn trong việc thực hành nhân đức và trong việc thực thi điều thiện luân lý; tội nhẹ đáng chịu những hình phạt tạm thời. Tội nhẹ có chủ ý và nhất định không thống hối khiến chúng ta dần dần đi đến chỗ phạm tội trọng. Tuy nhiên, tội nhẹ không phá vỡ giao ước với Thiên Chúa. Với ân sủng của Thiên Chúa, tội nhẹ có thể được con người sửa chữa lại. “Tội nhẹ không làm mất ơn thánh hóa, sự thân nghĩa với Thiên Chúa, đức mến và vinh phúc vĩnh cửu.”98
“Bao lâu còn mang thân xác, con người không thể không có ít là các tội nhẹ. Nhưng các tội mà chúng ta gọi là nhẹ, bạn chớ coi thường: nếu bạn coi là nhẹ khi bạn cân chúng, thì bạn hãy run sợ khi bạn đếm chúng. Nhiều vật nhỏ làm thành một khối lớn, nhiều giọt nước làm đầy một con sông, nhiều hạt lúa làm thành một đống lúa. Vậy thì còn hy vọng gì? Trước hết, hãy đi xưng tội...”99
18642091 / 1037
“Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha”100 (Mt 12,31). Lòng thương xót của Thiên Chúa không có giới hạn, nhưng ai cố tình từ chối đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc thống hối, thì người đó cũng khước từ ơn tha thứ tội lỗi cho mình và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban tặng.101 Sự cứng lòng như vậy có thể đưa tới chỗ không thống hối trong giờ sau hết và bị án phạt muôn đời.
V. Tội lỗi sinh sôi nảy nở (1865-1869)
1865401 / 1768
Tội tạo nên xu hướng về tội; và do việc lặp đi lặp lại cùng một hành vi, sẽ sinh ra thói xấu. Từ đó phát xuất những nghiêng chiều lệch lạc làm mờ tối lương tâm và làm hư hỏng sự đánh giá cụ thể về điều tốt và điều xấu. Như vậy, tội lỗi có khuynh hướng sinh sôi nảy nở và mạnh thêm lên, nhưng nó không thể phá hủy tận căn cảm thức luân lý.
18662539
Các thói xấu có thể được xếp loại dựa theo các nhân đức mà chúng đối nghịch, hay được quy vào các mối tội đầu như kinh nghiệm Kitô Giáo đã phân biệt, dựa theo thánh Gioan Casianô102 và thánh Grêgôriô Cả.103 Chúng được gọi là các mối tội đầu bởi vì chúng sinh ra những tội khác, những thói xấu khác. Các mối tội đầu là: kiêu ngạo, hà tiện, ganh tị, nóng giận, dâm dục, mê ăn uống, làm biếng.
18672268
Truyền thống dạy giáo lý cũng nhắc đến “các tội kêu thấu đến trời.” Kêu thấu đến trời là: máu của Aben;104 tội của dân Sôđôma;105 tiếng than của dân bị áp bức ở Ai Cập;106 tiếng rên siết của người ngoại kiều, của các cô nhi và quả phụ;107 sự bất công về lương bổng.108
18681736
Tội là một hành vi cá vị. Ngoài ra, chúng ta có trách nhiệm trong các tội do những người khác phạm, khi chúng ta cộng tác vào các tội đó, bằng cách:
— tham gia một cách trực tiếp và tự nguyện vào các tội đó;
— ra lệnh, xúi giục, khen ngợi hoặc tán thành những tội đó;
— không tố cáo hoặc không ngăn cản các tội đó, khi có bổn phận phải can ngăn;
— che chở những người làm điều xấu.
1869408 / 1887
Như vậy, tội làm cho người ta trở thành đồng phạm với nhau, và làm cho dục vọng, bạo lực và bất công thống trị nơi họ. Tội tạo nên những hoàn cảnh xã hội và những cơ chế nghịch lại lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Các “cơ cấu tội ác” vừa là sự diễn tả vừa là hậu quả của các tội cá vị. Chúng xúi giục các nạn nhân của chúng đến lượt mình cũng làm điều xấu. Hiểu nghĩa loại suy, chúng làm thành “tội xã hội.”109
Tóm lược (1870-1876)
1870
“Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11,32).
1871
Tội là “một hành vi, lời nói, hoặc ước muốn trái nghịch với Lề luật vĩnh cửu.”110 Tội là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa. Tội chống lại Thiên Chúa bằng sự bất tuân, đối nghịch với sự tuân phục của Chúa Giêsu.
1872
Tội là một hành vi đối nghịch với lý trí. Nó làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới nhân loại.
1873
Cội rễ của mọi tội lỗi là ở trong trái tim con người. Các loại tội và mức độ nghiêm trọng của chúng được xem xét chủ yếu theo đối tượng của chúng.
1874
Lựa chọn một cách có chủ ý, nghĩa là, biết rõ và tự nguyện, một sự việc đối nghịch với Lề luật thần linh và với mục đích tối hậu của con người một cách nghiêm trọng, đó là phạm tội trọng. Tội trọng phá hủy đức mến trong chúng ta, mà nếu không có đức mến, thì không thể được hưởng vinh phúc vĩnh cửu. Nếu không có sự thống hối, tội trọng kéo theo nó sự chết muôn đời.
1875
Tội nhẹ gây nên một xáo trộn luân lý, có thể sửa chữa lại được nhờ đức mến vẫn còn tồn tại trong chúng ta.
1876
Phạm đi phạm lại các tội, dù là các tội nhẹ, sẽ sinh ra những thói xấu, trong đó đặc biệt có các mối tội đầu.
Chú thích
86 X. Lc 15.
87 Thánh Augustinô, Sermo 169, 11, 13: PL 38,923.
88 ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Dominum et vivificantem, 31: AAS 78 (1986) 843.
89 Thánh Augustinô, Contra Faustum manichaeum, 22, 27: CSEL 25,621 (PL 42,418); x. Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, I-II, q. 71, a. 6: Ed. Leon. 7,8-9.
90 Thánh Augustinô, De civitate Dei, 14, 28: CSEL 40/2, 56 (PL 41,436).
91 X. Pl 2,6-9.
92 X. Ga 14,30.
93 X. Rm 1,28-32; 1 Cr 6,9-10; Ep 5,3-5; Cl 3,5-9; 1 Tm 1,9-10; 2 Tm 3,2-5.
94 X. 1 Ga 5,16-17.
95 Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, I-II, q. 88, a. 2, c: Ed. Leon. 7, 135.
96 ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et paenitentia, 17: AAS 77 (1985) 221.
97 X. Mc 3,5-6; Lc 16,19-31.
98 ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et paenitentia, 17: AAS 77 (1985) 221.
99 Thánh Augustinô, In epistulam Ioannis ad Parthos tractatus, 1, 6: PL 35,1982.
100 X. Mc 3,29; Lc 12,10.
101 X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Dominum et vivificantem, 46: AAS 78 (1986) 864-865.
102 X. Thánh Gioan Cassianô, Conlatio, 5, 2: CSEL 13,121 (PL 49,611).
103 X. Thánh Grêgôriô Cả, Moralia in Iob, 31, 45, 87: CCL 143B, 1610 (PL 76,621).
104 X. St 4,10.
105 X. St 18,20; 19,13.
106 X. Xh 3,7-10.
107 X. Xh 22,20-22.
108 X. Đnl 24,14-15; Gc 5,4.
109 X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et paenitentia, 16: AAS 77 (1985) 216.
110 Thánh Augustinô, Contra Faustum manichaeum, 22, 27: CSEL 25,621 (PL 42,418).