Mục 1: Cá vị và xã hội (1878-1896)
I. Tính cách cộng đồng của ơn gọi nhân linh (1878-1885)
18781702
Mọi người đều được kêu gọi đến một cùng đích chung, là chính Thiên Chúa. Có một sự tương tự nào đó giữa sự hiệp thông các Ngôi Vị Thiên Chúa với tình huynh đệ mà con người phải thiết lập với nhau trong chân lý và tình yêu.1 Tình yêu đối với người lân cận không thể tách rời khỏi tình yêu đối với Thiên Chúa.
18791936
Nhân vị cần đời sống xã hội. Đời sống này không phải là một điều gì từ bên ngoài được thêm vào cho nhân vị, nhưng là một đòi hỏi của bản tính của nhân vị. Con người, nhờ sự trao đổi với những người khác, nhờ sự phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, phát triển mọi tài năng của mình; như vậy, họ đáp lại ơn gọi của mình.2
1880771
Xã hội là một tổng thể những cá vị được liên kết với nhau một cách hữu cơ theo một nguyên lý hợp nhất nào đó, vượt quá mỗi cá vị. Là một cộng đồng vừa hữu hình, vừa tinh thần, xã hội tồn tại trong thời gian: nó tiếp nhận quá khứ và chuẩn bị tương lai. Nhờ xã hội, mỗi người trở thành “người thừa tự”, lãnh nhận “các nén bạc” làm phong phú căn tính của mình và họ phải làm cho chúng tăng thêm hoa trái.3 Theo lẽ phải, mỗi người phải tận tâm với các cộng đồng mà mình là thành viên, và phải tôn trọng các người cầm quyền có nhiệm vụ mưu cầu công ích.
18811929
Mỗi cộng đồng được định nghĩa bằng mục tiêu của mình và do đó, tuân theo những quy tắc đặc thù, nhưng “nguyên lý, chủ thể và mục đích của tất cả các định chế xã hội là, và phải là, nhân vị.”4
18821913
Một số xã hội, như gia đình và cộng đồng dân sự, phù hợp một cách trực tiếp hơn với bản tính con người. Chúng là cần thiết cho con người. Để khuyến khích nhiều người tham gia vào đời sống xã hội, phải ủng hộ việc thành lập các hiệp hội và các tổ chức, được tự do lựa chọn, “về các vấn đề kinh tế, xã hội, về văn hóa và giải trí, về các sinh hoạt thể thao, về nghề nghiệp của các nghệ thuật khác nhau, về các vấn đề chính trị; trên bình diện quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế.”5 “Việc xã hội hóa” này đồng thời diễn tả một xu hướng tự nhiên thúc đẩy con người hợp tác với nhau, để theo đuổi những mục tiêu vượt quá những khả năng cá nhân. Công cuộc này làm tăng thêm các phẩm chất của con người, nhất là óc sáng kiến và tinh thần trách nhiệm. Nó cũng giúp bảo đảm các quyền của con người.6
18832431
Việc xã hội hóa cũng cho thấy những nguy cơ. Sự can thiệp quá đáng của Nhà Nước có thể đe dọa sự tự do và các sáng kiến cá vị. Giáo huấn của Hội Thánh đề ra một nguyên tắc được gọi nguyên tắc bổ trợ (subsidiarietatis principium): theo đó, “một tổ chức ở cấp cao hơn không được can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của một tổ chức ở cấp dưới, và tước mất những nhiệm vụ riêng của cấp dưới, mà tốt hơn phải nâng đỡ tổ chức cấp dưới những khi cần, và trợ giúp để hành động của họ được phối hợp với các thành phần liên hệ khác, nhằm phục vụ công ích.”7
1884307 / 302
Thiên Chúa không muốn giữ cho riêng mình việc thực thi mọi quyền hành. Ngài trao lại cho mỗi thụ tạo những nhiệm vụ mà nó có khả năng thực thi, theo những khả năng của bản tính riêng của mình. Cách cai quản này phải được bắt chước trong đời sống xã hội. Cách Thiên Chúa hành động trong việc cai quản trần gian chứng tỏ Ngài rất quan tâm đến sự tự do nhân loại, điều này phải gợi hứng khôn ngoan cho những người cai quản các cộng đồng nhân loại. Họ phải xử sự như những thừa tác viên của sự quan phòng của Thiên Chúa.
1885
Nguyên tắc bổ trợ đối nghịch với mọi hình thức duy tập thể. Nó vạch ra những giới hạn cho việc can thiệp của Nhà Nước. Nó tìm cách hòa hợp các tương quan giữa các cá nhân với các xã hội. Nó hướng tới việc thiết lập một trật tự quốc tế đích thực.
II. Sự hối cải và xã hội (1886-1889)
18861779 / 2500
Xã hội là cần thiết để ơn gọi nhân linh được thực hiện. Để đạt tới mục tiêu này, phải tôn trọng bậc thang đúng đắn của các giá trị, là “những gì thuộc vật chất và tự nhiên được đặt ở dưới những gì thuộc nội tâm và tinh thần.”8
“Vì vậy, xã hội của con người... trước hết phải được coi như một thực tại đặc biệt liên quan tới tâm hồn; nhờ xã hội, người ta thông chuyển cho nhau các kiến thức, trong ánh sáng của chân lý; người ta có thể khẳng định các quyền lợi và chu toàn các bổn phận; người ta khích lệ nhau tìm kiếm những điều thiện hảo cho tâm hồn; người ta chia sẻ cho nhau sự thưởng thức mọi vui thú lành mạnh; người ta luôn cố gắng trao cho người khác những gì tốt đẹp nhất của mình; người ta chăm chú học hỏi để những phong phú tinh thần của người khác trở thành của mình. Những điều tốt lành này vừa có ảnh hưởng, vừa hướng dẫn, tất cả những gì liên quan đến các học thuyết, các vấn đề kinh tế, các tổ chức xã hội, các trào lưu và thể chế chính trị, pháp chế, và sau cùng, các tổ chức khác, tất cả những gì thiết lập nên và không ngừng làm phát triển cộng đồng nhân loại từ bên ngoài.”9
1887909 / 1869
Việc đảo lộn các phương tiện với các mục đích10 dẫn tới việc coi phương tiện như mục đích tối hậu, hay xem những cá vị chỉ là những phương tiện để đạt mục đích, điều này sinh ra những cơ cấu bất công “làm cho cách sống Kitô Giáo, phù hợp với các giới răn của Đấng Làm Luật tối thượng, trở nên khó khăn, hoặc hầu như là không thể.”11
1888407 / 1430
Vì vậy, để đạt được những cải tổ xã hội thật sự giúp phục vụ con người, phải chạy đến với các khả năng tinh thần và luân lý của cá vị, và với sự đòi hỏi thường xuyên là sự hối cải nội tâm của cá vị. Việc ưu tiên cho sự hối cải trái tim không hề loại trừ, nhưng trái lại, còn bắt buộc đem lại những lành mạnh hóa thích hợp cho các cơ chế và điều kiện sống, khi các cơ chế và điều kiện sống đó đưa đến tội lỗi, để chúng trở thành phù hợp với các quy tắc của đức công bằng, không chống đối nhưng củng cố điều thiện hảo.12
18891825
Không có sự trợ giúp của ân sủng, con người không biết “khám phá ra con đường, thường là nhỏ hẹp, giữa một bên là sự hèn nhát muốn nhượng bộ điều xấu và một bên là sức mạnh, tự lừa dối mình rằng mình có thể chiến thắng điều xấu, nhưng thật sự lại làm cho điều xấu nhân rộng thêm.”13 Con đường đó là con đường của đức mến, nghĩa là của lòng mến Chúa và yêu người. Đức mến là điều răn mang tính xã hội cao nhất. Đức mến tôn trọng người khác và các quyền lợi của họ. Đức mến đòi hỏi sự thực thi đức công bằng và chỉ có đức mến mới làm cho chúng ta có khả năng thực hiện điều đó. Đức mến gợi hứng cho một cuộc đời tự hiến: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống” (Lc 17,33).
Tóm lược (1890-1896)
1890
Có một sự tương tự nào đó giữa sự hiệp thông các Ngôi Vị Thiên Chúa với tình huynh đệ mà con người phải thiết lập với nhau.
1891
Nhân vị, để tự phát triển theo bản tính của mình, cần đời sống xã hội. Một số xã hội, như gia đình và cộng đồng dân sự, phù hợp một cách trực tiếp hơn với bản tính con người.
1892
“Nguyên lý, chủ thể và mục đích của tất cả các định chế xã hội là, và phải là, nhân vị.”14
1893
Phải khuyến khích việc tham gia rộng rãi vào các hiệp hội và các tổ chức mà người ta được tự do lựa chọn.
1894
Theo nguyên tắc bổ trợ, Nhà Nước hay một tổ chức lớn hơn, không được thay thế sáng kiến và trách nhiệm của những cá vị và các tổ chức trung gian.
1895
Xã hội phải cổ võ việc thực thi các nhân đức, chứ không được cản trở. Bậc thang đúng đắn về các giá trị phải gợi hứng cho xã hội.
1896
Ở đâu tội lỗi phá hủy bầu khí xã hội, thì phải chạy đến với sự hối cải của các trái tim và với ân sủng của Thiên Chúa. Đức mến thúc đẩy những cuộc cải tổ chính đáng. Không có giải pháp nào cho vấn đề xã hội ngoài Tin Mừng.15
Chú thích
1 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 24: AAS 58 (1966) 1045.
2 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 25: AAS 58 (1966) 1045.
3 X. Lc 19,13.15.
4 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 25: AAS 58 (1966) 1045.
5 ĐGH Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 60: AAS 53 (1961) 416.
6 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 25: AAS 58 (1966) 1045-1046; ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 16: AAS 83 (1991) 813.
7 ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 48: AAS 83 (1991) 854; x. ĐGH Piô XI, Thông điệp Quadragesimo anno: AAS 23 (1931) 184-186.
8 ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 36: AAS 83 (1991) 838.
9 ĐGH Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in terris, 36: AAS 55 (1963) 266.
10 X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 41: AAS 83 (1991) 844.
11 ĐGH Piô XII, Nuntius radiophonicus (1 iunii 1941): AAS 33 (1941) 197.
12 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 36: AAS 57 (1965) 42.
13 ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 25: AAS 83 (1991) 823.
14 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 25: AAS 58 (1966) 1045.
15 X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 5: AAS 83 (1991) 800.