CHÀNG
1 Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới,
vườn của anh, anh đã vào rồi,
đã hái mộc dược, hái cỏ thơm,
đã ăn mật, ăn cả tảng mật ngọt,
đã uống sữa, uống rượu dành cho anh.
THI NHÂN
Hãy ăn đi, này đôi bạn chí thiết,
uống cho say, hỡi những kẻ si tình!
BÀI CA THỨ TƯ
NÀNG
2Tôi ngủ, nhưng lòng tôi chợt thức;có tiếng người tôi yêu gõ cửa:
“Mở cửa cho anh vào, hỡi em gái, người bạn tình của anh,
hỡi bồ câu, ôi mười phân vẹn mười!
Này đầu anh, lớp sương dày đã phủ,
và tóc anh, đêm khuya làm đẫm ướt.”
3 – “Em đã cởi xiêm y, lại mặc vào sao được?
Em đã rửa chân rồi, lại để lấm hay sao?”
4 Người tôi yêu luồn tay qua khe cửa,
và lòng tôi rạo rực biết bao nhiêu!
5 Tôi đứng dậy mở cửa cho người yêu;
bàn tay tôi chứa chan mộc dược.
mộc dược đầu ngón tay nhỏ giọt xuống then cài.
6 Tôi mở cửa cho người tôi yêu,
nhưng chàng đã quay đi khuất dạng.
Chàng đi rồi, hồn tôi như đã mất.
Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp,
tôi mãi gọi chàng, không một tiếng đáp!
7 Đang tuần tiễu trong thành, bọn lính gác gặp tôi.
Chúng đánh tôi đến mang thương tích;
quân gác đồn cướp cả áo choàng tôi.
8 Này thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, tôi van nài các bạn:
gặp người tôi yêu dấu, các bạn sẽ cho biết tin gì?
Xin cho nhắn rằng: tôi đang ốm tương tư.
ĐỒNG CA
9 Người cô yêu có gì hơn những chàng trai khác,
này hỡi trang tuyệt thế giai nhân?
Người cô yêu có gì hơn những chàng trai khác,
mà cô phải nài van như vậy?
NÀNG
10 Người yêu của tôi: khuôn mặt tươi sáng, nước da hồng hào,
nổi bật giữa muôn ngàn trai tráng.
11 Đầu chàng: khối vàng ròng tinh luyện,
mái tóc chàng gợn sóng nhánh cọ non,
đen huyền chim ô thước.
12 Mắt chàng nằm gọn giữa bờ mi,
như đôi bồ câu tắm bên dòng suối sữa.
13 Đôi má chàng tựa luống hoa thơm,
như vầng phương thảo.
Cặp môi chàng là đóa huệ thắm tươi,
chứa chan tươm mộc dược.
14 Đôi nắm tay như những trái cầu vàng
dát kim châu, bảo thạch.
Thân mình chàng tựa ngọc ngà nguyên khối
nạm đá quý xanh lam.
15 Đôi chân chàng như đôi trụ bạch ngọc
dựng trên đế vàng ròng.
Tướng mạo chàng tựa núi Li-băng,
kiêu hùng như ngàn cây hương bá.
16 Miệng chàng êm ái ngọt ngào,
cả con người những dạt dào hương yêu.
Người tôi yêu là như thế, tình quân tôi là như vậy,
hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem!
h. ds: hồn tôi xuất. Hàn Mặc Tử cũng sẽ viết: “Người đi, một nửa hồn tôi mất”, vì cuộc tình nào cũng trải qua giai đoạn này. Các nhà chú giải theo phép phúng dụ xem đây là hình ảnh tượng trưng cho giai đoạn lưu đày trong lịch sử Ít-ra-en, hoặc cho thời kỳ Thiên Chúa thử thách tình yêu và đức tin của Hội Thánh cũng như của người Ki-tô hữu.
k. Cô nàng ra đi hấp tấp, vội khoác một chiếc áo choàng, nên có thể bị nhận lầm là một cô gái giang hồ, do đó bị ngược đãi.
l. NÀNG chỉ còn cách quay về phía các bạn gái, xin “cho nhắn vài lời nhớ thương” đến CHÀNG.
n. Ban ĐỒNG CA, trong phần này, đóng vai trò dẫn nhập, bằng cách khiêu khích, thậm chí có lúc mỉa mai, để buộc NÀNG xác định tình cảm của lòng mình đối với CHÀNG, và càng nói mạnh hơn lên những gì nơi CHÀNG đã khiến cho NÀNG say đắm.
o. ds: hơn những người yêu khác.
p. Đoạn mô tả chân dung người yêu trong cc. 10-16, tuy có chỗ kỳ dị đối với chúng ta, nhưng lại phù hợp với các tiêu chuẩn thẩm mỹ riêng của phái nam (tướng mạo, mái tóc, “tu mi”). Xem chân dung bốn “ngôi sao” tiêu biểu trong Cựu Ước: Sa-un (1 Sm 9,2; 10,23-24), Đa-vít (1 Sm 16,12), Áp-sa-lôm (2 Sm 14,25-26), và thượng tế Si-môn (Hc 50,5-12). Kỳ dị hơn nữa là cách so sánh những nét tuấn tú của CHÀNG với những vàng, bạc, đá quý... Nên xem đó là một thứ ngoa ngữ làm thỏa mãn tình yêu của người con gái đang mơ ước mãnh liệt hình ảnh của người yêu: NÀNG tôn CHÀNG, ví như một pho tượng thần linh bên cường quốc láng giềng là Ai-cập. Một số các nhà chú giải thì chọn phép phúng dụ, chỉ dẫn độc giả hiểu rằng đó là những nét ám chỉ Đền Thờ Giê-ru-sa-lem (làm bằng vàng, bạc...), biểu trưng sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người.
q. ds: Mắt chàng như bồ câu trên hai bờ suối nước, tắm sữa, đậu trên vành khung! Bản dịch đây cố gắng diễn sao cho có ý nghĩa.
r. Hiểu là bộ râu quai nón được xức dầu thơm.
s. Hoặc đôi cánh tay như những cái ống bằng vàng.
t. Cũng sự quý chuộng núi Li-băng với rừng cây trên đó (x. 1,17+).
u. ds: cả con người chàng đáng yêu.
v. Chỉ có lần này, NÀNG gọi CHÀNG bằng tên gọi có gốc từ là bạn (x. 1,7+), trong lúc CHÀNG dùng từ đó gọi NÀNG luôn miệng (x. ch. 4).
v. CHÀNG không đợi mời lâu, và trong nguyên bản Híp-ri, tất cả các danh từ ở c. 1 này đều mang tiểu tố của anh, dành cho anh, nói lên một sự chiếm hữu độc quyền và trọn vẹn.
x. THI NHÂN khuyến khích tình yêu giữa CHÀNG và NÀNG hoặc giữa nam nữ nói chung, như thay mặt cho luật thiên nhiên được ghi khắc vào bản thể con người. Như thế, tác giả Dc xác nhận tình yêu nam nữ là một điều tốt đẹp, như đã được xác định ở St 1,27-28.31.
Ý nghĩa hiển nhiên của từ Híp-ri ăn và uống trong c. 1 này thuộc phạm vi tình ái: x. Cn 30,20; 9,17; Hc 26,12.
Kẻ si tình, ds: kẻ cưng (nhau).
y. Đoạn này cũng gồm hai phần: 1. Một giấc mơ của NÀNG triển khai chủ đề “có mặt – vắng bóng” người yêu (5,2-8); 2. Một cuộc đối thoại, trong đó đến phiên NÀNG ca ngợi vẻ đẹp của CHÀNG (5,9–6,3).
a. Chợt thức, không phải “(canh) thức”: NÀNG đã ngủ, nhưng vì lòng gắn bó với CHÀNG, nên đã thức dậy khi nghe CHÀNG đến gõ cửa. Khung cảnh như ở 3,1-4, nhưng thái độ NÀNG có khác.
b. Đây cũng là một chủ đề trong văn chương Ai-cập và thi ca cổ điển Hy-La.
c. Bốn tên gọi để kêu NÀNG dồn dập, khẩn thiết – tiếp theo đó là lời kể về mình, gợi lòng trắc ẩn của người yêu. Cùng với việc quay đi khuất dạng (c. 6), thái độ của CHÀNG trong bốn vế này cho thấy một nét rất tinh tế của tình yêu, làm nổi bật phản ứng của NÀNG.
d. Thẹn thùng? Hờn dỗi vì CHÀNG đến quá khuya (2eg)? Nũng nịu? Dù sao, cuối cùng, tình yêu vẫn mạnh hơn (4b và tt).
đ. ds: Quả nắm chốt then, có mộc dược nhỏ xuống: có thể hiểu là NÀNG đã xức mộc dược vào để đón CHÀNG; nhưng xác đáng hơn: chính CHÀNG đã xức vào để đến với người yêu, vì mộc dược tượng trưng cho tình yêu trong ngôn ngữ không lời giữa các tình nhân thời đó và nơi đó.
e. Giống như trò trẻ con, nhưng rất nghiêm nghị. Tác giả tạo được một mối căng thẳng, một cảm giác mất mát sẽ trở thành một động lực, như trong mọi trang tình sử.
g. Chàng đi rồi: từ gốc Híp-ri ở đây vừa có thể hiểu là “lời nói”, vừa có thể hiểu là “sự kiện, biến cố”; bản dịch chọn nghĩa thứ hai, và nói rõ sự kiện đó là “chàng đã quay đi”.