ĐỒNG CA
1 Trở lại, trở lại đi, này cô gái Su-la-mi hỡi,
trở lại, trở lại đi, cho chúng tôi nhìn ngắm dung nhan nàng!
Cô gái Su-la-mi múa nhảy giữa hai bè xướng ca đối đáp:
các bạn nhìn ngắm mà làm chi?
CHÀNG
2 Đẹp chừng nào, công nương hỡi,
gót sen thả nhẹ, đôi hài xinh xinh!
Lưng ong uốn mềm như chiếc vòng trang sức
bàn tay nghệ sĩ khéo tạc nên.
3 Rốn em tựa chung rượu tròn chẳng bao giờ cạn.
Bụng em như lúa mì vun lên đầy ắp, hoa huệ bao quanh.
4 Bộ ngực khác nào cặp nai tơ, cặp nai sinh đôi của nai mẹ.
5 Cổ em giống như ngọn tháp ngà.
Đôi mắt như mặt hồ Khét-bôn
bên cạnh cổng thành Bát Ráp-bim.
Mũi em tựa Li-băng ngọn tháp nhìn về hướng Đa-mát.
6 Trên thân mình,
đầu em đỉnh núi Các-men, tóc em một giải lụa hồng,
bềnh bồng sóng nước, xiềng xích quân vương.
7 Em xinh đẹp biết bao, kiều diễm biết chừng nào,
tình yêu ơi, em làm anh say đắm!
8 Dáng em, thân chà là, bộ ngực em, chùm quả.
Anh nhủ thầm:
9 thân chà là, mình sẽ trèo lên,
trái thơm ngon, mình sẽ tận hưởng.
Ước chi bộ ngực em là chùm nho chín mọng,
hơi thở em thoang thoảng mùi táo thơm,
10 và miệng em phảng phất men rượu nồng.
NÀNG
Rượu nồng thỏa mãn người tôi yêu,
êm êm chảy tới tìm đôi môi thiếp ngủ.
11 Tôi thuộc trọn về người tôi yêu,
cho lòng chàng cháy rực lửa thèm muốn.
12Này người yêu của em,chúng mình ra cánh đồng, anh nhé,
rồi ghé thôn làng, đêm nay mình nghỉ lại.
13 Sáng tinh mơ, mình sẽ đến vườn nho
xem nhánh nho đã đâm chồi,
nụ nho đã hé mở, và hoa lựu đã nở rồi hay chưa.
Bấy giờ em sẽ tặng chàng
muôn ngàn âu yếm, muôn ngàn yêu thương.
14 Ngải yêu đã tỏa hương ngào ngạt;
và trước cửa nhà mình, bao quả thơm trái tốt
từ đầu đến cuối mùa, em dành hết cho anh,
hỡi người em yêu dấu!
n. Câu này cường điệu giá trị của bản thân NÀNG, làm câu dẫn nhập vào phần mô tả sắc đẹp thêm một lần nữa. NÀNG ở đây mang tên cô gái Su-la-mi -gốc từ là “sa-lom” (bình an)-, không nên lẫn lộn với cô gái người Su-nam của vua Đa-vít về già (1 V 1,3). Vậy CHÀNG là “Sa-lô-môn” và NÀNG là “Su-la-mi”: xét về danh hiệu, họ thật là xứng đôi vừa lứa!
o. Câu hỏi này có thể là của THI NHÂN. Vây quanh một cô gái đang múa vũ điệu dân gian của người Do-thái, là hai nhóm người: có thể là hai bè xướng ca, có thể là “hai hàng người cùng múa”.
p. Về cách dùng hình ảnh và nêu từng nét ngoại hình, bài ca này song đối với 5,10-16 (NÀNG tả vẻ đẹp của CHÀNG). NÀNG ở đây đang múa, nên không lạ gì những lời miêu tả về NÀNG bắt đầu từ đôi chân rồi mới đi ngược lên tới đầu. Thứ tự này đối ứng với cách nhìn địa dư Pa-lét-tin: đi từ miền Nam ngược lên miền Bắc (c. 5). Do đó, những dịch giả theo phép phúng dụ hiểu đây là đoạn nói về Đất Hứa; trở lên phần đầu bài ca (6,4bc), có thể hiểu là nói về việc tái thống nhất Đất Hứa. Thật ra, bản tình ca nào, bài thơ nào cũng mang tính chất bí nhiệm, nhiều thâm ý, nhiều ẩn tình; bài này lại thêm nặng về âm tiết, hình ảnh. Vậy không nên gò ép nó vào một mẫu phúng dụ nhất định, cứng nhắc.
r. Phải công nhận rằng các hình ảnh được gợi lên ở cc. 3-6 (rốn, bụng, v.v...) có khi làm người đọc thời nay mất hứng, và các ẩn dụ không tự nhiên lắm. Óc thẩm mỹ của người Do-thái thời đó, cũng như những điểm nằm sau các hình ảnh ấy, hãy còn xa lạ đối với chúng ta.
s. Rượu và hoa huệ: x. 1,2+ và 2,16+.
u. Cả hai phần tình ca của CHÀNG (6,4-10 và 7,2-10) đều dùng những nét đẹp của đất nước Pa-lét-tin để nói lên sắc đẹp của người yêu. Thật ra, những ngọn tháp, mặt hồ, cổng thành ở đây đều rất mơ hồ, gợi ý về một sắc đẹp có tính chất không tưởng, lý tưởng, hơn là khoa học, lịch sử. X. “cõi thiên thai”, “làn thu ba” trong thi ca Việt Nam, và “bồng lai cực bắc” trong Tv 48,3.
v. “Như núi Thái Sơn”, trong văn chương Trung Hoa và Việt Nam, chỉ về tính chất cao cả, vô biên, còn tựa đỉnh núi Các-men của văn chương Híp-ri thì chỉ về tính kiên cố, vì núi Các-men là mũi nhọn duy nhất nhô ra Địa Trung Hải, chống chọi với sóng gió. Vả lại miền núi ấy có thảo mộc phong phú (x. Is 35,2), tạo nên hình ảnh mái tóc đẹp của NÀNG (c. 6cd); mái tóc: ds là cái rủ xuống từ đỉnh đầu.
x. Quân vương đây là chính CHÀNG: x. 1,4+.
y. Tình yêu ơi: tác giả nhân cách hóa tình yêu; cũng có thể nói NÀNG là hiện thân của tình yêu.
Em làm anh say đắm: diễn dịch một từ Híp-ri duy nhất, ds là đắm chìm trong khoái cảm.
a. Chà là, từ Híp-ri là “ta-ma”, biểu tượng cho “khách má hồng”. Trong Kinh Thánh, có ba người đàn bà tên là Ta-ma: St 38,6; 2 Sm 13,1; 14,27; hai xuất xứ cuối ghi rõ đó là đàn bà đẹp.
b. Cả đoạn cc. 7-11 rất đậm màu sắc dục. Táo và rượu: x. 1,2+ và 2,3+.
c. Sau khi tiếp lời CHÀNG, hiệp thông trong một niềm say đắm, giọng điệu rất ư phong tình (c. 10bc), NÀNG dùng lại từ thèm muốn của St 3,16, nhưng lại đảo ngược tư tưởng của câu này. Theo St 3,16, Thiên Chúa “trừng phạt” cặp nam nữ nguyên thủy bằng cách khiến cho người nữ “thèm muốn” người nam và người nam “thống trị” người nữ; ở đây, không còn có vấn đề ai thống trị ai, nhưng một tương quan mới lại xuất hiện: người nam thèm muốn người nữ, và nàng thuộc trọn về chàng, một cách an lành, đằm thắm.
d. Phần tình ca này (7,12-14) là lời mời gọi của chính NÀNG, cũng gợi tả cảnh trời xuân như ở 2,10-14. Những hình ảnh điển hình rất gợi tình mà CHÀNG đã nêu ra trước đó như ngỏ ý với NÀNG (6,11), thì NÀNG lấy lại để mời đón, khẳng định sự ưng thuận của mình: Bấy giờ em sẽ tặng chàng... em dành hết cho anh (cc. 13-14).
Cánh đồng: nơi gặp gỡ, hẹn hò tình tứ, trong thi ca Ai-cập cũng như Việt Nam.
đ. Ngải yêu: tên trong các tự điển là “ngải sâm” hoặc “khoai ma”. Nhưng vì loại cây này được coi như có tác dụng kích dục và làm tăng tính phồn thực (x. St 30,14-16), và cũng vì tên Híp-ri của cây này có gốc từ dịch nghĩa là cưng, nên đã chọn dùng từ ngải yêu của bản dịch Nguyễn Thế Thuấn. Vế này cho thấy NÀNG “ra hiệu” thật rõ ràng, củng cố mạch ý của hai vế trước.
e. Từ đầu đến cuối mùa: có bản dịch là mới và cũ. Dịch theo nghĩa nào cũng được, vì trong ngôn ngữ Híp-ri, hai thái cực chỉ toàn bộ sự vật nằm giữa hai thái cực đó. Dùng từ như thế là một cách nhấn mạnh hai vế trên và dưới: tất cả những quả thơm trái tốt, NÀNG dành hết cho CHÀNG.