Mục 2: Sự tham gia vào đời sống xã hội (1897-1927)

I. Quyền bính (1897-1904)

18972234

“Xã hội loài người sẽ không thể được tổ chức tốt, cũng không thể thịnh vượng, nếu không có những người, được trao quyền bính hợp pháp, để gìn giữ các cơ chế, và làm mọi điều cần thiết để tích cực bảo trợ cho lợi ích của mọi phần tử.”16

Được gọi là “quyền bính”, là tư cách nhờ đó những cá vị hay những cơ chế đưa ra những luật lệ và lệnh truyền cho người ta, và mong đợi người ta tuân phục.

1898

Mọi cộng đồng nhân loại đều cần có một quyền bính để quản trị nó.17 Quyền bính này đặt nền tảng trên bản tính nhân loại. Quyền bính là cần thiết cho sự thống nhất của cộng đồng dân sự. Nhiệm vụ của nó cốt tại việc bảo đảm tối đa cho công ích của xã hội.

18992235

Quyền bính, theo trật tự luân lý đòi hỏi, phát xuất từ Thiên Chúa: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại Ngài, sẽ chuốc lấy án phạt ” (Rm 13,1-2).18

19002240

Bổn phận vâng phục đòi buộc mọi người phải tôn trọng quyền bính cho xứng hợp; và đối với những người đang thực thi nhiệm vụ, phải tôn trọng và tùy công trạng của họ mà tỏ lòng biết ơn và quý mến.

Trong tác phẩm của thánh Giáo Hoàng Clêmentê thành Rôma, có một lời kinh cổ xưa nhất cầu cho chính quyền:19 “Lạy Chúa, xin ban cho họ sức khỏe, bình an, hòa thuận và bền vững, để họ thực thi đúng đắn quyền hành Chúa đã trao cho họ. Lạy Chúa là Chủ tể, là Vua trời vĩnh cửu, chính Chúa ban cho con cái loài người vinh quang, danh dự và quyền bính trên mọi vật trần thế. Lạy Chúa, xin hướng dẫn kế hoạch của họ theo điều gì là tốt, là đẹp trước mặt Chúa, để khi thi hành một cách đạo đức nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho, trong an bình và quảng đại, họ nhận được ơn Chúa phù hộ.”20

19012242

Một khi quyền bính thuộc về trật tự do Thiên Chúa ấn định, thì “việc xác định thể chế và việc chỉ định những người điều hành, phải được dành cho ý muốn tự do của các công dân.”21

Sự khác nhau của các thể chế chính trị có thể được chấp nhận về mặt luân lý, miễn là các thể chế này phục vụ lợi ích chính đáng của cộng đồng đã thừa nhận chúng. Các thể chế có bản chất trái ngược với luật tự nhiên, với trật tự công cộng và với các quyền căn bản của con người, thì không thể đem lại công ích cho những quốc gia đang bị áp đặt phải theo những thể chế đó.

19021930 / 1951

Quyền bính không rút ra tính hợp pháp luân lý tự chính mình. Họ không được xử sự cách chuyên chế, nhưng phải hành động vì công ích với tư cách là “một sức mạnh luân lý đặt nền tảng trên sự tự do và ý thức trách nhiệm”:22

“Luật pháp nhân loại chỉ có tính cách là luật khi phù hợp với lẽ phải: và theo đó, rõ ràng là nó xuất phát từ Lề luật vĩnh cửu; khi xa lìa lẽ phải, nó được gọi là một luật bất công: nó không còn có tính cách là luật, nhưng đúng hơn, nó mang tính cách bạo lực.”23

19032242

Quyền bính chỉ được thực thi một cách hợp pháp khi nó mưu cầu công ích của tập thể liên hệ, và dùng những phương tiện được phép về mặt luân lý để đạt được công ích đó. Nếu các nhà lãnh đạo đưa ra những luật bất công hay sử dụng những biện pháp trái luân lý, thì những mệnh lệnh đó không thể bắt buộc lương tâm. “Trong trường hợp này, quyền bính không còn hiệu lực, và trở thành một lạm dụng đáng xấu hổ.”24

1904

“Vì vậy, tốt hơn là, mọi quyền hành phải được quân bình với những quyền hành khác và những thẩm quyền khác, để gìn giữ những giới hạn của nó. Đó là nguyên tắc ‘Nhà Nước pháp chế’, trong đó luật pháp là tối thượng, chứ không phải ý muốn độc đoán của một số người.”25

II. Công ích (1905-1912)

1905

Theo bản tính xã hội của con người, lợi ích cá nhân tất nhiên được liên kết với công ích. Công ích chỉ có thể được định nghĩa trong tương quan với nhân vị:

“Các bạn đừng sống cô lập hay khép kín nơi mình, như thể các bạn đã được công chính hóa rồi, nhưng hãy hợp lại nên một để cùng tìm kiếm điều hữu ích cho mọi người.”26

1906

Phải hiểu công ích là “toàn thể những điều kiện của đời sống xã hội giúp cả những tập thể, cả những phần tử riêng rẽ, đạt tới sự hoàn hảo riêng của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn.”27 Công ích liên quan đến đời sống của mọi người. Nó đòi hỏi mỗi người phải khôn ngoan, nhất là những ai đang cầm quyền. Công ích gồm ba yếu tố căn bản:

19071929 / 2106

Trước hết, công ích giả thiết phải tôn trọng cá vị theo đúng nghĩa. Vì công ích, các nhà cầm quyền phải tôn trọng các quyền căn bản và bất khả nhượng của nhân vị. Xã hội phải để cho mỗi thành viên thực hiện ơn gọi của mình. Đặc biệt, công ích nằm trong những điều kiện để thực thi các sự tự do tự nhiên, các sự tự do đó là cần thiết để ơn gọi nhân linh được phát triển: như quyền “hành động theo quy tắc ngay thẳng của lương tâm mình, quyền bảo vệ đời tư và quyền tự do chính đáng, cả trong vấn đề tôn giáo.”28

19082441

Thứ hai, công ích đòi hỏi sự thịnh vượng xã hộisự phát triển của chính tập thể. Sự phát triển là tóm kết của tất cả mọi trách nhiệm xã hội. Vì công ích, quyền bính có nhiệm vụ phân xử giữa các quyền lợi riêng tư khác nhau. Nhưng quyền bính phải giúp mỗi người có được những gì cần thiết để có được một cuộc sống thật sự nhân bản: lương thực, áo quần, sức khỏe, việc làm, giáo dục và văn hóa, được thông tin đầy đủ, quyền xây dựng gia đình,29 v.v...

19092304 / 2310

Cuối cùng, công ích bao hàm hòa bình, nghĩa là, sự bền vững và sự an ninh của một trật tự chính đáng. Vì vậy, công ích giả thiết rằng quyền bính, bằng những phương tiện trung thực, phải bảo đảm an ninh cho xã hội và cho các thành viên của xã hội. Công ích thiết lập quyền tự vệ chính đáng của cá vị và tập thể.

19102244

Nếu mỗi cộng đồng nhân loại đều có một công ích cho phép mình nhận biết mình theo đúng nghĩa, thì người ta thấy sự hoàn thành đầy đủ nhất của một công ích như vậy trong cộng đồng chính trị. Nhà Nước có nhiệm vụ bảo vệ và thăng tiến công ích của xã hội dân sự, của các công dân và các tổ chức trung gian.

19112438

Những lệ thuộc giữa con người với nhau trở nên chặt chẽ hơn. Những lệ thuộc đó dần dần được mở rộng khắp thế giới. Sự hợp nhất của gia đình nhân loại, khi quy tụ những thành viên có cùng một phẩm giá theo bản tính, đòi hỏi có một công ích phổ quát. Công ích này đòi sự tổ chức của cộng đồng các quốc gia, “có khả năng đáp ứng những nhu cầu khác nhau của con người trong các lãnh vực của đời sống xã hội như thực phẩm, sức khỏe, giáo dục..., cũng như trong một số hoàn cảnh đặc biệt có thể xảy ra nơi này nơi khác,... như làm nhẹ bớt những khốn khổ của những người tị nạn rải rác khắp thế giới, hoặc giúp đỡ cho những người di cư và gia đình họ.”30

19121881

Công ích luôn hướng tới việc thăng tiến con người: “Trật tự của các sự việc phải lệ thuộc trật tự của các cá vị chứ không ngược lại.”31 Trật tự này được đặt nền trong chân lý, được xây dựng trên công bằng, được có sự sống bởi tình yêu.

III. Trách nhiệm và sự tham gia (1913-1917)

1913

Tham gia là sự dấn thân tự nguyện và quảng đại của cá vị vào những giao dịch xã hội. Cần thiết là, tất cả mọi người phải tham gia vào việc mưu cầu công ích, mỗi người theo địa vị và vai trò mình đảm nhận. Bổn phận này gắn liền với phẩm giá của nhân vị.

19141734

Trước hết, sự tham gia được thể hiện bằng việc đảm nhận nhiệm vụ trong các phần việc thuộc trách nhiệm cá vị: khi quan tâm chăm sóc gia đình mình, khi làm việc của mình một cách có lương tâm, là con người tham gia vào công ích của những người khác và của xã hội.32

19152239

Các công dân phải tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống cộng đồng. Cách tham gia có thể khác nhau từ nước này đến nước khác, hoặc từ nền văn hóa này đến nền văn hóa khác. “Phải khen ngợi đường lối hành động của những quốc gia đang để cho các công dân được tham gia tối đa vào việc nước trong sự tự do đích thực.”33

19161888 / 2409

Cũng như mọi bổn phận đạo đức, sự tham gia của mọi người trong việc hoạt động cho công ích, bao hàm sự hối cải không ngừng được canh tân của các thành viên của xã hội. Phải kết án nghiêm khắc sự gian lận và những mánh lới khác mà một số người dùng để trốn tránh các đòi buộc của luật pháp và các quy định của bổn phận xã hội, vì chúng không thể đi đôi với những đòi hỏi của đức công bằng. Phải quan tâm phát triển những cơ chế giúp cải thiện các điều kiện của đời sống con người.34

19171818

Những người đang thực thi nhiệm vụ của quyền bính có bổn phận khẳng định những giá trị đem lại sự tín nhiệm nơi các thành viên của tập thể, và khuyến khích họ tham gia phục vụ đồng loại của mình. Sự tham gia bắt đầu từ việc giáo dục và văn hóa. “Chúng ta có lý do chính đáng để nghĩ rằng: tương lai nhân loại nằm trong tay những người có khả năng trao cho các thế hệ đến sau những lý do để sống và để hy vọng.”35

Tóm lược (1918-1927)

1918

“Không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập” (Rm 13,1).

1919

Mọi cộng đồng nhân loại đều cần có quyền bính để cộng đoàn được duy trì và phát triển.

1920

“Cộng đồng chính trị và công quyền đặt nền tảng trên bản tính con người, cho nên cũng nằm trong một trật tự do Thiên Chúa ấn định.”36

1921

Quyền bính được thực thi một cách hợp pháp khi nó được áp dụng để theo đuổi công ích của xã hội. Để đạt được điều đó, quyền bính phải dùng những phương thế có thể chấp nhận được về mặt luân lý.

1922

Sự khác biệt về các thể chế chính trị là điều hợp pháp, miễn là chúng phục vụ công ích của cộng đồng.

1923

Quyền bính chính trị phải được khai triển trong những giới hạn của trật tự luân lý và phải bảo đảm những điều kiện để thực thi quyền tự do.

1924

Công ích là “toàn thể những điều kiện của đời sống xã hội giúp cả những tập thể, cả những phần tử riêng rẽ, đạt tới sự hoàn hảo riêng của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn.”37

1925

Công ích gồm ba yếu tố căn bản: tôn trọng và phát huy các quyền lợi căn bản của con người; sự thịnh vượng hay sự phát triển các lợi ích tinh thần và vật chất của xã hội; hòa bình và an ninh cho tập thể và cho các thành viên của tập thể.

1926

Phẩm giá của nhân vị bao hàm việc mưu cầu công ích. Mỗi người phải quan tâm cổ võ và nâng đỡ những tổ chức nhằm cải thiện các điều kiện của đời sống con người.

1927

Nhà nước có bổn phận bảo vệ và phát huy công ích của xã hội dân sự. Công ích của toàn thể gia đình nhân loại đòi phải có một tổ chức xã hội nào đó có tầm vóc quốc tế.


Chú thích

16 ĐGH Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in terris, 46: AAS 55 (1963) 269.

17 X. ĐGH Lêô XIII, Thông điệp Diuturnum illud: Leonis XIII Acta 2,271; Id., Thông điệp Immortale Dei: Leonis XIII Acta 5,120.

18 X. 1 Pr 2,13-17.

19 X. 1 Tm 2,1-2.

20 Thánh Clêmentê Rôma, Epistula ad Corinthios, 61, 1-2: SC 167,198-200 (Funk 1,178-180).

21 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 74: AAS 58 (1966) 1096.

22 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 74: AAS 58 (1966) 1096.

23 Thánh Tôma Aqunô, Summa theologiae, I-II, q. 93, a. 3, ad. 2: Ed. Leon. 7, 164.

24 ĐGH Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in terris, 51: AAS 55 (1963) 271.

25 ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 44: AAS 83 (1991) 848.

26 Epistula Pseudo Barnabae, 4. 10: SC 172,100-102 (Funk 1,48).

27 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 26: AAS 58 (1966) 1046; x. Ibid., 74: AAS 58 (1966) 1096.

28 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 26: AAS 58 (1966) 1046.

29 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 26: AAS 58 (1966) 1046.

30 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 84: AAS 58 (1966) 1107.

31 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 26: AAS 58 (1966) 1047.

32 X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 43: AAS 83 (1991) 847.

33 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 31: AAS 58 (1966) 1050.

34 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 30: AAS 58 (1966) 1049.

35 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 31: AAS 58 (1966) 1050.

36 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 74: AAS 58 (1966) 1096.

37 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 26: AAS 58 (1966) 1046.

Mục 1: Cá vị và xã hội (1878-1896)Mục 3: Công bằng xã hội (1928-1948)